Văn đàn hiện nay đang chứng kiến sự trình hiện khá ấn tượng của những cây bút văn xuôi trẻ (thế hệ 8x, 9x) giàu nội lực, đang dần định hình phong cách, rất nhiều người trong số họ đã được vinh danh tại những cuộc so tài văn chương uy tín.
Chẳng hạn, Nguyễn Thị Kim Hòa giành giải nhất, Đinh Phương giải nhì, Hương Thị và Cao Nguyệt Nguyên giải Khuyến khích tại cuộc thi truyện ngắn Tạp chí Văn nghệ Quân đội 2013-2014; hay Nhật Phi giành giải nhất tại cuộc thi Văn học tuổi 20 lần V (trao giải năm 2014); hay Chu Thanh Hương giành giải nhất và giải ba tại cuộc thi viết tiểu thuyết, truyện và ký đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống” do Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam phối hợp tổ chức năm 2007-2010 và năm 2012-2015… Ngoài ra là An Khang, Hamlet Trương, Phan Ý Yên, Hồng Sakura – tác giả của những đầu sách được định danh là “văn học thị trường” với số lượng phát hành hàng chục nghìn bản. Rồi rất đông những gương mặt trẻ đang dần khẳng định tiếng nói văn chương trên văn đàn như: Linh Lê, Lý A Kiều, Nguyễn Văn Toan, Nguyệt Chu, Chu Thùy Anh, Dương Hằng, Bùi Bích Phương, Hân Như, Nguyễn Thu Thủy (Hà Nội), Tiểu Quyên, Văn Thành Lê, Lưu Quang Minh (TP Hồ Chí Minh), Dương Giao Linh (Quảng Ninh), Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang (Huế), Trác Diễm (Quảng Bình), Chu Thị Minh Huệ, Lục Mạnh Cường (Hà Giang), Trần Thái Hưng (Hải Phòng), Kiều Duy Khánh (Sơn La), Phạm Thị Thúy Quỳnh (Hòa Bình), Nguyễn Luân (Lạng Sơn)…
Không chiến thuật, chiêu trò gây “sốc”, từ chối những chủ ý gây tạo ồn ào bên ngoài trang viết… là đặc điểm dễ nhận thấy trong bức tranh văn xuôi trẻ hiện nay. Về vấn đề này, Văn Thành Lê phát biểu: “Tiếng nói của người viết thể hiện rõ nhất trong tác phẩm của họ. Lặng lẽ viết là cách người viết thể hiện mình ồn ào nhất, hơn bất cứ sự ồn ào nào”. Đồng quan điểm này, Hoàng Công Danh nói: “Chỉ cần thi thoảng mình trình hiện bằng tác phẩm ở đâu đó, thế là đủ rồi”. Nguyễn Thị Kim Hòa cũng cho rằng: “Giải thưởng, nổi danh, chỉ nên là động lực chứ không nhất định sống chết đuổi theo nó như một mục tiêu. Cốt yếu nhất của người viết vẫn là tác phẩm. Tác phẩm mới định danh anh là nhà văn hay không”.
Có một nghịch lý khá thú vị là những người viết văn trẻ đang cầm bút trong thời đại được gọi là thời của “fastfood” (thức ăn nhanh), cái đọc, cái viết theo đó cũng hướng đến tiêu chí nhanh và tiện, nhưng hiện tại, những cây bút truyện ngắn đã thành danh như: Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Đình Tú, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Điệp, Phan Hồn Nhiên… thì rẽ sang hướng tiểu thuyết, những cây bút truyện ngắn mới nổi lên như Tống Ngọc Hân, Đinh Phương, Văn Thành Lê… cũng nhanh chóng bập vào tiểu thuyết, những tác giả rất trẻ như Nhật Phi, Trác Diễm, Phạm Bá Diệp… thì chọn trình làng những tác phẩm đầu tay cũng là tiểu thuyết. Phải chăng, vì những cái viết ngắn đến lượt lại không đủ thỏa mãn bộ phận người đọc tinh hoa muốn được phiêu lưu dài hơi trong sự đọc, sự nghĩ, sự thưởng ngoạn thẩm mỹ? Hay vì những người viết văn trẻ muốn tìm đến tiểu thuyết để vừa thử sức, vừa bung trổ, khẳng định sức vóc văn chương của chính mình?
Thường tác phẩm của những người trẻ là những trang “chuyện đời tự kể”, bởi “trẻ” thì đương nhiên chưa nhiều vốn sống trải nghiệm thực tế. Tuy nhiên, ngày nay các tác giả trẻ luôn nỗ lực chuyên nghiệp hóa ngòi bút của mình, họ tự làm đầy vốn sống bằng tri thức sách vở, và đặc biệt là bằng khả năng hư cấu, tưởng tượng. Về câu chuyện này, Hoàng Công Danh chia sẻ: “Viết văn xuôi tất yếu phải hư cấu, tưởng tượng. Vấn đề là anh phải hư cấu, tưởng tượng như thế nào để người đọc không thấy câu chuyện anh kể bị giả tạo, sống sượng. Bản thân tôi thích đọc truyện của những người viết biết hư cấu hơn là “tự ăn mình”, hoặc kể chuyện thật thà, kiểu thấy gì kể nấy. Sức tưởng tượng như một lực hấp dẫn để người ta được phiêu lưu cùng/trong chữ, cả về phía người viết lẫn người đọc. Tuy nhiên, dù nhà văn có “chuyên nghiệp” đến đâu, trí tưởng tượng của anh ta có phong phú đến mức nào, thì sản phẩm tưởng tượng của anh ta cũng phải ít nhiều dựa trên những gì anh ta trải nghiệm, có thể là trải nghiệm trực tiếp từ thực tế, có thể là trải nghiệm gián tiếp qua sách báo. Bởi hư cấu khác với bịa đặt”.
Đang có sự phân hóa thành hai dòng rõ rệt trong đời sống văn trẻ, một bên là tác phẩm đậm đặc bản sắc vùng miền, dân tộc (như Gia tộc ăn đất của Lê Minh Nhựt), một bên là tác phẩm mà cái gọi là bản sắc vùng miền, dân tộc gần như bị tẩy trắng (như Người ngủ thuê của Nhật Phi, Nhụy khúc của Đinh Phương). Nhật Phi cho biết quan niệm của mình về vấn đề này như sau: “Khi viết, tôi chủ đích tẩy trắng những yếu tố địa phương trong tác phẩm, bởi lẽ tôi muốn nêu lên vấn đề mang tính phổ quát, không thuộc riêng về một vùng miền, một dân tộc nào cả. Trong thời đại thế giới “phẳng”, chúng ta đang ghi nhận những đan xen, hòa trộn văn hoá, và những vấn đề được coi là toàn cầu. Vậy nên xu hướng bão hòa bản sắc vùng miền, dân tộc trong văn chương hiện đại là bình thường, nhất là khi ngày càng có nhiều hơn các tác giả tới từ các thành phố lớn, nơi chộn rộn quá nhiều sắc màu, và không những thế, do có điều kiện, có khả năng nên nhiều trong số họ còn mang tâm thế của chủ thể công-dân-toàn-cầu”.
Trong thời đại kỹ trị, văn hóa vật chất, tiêu dùng lên ngôi, con người, nhất là giới trẻ, ngày càng sống thực dụng hơn, “vội vàng” hơn… thì sự xuất hiện và bền bỉ dấn thân của một lực lượng đông đảo người viết văn trẻ là một tín hiệu đáng mừng. Họ biết tận dụng lợi thế của người trẻ để sáng tạo và bứt phá. Họ nói không với những ồn ào, lặng lẽ cần mẫn gieo cấy trên cánh đồng chữ nghĩa. Viết là cách để những nhà văn trẻ trình hiện tư cách công dân – nghệ sĩ của mình trước cuộc đời, để họ và những bạn đọc của họ cùng cảm nhận cái bí ẩn của tình yêu nghệ thuật, cùng thụ hưởng cái đẹp phi vật chất, cùng hướng đến kiến tạo một cuộc sống đẹp hơn.
Nguồn: QĐND (Hoàng Đăng Khoa)