Vàng Son Thạch Thủy Khí

Tập truyện ngắn mới của Võ Thị Xuân Hà

Công ty Truyền thông Hà Thế liên kết NXB Hội Nhà văn

Biên tập: Tạ Duy Anh

Bìa: Nguyễn Anh Vũ

Khổ 12×20

Lao Động Cuối tuần số 20 Ngày 30/05/2010, tác giả Y Trang khi giới thiệu truyện ngắn Vàng Son Thạch Thủy Khí, đã viết:

“Hình như mỗi gia tộc ở đất Thần kinh – dù vương hầu khanh tướng hay sa cơ, mạt vận – tất thảy đều có một nỗi niềm không giống bất cứ nơi nào trên đất nước mình.

Nhiều người xứ Huế thường hay quay đầu về núi, về với quá khứ, dĩ vãng dù có thể chẳng mấy vàng son. Kể cả những người đầy Nhân, đầy Trí (chẳng rõ cụ Khổng, cụ Mạnh hay cụ nào ở Trung Hoa xưa nói người Nhân thích (hợp) với núi, người Trí hợp với nước).

Tôi đồ rằng, Võ Thị Xuân Hà đang trong thời viết rất chi là “vàng son”, nhiều truyện ngắn rất “kết” (xin mở ngoặc ngay, truyện ngắn dĩ nhiên không phải là ngôi mộ để có kết hay không kết).

Dù vậy cũng đã hơi lâu, Võ Thị Xuân Hà không mượn Huế quê mình để lấy làm phông, làm nền cho truyện ngắn.

Đọc “Vàng son” bỗng dưng lại nhớ thơ Hàn Mặc Tử về Vĩ Dạ – cũng đúng là quê gốc của Võ Thị Xuân Hà – “Mơ khách đường xa, khách đường xa…”. Truyện ngắn này cũng thế, nhiều giấc mơ giữa hư và thực, xa và gần…

Minh họa truyện ngắn Vàng Son Thạch Thủy Khí của họa sĩ Đỗ Phấn

Nhà thơ Lê Minh Đạt:

“Đọc Vàng Son Thạch Thủy Khí ngỡ toàn mùi mộ, nào hay mùi mưa than lê thê, mùi tôn nữ thủy tinh, mùi ly hợp mặn ngọt, quá vãng thế thời gia tục, chúng sinh phật độ… mới rực rỡ và lay động. Truyện lạ!”

Y Trang viết về truyện ngắn Khúc cầm nam(*):

“Là kẻ ngoại đạo về âm nhạc, tôi không rõ Võ Thị Xuân Hà sao không gọi “Khúc nam cầm” mà lại là “Khúc cầm nam”. Nhà văn, nhà thơ dùng chữ nghĩa hẳn đều có dụng tâm, dụng ý, nên cứ phải “kính nhi” chăng?

Truyện ngắn này rất thơ. Nó có vẻ khác với dòng truyện ngắn gần đây của tác giả. Nhưng Võ Thị Xuân Hà đã từng làm thơ, chắc vẫn âm thầm làm thơ nên tôi không ngạc nhiên.

Lại nữa, tác giả quê xứ Huế, đã đưa hình ảnh, phong vị Huế vào truyện ngắn của mình không ít. Mà Huế cũng dễ đưa chúng ta vào sương khói lịch sử, huyền thoại. Tác giả nói với tôi, viết truyện ngắn này vì nhớ thương người mẹ… Nỗi niềm ấy càng xót xa hơn khi mỗi chúng ta khi đã đủ lớn (tuổi) và “sợ mai ngày tóc sương thêm trắng…”

Nhưng đây chỉ là phụ chú, chứ không cần giải thích hoặc nói gì thêm về câu chuyện tác giả muốn nói với chúng ta…”


Minh họa của họa sĩ Lê Thiết Cương

13 truyện ngắn trong tập Vàng Son Thạch Thủy Khí của nhà văn Võ Thị Xuân Hà đa phần thiên về bút pháp hiện thực huyền ảo, mà chủ cốt là vấn đề triết lý nhân sinh thông qua cách nhìn thế giới tâm linh của tác giả.

Duy nhất có một truyện theo hướng hiện thực trào phúng, đó là Câu chuyện về một gã trộm và một nhà văn. Đọc xong, độc giả có thể mỉm cười, cũng có thể cõi lòng chua chát…

* Nam cầm – đàn Nam, tương truyền là một nhạc khí dùng trong Nhã nhạc cung đình Huế tồn tại chưa đầy một trăm năm đã mất tích. Theo nhà nghiên cứu Bửu Cầm, người chế tác ra nhạc khí này là Nguyễn Phúc Dục, một vị hoàng thân đời Nguyễn, chúa Diệu Tông (1765-1777).

Hà Thế giới thiệu

Exit mobile version