Chúng tôi xin bắt đầu bài viết về Ngược mặt trời – tiểu thuyết mới ra mắt vào trung tuần tháng 7 năm nay của nhà văn Nguyễn Một, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành – bằng những nhận xét về… tiểu thuyết đầu tay Đất trời vần vũ cũng do anh chấp bút và xuất bản trước đó không lâu. Sở dĩ chúng tôi đi đến quyết định này vì tính chất “rời rạc” của Ngược mặt trời đúng như lời tác giả đề từ ban đầu: “Cuốn sách có thể làm phiền bạn vì câu chuyện hoang đường và những mảnh chắp vá rời rạc của cuộc đời, như giấc mơ buồn mà sau khi tỉnh dậy bạn không thể kể lại một cách trọn vẹn.” Với một tác phẩm có cấu trúc “lỏng” đầy chủ ý như vậy, để tìm hiểu thiết nghĩ không gì thuận lợi bằng thao tác so sánh, đối chiếu với một tác phẩm “cùng nhà sản xuất” nhưng có cấu trúc chặt chẽ hơn. Đơn giản vì dù là hai cá thể hoàn toàn khác biệt nhưng giữa chúng vẫn luôn tồn tại vết tích điểm chung thuộc về “huyết thống”.


Đọc Đất trời vần vũ, chúng tôi hình dung Nguyễn Một như một bếp trưởng khéo léo, biết cách bày biện nhiều món ăn ngon cho thực khách tha hồ lựa chọn. Ai cũng có thể tìm được món ăn mình yêu thích trên bàn tiệc Nguyễn Một dày công sắp đặt. Đó là những câu chuyện đẫm tính huyền sử về thuở cha ông ta tiến hành công cuộc mở cõi mảnh đất phương Nam giàu có mỡ màu; Đó là tình đồng chí, đồng đội, được tái hiện qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; Đó là thân phận con người thăng trầm, chìm nổi gian khó, cơ cực trước đổi mới; Đó là sự biến chuyển đổi trắng thay đen của lòng người khi công cuộc cải cách mở cửa không chỉ mang đến những quả ngọt mà còn cả những luồng gió độc quật ngã những ai không đủ bản lĩnh. Đó là những câu chuyện tình yêu khoáng đạt, nhuốm màu nhục dục, ghen tuông, thù hận giữa những người đàn ông tình si và những người đàn bà si tình; Đó là không gian đẫm chất huyền ảo với thế giới song song tồn tại cùng thế giới vật chất mà chỉ có những người tích tụ đủ năng lượng Ranaga mới có thể bước vào và con dao chết chóc được dệt bằng màu của ngàn trinh nữ với câu thần chú ghê rợn tiễn người bị gọi tên về thế giới bên kia… Toàn những thực đơn hấp dẫn “câu khách” một cách sang trọng. Đến tiểu thuyết thứ hai, Ngược mặt trời, Nguyễn Một vẫn trung thành với phương pháp ấy, cung cấp một menu gồm nhiều món khác nhau nhằm đảm bảo độc giả nào cũng lựa chọn được phần thích hợp với mình. Tuy nhiên so với Đất trời vần vũ, ở Ngược mặt trời, bên cạnh việc tiết chế ngòi bút một cách đáng kể nhằm tạo nên cho tác của mình sự “tinh xảo”, lặn vào chiều sâu cần thiết, Nguyễn Một còn gia giảm thêm một số nét lạ để làm mới “bản thân” như lời nhận xét của nhà văn Sương Nguyệt Minh.

Về đề tài lịch sử, nếu Đất trời vần vũ mới dừng lại ở bức tranh khai phá mảnh đất phương Nam giàu có của cha ông ta ngày trước thì trong Ngược mặt trời, Nguyễn Một đã tiến xa hơn, đi vào biện giải, tranh luận ở một lĩnh vực phức tạp nhất: Thiên chúa giáo ở Việt Nam. Đáng chú ý nhất trong những trang viết về vấn đề này là đoạn đối thoại giữa cha xứ Bá Đa Lộc với mẹ Têrêxa. Đoạn đối thoại mang chức năng hai trong một: Lý giải vì sao Thiên chúa giáo lại bị Nguyễn triều coi là “tà giáo” mặc dù có công sức trong việc giúp vua Gia Long khôi phục lại giang sơn và quan trọng hơn cả là “minh oan” phần nào cho Bá Đa Lộc – một nhân vật lịch sử đầy tranh cãi. Câu nói “Ta tin rằng nếu không có di chỉ của Gia Long thì con cháu ông ta không xuống tay tàn bạo với đạo ta như thế” của Bá Đa Lộc không chỉ nêu lên nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự tàn lụi của Thiên chúa giáo trong giai đoạn nhà Nguyễn nắm quyền mà sâu xa hơn bộc lộ sự mâu thuẫn lớn về văn hóa phương Đông với đạo giáo này. Tại một đất nước mà Nho giáo vẫn giữ quyền độc tôn thì việc cho nam nữ cùng đứng chung trong một gian thờ và tôn sùng Chúa chứ không phải vua là điều khó có thể chấp nhận được. Còn về phần Đá Ba Lộc, qua đoạn đối thoại, ông hiện lên như một đức cha hết lòng tử vì đạo. Hành động nhờ quân Pháp giúp Nguyễn Ánh “cõng rắn cắn gà nhà” được lý giải là một sai lầm nghiêm trọng vì đã “dùng quyền lợi để thuyết phục vua giúp đỡ triều đình An Nam” chứ bản thân Bá Đá Lộc không muốn vì “dân tộc nào cũng là con Thiên chúa”. Tuy nhiên, Nguyễn Một không có ý định “giải oan” hoàn toàn cho vị cha xứ này. Lời mẹ Têrêxa nói với ông: “Thưa cha, nhưng cha đã nhận chức tước của triều đình và khi cha về với Chúa, triều đình đã thực hiện tang lễ cho cha theo nghi lễ của một vị quan, điều đó làm cho các bổn đạo khá buồn lòng” và hình ảnh Bá Đa Lộc “thở dài và ông quay mặt về khoảng tối phía sau lưng mình” đã mở hé cánh cửa đi vào những góc khuất con người này. Rõ ràng dù biện minh thế nào đi chăng nữa, Bá Đa Lộc phải có trách nhiệm với hành động của mình. Dựng chân dung một nhân vật phức tạp như vậy chỉ qua một vài đoạn đối thoại, Nguyễn Một thật sự “cao tay ấn” trong trường đoạn này

Về những cuộc chiến tranh, chiến tranh trong Đất trời vần vũ được viết theo lối “cổ điển”. Ở đó, Nguyễn Một khai thác những yếu tố cơ bản như địch – ta, những di chứng nặng nề mà nó mang lại cho con người như chất độc da cam qua nhân vật Thắng, miêu tả cảnh chiến trận đùng đoàng tiếng súng…như nhiều nhà văn từng triển khai. Nhưng đến Ngược mặt trời, chiến tranh không còn đậm đặc như trước mà trở nên mờ nhòa, hư ảo. Chiến tranh chỉ còn tái hiện qua câu chuyện kể của linh hồn những người lính trận. Ranh giới địch – ta, chính nghĩa – phi nghĩa đã gần như bị khuất lấp. Câu chữ được tiết chế tối đa nhưng vẫn toát lên mức độ mà chiến tranh mang lại Đó không phải là trò chơi trận giả như người lính tưởng tượng ngày nào. Đó vẫn là cuộc chiến một mất một còn, nơi con người bắn giết lẫn nhau để mong tồn tại. Hình ảnh Tứ khi ngã xuống còn cố lết đến nắm tay người bạn từ thời cắt cỏ chăn trâu ở bên kia chiến tuyến cũng đang hấp hối đã phản ánh dư vị đắng chát mà chiến tranh mang lại cho con người. Mô tả chiến tranh như một ý niệm có lẽ là ý hay của Nguyễn Một. Chiến tranh trước nhất và mãi mãi chỉ nên tồn tại như một ý niệm chứ đừng nên bao giờ là hiện thực. Chúng tôi hiểu ý Nguyễn Một như thế qua cách anh miêu tả chiến tranh.

Về không khí huyền ảo, Ngược mặt trời đánh dấu sự thay đổi trong cách miêu tả của Nguyễn Một. Không khí huyền ảo trong Đất trời vần vũ về kỹ thuật và chất liệu đều đậm chất phương Đông với thế giới song song mang dáng dấp của “địa ngục, thiên đường” vì con người vẫn có thể đi từ đấy ra thế giới thật và ngược lại, với con dao được luyện trong máu của ngàn trinh nữ cùng lời nguyền chết chóc với những hồn ma thẽ thọt dưới ánh trăng…Đến Ngược mặt trời, mặc dầu vẫn còn đó những hoang tháp ma mị của vương quốc Bông Sứ Trắng, vẫn còn đó những cuộc tìm vàng, những bùa chú bí hiểm của thầy phù thủy nhưng bầu không khí huyền ảo đó ít nhiều đã có sự pha trộn với chất huyền ảo phương Tây. Về chất liệu, những mặc khải về Chúa, những khải huyền, thánh tích đã xuất hiện nhiều hơn. Về kỹ thuật, làng Chạc Chìu – thế giới ảo trong Ngược mặt trời – được mang đậm dấu ấn kỹ thuật phương Tây. Hành trình đi tìm làng Chạc Trìu từ thế giới thật của Nguyễn Chạc là hành trình vô vọng vì anh không bao giờ có thể tìm thấy nơi mình đã sinh ra, lớn lên. Ngôi làng ấy mang tính biểu trưng cho những cái đã mất không còn quay lại. Một không gian huyền ảo tồn tại theo dạng thức ý niệm kiểu Kafka chứ không còn là vật chất thuần túy như trong Đất trời vần vũ. Đó là sự thay đổi cơ bản, nêu lên cơn hoảng hoải của con người về một tình trạng thiếu quê hương hay không hiểu quê hương.

Về nhân vật, đây cũng là một điểm khác biệt rõ rệt giữa Ngược mặt trời và Đất trời vần vũ. Về cơ bản, kiểu nhân vật trong Ngược mặt trời là kiểu nhân vật mang tính ý niệm, biểu tượng cho ý đồ nghệ thuật của tác giả. Chúng tôi chia sẻ ý kiến của nhà thơ Nguyễn Liên Châu rằng các nhân vật trong Ngược mặt trời đều có tín ngưỡng mạnh mẽ. Mỗi người có một tín ngưỡng riêng và họ sống và chết vì tín ngưỡng đó. Mẹ Têrêxa là con chiên ngoan đạo của Chúa. Bảy Đò, Chín Toàn, Hoàng Lan đều lấy chữ tình làm trọng. Tiền là tín ngưỡng của Hoàng Thạch và A Hóa… Tuy nhiên chính vì “cuồng tín” nên các nhân vật trong Ngược mặt trời có những lúc trở nên đơn điệu, thiếu sự sinh động và đa dạng (trong nhất quán) về tính cách, điều mà Nguyễn Một đã giải quyết rất tốt trong Đất trời vần vũ. “Chất người” trong các nhân vật như Trần Đình, Tư Ngồng… rất đậm nét. Họ có yêu thương, có hận thù, có mưu mô, có ngây thơ, có nhân tính, có dục tính và cả thú tính… Có lẽ do chủ trương xây dựng tiểu thuyết rời rạc như một giấc mơ không thể kể hết và rạch ròi được nên Nguyễn Một chủ trương xây dựng kiểu nhân vật ý niệm này.

Sau cùng là cấu trúc, Nói theo ngôn ngữ quân sự, Đất trời vần vũ có cấu trúc theo dạng “vũ khí thì phân tán nhưng hỏa lực lại tập trung”. Mọi ý tưởng, mọi câu chuyện, mọi nhân vật từ xa xưa đến đời sống đương nhật sau cùng đều quy tụ về việc mảnh đất cù lao Dao trong tác phẩm, là bản tráng ca ca ngợi mảnh đất, con người phương Nam xinh đẹp, giàu có, tốt bụng, hào sảng. Mọi âm mưu phá hoại mảnh đất này như mượn sự tàn bạo, ác liệt của chiến tranh từ thô sơ đến hiện đại hay sức mạnh huyền bí từ thượng cổ của bùa chú, lời nguyền đều sẽ chỉ gặp thất bại. Mảnh đất và con người phương Nam mãi trường tồn với chất keo kết dính là tình yêu.Trong khi đó, kết cấu tiểu thuyết Ngược mặt trời, cũng nói theo ngôn ngữ quân sự, có kết cấu của một hệ thống đánh chặn từ xa. Tác giả không dụng công quy về một chủ đề trọng điểm nào mà để ý tưởng được triển khai như những mô đun tên lửa được phóng đi cùng lúc theo nhiều hướng khác nhau tạo thành lá chắn bao phủ một vùng mạng không gian được xác định từ trước. Mỗi mô đun đều có chức năng, nhiệm vụ riêng, liên kết với nhau, phụ thuộc vào nhau nhưng không có môdun nổi trội. Kết cấu này cho phép người đọc phát huy tối đa trí tưởng tượng để hình dung tác phẩm như cách mình mong muốn. Do đó, Ngược mặt trời có thể là hành trình đi về phía bóng tối như ý kiến của nhà văn Sương Nguyệt Minh. Mặt trời trong vô thức tập thể của nhân loại là biểu trưng cho ánh sáng, cho quyền uy, cho sức mạnh, cho hạnh phúc. Ngược mặt trời là đi về phía bóng tối, về phía những kiếp người lầm than, khổ hạnh, về “phe nước mắt” như câu thơ của Dương Tường. Lời than của ông Chín Toàn: “Đất nước này nhiều linh hồn lạc lối quá” là sự cô đúc cho ý tưởng này. Ngược mặt trời có thể là câu chuyện về niềm tin vào tín ngưỡng. Như đã trình bày ở trên, mỗi nhân vật trong Ngược mặt trời đều có tín ngưỡng của riêng mình và họ đều đi đến tận cùng của tín ngưỡng ấy, bất kể phía cuối con đường không phải hoa hồng mà đẫm máu và nước mắt. Sở dĩ những nhân vật ấy quyết liệt đến cùng với tín ngưỡng mình chọn như vậy, theo Nguyễn Một đó là cách để họ khẳng định bản thân và thấy cuộc đời mình có ý nghĩa. Một suy nghĩ cũng đáng để chúng ta nghiền ngẫm. Ngược mặt trời còn là câu chuyện về tình yêu. Có tình yêu cao cả, thánh thiện đẹp như một tấm hình nghệ thuật như Ngân Hà dành cho Nguyễn Chạc; có tình yêu đậm chất hy sinh, nhẫn nhịn, bao dung như ông Chín Toàn dành cho người vợ phản bội mình; có tình yêu nhuốm màu nhục dục như Trần Danh với Hoàng Lan; có tình yêu cay đắng đầy oan trái giữa Trần Hiệp và Khả Ly… Qua mỗi câu chuyện lứa đôi, tác giả như muốn vẽ thêm bức tranh tình yêu muôn màu không có điểm dừng, vô biên, vô tận của nhân loại. Ngược mặt trời có thể là ẩn dụ về sự vượt lên khó khăn gian khổ. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả Nguyễn Một lại cho in nghiêng dòng chữ sau trong tác phẩm của mình: Hãy đứng lên, hãy nhìn thẳng phía mặt trời mà đi, làm thằng đàn ông mà ngồi xuống trước sự khắc nghiệt là sẽ gục ngã. Đó là ý chí vươn lên khỏi nghịch cảnh “ngược mặt trời” để tiến về phía thuận mặt trời, đi vào vùng sáng như cái cách cậu bé Nguyễn Chạc từng bước trưởng thành, cái cách tín đồ Thiên chúa giáo vượt qua nỗi oan khiên, những ghẻ lạnh, truy sát của triều đình để tiếp tục truyền đạo trên dải đất hình chữ S… Mỗi bạn đọc tùy vào năng lực cảm thụ và sở thích sẽ tìm thấy cho mình ý nghĩa tương thích trong Ngược mặt trời. vì như đã nói, Nguyễn Một rất biết cách chế biến, bày biện để làm thu hút để làm độc giả ai cũng cảm thấy hài lòng khi đến với tác phẩm của mình.

Viết được như thế và để độc giả cảm nhận như thế theo tôi cũng là thành công!

Nguồn: Vannghequandoi

Exit mobile version