Văn Thùy dã thi, Ông Hồn Rơm hay Dị nhân… là các cách người ta gọi Văn Thùy – một ông già 75 tuổi khoái ngông ngông, xe máy đường dài giữa cái nắng tháng 5 và chỉ thích làm “thơ sạch”. Cũng trong tháng 5 rồi, ông già ấy cho ra tập thơ tổng hợp những tác phẩm viết trong 15 năm trở lại đây, lấy tên: Thơ thu gom.
Bìa cuốn Thơ thu gom. Ảnh: Trung Dũng.
Kính thưa cung bậc người đời/Làm thơ dán khóc, bóc cười cho nhau.Văn Thùy ngâm nga hai câu thuộc loại sở đắc lúc chúng tôi gặp nhau sau khi ông vừa kết thúc một chuyến đi dài.
Trời nắng nóng như vậy mà vẫn phải lao ra đường sao, thưa ông?
Số tôi bị giời đày bắt phải đi. Chống lệnh ở nhà là ốm ngay. Hơn nữa, tôi có thú du thủ, du mục, du sơn, du thủy. Đi các nơi mới nảy ra được tứ thơ, mới có được hình ảnh, đề tài mà viết chứ không thể ngồi nhà bịa ra. Ngồi giữa bốn bức tường làm thơ thì chỉ có kiểu Anh khoe có mấy nhà lầu/Người bê tông thế lấy đâu thơ tình thôi.
Trong những chuyến đi, tôi đều hội ngộ con người trước mới hội ngộ thiên nhiên. Tôi làm gì có tiền mà đi suốt, thường bạn bè tổ chức, mình bám càng. Đi để gặp những con người, nghe những tâm sự, những câu chuyện. Có nhiều điều người ta đau đáu nhưng không viết ra nổi. Mình cảm nhận được tâm trạng đó, hòa nhập với tâm trọng đó biến nó thành tâm trạng của mình. Lắm bài thơ, đứa con tinh thần của tôi, viết ra để nói hộ thiên hạ. Tâm sự của thiên hạ mới nhiều chứ mình có bao nhiêu mà nói.
Văn Thùy nổi tiếng chuyên thơ “tán gái, nịnh đầm”, hóa ra lại “tán tỉnh” cho người khác?
Thế nên bao năm tôi vẫn nói mình “bịa” thơ. Vấn đề ở chỗ phải “bịa” cho hay cho khéo. Lẫn trong rậm rạp thi nhân/Khác nhau con chữ có thần che ô. Con chữ mộc mạc, phẳng thẳng thì thành công văn, nghị quyết rồi. Tôi chuyên học trộm, học lỏm, học ké nhưng cũng hiểu được phải viết làm sao cho con chữ có hồn.
Ta gần đây chuộng lối thơ “thật thà”, ưa kể lể, rặt thấy “tha thiết, da diết, rung động…” mà chẳng hiểu rung động ở chỗ nào. Phải gọi là “thơ đồng loại” nhái giọng nhau, không có gì nổi trội và không chọn ra được con đường riêng.
“Dị nhân” Văn Thùy. Ảnh: Trung Dũng.
Con đường riêng của ông chắc không có gì khác ngoài “thơ sạch”?
Đúng. Thơ tôi đã làm ra là phải sạch, đảm bảo đủ cả chân – thiện – mỹ. Ngay như thơ “bịa” nói ở trên, cũng phải bịa như thật, bịa dựa trên cảm xúc thật, của mình hoặc của người khác. Thơ tôi không chửi bới, dung tục, kích động để đảm bảo thiện và mỹ.
Thơ Văn Thùy có sex, nhưng mà là sex sạch. Ghê gớm nhất cũng chỉ ở mức: Ái ân mạnh đến lạ thường/ Yêu suông cũng bốn chân giường bong gân. Bởi tôi trốn thô tục, học theo lối họa sĩ vẽ tranh nude tôn vinh vẻ đẹp đường nét cơ thể chứ không gợi dục.
Vậy từ “thơ sạch” đến “thơ thu gom” có phải là bước chuyển? Bởi nghe hai chữ “thu gom” sợ lẫn phần nào đó không được sạch.
Chẳng qua nếu đề thơ tuyển, thơ chọn thì sang trọng quá! Chọn mà không hay dân tình ném đá ngay. Tôi chẳng dại. Cứ đặt tên là Thơ thu gom. Tôi phải đội mũ sắt phòng ném đá, đào tăng – xê để tránh ném bom chứ (cười).
Thơ tôi như lá mùa thu rơi đầy sân. Lúc cần thu gom thì lấy chổi quét vào tập. Lá bàng, lá sấu, lá ổi… tất tần tật các loại, lá “phải gió” rụng xuống, miễn lành lặn là vào đây hết. Tất nhiên lá rách, lá sâu ăn bị loại chỉ còn lại toàn lá sạch thôi. Không sạch không phải Văn Thùy.
Nghe nói Văn Thùy không thuộc trọn vẹn bất cứ bài thơ nào của mình. Là sự thật hay một chiêu PR?
Mấy ông đại gia chắc chẳng nhớ nổi mình có bao nhiêu tiền, giống như mấy thằng làm thơ có biết mình đã viết ra bao nhiêu câu chữ đâu.
Trước đây tôi đúng là không thể nhớ nổi. Tới một lần giao lưu với bạn yêu thơ ở địa phương, bị bắt đọc bài Cho tôi sờ áo một lần (tên in trong sách là Xin mỗi điều nhỏ nhất). Xin cầm giấy đọc không được, tôi đánh liều đề nghị “sờ áo” cô áo xanh ngồi hàng đầu. Và thế là đọc được.
Sau lần đấy, tôi thấy xấu hổ vì không “nhớ được tên con (tinh thần) mình”, nên phải cố học cho được một bài tủ, đi đâu cũng đọc. Nhưng phải ngắn thôi, quá 6 câu là chịu không nhớ nổi.
Cảm ơn ông.
Văn Thùy sinh tại Vạn Phúc, Hà Nội năm 1941, hiện sống tại Ân Thi, Hưng Yên. Thơ của ông hầu hết là lục bát – Lục bát toàn tínhtheo lời nhà phê bình, TS Chu Văn Sơn – đến với độc giả theo đường “tiểu ngạch”: tác giả tự tay chép thơ, vẽ minh họa rồi phô tô phát hành. Gần đây mới được một số đơn vị xuất bản quan tâm, nhận in như: Điệu ru của mẹ, Ru dọc hai màu lá, Quanh vần thơ cổ thụ. Mới nhất là tập Thơ thu gom.
Theo Tiền phong online