Năm 2011 đã khép lại. Một năm, theo cái đọc và cái nghĩ chủ quan của tôi, không thể nói là năm bội thu của văn chương Việt Nam nói chung và văn xuôi nghệ thuật Việt Nam nói riêng. Có bao nhiêu tác phẩm đã thực sự tạo ra dư chấn trong các giới bạn đọc? Trong số đó, liệu sẽ có bao nhiêu tác phẩm vượt qua được sự sàng lọc của thời gian, dù chỉ là khoảng thời gian ngắn ngủi từ năm nay đến năm sau?

Quan sát theo kiểu ghi nhận hiện tượng một cách đơn giản, ta dễ thấy một điều: sự vắng mặt đến đáng ngạc nhiên của các tác giả (tạm gọi là) trẻ. Năm 2011 không phải năm thuận lợi để các cây bút văn xuôi trẻ đồng loạt lên tiếng, làm nên những cuộc biểu dương lực lượng ồn ào như mấy năm gần đây chăng? Họ vẫn đang âm thầm viết, và chỉ năm sau, năm sau nữa, sẽ cho ra mắt tác phẩm của mình chăng? (Tôi bỏ qua tập truyện ngắn ở lưng chừng nhìn xuống đám đông của tác giả Nguyễn Vĩnh Nguyên, vì sự ồn ào xung quanh tác phẩm này thực ra là câu chuyện nằm ngoài lĩnh vực văn chương).

Tạm gác việc trả lời những câu hỏi này sang một bên, ta sẽ ghi nhận hiện tượng tiếp theo: đáng kể hơn cả trong văn xuôi Việt Nam năm 2011 có lẽ lại là tác phẩm của những cây bút đã qua ngưỡng tri thiên mệnh, thậm chí có người tuổi gần bát thập. Đó là nhà văn Nguyễn Xuân Khánh với tiểu thuyết Đội gạo lên chùa (NXB Phụ nữ), nhà văn Hồ Anh Thái với SBC là săn bắt chuột (NXB Trẻ). Và sau cùng là nhà văn họa sỹ Đỗ Phấn, tác giả của hai tiểu thuyết xuất bản gần như cùng lúc, Chảy qua bóng tối (NXB Trẻ) và Rừng người (NXB Phụ nữ).

Với Đội gạo lên chùa, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh một lần nữa lại khiến những độc giả yêu mến ông phải khâm phục trước sức nghĩ, sức viết của một tác giả cao niên. Ngót 900 trang sách khổ 19 x 20,5 cm, chỉ xét về dung lượng thôi, phải nói rằng Đội gạo lên chùa thuộc loại tiểu thuyết dễ khiến những người đọc thiếu kiên nhẫn phải nản lòng. Cũng may là nhà văn không chọn cách viết đánh đố thiên hạ. Đơn giản, ông chỉ kể chuyện, có lớp có lang, dẫn dắt mạch lạc, diễn giải kỹ càng, từng bước từng bước đưa chúng ta vào thế giới của Phật giáo Việt Nam.

Ông nói với chúng ta về tác động của tư tưởng Phật giáo tới văn hóa lối sống của con người Việt Nam trong trường kỳ lịch sử, ngắn gọn hơn, về Phật tính trong văn hóa Việt (giống như ông từng nói về Mẫu tính trong tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn trước đó). Lấy làng Sọ – một làng mang đậm những nét đặc trưng của không gian làng vùng đồng bằng Bắc Bộ, nơi có ngôi chùa làng vừa như là nạn nhân vừa như là chứng nhân của những thăng trầm lịch sử – làm bối cảnh diễn ra những sự kiện tiểu thuyết, Nguyễn Xuân Khánh đã cho thấy khá rõ tính chất luận đề của tác phẩm. “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên”. Sống giữa cõi trần vui với Đạo hãy tùy theo hoàn cảnh – chính là với nguyên tắc hành Thiền đã kịp trở thành triết lý ứng xử này mà ngôi chùa nhỏ bé của làng Sọ vẫn cứ tồn tại dai dẳng trên lớp sóng thời gian, cho dù có phải trải qua những cơn rung lắc dữ dội khủng khiếp nhất (dưới chính quyền tề ngụy thời Tây chiếm đóng, rồi dưới thời cải cách ruộng đất). “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên” với lời dạy của Phật hoàng Trần Nhân Tông trong bài Cư trần lạc đạo phú, dường như Nguyễn Xuân Khánh đã phát lộ một bí mật làm nên khả năng trường tồn của dân tộc? Tuy nhiên, sức hấp dẫn thực sự của tác phẩm, theo tôi, lại không nằm ở phần mà tác giả đã dành nhiều mối quan tâm nhất.

Theo quán tính của một thứ tạng văn gắn với “dòng mẫu hệ” như đã được thể hiện rất rõ trong Mẫu thượng ngàn – Nguyễn Xuân Khánh tỏ ra thành công hơn nhiều khi viết về những người đàn bà – người sinh thành ra bản thân sự sống. Bà cụ Thầm, cô Rêu, bà Nấm, bà Thêu, cô Mai, chị Thì, chị Xim… mỗi người đàn bà trong Đội gạo lên chùa hầu như đều là một chân dung sắc nét, một nguồn năng lượng sống được dồn nén đến cực độ, chỉ chờ dịp để bung phá, tuôn trào. Họ ý thức rất rõ vẻ đẹp và sức mạnh giới tính của mình, họ dùng nó để đấu tranh quyết liệt với hoàn cảnh chứ không nương theo hoàn cảnh, không “tùy duyên”, và vì thế mà họ trở nên sống động, cái sống động của hành vi lấy chính cuộc đời để xây dựng triết lý, không phải lấy triết lý có sẵn để đúc nên số phận cuộc đời.

Nói chung, Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, đặt trong bối cảnh của tiểu thuyết Việt Nam hiện nay, có một vài điểm đáng chú ý. Thứ nhất, nó cho thấy rằng một lối viết đặc sệt cổ điển vẫn có thể làm nên một tác phẩm hay. Vấn đề nằm ở nội lực văn hóa và khả năng sáng tạo của người viết chứ không phải ở những thứ “isme” thời thượng nào đó. Thứ hai, một cách ngẫu nhiên, nó chỉ ra một mảng trống của văn học Việt Nam: tiểu thuyết phong tục – văn hóa. Phong tục – văn hóa có thể là “nhân vật chính” của tiểu thuyết, chứ không chỉ là cái phông nền hay những nét điểm xuyết nào đó trong tác phẩm, tại sao không? Điều này đã được sự thành công của dòng tiểu thuyết phong tục – văn hóa trong văn học Trung Quốc hiện đại minh chứng, và cũng chính là điều mà Nguyễn Xuân Khánh làm được qua tiểu thuyết Mẫu thượng ngàn, rồi bây giờ là tiểu thuyết Đội gạo lên chùa.

Nếu cuốn Đội gạo lên chùa của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chỉn chu, nghiêm ngắn bao nhiêu, thì cuốn SBC là săn bắt chuột của nhà văn Hồ Anh Thái lại tưng bừng, náo nhiệt bấy nhiêu. Giọng điệu của tác phẩm là hài hước, chế giễu; và nhại, đó chính là thủ pháp chủ đạo mà Hồ Anh Thái đã sử dụng trong cuốn tiểu thuyết của mình. Nhại tên tác phẩm, nhại hành động của nhân vật, nhại ca khúc nghệ thuật, nhại ca dao tục ngữ v.v… dường như tác giả không buông tha bất cứ thứ gì.

Nhưng chính vì thế mà ông đã dựng lên được một thế giới dị thường, thế giới của cuộc đấu tranh sinh tử giữa người và chuột, cũng là một thế giới mà vài ánh phản chiếu của nó không khỏi khiến chúng ta, những người đọc, phải nhìn lại cái thực tại mà chúng ta đang sống, thực tại quanh ta, trong ta. Đó là một xã hội thị dân với những gương mặt thị dân đặc trưng (ông Cốp, Đại Gia, Luật Sư, Giáo Sư, Thư Ký, cô Báo, chú Thơ…) đang quay cuồng sôi sục trong nồi lẩu của những mưu mô về đất cát, những dự án, những tiền, những quyền, những danh, những dục v.v… Cái xấu, cái giả, cái rởm đời đang phổ biến trong đời sống, và tệ hại nhất, là chúng đang lộng hành dưới ánh mặt trời nhân danh cái đẹp, cái thật, cái tử tế. Đối cực với xã hội thị dân này là xã hội của loài chuột. Tuy tồn tại chui nhủi trong bóng tối, nhưng chúng ngăn nắp, có trật tự kỷ cương, trên dưới phân minh, và ít ra khi cần thiết còn biết hành xử theo nguyên tắc của cái cao thượng, cái hào hùng bi tráng. Đoạn văn tả cảnh tuẫn tiết tập thể của đàn chuột ở cuối tác phẩm, oái oăm thay, lại chính là đoạn văn đẹp duy nhất, nghiêm túc duy nhất trong toàn bộ cuốn tiểu thuyết viết về cái nhếch nhác.

Nhà văn kỳ cựu Ma Văn Kháng đã không tiếc lời khen tác giả của SBC là săn bắt chuột: “… viết mà như không viết, dồn nén mà thanh nhàn hóm hỉnh, căng thẳng mà an nhiên đủng đỉnh, đụng chạm tới cùng cái thô bỉ mà không dung tục suồng sã, bề ngoài chờn vờn mà thâm sâu ẩn ức, vẻ như bỡn cợt mà nghiêm cẩn chua cay. Không có cuộc đời, không có một bản lĩnh văn hóa, tài năng thiên biến và rung động sâu xa về cái đẹp, khó mà viết được như thế!”. Một cuốn tiểu thuyết như vậy, theo tôi, có thể đáp ứng được nhu cầu của nhiều giới độc giả. Nó là tiểu thuyết để giải trí, nhưng không chỉ là để giải trí bằng tiếng cười không tải. Và vì thế tôi coi đó là một trường hợp đáng chú ý của văn xuôi Việt Nam 2011.

Tác phẩm của Đỗ Phấn là trường hợp đáng chú ý theo một cách khác. Xuất thân là họa sỹ chuyên nghiệp, mãi tới năm 2005, khi 50 tuổi, Đỗ Phấn mới trình diện làng văn bằng tác phẩm đầu tay: tập tản văn Chuyện vãn trước gương (NXB Hội Nhà văn). Kể từ đó ông liên tục ra sách: các tập truyện Kiến đi đằng kiến (NXB Phụ nữ, 2009), Đêm tiền sử (NXB Hội Nhà văn, 2009), Thác hoa (NXB Quân đội nhân dân, 2010), tiểu thuyết Vắng mặt (Bách Việt và NXB Hội Nhà văn, 2010).

Và năm 2011 là hai tiểu thuyết Chảy qua bóng tốiRừng người. Với hai tiểu thuyết này, Đỗ Phấn đã khai mở trước chúng ta, từ cái nhìn và sự cảm nhận của riêng ông, những phương diện khác nhau của đời sống đô thị, của xã hội thị dân hôm nay, cụ thể là của Hà Nội. Không xoáy vào khai thác rồi chế giễu đến độ tai ác những cái giả, cái xấu, cái rởm của mảng hiện thực này như Hồ Anh Thái, Đỗ Phấn chỉ trách nhẹ, rồi ngậm ngùi.

Cuộc sống chuyển vần đến chóng mặt, con người của cấu trúc xã hội cũ, của hệ giá trị cũ xót xa trước sự mất đi không cưỡng lại của thế giới mà mình từng thân thuộc gắn bó. Anh ta nâng niu những mảnh vỡ còn sót lại, mang mang nhớ tiếc cái đã và đang trở thành quá vãng. Những nhân vật trung tâm trong tác phẩm của Đỗ Phấn – lão già mù làm nghề bẫy chim trong Chảy qua bóng tối, anh chàng thiết kế đồ nội thất trong Rừng người – trước hết, là những con người như vậy. Họ giữ lại và thực hành, cho mình, một cách thế ứng xử có phần lạc lõng giữa cái ngày hôm nay tất bật, xô bồ. Họ kỹ tính đến mức cầu kỳ trong cách hưởng thụ cuộc sống, dù là một cuộc sống chẳng có gì để gọi là dư dả. Trước những thay đổi đang diễn ra cuồng loạn, tuy không tới nỗi khép mình trước nó, song rốt cuộc thì họ cũng chẳng thể nào hòa nhập được với nó; nói cách khác, với họ, nó luôn là thứ dị kỷ.

Trong Rừng người, hình ảnh của những dòng người chen chúc trên cầu, trên đường phố – hình ảnh đặc trưng cho diện mạo đô thị hôm nay – hiện lên như một ám ảnh không dứt với nhân vật. Nó gợi liên tưởng tới những rừng cây, cây nọ đứng sát sạt cây kia. Nó trở đi trở lại: “Rừng cây, rừng người. Chặt cây phá lối đi qua một rừng cây. Phía bên kia lại bắt gặp rừng người. Chen chúc mà đi. Vòng quanh… vòng quanh. Rừng người bất tận…”.

Nhân vật của Rừng người như lạc giữa cánh rừng cây – người đó. Là một cái cây, vừa bị lọt thỏm lại vừa bơ vơ, chia cắt. Trong Chảy qua bóng tối, lấy sự cảm nhận của một người mù làm căn cứ cho những mô tả đời sống đô thị trong thực tại, Đỗ Phấn càng làm rõ hơn cái khoảng trống, độ chênh, sự khác biệt giữa đời sống đô thị trước kia và đời sống đô thị hiện nay, cũng như những vết hằn của nó trong tâm lý con người. Cái xóm ven sông, trên vùng đất bãi bồi của lão già mù làm nghề bẫy chim ấy, cái không gian đô thị còn tranh chấp, nơi trước kia thiên nhiên tươi đẹp ùa vào, tràn ngập, thì nay thiên nhiên chỉ còn thoi thóp.

Trong cả hai cuốn tiểu thuyết của Đỗ Phấn, thiên nhiên luôn được hình dung như là cái đối trọng với đô thị nhiễu loạn. Những đoạn miêu tả thiên nhiên ở đây – dù là thiên nhiên được nghe bằng tai hay thiên nhiên được nhìn bằng mắt – đều là những đoạn có thể gọi là mỹ văn. Chúng phát lộ ở Đỗ Phấn cái phẩm chất cảm nhận thế giới riêng có của một nghệ sỹ tạo hình, đồng thời, một sự nhạy cảm đến độ với ngôn từ tiếng Việt – điều đang có nguy cơ bị nhiều người viết văn hiện nay coi nhẹ. Tóm lại, đọc hai tác phẩm của Đỗ Phấn, chúng ta có thể đồng tình hoặc phản bác cách kiến giải của tác giả, song khó tránh khỏi việc phải suy nghĩ trên những vấn đề ông đặt ra. Và đó là điều đáng chú ý ở hai tiểu thuyết này.

Xin nhắc lại, trong cái đọc và cái nghĩ của tôi, đáng kể trong văn xuôi nghệ thuật Việt Nam năm 2011 chỉ có bấy nhiêu đó, ba tác giả và bốn cuốn tiểu thuyết. Những tác giả đã có thừa sự trải nghiệm với cuộc đời, có thừa sự lão thực. Không có, hoặc thiếu (có thể tôi sai, tại sao không?) sự hiện diện của những tác giả trẻ với tinh thần khám phá, sáng tạo hừng hực. Năm 2011, một năm ngủ đông của văn xuôi trẻ, hay nói cách khác, một năm củ mật của văn xuôi già. Dẫu sao thì nhờ thế mà chúng ta cũng không thể kết luận đơn giản rằng văn xuôi 2011 là không có gì

Hoài Nam

Nguồn: CAND.

Exit mobile version