Cánh đồng bất tận nhưng thiếu mùa vàng
Chữ “văn trẻ” ở ta dùng hiện nay chưa thật sát nghĩa (bao gồm những người sáng tác dưới 35 tuổi như tiêu chuẩn của Hội Nhà văn Việt Nam đề ra), chưa nói được cái sức trẻ, sức xuân, sức bật, sức chiếm lĩnh của những cây bút mà tuổi đời còn dài rộng và sự hứa hẹn thành công được ký thác.
Chỉ cần nhớ lại các “kiện tướng” trước năm 1945 như Xuân Diệu, Nguyễn Bính, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Huy Cận, Nguyên Hồng, Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tô Hoài,… sẽ thấy họ thành danh rất sớm ở lứa tuổi đôi mươi. Nhưng con đường và sự lựa chọn văn chương của thế hệ ấy nghiệt ngã, gian khổ hơn nhiều lần văn trẻ bây giờ. Ngày nay để trở thành nhà văn (hoặc được gọi là nhà văn) dường như có phần dễ dãi, giản đơn cho nên ai có chút năng khiếu là viết, là cứ thế mở toang cánh cửa của ngôi đền văn chương, cứ thế dắt tay nhau bước vào. Hình như ngôi đền này cũng không có gì thật thiêng liêng. Vì thế đến và đi cũng nhẹ tựa lông hồng. Có người đã ví von văn trẻ như một “cánh đồng bất tận” nhưng mùa màng chẳng mấy bội thu.
Quan sát sáng tác của văn trẻ sẽ thấy chừng dăm bảy năm sau khi xuất hiện lần đầu trên văn đàn, họ cố gắng giữ cho mình có được một cái tên đối với độc giả. Nhưng khi đã bắt đầu “quen hơi bén tiếng” rồi thì đột nhiên nhiều cái tên cứ chuội dần đi. Nhiều khi độc giả hỏi nhau “phải chăng văn trẻ mất tích?”. Xin thưa, họ không “mất tích”. Họ vẫn tồn tại. Họ có vẻ như nhẹ nhàng giã từ văn chương để đến với những say mê khác muôn hình muôn vẻ, hấp dẫn và thiết thực hơn nhiều lần. Tinh thần thiếu thủy chung với văn chương (hay nói văn hoa là không “sống chết với văn chương”) được văn trẻ bào chữa bằng nhiều nguyên cớ chính đáng. Nhưng dẫu là chính đáng thì ngẫm cho cùng vẫn có một cái gì đó xót xa, ngậm ngùi khi ngôi đền văn chương không còn thiêng như trước để trong đó mỗi nhà văn là một người sẵn sàng “tuẫn tiết” vì lý tưởng chân – thiện – mỹ.
Cách đây hai chục năm, Nguyễn Thị Ấm, Nguyễn Minh Dậu, Lưu Sơn Minh, Triều Hải, Hồ Thị Hải Âu,… từng xuất hiện đầy hứa hẹn trên văn đàn.
Nhưng rồi dần dà họ cứ lần lượt rẽ ngang, để rồi hôm nay lúc nào đó, ai đó nhắc lại một cách nuối tiếc “giá như…”.
Cuộc đụng độ giữa lý tưởng và hiện thực
Phải thẳng thắn thừa nhận với nhau rằng phẩm tính lý tưởng của các thế hệ cha, anh ngày trước phát lộ đầy đủ hơn, lấp lánh hơn lớp trẻ bây giờ, cũng tương tự trong lĩnh vực văn chương. Có sự khủng hoảng về lý tưởng thẩm mỹ của văn trẻ trước một hiện thực bề bộn, phức tạp và nhiều khi không phải đã thật tỏ tường như dưới ánh mặt trời. Đây cũng có thể là một nguyên nhân quan trọng để văn trẻ lúc nào đó buông tay bút, chuyển sang gây dựng sự nghiệp không phải bằng văn chương, vì rất có thể “lập thân tối hạ thị văn chương”. Mới thấy cái thời xưa các thế hệ cha anh sáng tác với tâm thế, niềm tin thật phơi phới “Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ/ Mặt trời chân lý chói qua tim/ Hồn tôi là một vườn hoa lá/ Rất đậm hương và rộn tiếng chim” (Tố Hữu). Cuộc dấn thân tận cùng nào cũng đòi hỏi sự cháy bỏng của nhiệt huyết và sự tôn sùng, say mê lý tưởng, nhiều khi như tinh thần mộ đạo của các tín đồ. Văn trẻ ngày nay thiếu hụt những cái đó và nếu họ không hoàn tất cuộc dấn thân vì văn chương cũng là điều có thể dễ dàng cắt nghĩa.
Nhưng cuộc đụng độ quyết liệt giữa lý tưởng và hiện thực, nhìn từ phía khác, vừa là một thách thức, vừa là một cơ hội của người sáng tác. Có nhà văn gọi đây là “thời của tiểu thuyết”. Gọi là “thời của tiểu thuyết” vì các xung đột đời sống được đẩy lên tận cùng, sự vật và con người bộc lộ bản chất cao nhất, cuộc sống mở ra vô cùng, vô tận. Tất cả là mảnh đất màu mỡ của tiểu thuyết nói riêng, văn chương nói chung. Cuộc đụng độ giữa cái tốt, cái đẹp với cái xấu, cái ác đã vào độ quyết liệt nhất chưa từng thấy.
Văn trẻ trong nhiều trường hợp lượng sức mình không trụ nổi tính chất gay cấn của cuộc tranh đấu một mất một còn này, cho nên có thể tìm cách rút lui.
Phải nói thêm về cuộc mưu sinh xem ra không hề dễ dàng với văn trẻ dẫu cuộc sống theo cơ chế thị trường đã có phần cởi mở hơn trước. Chẳng phải trước năm 1945 văn nghệ sĩ mới lao lung với cái cảnh “cơm áo không đùa với khách thơ”. Bây giờ cũng thế, chỉ một số rất ít nhà văn sống được bằng nghề văn, bằng việc tác phẩm của mình được trả công xứng đáng.
Nhiều người trong văn trẻ phải “tay văn tay báo”, tả xung hữu đột “trăm thứ bà rằn” để tồn tại. Cứ thế mai một dần chất văn, mai một dần nghề văn để rồi đến một lúc nào đó giã từ văn chương như một tất nhiên. Đây cũng có thể xem là một nguyên nhân khiến văn trẻ không dấn thân tận cùng với văn chương.
Cái nhất thời của văn trẻ
Nghiệp văn đòi hỏi một cái nhìn dài lâu về đời sống và nghề nghiệp – cái nhìn thấu thị, xuyên suốt thời gian và không gian (như cụ Nguyễn Du đã viết: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”).
Nhưng lớp trẻ nói chung, văn trẻ nói riêng, bây giờ lại sống theo tinh thần nhất thời (chỉ quan tâm tới cái thực tồn, cái hôm nay, cái hữu dụng). Văn trẻ không có cái tâm thế viết những tác phẩm “để đời”, mà chỉ viết cho hôm nay, viết cho nhiều khi chỉ một lớp độc giả tối thiểu nào đó, viết đôi khi chỉ như một sự giải thoát tại chỗ những ẩn ức cá nhân, viết đôi khi là từ những ngẫu hứng, mê say nhất thời.
Văn trẻ sống nhiều hơn với thế giới ảo do các trang mạng tạo nên, thần tượng internet, google, facebook. Thế giới mạng tạo cho văn trẻ một tâm lý sống và tác nghiệp theo hướng liên tục thay đổi (từ thời trang, sở thích đến nhãn quan, lối sống). Vì thế sẽ là không ngạc nhiên nếu một cây bút trẻ hôm trước thề bồi sống chết với văn chương nhưng sau đó giã từ nó nhẹ nhõm, thậm chí như ai đó nói quá lời là “phủi tay”. Vì thế sẽ thấy trong sáng tác của văn trẻ những tình huống hiện sinh đời sống, ít hoài niệm kiểu “thương nhớ mười hai”, “cố hương”, ít chuyện “ôn cố tri tân”. Viết theo tinh thần nhất thời (đôi khi nhiều sex, đồng tính, rối rắm, tắc tị,…), rất có thể cả người sáng tác lẫn người thưởng thức bất chợt thích thú. Nhưng khi nhận ra độc giả đã “no xôi chán chè” thì tự nhiên người sáng tác cũng trở nên thúc thủ. Văn trẻ thường hay rơi vào tình trạng này. Đó có thể là “điểm rơi” khiến cho cuộc dấn thân vì văn chương của văn trẻ “đứt gánh giữa đường” vì không tìm ra được các giá trị mới cho sáng tác của mình.
Văn trẻ ít bị ràng buộc bởi những cái truyền thống cố hữu, họ có nhiều tự do lựa chọn nhưng chính vì thế mà đôi khi lại dám từ bỏ nhanh chóng cái mình đã quyết định lựa chọn. Cuộc dấn thân nửa chừng của văn trẻ có một phần gốc rễ ở đây. Mặt khác cũng cần một lần bào chữa cho văn trẻ: văn chương đang có xu hướng bị đẩy ra ngoại biên, cuộc “xâm lăng” của văn hóa nghe nhìn xem ra đang thắng thế. Người nào không vững vàng ắt hẳn sẽ bi quan và rời bút. Võ Diệu Thanh – một cây bút đang nổi -đã thẳng thắn thừa nhận: “Bao nhiêu thứ phong phú ngoài cuộc sống bị khước từ. Người viết trẻ cũng chung tâm thế đó, dễ quẩn quanh với những góc nhìn chật hẹp cũng như phiền muộn cá nhân. Điều đó rất đáng lo ngại” (Báo Văn nghệ, số 18+19 ra ngày 3-5-2014).
Văn học mạng cũng đang “hớp hồn” người trẻ (cả người sáng tác cũng như người thưởng thức). Nhưng ít thấy ai thành công trên lĩnh vực này vì như nhà thơ Thanh Thảo đã xác tín: “Nhân loại có thể tiến hóa, từ rìu đá tới Ipad hay Iphone, nhưng thơ thì không. Thơ Ipad có thể là rác ngay hôm nay hoặc ngày mai, nhưng thơ- Rìu đá còn sống tới hôm nay, là thơ” (Tạp chí Văn học và Tuổi trẻ, số tháng 2 năm 2014).
Bùi Việt Thắng
Nguồn: nhandan.org.vn