Lã Nguyên có bài viết  “Văn xuôi Hậu hiện đại Việt Nam: quốc tế và bản địa, cách tân và truyền thống” (Nghệ thuật mới số12-2012) với một góc nhìn khá mới mẻ, nhiều tham vọng hướng đến lý giải một vấn đề khá “gây cấn” của văn học đương đại. Bài báo có nhiều gợi ý đáng suy nghĩ nhưng cũng có những “điểm mờ” mà người đọc  muốn trao đổi.

1- Vấn đề tác giả đặt ra khá lớn liên quan đến cả nền văn xuôi Việt suốt một thời kỳ nhưng quanh đi quẩn lại chỉ có ba tác giả được nhắc đến, Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài và Đặng Thân.

Trên bình diện thao tác luận, người đọc thấy  nói về một dòng văn chương lớn của nền văn học đất nước  với nhiều đặc điểm phức tạp mà quanh quẩn ở vài ba tác giả chưa thật tiêu biểu cho dòng văn đó, cùng sự tập trung vào một tác phẩm chưa  được đánh giá thống nhất (tác phẩm 3.3.3.9 Những mảnh hồn trần), cho thấy  đề bài của tác giả là một khái quát vội.

Các khuynh hướng tiếp nhận ảnh hưởng Chủ nghĩa hậu hiện đại trong nền văn học Việt Nam đương đại khá đa  dạng. Có thể là tự giác, các tác giả sáng tác có chủ đích viết theo những cảm thức, xử dụng có dụng công các thủ pháp nghệ thuật Chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng cũng có thể là tự phát do ảnh hưởng gián tiếp qua khí quyển đời sống văn hoá cộng đồng trong thời kỳ hội nhập mà các thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại đã thẩm thấu tự nhiên vào tác phẩm của các tác giả dưới dạng một vài yếu tố.

Trên văn đàn, công chúng đều thấy  dấu vết hậu hiện đại có ở hầu hết các thể loại. Hoặc đã trở thành những thủ pháp nghệ thuật xử dụng quen, góp phần tạo nên phong cách, hoặc chỉ dừng lại như những yếu tố, những “giọt  hậu hiện đại” (chữ dùng của Hoàng Ngọc Hiến). Cho đến nay đã có hàng trăm tác giả và tác phẩm chịu ảnh hưởng của khuynh hướng này. Riêng về văn xuôi, độc giả hay nhắc đến: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Nguyễn Bình Phương, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Bảo Ninh, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Ngọc Tư, Võ Thị Xuân Hà, Lê Anh Hoài, Nguyễn Đình Chính, Phong Điệp, Phùng văn Khai, Sương Nguyệt Minh, Di Li, Y Ban… (về thơ số lượng còn nhiều hơn).

Tuy nhiên khảo sát kỹ, chúng ta thấy sự ảnh hưởng và thành công của các  tác giả, tác phẩm có nhiều mức độ.

Mức độ thứ nhất, chịu ảnh hưởng nhưng chủ yếu trên các phương diện quen thuộc (đã có từ thời hiện đại) nay chỉ tô đậm lên, hoặc mạnh bạo hơn tí chút như: Chú ý sự  pha tạp đời thường (pop), tăng cường yếu tố nhục cảm (sex), mở rộng tính  kỳ ảo sang địa hạt tâm linh vô thức, “giải thiêng” một số nhân vật lịch sử… Trong mấy năm gần đây, các tác phẩm được giới phê bình lưu ý nhắc đến phần lớn là những tác phẩm trong quy trình sáng tạo thuộc loại này, chủ yếu vẫn ở điểm giáp ranh giữa Hiện đại và Hậu hiện đại, là hiện đại có đôi ba phần  tâm thức hậu hiện đại cả trong nội dung  lẫn nghệ thuật và cũng đều được các nhà phê bình phân tích khen ngợi hay phê phán trong mối liên quan ảnh hưởng từ trường của hai chủ thuyết này. Mức độ thứ hai, các tác giả tự giác, dụng công ứng dụng mạnh dạn các khái niệm- công cụ của Chủ nghĩa hậu hiện đại vào sáng tác, tạo một sự khác biệt rõ. Các thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại đặc trưng  (giễu nhại, lắp ghép, dị ảo, tục hoá, mảnh vỡ,  cực hạn, đa tuyến, dòng tâm thức…), được xử dụng khá thành thạo, tuy nhiên vẫn “đang trong quá trình tự khẳng định” và cho đến nay văn chương Việt (cả thơ và văn) vẫn chưa có một trào lưu Chủ nghĩa hậu hiện đại với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Điểm qua như vậy để thấy tính đa dạng của dòng Văn học Hậu hiện đại  Việt và thấy vai trò của hai tác giả NHT và PTH không phải là những “đá hộc”- người mở đường đắp móng và trụ cột cho dòng văn này như Lã Nguyên nói. Cả NHT và PTH, chúng tôi nghĩ chỉ dừng lại mức độ thứ nhất.

Đó là chưa kể khi nhắc đến dấu hiệu hậu hiện đại ở hai tác giả này anh mới dừng lại ở nội dung, cho rằng, truyện của họ về cơ bản “kể về một thế giới hỗn độn người hóa thành ma quỉ, ma quỉ ăn ở lẫn lộn với con người […] sự hỗn độn chung cục của một thế giới tàn mạt”, một chỗ khác “Vô hồn là bản chất của cái thế giới hỗn độn trong sáng tác Phạm Thị Hoài. Vô nghĩa là bản chất của cái thế giới tàn mạt trong  sáng tác của Nguyễn Huy Thiệp”. Những nội dung trên chưa thật làm nên giá trị và cũng chưa thật mang đặc trưng của CNHHĐ. Nếu đúng như nhận xét của anh thì tác phẩm của các nhà văn này hơi phụ lòng tin của người  đọc khen ngợi, khi trước sau họ đều phỉ báng cuộc đời và con người. Và CNHHĐ như chúng tôi hiểu, hướng đến sự thể hiện thế giới đa phương, đa chiều, con người đa nhân cách, cả tối lẫn sáng chứ không tuyền đen tối, ma quỉ như anh nghĩ.

Ở phần Không gian văn hóa của văn học Hậu hiện đại Việt Nam, phần này tác giả có tham vọng muốn trình bày cái không gian văn hóa Việt, những điều kiện văn hóa, xã hội làm tiền đề cơ sở cho sự nảy sinh Văn học Hậu hiện đại Việt. Anh có lưu ý đến các vấn đề như sự bất tương thích về tính nhân văn và sự tha hóa nhân tính trong xã hội văn minh vật chất, sự tồn tại của thói duy ý chí trong văn hóa hiện tồn, truyền thống trào lộng trong văn học dân gian hay sự đa sắc, giàu yếu tố tâm linh trong văn học bản địa…, như là cái nền cho sự nội sinh cuả trào lưu Văn học Hậu hiện đại Việt, nhưng hiệu ứng không rõ vì sự bất cập trong quá trình phân tích, dắt dẫn của mình. Nói “không gian văn hóa” là nói những điều kiện bên ngoài làm bối cảnh, làm cơ sở cho sự nảy sinh và phát triển khuynh hướng văn học, đó là những tiền đề lịch sử, xã hội, văn hóa, những tiền đề văn học có sẵn hoặc mới manh nha… nhưng tác giả lại thiên về diễn giải các đặc sắc của sự tiếp thu ở các tác giả và tác phẩm, nào là Nguyễn Huy Thiệp đứng ở chỗ đứng nhân văn tiền hiện đại quay lưng lại cái văn minh hiện đại, Đặng Thân sử dụng rộng rãi yếu tố trào lộng trong văn học dân gian, cùng với lối kết cấu phân mảnh trong văn học cổ điển, tên sách của ĐT 3.3.3.9 [những mảnh hồn trần] là có ảnh hưởng thơ văn Nguyễn Công Trứ, triết học “lưỡng nghi” Đạo giáo và cả  “tam vị nhất thể” của Cơ đốc trong văn hóa Việt v.v…, như vậy,  có khác gì “tự nắm tóc mình kéo lên khỏi mặt đất” (Lỗ Tấn).

Còn xác định trào lưu này trong văn chương Việt là “nội sinh hay ngoại nhập”, Lã Nguyên tuy với cách trình bày và tham vọng hướng đến cái không gian văn hóa Việt ngõ hầu nhấn mạnh cái khía cạnh “nội sinh” của trào lưu này, nhưng theo thiển ý của chúng tôi: trào lưu này có nhiều yếu tố nội sinh nhưng ngoại nhập là quan trọng, đúng như nhận xét của Paul Hoover “Cái mới trong nghệ thuật luôn là cái được nhập từ một nền văn hoá khác”.

Ngoài cái mạch lớn có nhiều “điểm mờ” mà chúng tôi đã trình bày, trong  bài viết, lốm đốm có nhiều ý kiến  Lã Nguyên nêu lên khá khiên cưỡng, biểu hiện một lối tư duy cực đoan, tùy tiện thiếu quan điểm lịch sử :

Chẳng hạn anh cho rằng “… Văn xuôi HHĐ Việt xuất phát từ chỗ đứng tiền hiện đại để phê phán tinh thần duy lý cực đoan của CN Hiện đại”, ở chỗ khác anh viết: Tâm thức hậu hiện đại Việt phản ứng tâm thức hiện đại Việt qua sự khác biệt các thế hệ nhà văn.

Thực ra, không thể cho rằng từ chỗ đứng Tiền hiện đại (cái đã qua) để phê phán Hiện đại (cái đang có) vì nó thấy gì cái chưa sinh ra, chưa hề thấy mà phê phán, chỉ có thể nói từ Hậu hiện đại (cái có sau) phê phán Hiện đại (cái có trước). Chủ nghĩa hậu hiện đại phê phán và phát triển Chủ nghĩa hiện đại một cách tự giác còn Văn hóa – xã hội  tiền hiện đại chỉ có thể có những yếu tố làm tiền đề một cách tự phát cho Chủ nghĩa hậu hiện đại mà thôi. Và điều đó cũng không phải sản phẩm riêng văn chương hậu hiện đại Việt như anh khẳng định.

Cũng không thể so sánh các “siêu truyện” của hai thế hệ tác giả Tố Hữu, Chế Lan Viên, Đào Vũ, Nguyên Hồng hay Nguyễn Đình Thi với Nguyễn Huy Thiệp và Phạm Thị Hoài hay Đặng Thân  vì mỗi thời kỳ xã hội và văn học có những tiêu chuẩn thẩm mỹ riêng.

2- Phần  Đặng Thân một bước ngoặt quyết đoán, tác giả phân tích đánh giá đặc điểm hậu hiện đại của tác phẩm 3.3.3.9 (Những mảnh hồn trần) qua đó nêu bật sự đóng góp đáng kể của ĐT vào sự hình thành Văn xuôi hậu hiện đại Viêt.

Về tác phẩm này không phải chúng tôi không ghi nhận sự đóng góp trong quá trình đổi mới, hình thành dòng văn học hậu hiện đại Việt, thậm chí đồng tình với ý kiến của Nguyễn Quang Thiều có thể trao giải thưởng văn chương, tuy nhiên một số điểm phân tích, bình phẩm chúng tôi thấy chưa thỏa đáng. LN cho rằng  3.3.3.9 (Những mảnh hồn trần) “là bước ngoặt quyết đoán Văn xuôi hậu hiện đại Việt với những cách tân vô tiền khoáng hậu.” Anh triển khai phân tích tác phẩm 3.3.3.9 (Những mảnh hồn trần) trên mấy vấn đề sau:

– Tác phẩm “trả lại vị trí hàng đầu cho chức năng trò diễn của nghệ thuật ngôn từ”- đặc điểm quan trọng của văn học hậu hiện đại, nó là “phi tiểu thuyết”, “hậu tiểu thuyết”, “phản tiểu thuyết”. Anh nhấn mạnh đến chức năng kép của nhân vật vai truyện kể và vai diễn trò, tác phẩm tạo một “không gian văn bản” có cấu trúc một cuộc diễn trò. Đặc điểm này được tác giả vận dụng tư biện khá nhiều lý thuyết biện minh diễn giải cho nhiều khúc đoạn, tình tiết trong tác phẩm, nhưng người đọc khó cảm nhận, vì trước sau anh chàng người Đức và cô Mộng Hường – hai nhân vật chính cũng chỉ là những hình tượng nhân vật bình thường, lời bàn cũng chỉ là lời của tác giả văn bản, không gian dẫu có di chuyển qua nhiều địa điểm, nhiều môi trường cũng không có gì là không gian đa chiều, là sàn diễn của nghệ thuật trình diễn sân khấu, không có sự khơi gợi dẫu là “ảo” chăng nữa những tiêu chí, sắc màu của một trò diễn kiểu kịch nói, kịch câm, kịch hề  hay kịch mặt nạ… Trò diễn yêu cầu yếu tố tượng trưng ước lệ hóa, sân khấu hóa nhân vật và bối cảnh, giả mà thật, còn trong tác phẩm thì chỉ là bức tranh tiểu thuyết !

– Tác phẩm 3.3.3.9 (Những mảnh hồn trần) có “cấu trúc ngữ nghĩa đa trị, cực kỳ phức tạp” thể hiện ở mấy phương diện: Một là, tiểu thuyết phúng dụ “vẽ ra bức tranh thế giới với những chuyển động nhân chủng đang diễn ra ráo riết ở đất nước ta”, nổi bật tính giễu nhại toàn trị đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Hai là, hệ thống ngoại đề phong phú như một cuốn “Bách khoa mở”. Ba là, có nhãn quan giá trị hậu hiện đại thể hiện ở “tính đa nghĩa tiểu thuyết”, cần “giải mã để tìm nghĩa mở rộng, nghĩa liên hội”, tác phẩm loại bỏ thi pháp phản ánh, mô tả đơn nghĩa của Chủ nghĩa hiện đại, hoài nghi các Đại tự sự…

Với tiêu chuẩn phúng dụ mà mà Lã Nguyên đề cao là “duy nhất Việt Nam”, thì xin thưa, chỉ làm một so sánh nhỏ với tác phẩm Số đỏ – Vũ Trọng Phụng, ta đã thấy một khoảng cách quá rõ, và so với SBC của Hồ Anh Thái, màu sắc giễu nhại tác phẩm này có khi lại độc đáo hơn bởi thủ pháp ẩn dụ – biểu tượng. Các ngoại đề trong tác phẩm thì chúng tôi cho rằng hơi tùy tiện, đa tạp, có cảm giác như tác giả gặp đâu thì liên hệ đấy để “giới thiệu” cái kho lưu trữ tư liệu của mình. Còn Tính đa nghĩa của tiểu thuyết thì từ khi Lý thuyết tiếp nhận ra đời và câu chuyện bất tương thích  giữa cái biểu đạt và cái được biểu đạt được nêu lên thì đặc điểm này đã là một thông lệ cho các tác phẩm văn chương. Việc giải mã để tìm nghĩa là cái công thức chung để đọc tác phẩm chứ không đợi đến 3.3.3.9 (Những mảnh hồn trần) mới cần có. Với tiêu chí này thì các tác phẩm của Nguyễn  Bình Phương, Hồ Anh Thái, Tạ Duy Anh, Nguyễn Việt Hà, Thuận… có khi còn nổi trội hơn. Đỗ Lai Thúy trong Lời  giới thiệu tác phẩm này cũng chỉ dừng lại hai đặc điểm tiêu biểu cho thủ pháp nghệ thuật hậu hiện đại là tính giễu nhại và phân mảnh. Nói như vậy là vừa phải.

*

Chúng tôi đã từng đọc và “yêu” những bài phê bình cũng như dịch thuật của Lã Nguyên, tuy nhiên, Tranh luận – con đường cần thiết để đi đến chân lý, như một nhà văn-triết gia thế kỷ trước đã nói (Jean Paul Sartre).

(Nguồn: Văn nghệ số 14/2013)

Exit mobile version