Có cố cũng khó mà quên được cái lần đầu gặp Văn Thùy.
Hôm ấy có một hội thảo về thơ đương đại ở Đại học Sư phạm. Trời lại âm u bởi mưa thâm gió bấc. Tôi đang phát biểu thì thấy Lã Nguyên nấp nom ngoài cửa ra hiệu muốn gặp. Dừng lời, tôi vội ra ngay. Lại gần, thấy Lã Nguyên cứ bí bí hiểm hiểm, vừa thì thào vào tai tôi vừa làm hiệu chỉ ra sau lưng : có cái ông này đứng đây đã lâu muốn gặp Sơn việc gì đó. Tôi liền nghiêng ngó, thì từ sau lưng Lã Nguyên bước ra một người. Tôi giật cả mình : một dị nhân. Đúng thế. Khó mà dùng từ nào khác để diễn cảm giác của tôi lúc ấy. Gầy hết cỡ. Mặt thì lưỡi cày. Tóc thì dài cợp, lại buộc túm sau gáy. Người không thể bảo là hình mai vóc hạc, cũng không thể bảo là bộ xương khô. Đôi mắt không thể bảo là kèm nhèm, cũng không thể bảo là lấp láy. Màu da không thể bảo là bánh mật, cũng không thể bảo là cá nheo ướp. Sắc diện không thể bảo là ấm nóng vồ vập, cũng không thể bảo là lạnh lẽo nhênh nhang… Bắt tay, thì càng choáng. Lạnh ngắt như tay ma. Từ thuở cha sinh mẹ đẻ đến lúc ấy, tôi chưa từng cầm bàn tay nào lạnh như vừa rút từ ngăn đá ra thế bao giờ. Cứ như trong phim cổ trang về Ai Cập của Hollywood ấy. Chờn chợn khắp cả người. Trước cảnh đó, cả phòng họp đều ngoảnh ra ngạc nhiên, lo lắng, không biết tôi gặp phải siêu nhân nào. “Tôi là Văn Thùy”. Ông xưng tên thế. Và nói lí do cuộc gặp đường đột này chỉ đơn giản là vừa đọc bài “Sức sống mãnh liệt của lục bát” của tôi trên Văn Nghệ, vì tâm đắc và ngưỡng mộ, nên muốn tìm đến để biếu một tập thơ, thế thôi. Ồ, té ra thế. Dù rằng, lâu nay trong hình dung lành mạnh của mình, tôi vẫn cho đã là nhà thơ thì cứ phải có cái gì quai quái, thế mà khi gặp Văn Thùy, vẫn cứ sởn gai ốc. Khi thấy tôi trở vào, tay cầm tập thơ được tặng, thì mọi người mới thở phào. Còn nỗi ngạc nhiên lúc này lại dồn tất về… tôi.
Thực ra, tôi đã biết cái tên Văn Thùy từ trước. Chẳng nhớ theo cách nào mà đã đến tay tôi lúc ấy một loại ấn phẩm rất đặc biệt. Ấy là những trang giấy lẻ bé bằng bàn tay, trên đó là những bài thơ tác giả tự tay chép bằng bút sắt, tự tay trình bày lấy. Bên cạnh phần thơ chép lối chữ in, hoặc lối chữ viết rất classic, bao giờ cũng có những câu được chép lối thư pháp quốc ngữ (chẳng rõ là thảo thư, lệ thư hay hành thư nữa ?!), trông cũng tỉ mẩn tỉa tót, cũng chim bay bướm lượn ra phết. Tôi đã bất giác kêu lên : thú chơi này kì công và tài hoa đấy chứ ! Sinh vào thời trước, người này hẳn phải chiếm một chỗ trong thơ Vũ Đình Liên rồi. Đâu đã hết, tác giả của những trang thơ nhỏ lẻ này còn nghịch ngợm hơn, khi ghi nơi xuất bản là “Hợp tác xã thơ hồn rơm, chuyên chế biến ca dao và sản xuất thơ sạch”. Rồi tự đi photo, nhân bản, tự PR, tiếp thị, tự phát hành, phát tán bằng cách … bán rong. Thế cơ chứ lị. Cũng là một kiểu chơi ngông ! Tôi nhớ đã kêu lên thế và lấy làm kì kì trước cái lối chơi thơ kim cổ giao duyên, ta tàu giao kết, bán lão bán nhi, nửa chuyên nửa ngang đó. Giữa thời công nghệ thông tin phổ dụng thế này mà vẫn duy trì cái thú in ấn lưu hành như thế, thì cái ông làm thơ có tên là Văn Thùy này chẳng phải là một dị nhân sao ?
Người ấy, trong mạng số, xem chừng, lại có… căn lục bát.
Sau khi đã đọc chậm tất tần tật những gì ông gửi cho, có thể gọi những tập ấy là lục bát toàn tính, tôi cứ mải hình dung về chủ nhân của nó. Tôi nghĩ dại hay Văn Thùy đã lỡ ăn phải bùa ngải gì đó của lục bát, vì thế mà đã bị lục bát ám, lục bát làm, cả làm tình lẫn làm tội chăng. Không thế thì sao cứ loay hoay ban ngày lục bát ban đêm lục nồi như vậy suốt cả đời. Nếu Văn Thùy là một tay đan bồ cót rổ giá giần sàng nong nia dưới bóng tre làng, thì lục bát là những nan tre nuộc lạt mà ông lẩn mẩn trau chuốt tối ngày. Nếu Văn Thùy là tay kiếm cá đồng quê, thì lục bát là cái đơm cái đó của gã. Nếu Văn Thùy là một thầy lang, thì lục bát là dao cầu thuyền tán. Nếu Văn Thùy là một thầy cúng, thì lục bát là mõ là chuông. Nếu Văn Thùy là một tay bán quà rong thì lục bát là tò he, là lạc rang kẹo kéo. Nếu Văn Thùy là một tay chơi cảnh, thì lục bát là cây thế, chim lồng. Nếu Văn Thùy là tay buôn rượu quê, thì lục bát là những be sành, bầu nậm nút lá chuối khô. Nếu Văn Thùy là gã đồng nát thì lục bát là đôi bồ nan đựng trăm thứ bà rằn … Tôi cứ hình dung, sáng ra ở quê Ân Thi, Hưng Yên, thức dậy, người có tuổi như Văn Thùy phải đun một ấm nước, chiêu một ngụm trà, thì lục bát là chén trà đó; phải bắn một điếu thuốc lào, thì lục bát là thứ thuốc lào đó; rồi phải xơi một chút gì lót dạ đại loại như nắm xôi đồ, bắp ngô luộc, bát cơm rang, quả trứng lộn…, thì lục bát là thứ lót dạ đó của Văn Thùy. Một người như Văn Thùy, buổi trưa quê cần ngả lưng, kê đầu lên cái gối mây đan (trơn lì mồ hôi và có cả cáu bám khe nan nữa), phe phẩy chiếc quạt mo (về vệt vết tay cầm), lim dim đánh một giấc giữa nhà ngói gốc mít, thì lục bát là cái gối mây đan, là cái quạt mo đó. Một người như Văn Thùy, để giãn xương cốt, vào đêm quê phải tợp một chén rượu thuốc (ngâm cả rễ củ lẫn ngũ xà, tam xà), thì lục bát là cái chén rượu nồng nồng, tê tê, ghê ghê đó… Đọc Văn Thùy, đôi khi tôi còn hình dung ông như một con bệnh kinh niên của lục bát, một ca bệnh mãn tính của lục bát nữa. Lục bát đã nhiễm vào bạch cầu hồng cầu của Văn Thùy rồi. Một người cứ dan díu tằng tịu đánh đeo với lục bát hết ngày dài lại đến đêm thâu như vậy, chẳng phải là dị nhân sao ! Ấy là trời cho mà cũng là trời hành vậy.
Đành rằng Văn Thùy là một cây bút nặng nghiệp lục bát, đành rằng lục bát của Văn Thùy nghiêng về phong cách dân gian (điệu nói) chứ không phải cổ điển (điệu ngâm), nhưng những ví von miên man mà tôi cố tìm cho thật hợp với hình dung của mình kia chưa làm tôi thỏa mãn lắm. Văn Thùy vừa là thế, vừa có gì khác thế. Tôi đâm nản về khả năng hình tượng hóa của mình. Đến khi tôi sực nhớ tới hình ảnh đầy ấn tượng của nghệ nhân Hà Thị Cầu, thì lòng thấy ưng liền. Phải, nếu xem Văn Thùy là một nghệ nhân hát xẩm ở chợ quê, thì lục bát của ông chính là cây nhị tự biên tự đẽo mà diễn được mọi nông nỗi của lòng thơ và khéo chơi vẫn ánh lên những âm giai sáng giữa một nền âm hưởng âm u.
Văn Thùy rất tự biết về sở trường cùng cái thân thế lục bát của riêng mình, khi kiêu bạc tuyên ngôn: Kệ thơ son phấn cấp cao / Ta hong mấy mẹt ca dao ruột vàng / Mặc người chữ nghĩa xênh xang / Ta khênh lục bát giữa làng đọc chơi. Hoặc: Dứt phăng sợi chữ tân thời / Xe thành lục bát nối lời ru xưa. Hoặc: Nhịp hành khúc của người ta / Mình gam La thứ mình ca giọng mình / Thơ người bác học cung đình / Chữ mình tấm cám thì mình ca dao. Lục bát Văn Thùy cũng xoay quanh hai mạch tình : tình đời – mạch thứ và tình tang – mạch chủ. Tình đời là những ấm lạnh, đổi dời, dâu bể, những xáo xác trong thế thái nhân tình quê / tỉnh, tỉnh / quê ở cái thời kinh tế thị trường; là tâm niệm kẻ sĩ dân gian đời mới vẫn khăng khăng tin quan nhất thời dân vạn đại, vẫn một mực khinh giàu mà trọc trọng nghèo mà sang, vẫn ghét cay ghét đắng thói kim tiền; hay những cám cảnh đoái thương cho phận người nhỏ nhoi như những giọt người chìm nghỉm trong giời bể này… Giọng Văn Thùy ở đấy rất lợi thế khi trào phúng, giễu nhại, nhưng cũng không thiếu những lâm li, than thở, ngậm ngùi: Chẳng làm con sáo sang sông / Chị thành một giọt người trong bể người / Anh nằm đâu ở góc trời / Chị tôi đứng vậy suốt đời khói nhang. Đọc mà se xót bởi thấy ở hình ảnh ấy thân phận bao góa phụ trong cõi nhân gian không phải chỉ riêng thời chiến tranh trận mạc. Rất nhiều khi cảm khái về nhân sinh cũng được nói từ mình bằng những triết ngôn rất thấm thía: Bóng ta đổ dưới chân ta / nào ai đã bước nổi qua bóng mình. Nhiều hoài cảm thời thế vốn trầm tích sâu chợt xốn xang trở dậy trong những liên tưởng ngỡ rất ơ hờ : Leng keng xe rác phố bên / Tưởng hồn tàu điện chuông rền gọi nhau. Nhiều suy tư về thăng trầm của dân tộc lắm lúc cũng hiển ngôn trong lớp hình ảnh thật hào sảng : Rồng thiêng thăng giáng nơi đâu / Nhấp nhô lưng vẽ đỉnh cầu Long Biên… Còn tình tang là những ỡm ờ bóng gió, những lúng liếng lẳng lơ, những đắm mây dạt đò, những trêu hoa ghẹo nguyệt, những cậy bướm nhờ ong, những lườm cây nguýt lá … cứ liên khúc tình trường mọi cổng ngõ sân vườn của lục bát Văn Thùy. Ở mạch này, Văn Thùy tỏ ra rất dân gian (hay rất gian ?) khi chỉ nhất tâm thường trụ trước vẻ đẹp của gái một con: Ra ngõ gặp gái một con / Xòe tay đậy mắt kẻo mòn con ngươi; Sao đành làm gái một con / Để cho phỗng đá liếc mòn con ngươi. Không chỉ ve gái một con mà còn “quấy rối” cả ni sư đã nhập cõi Thiền: Em ăn mày Phật cửa chùa / Tôi thành hành khất bốn mùa yêu chay… Và luôn tỏ ra là tri kỉ của Thị Màu: Ngai vàng cung điện vùi sâu / Sân đình vẫn diễn Thị Màu ghẹo sư… Do đây là tiếng lòng sung nhất của gã thi sĩ lục bát dạo, lục bát rong này mà người ta thấy trong tình tang của Văn Thùy có một nét phổ biến: cái bạo sấn sổ trước cái nhã, cái tinh nghiêng ngả trước cái thô, cái thanh chịu trận cùng cái tục… Âu cũng là cái cách ghẹo tình táo tợn mà Văn Thùy đã thừa hưởng từ những chàng nông phu xưa, kiểu như Gặp đây anh nắm cổ tay / Anh hỏi câu này có lấy anh không. Thì phát huy phần thô mộc ấy cũng là một cách… ca dao chứ sao ! Nó làm nên sắc thái Văn Thùy. Cho nên, cũng không hiếm khi bạo-nhã, tinh-thô, thanh-tục ở Văn Thùy nuột ra trò: Em còn mặc cả gốc mai / Quay ra người bán mất hai cành đào / So đo nụ thấp nụ cao / Chợ tan còn cặp má đào đợi phai, nhưng xem ra, khi nhuyễn đến nền nã thế, cái văn khí của Văn Thùy lại mờ đi thì phải ?
Ném mình vào cuộc lục bát, hay theo cách của chính Văn Thùy là Từ ngày đốc chứng làm thơ / Khôn ngoan vốn mỏng ngẩn ngơ thêm dày, ông đã làm xong cái việc khó này: thác mình vào thơ mình. Người ta thấy trong đó một chút Nguyễn Bính, một chút Nguyễn Duy, một chút Đồng Đức Bốn, một chút Phạm Công Trứ, lại một chút Bút Tre…, nhưng những xoang điệu hơi hướm người khác vẫn không phủ mờ được hình cốt Văn Thùy. Ấy là một Văn Thùy bám chặt hương hỏa ca dao, ăn đong với đời thường, bán sỉ đời mình cho thơ, bán lẻ hồn mình cho từng cặp lục bát. Một Văn Thùy cỏ rả mà ngang ngạo. Mà ngạo nhất là cứ ngang nhiên mang cỏ rả của mình ra mà phơi giữa làng, giữa đình, giữa đời thế. Ngỡ là mặc cảm té ra ngạo ngầm. Cái ngạo của kẻ rành về loại giá trị ưa khuất lấp ngay trong vẻ tầm thường. Cho nên, Văn Thùy có một cách nhìn nhất quán khi vịnh vật là : chọn những vật hèn mọn nhom nhem để ngắm rồi làm óng lên ở đó những nét tinh hoa bằng một khẩu khí kiêu bạc. Viết về rạ rơm, cơm nguội, bèo bọt, khố đùm… là thế. Toàn những thứ người đời khinh khi, nhưng lại ẩn chứa những vẻ chớ có xem thường. Có màu vẻ nghe kinh cả người. Bèo thì: Nông sâu trong đục ngược xuôi / Lục bình vẫn hứng mây trời mênh mang, Nước non dâu bể thường tình / Xác ta cứ nổi hồn mình cứ trôi. Mẻ thì: Chó chết không thể thiếu ta / Mẻ đưa đám chó táng qua bụng người. Khố thì: Phô nứt đố, lộ vách nghèo / Biết đâu váy lĩnh cởi theo khố đùm. Lúc đậm lúc nhạt, khi lộ khi ẩn, nhưng đó âu cũng là cái tinh thần thẩm mỹ kiểu chùa rách phật vàng của dân gian vậy.
Văn Thùy sớm đánh cược với lục bát, nên đã nhập mình rất nhanh vào phong trào phục hưng lục bát gần đây cũng như cặp kè đi lại với chiếu Lucbat.com. Có cái không khí lục bát sôi nổi ấy, hẳn ông thấy mình đỡ lẻ loi. Nhưng, không có nó, Văn Thùy vẫn cứ là mình, nghĩa là vẫn độc diễn theo cách cũ, vẫn cui cút hành nghề lục bát tự tung tự tác từ A đến Z vậy thôi. Ông thạo các ngón nghề lục bát từ láy âm, phối nhịp, hiệp vần, chơi chữ, tiểu đối, đến dàn lời, dãn ý, dùng tiếng đơn tiếng đôi, chùm ba chùm bốn… rồi những ví von quê kiểng, liên tưởng quê mùa, tu từ quê cách… Chiêu nào cũng chơi sạch. Vì thế, Văn Thùy hành nghề như một ông lang vườn, nhưng lại thông thạo lắm y lý, y thuật. Dẫu có thực hành thơ như một nghệ nhân lục bát rong, lục bát dạo, thì tay viết vẫn đua phô thi pháp nhà nghề. Tuy nhiên, không thể không thấy trong sáng tác Văn Thùy, lắm lúc mải tỉa tót chữ nghĩa mà cái khéo của con chữ làm mờ cái tình của con tim. Tôi nghĩ Văn Thùy là một ca điển hình của lục bát nghiệp dư vươn lên tầm chuyên nghiệp. Ấy cũng là nét độc đáo Văn Thùy.
Dường như trút tất tật những tài tình có được vào lục bát mà Văn Thùy luôn xem nó là nghĩa lí duy nhất của đời mình. Ông cũng đầy âu lo trăn trở, khi nghĩ đến “hậu sự” chẳng biết rồi ra có được ai người tri nhận cảm thương không: Bây giờ hoặc mốt mai sau / Biết ai vuốt mắt cho câu thơ buồn. Đúng là, một khi đã trót ném mình vào thơ phú, thì dù kẻ hên người xui, kẻ lăn lóc nẻo này, người chìm nổi chốn kia, cũng không thể không xót xa cho nhau, cho thân phận vốn mong manh của cái tài cái tình trong cõi văn chương mờ mịt này.
Bây giờ thì tôi tin lòng thơ của Văn Thùy đã như cái ấm trà của những tay nghiện trà ở chốn quê. Cao trà năm này sang năm khác cứ bám dày, két chặt khắp lòng ấm. Chỉ cần vài thìa nước thật sôi rót vào là hương lục bát đã nhấp nhứng bay lên rồi. Xem đó là dạng lục bát nằm lòng hay bảo là phải lòng lục bát đây ? Thì cũng thế. Rành mạch quá mà làm gì. Bởi đằng nào thì nó cũng là Văn Thùy cả thôi!
Chu Văn Sơn – Vanvn.net