Nguyễn Lương (theo Wired) Nguồn TG&VN-Sử Dụng Ngôn Từ Của Thi Ca, Người Mỹ Đã Tìm Ra Cách Nói Lên Suy Nghĩ, Nỗi Lòng Mình Về Những Bi Kịch Thương Tâm, Thời Thế Hỗn Loạn Trong Suốt Một Năm Qua

Bài thơ  hơn 100 chữ của Saladin Ahmed.

Sự trở lại của thi ca

Vào một ngày đầu tháng 7, khi nữ thi sĩ da màu người Mỹ Claudia Rankine đang miệt mài với công việc trong phòng thì chồng cô bước vào và hỏi: “Sao anh không xem được cái này?”.

Điều mà chồng của Rankine đang nói đến là đoạn video được phát trực tiếp trên mạng xã hội Facebook. Đây là đoạn video gây sốc, nói về cái chết của một người đàn ông da đen tên là Philando Castile bị cảnh sát Mỹ bắn chết.

Diamond Reynolds, bạn gái của nạn nhân Castile cho hay: “Chúng tôi đã dừng xe theo yêu cầu của cảnh sát. Nhưng mọi việc đã trở nên tồi tệ hơn. Vì trong lúc Castile đang cố gắng xuất trình giấy tờ lái xe, anh ấy đã bị cảnh sát bắn bốn phát đạn”. Hình ảnh Castile với khuôn mặt đau đớn, người đầy máu đã được Reynolds quay lại và đưa lên facebook.

Đoạn clip cũng đã khiến nữ thi sĩ da màu Rankine xúc động. Trong khi đó, con gái của Rankine không có phản ứng gì mà đi về phòng bật to ca khúc “Freedom” nằm trong album Lemonade được Beyoncé cho ra mắt năm 2016. Người nghệ sĩ này đã mượn âm nhạc để lên tiếng đòi quyền lợi cho người da màu.

Nữ thi sĩ Rankine chia sẻ: “Lúc đó, trong ngôi nhà của chúng tôi tràn ngập giai điệu của ‘Freedom’. Tôi thấy đây mới thực sự là hành động có ý nghĩa sau sự việc đáng buồn”.

Trong khi con gái của Rankine lắng nghe giai điệu bài hát của Beyoncé thì rất nhiều độc giả lại tìm đến các tác phẩm như Citizen của mẹ cô bé – nữ thi sĩ Rankine – tuyển tập phong phú các bài phê bình và thơ về nạn phân biệt chủng tộc đối với người da màu – một vấn đề nhức nhối trong xã hội Mỹ. Cuốn sách thực sự có tác động lớn đến dư luận, và mang tính đột phá khi phản ánh trung thực xã hội Mỹ nhưng không làm mất đi sự kỳ vọng vào niềm tin công lý.

Một điều đáng chú ý là không chỉ các tác phẩm văn xuôi hay những dự án âm nhạc như của Beyoncé mà nhiều sự việc nghiêm trọng như: vụ thảm sát hộp đêm ở Orlando, các vụ xả súng, cho đến cuộc bầu cử vừa qua, đã được ghi lại một cách chân thực qua những trang thơ. Sử dụng ngôn từ của thi ca, người ta có thể nói lên suy nghĩ, nỗi lòng mình về những bi kịch thương tâm, thời thế hỗn loạn trong suốt một năm qua.

Bài thơ lấy cảm hứng từ ngày bầu cử

Theo nhà văn Saladin Ahmed, “mọi lời nói đều không truyền tải được hết những cảm giác, những gì đã diễn ra, đặc biệt khi viết về thế giới người Hồi giáo ở Mỹ”. Khi trang tin Buzzfeed muốn đặt Saladin Ahmed viết bài sau bầu cử, Ahmed đã nghĩ ngay đến câu hỏi ông từng được nghe nhiều lần: “Bạn sẽ nói như thế nào với các con về cuộc bầu cử?”.

Ahmed kể: “Tôi làm thơ. Ở cái tuổi đôi mươi, tôi cũng từng làm thơ. Nhưng do công việc bận rộn với nhiều dự án khác nhau mà trong chục năm ròng tôi không viết một bài thơ nào. Bất giác, mọi cảm xúc trong tôi lại ùa về. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến thứ duy nhất là làm thơ”.

Ngay lập tức, Ahmed đã liên lạc lại với trang Buzzfeed và hỏi: “Tôi không thể viết bài theo đề nghị của trang tin, nhưng các bạn có thể xuất bản thơ của tôi không?”.

Cuối cùng, Ahmed đã hoàn thành bài thơ hơn 100 chữ chỉ trong 1 giờ đồng hồ. Sau đó, Ahmed đã chia sẻ trên trang cá nhân: “Tôi đã viết một bài thơ về thế hệ con cái chúng ta và tương lai phía trước”.

48 tiếng sau khi cuộc bầu cử kết thúc, trên trang Poets.org đã nhận số lượt chia sẻ lớn nhất trong suốt 4 năm qua từ bài thơ này. Đồng thời, bài thơ này và nhiều bài thơ tiêu biểu khác đã nhận được sự quan tâm của đông đảo công chúng thông qua các trang mạng xã hội.

Richard Blanco – thi sĩ đã đọc thơ trong lễ nhậm chức của Tổng thống Mỹ, người đã viết về cuộc bầu cử và vụ thảm sát ở Orlando cho biết: “Một bài thơ không chỉ có ngôn ngữ mà còn mang theo thật nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau. Ngôn từ và tất cả mọi loại hình nghệ thuật đều nâng đỡ trái tim ta, mang lại sự sống cho ta vì chúng nói lên sự thật, chở biết bao nhiêu niềm hy vọng, và chất chứa mọi điều mà không một trang mạng xã hội nào có thể thay thế được” – Richard Blanco nhấn mạnh.

Nghệ thuật luôn có chỗ đứng

Đây không phải là lần đầu tiên thơ ca xuất hiện trong cuộc bầu cử Tổng thống mà có sức lan tỏa lớn. Việc các tác phẩm nhận được lượng chia sẻ lớn trên các trang mạng xã hội sau những vụ thảm sát nhằm vào người da màu cũng không có gì lạ.

Sau vụ thảm sát hộp đêm ở Orlando, một lần nữa thơ lại tràn ngập trên các phương tiện truyền thông. Đặc biệt, khi một giảng viên trường đại học New York chia sẻ bài thơ mang tên “A Poem for Pulse”  (Bài thơ Hộp đêm) trên trang facebook thì một nhân chứng trong vụ thảm sát đó tên là Patience Carter cùng nhiều nhà báo đã chia sẻ nó trên nhiều kênh truyền thông khác nhau.

Thi sĩ Richard Blanco cho rằng, thơ giống như kịch từ lâu đã không cón chỗ đứng trong cuộc sống. Thế nhưng, khi đối mặt với những áp bức, ngôn từ lại là thứ vũ khí sắc bén và quyền lực. Có một thứ luôn luôn tồn tại ở mọi nền văn minh, mọi chế độ, mọi thời đại, mọi hùng biện chính trị – đó chính là nghệ thuật.

“Đó là lý do vì sao chúng ta yêu mến các tác phẩm của Michaelangelo và luôn thấy chất hiện thực ở đó. Hay chúng ta đọc những bài thơ cách thời đại chúng ta 200 năm về trước, chúng ta vẫn thấy bài thơ ấy vẹn nguyên giá trị cho tới tận hôm nay”, thi sĩ Blanco cho hay.

Nguyễn Lương (Theo Wired) – Vanvn.net

Exit mobile version