Michael M. Naydan

Trong văn học truyền thống của Ukraine đã từng xuất hiện những nữ thi sĩ, và có một số thực sự nổi bật như Marusia Churai – nữ ca sĩ huyền thoại của thế kỷ XVII, Lesya Ukrayinka – nhà thơ, nhà soạn kịch tài ba của thế kỷ XIX, XX, Lina Kostenko – nhà thơ trong thời kỳ Liên Xô và sau độc lập. Tuy nhiên, tiểu thuyết trước thế kỷ XX vốn được coi là lĩnh vực của các nhà văn nam giới.

 Thời Mikhail Gorbachev (giữa đến cuối thập niên 1980) và giai đoạn Ukraine độc lập sau 1991 đã chứng kiến sự nảy nở của các nữ nhà văn. Hai tác giả được coi là cầu nối chuyển giao trong thời kỳ này là Evhenia Kononenko (sinh 1959) và Halyna Pahutiak (sinh 1958), những tác phẩm của họ có mặt trong tạp chí định kỳ của Liên Xô và các nhà xuất bản. Kononenko Kiev viết chủ yếu cho các tạp chí văn học như tờ Suchasnist ở Kiev, trong khi Pahutiak Lviv, bên cạnh việc xuất bản trên báo chí định kỳ, còn công bố một số cuốn sách từ thời Xôviết bao gồm: Trẻ con (Children- 1982), Ông chủ (The Master- 1986), Hếch mũi trong vườn (To End Up in a Garden-1989), và Hạt giống mù tạc (Mustard Seed- 1990). Những tác phẩm đầu tiên của Kononenko đa phần là truyện ngắn, ghi lại cuộc sống khủng hoảng thường nhật của phụ nữ Ukraine. Bài luận dài trong cuốn sách viết về nữ quyền của bà, Không chồng (Without a Hubby- 2005), đã kịch liệt phê phán tính gia trưởng của người đàn ông trong xã hội cũ.

Tiểu thuyết của Pahutiak có xu hướng giả tưởng, siêu thực. Tác phẩm Kẻ bợ đỡ quê Dobromyl (The Minion from Dobromyl- 2009) đã ghi lại tín ngưỡng dân gian về phù thủy, ma cà rồng cùng với thực tế lịch sử có từ thế kỷ XII. Hiện nay, Maria Matios là một trong những nữ tiểu thuyết gia nổi bật nhất của Ukraina, tác phẩm văn xuôi đầu tiên của cô được xuất bản vào năm 1992, một năm sau khi Ucraina độc lập.

Sự kiện khởi đầu cho văn xuôi của nữ giới xảy ra vào năm 1996, năm xuất bản Về tình dục ở Ucraine (Field Work in Ukrainian Sex), của Oksana Zabuzhko. Cuốn tiểu thuyết bán tự truyện dựa trên các chuyến du lịch của Zabuzhko tại Hoa Kỳ do Quỹ Fulbright tài trợ, tập trung vào tình yêu của nữ nhân vật chính với một nghệ sĩ người Ukraine. Mối quan hệ bất thành này là cơ sở để tạo nên những phân tích tâm lý sâu sắc, mãnh liệt của người phụ nữ. Trong những chủ đề khác, cô cũng thẳng thắn miêu tả quan hệ tình dục, những thứ bị cấm trong văn học Ucraina xưa. Trước đó, các nam nhà văn đã được phép viết về tình dục dưới góc nhìn nam giới. Trong số đó phải kể đến tiểu thuyết khiêu dâm của Yuri Pokalchuk, tác phẩm Những quý cô trong đêm (Ladies of the Night- 1992) của Yuri Vynnychuk, tiểu thuyết Tái tạo (Recreations- 1992), Người Mạc Tư Khoa (The Moscoviad- 1993), và Perverzion (Perverzion- 1996) của Yuri Andrukhovych, tất cả đều có cảnh tình dục. Đôi khi còn có cả cảnh hiếp dâm tàn bạo.

Cuốn tiểu thuyết của Zabuzhko, tái bản lần thứ chín, xử lý những mối quan hệ tình dục lần đầu tiên với góc nhìn tâm lý nữ giới, được sự ủng hộ rộng rãi của độc giả nữ Ukraine. Tiểu thuyết này đã gây nên một số phản ứng tiêu cực trên tạp chí khi xuất hiện, nhưng có lẽ chỉ là đối với tiêu đề mang tính khiêu khích của nó. Những phản ứng này chủ yếu đến từ quan niệm bảo thủ của những người khác giới. Cuộc tấn công vào Zabuzhko có vẻ như dựa trên lập trường cá nhân nhiều hơn. Một số nhà văn như Natalka Sniadanko, người viết về tình dục không theo quan điểm nữ quyền công khai, đã trình ra tác phẩm như là “chống lại Zabuzhko”. Tiểu thuyết của Zabuzhko, thực tế, là sự thất bại của quan hệ tình dục giữa nhân vật nữ chính với người tình nghệ sĩ Ukraine và không có khả năng nuôi dưỡng đứa trẻ với anh ta, đó là lý do thất bại cả bên trong lẫn bên ngoài. Với sự ra đời của cuốn tiểu thuyết, Zabuzhko đã tạo ra cá tính và khuôn mẫu của một nhà văn nữ quyền phương Tây, phá vỡ các rào cản xã hội, làm gương cho các nữ văn sĩ khác noi theo. Cuốn tiểu thuyết này cũng thúc đẩy các cuộc thảo luận dài về nữ quyền trên báo chí định kỳ Ukraine, những cuộc thảo luận văn học và đã được dịch ra một số ngôn ngữ châu Âu.

Cũng giống như những nhà văn khác cùng thế hệ, Zabuzhko luôn phấn đấu để được bước lên văn đàn quốc tế. Tác phẩm của cô hầu như là tập trung vào giới trí thức và dân thành thị với một phong cách văn xuôi phức tạp. Có lẽ điều này xuất phát từ những nguyên lý triết học và nghiên cứu học thuật. Trong tất cả những khía cạnh văn xuôi của mình, Zabuzhko đều vô tình, hay cố ý chống lại những khuôn mẫu lý tưởng của Ukraine cũ.

Cách thức mà Zabuzhko sử dụng trong Về tình dục ở Ucraine là thẳng thắn xưng tội. Cuốn sách, trên thực tế, với sự quan tâm của Sylvia Plath trong cuốn Chai chuông (The Bell Jar), là kinh nghiệm sống của Plath trong vỏ bọc tiểu thuyết. Điều đó đôi khi lại chính là mũi dao đâm thẳng vào Zabuzhko bởi một số nữ nhà văn trẻ tuổi hơn như Svitlana Pyrkalo, Natalka Sniadanko, Irena Karpa, Svitlana Povalyaeva, và Sofia Andrukhovych. Giống như Zabuzhko, trong cuốn tiểu thuyết mở đường, tất cả những nhà văn trẻ (29-37 tuổi) cũng tập trung vào đề tài cuộc sống đô thị, sử dụng từ tục tĩu, kém chất lượng, mang xu hướng xưng tội một cách thẳng thắn, mô tả những kinh nghiệm, chủ yếu là tình dục trớ trêu của mình cũng như cuộc sống hỗn loạn bên trong cảm xúc của họ.

Hầu hết những người trong nhóm này đều được đào tạo như nhà báo hoặc phóng viên truyền hình. ở Ukraine, các yêu cầu bằng cấp chuyên ngành báo chí đều tập trung vào ngữ văn. Pyrkalo và Sniadanko làm việc cho báo in, Karpa và Povalyaeva thì làm nhân viên phát thanh, truyền hình. Karpa làm việc cho kênh truyền hình MTV của Ukraine, đồng thời cũng chụp hình khỏa thân cho các tạp chí tình dục khác. Cô cũng là ca sĩ chính của ban nhạc Kyiv. Những tác phẩm của họ chủ yếu là tự truyện.

Một khó khăn cho các tác giả trẻ là sự tự phản chiếu của loại văn xuôi triết học, như dịch giả Dzvinka Matiash với cuốn tiểu thuyết đầu tiên của cô, Một lễ cầu hồn cho tháng Mười một (A Requiem for November- 2005). Cuốn tiểu thuyết xưng tội theo khía cạnh tâm linh, bao gồm những thiền định sâu sắc về cái chết. Cuốn tiểu thuyết thứ hai, Tiểu thuyết về Quê hương ta (A Novel about Your Homeland- 2006), liên quan tới cuộc sống của phụ nữ Ukraine trong quá khứ. Các tác giả khác, như Bohdana Matiyash cũng viết với cảm hứng triết học, đặc biệt là với những bài thơ văn xuôi của mình, như Đối thoại với Chúa Trời (Conversations with God- 2007).

Nhà văn Larysa Denysenko (1973) cũng có một số lượng đáng kể các nội dung tự truyện trong văn xuôi của mình, nhưng ít phần xưng tội hơn so với những tác phẩm đương thời. Cô là hình mẫu tiểu thuyết thường nhật, ghi chép cuộc sống hàng ngày. Là một trong những phụ nữ hiếm hoi có quyền hành trong xã hội Ukraine, sau khi tốt nghiệp ngành luật ở Nga, Denysenko học tiếng Ukraine, làm việc với bộ tư pháp ở tuổi 23, đồng thời tổ chức các chương trình truyền hình được ưa thích và xuất bản đến 7 cuốn tiểu thuyết, 3 cuốn sách cho trẻ em. Cô còn là người mẫu ảnh cho một số tạp chí thời trang và phụ nữ.

Ba nhà văn nổi bật từ khi Ukraine độc lập được kể đến là Matios Maria (1959), Iren Rozdobudko (1962), và Tanya Malyarchuk (1982). Matios đến với văn chương từ nền giáo dục ngữ văn và Rozdobudko, Malyarchuk đến từ ngành báo chí. Cả ba đều rất sung mãn. Matios đã xuất bản 14 cuốn tiểu thuyết, 6 tập thơ. Một trong những nội dung chủ yếu của cô là cuộc sống ở nông thôn Bukovyna, nơi cô được sinh ra và lớn lên. Rozdobudko đến từ Donetsk, là tác giả của 15 cuốn tiểu thuyết và 2 tập thơ. Cô bắt đầu sự nghiệp viết văn ở tuổi 38. Và Malyarchuk, ở tuổi 28, đã xuất bản 6 tiểu thuyết, cô thường viết về những kỷ niệm thời thơ ấu, cuộc sống của làng quê vùng núi Carpathian, nơi cô lớn lên.

Rozdobudko đã trở thành một bậc thầy của tiểu thuyết trinh thám và phim kinh dị. Cô tập trung vào việc kể chuyện, và những bài viết của cô nhận được sự đánh giá cao của đông đảo người đọc. Nhiều tác phẩm của cô đã được chuyển thể thành phim. Cô thường tự viết kịch bản cho phim của mình.

Matios và Malyarchuk cũng có nhiều khía cạnh văn xuôi đặc biệt ấn tượng. Thay vì tập trung vào cuộc sống đô thị nơi họ làm việc, cả hai đều trở về với quá khứ và cuộc sống ở thôn quê. Trong những trang viết của mình, Matios hay hồi tưởng lại các tiểu thuyết của Toni Morrison và Alice Walker, trong các tác phẩm như Người yêu dấu (Beloved) và Mùa tía (The Color Purplei), nó tạo nên vẻ đẹp thẩm mỹ và chiều sâu triết lý trong đó. Cả Morrison và Walker đều tìm kiếm tính xác thực trong những câu chuyện từ hồi ức của họ. Matios Darusia là một nhân vật tham gia vào thế giới vi mô của một ngôi làng nhỏ ở Bukovyna. Dân làng của cô nói tiếng địa phương Bukovynian. Phong cách viết của Matios khá phong phú và phức tạp. Thay vì phản ứng chống lại những định kiến ##ở nông thôn, Matios lại làm nổi bật cá tính độc đáo của tổ tiên mình và cho thấy chiều sâu nhân văn trong cuộc sống của họ.

Khác với Matios, tiểu thuyết của Malyarchuk có sức mạnh của những phác thảo mang tính họa với hình thức văn xuôi ngắn gọn, súc tích hơn. Giống như những nhà văn cùng thời, tiểu thuyết đầu tiên của cô xuất bản năm 2004 cũng mang xu hướng xưng tội, như Kết cục của Adolpho (Adolpho’s Endspiel), hay Hoa hồng cho Liza (A Rose for Liza), nhưng những tiểu thuyết sau của cô có xu hướng kiềm chế hơn. Phong cách của cô gọn gàng và minh bạch hơn Matios, cô là một người kể chuyện có tài năng và khá hấp dẫn, cô có cái nhìn hiện đại và một tư duy nhạy bén, thủ pháp khắc họa nhân vật và tâm lý vô cùng ấn tượng. Mảng văn xuôi viết về thời thơ ấu của cô thường rất ngắn gọn, tránh những lôi thôi dài dòng, phần lớn là những phác thảo, tuy đơn giản nhưng lại đưa ra cái nhìn sâu sắc, đáng kể về cuộc sống. Làng và Phù thủy làng (A Village and Its Witches) là một tác phẩm thú vị về cuộc sống và trật tự tự nhiên trong một vùng đất có tín ngưỡng phù thủy, mê tín dị đoan, và niền tin sâu sắc vào sức mạnh siêu nhiên. Không chối bỏ quá khứ, những trang viết của Malyarchuk thường bao trùm quá khứ với những bài học kinh nghiệm đáng quí. Cô thường hóa thân vào các nhân vật nam trong truyện với góc nhìn nam tính.

Một số nhà văn khác như Halyna Tarasiuk (1948), Sofia Maidanska (1948), Natalka Bilotserkivets (1954), Ludmyla Taran (1954), và Liuko Dashvar (bút danh của Irina Chernova; 1954) cũng được chú ý như một hiện tượng. Maidanska, Bilotserkivets, và Taran là những nhà thơ, nhà phê bình, họ đến với tiểu thuyết ở độ tuổi ngoài 40. Dashvar là người được đào tạo và làm việc như một nhà báo, sau đó là một người viết kịch bản phim, bắt đầu viết và xuất bản tiểu thuyết tại Ukraine năm 2006, năm 2008 xuất bản cuốn tiểu thuyết thứ hai, Sữa và máu (Milk with Blood- 2007) viết về cuộc sống một ngôi làng ở miền Nam Ukaraine. Bilotserkivets, một nhà thơ nổi tiếng, đến với văn xuôi bằng một cuốn tiểu thuyết được viết trong nhiều năm. Taran viết truyện ngắn và tiếp tục làm thơ. Tarasiuk, ban đầu là một nhà thơ, bắt đầu xuất bản văn xuôi trong năm 2004 ở tuổi 56, đã có 11 bộ sưu tập truyện ngắn và 1 tiểu thuyết Chị em nỗi cô độc của tôi (Sister of My Solitud, năm 2010).

Ba tiểu thuyết được đánh giá cao nhất là Bảo tàng những bí mật bỏ quên (The Museum of Abandoned Secrets- 2009) của Oksana Zabuzhko, Về gã tự điên Ucraine (Notes of a Ukrainian Selfmad Man- 2010) của Lina Kostenko, và Những trang rách của tự truyện (Torn Pages from an Autobiography- 2010) của Maria Matios. Kostenko là một nhà thơ ưu việt của Ukraine, đã bước qua tuổi 80 năm 2010, một nhân vật đáng tôn kính. Bà là một trong những đại diện hàng đầu của thơ ca Ukraine những năm 1960. Đột phá đầu tiên của bà vào tiểu thuyết năm 2010 đã nhận được một số lượng đáng kể những phản ứng tiêu cực từ phía người đọc và giới phê bình. Bà đã hủy chuyến du lịch tới thành phố Lviv vì chuyện này. Cuốn tiểu thuyết kể về một nhân vật nam chính 35 tuổi, là một lập trình viên máy tính, đã bị phê bình gay gắt của cả hai thế hệ trẻ cũng như già vì công việc và cuộc sống tẻ nhạt, bê tha của nhân vật.

Cuốn tiểu thuyết dài 832 trang của Zabuzhko, đã được hô hào giới thiệu khá cường điệu từ phía nhà xuất bản và tác giả cũng nhận được những phản ứng phức tạp. Đề cao có, chê bai cũng nhiều, đa số tập trung vào tính chất tẻ nhạt của nó, cũng giống như tiểu thuyết của Kostenko. Cuốn hồi ký của Matios kể lại cuộc sống của cô từ thời Liên Xô cũ tới khi Ukaraine độc lập với thái độ thẳng thắn và khá mỉa mai, xuất bản năm 2010 ở Ukraine, cũng dấy lên một câu chuyện phức tạp không kém với đơn khiếu nại chống lại cuốn sách.

Tóm lại, có hai xu hướng nổi lên trong các tác phẩm của các nữ nhà văn ở Ukaraine. Một là viết về thành thị với những phản ứng gay gắt, dữ dội chống lại Liên Xô cũ. Xu hướng thứ hai là suy tôn văn chương về nông thôn, trở về với cuộc sống của một làng quê dân dã trong quá khứ. Những nhà văn nữ như Matios, Malyarchuk và Dashvar say sưa trong quá khứ và những bài học rút ra từ nó. Thật thú vị nếu tiếp tục theo dõi sự đối đầu giữa hai phương phức hoàn toàn khác nhau này.

THÁI LƯƠNG

Theo Worldculture

Exit mobile version