Thấm thoắt, Văn nghệ Trẻ đã bước qua quảng thời gian 20 năm tồn tại và phát triển. Nhìn lại quảng thời gian không phải là dài đối với một tờ báo, nhưng như thế cũng là dài đối với cuộc đời của một phóng viên hay bạn đọc. Văn nghệ Trẻ ra đời vài năm sau ngày đất nước đổi mới. Những thành tựu đầu tiên của đổi mới đất nước làm cho tất cả đều phải đổi mới tư duy. Cái tư duy được đổi mới đã làm cho văn học nghệ thuật có nhiều đất diễn hơn. Văn nghệ Trẻ có điều kiện đó được coi là thuận lợi. Nhưng trong cơ chế thị trường, bao cấp đã mất thì bắt buộc các nhà báo, toà báo phải tự lo toan sinh kế. Đấy lại là một thách thức lớn mà Văn nghệ Trẻ gặp phải từ ngày đầu hoạt động, điều kiện ấy được coi là khó khăn. Văn nghệ Trẻ đã tồn tại cùng văn nghệ và cùng giới trẻ suốt 20 năm qua với sức sống mãnh liệt là điều đáng tự hào.

Làm truyền thông về văn nghệ là khó, đối tượng bạn đọc thường là những người thích chữ nghĩa, không hay thì không thu hút được bạn đọc. Chất văn học, nghệ thuật trong truyền thông lại phải sát với cuộc sống đời thực đầy vất vả, lo toan. Truyền thông về văn nghệ lại càng phải bươn chải với cơ chế thị trường để tìm sinh kế và cơ hội phát triển.

Làm truyền thông về văn nghệ cho giới trẻ lại càng khó hơn. Giới trẻ vốn không muốn đi đường mòn, luôn muốn tìm tới phá cách để thể hiện mình. Có những phá cách tạo ra được lối đi mới, được coi như thành công. Cũng có những phá cách gây ra phản cảm mà bị phê phán, đó là không thành công. Đời sống văn học, nghệ thuật trong cơ chế thị trường là như vậy, đất cho giới trẻ rộng hơn nhưng cũng nghiệt ngã hơn. Văn nghệ Trẻ đã theo sát được tâm lý văn học, nghệ thuật của giới trẻ, hướng dư luận tới những phát hiện mới có ý nghĩa và cũng giúp tránh đi những phá cách gây phản cảm của số đông.

Văn nghệ Trẻ cũng đã không ràng buộc mình chỉ trong sân chơi văn học, nghệ thuật. Tờ báo đã không ngần ngại đặt chân vào cả những lĩnh vực phân tích chính sách, phản biện xã hội tại các điểm nóng trên thực tế. Điều thú vị của Văn nghệ Trẻ là không viết những chuyên mục này như các báo khác mà có cách riêng, gần hơn với văn học và nghệ thuật. Những vấn đề đưa ra được mổ xẻ dưới góc nhìn theo chiều sâu của văn hoá và nhân văn. Tính chiến đấu có biểu hiện của sức trẻ nhưng cách viết lại đầy kinh nghiệm từng trải. Giới trẻ thích và những người luống tuổi cũng thích. Đấy chính là những điều mà Văn nghệ Trẻ đã để lại trong làng báo và làng văn học nghệ thuật.

Đến nay, sau 20 năm trưởng thành của ở độ tuổi sung mãn nhất, Văn nghệ Trẻ đã quyết định thay đổi hình thức truyền thông. Từ báo giấy chuyển sang báo điện tử. Báo giấy có ưu điểm riêng được coi như một tác phẩm hiện hữu, quen thuộc và có thể bước vào đời sống của giới trẻ ở những nơi chưa phát triển mạng thông tin điện tử. Báo giấy cũng có một nhược điển lớn là chi phí in ấn cao, làm giảm đi sức lan toả của thông tin. Báo điện tử lại có điểm mạnh là thông tin luôn mới và chuyển tải ngay tới người đọc, người đọc trên toàn cầu khi chỉ cần có mạng Internet. Nhiều báo lớn trên thế giới cũng đã chuyển từ dạng báo giấy sang báo điện tử. Văn nghệ Trẻ quyết định như vậy là hợp lý, và chắc là sẽ tạo được nhiều thành công mới. Độc giả của Văn nghệ Trẻ ở đô thị chắc không có gì thay đổi và sẽ có nhiều đổi giả hơn do tính chất thuận tiện của báo điện tử. Chắc chắn, Văn nghệ Trẻ sẽ có nhóm độc giả mạnh là kiều bào ta ở nước ngoài, trong đó có giới trẻ Việt kiều với số lượng đông và tính chủ động cao.

Chuyển đổi hình thức truyền thông của tờ báo ở tuổi 20 cũng là một kỷ niệm đẹp. Những kỷ niệm cũ được gói lại ở tuổi 20 để bước sang một giai đoạn mới với những cơ hội mới và thách thức mới. Với tư duy của một người bạn, một người viết cho Văn nghệ trẻ, chúng ta luôn hy vọng cùng Văn nghệ Trẻ nâng sức mạnh lên nhiều hơn nữa trong giai đoạn mới giữa tuổi thanh niên.

 

Nguồn: Văn nghệ Trẻ