Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy
– Là tác giả của “Biển xanh màu lá” – cuốn tiểu thuyết đầu tiên về Trường Sa, anh có thể chia sẻ kỷ niệm mà anh nhớ nhất trong lúc sáng tác tác phẩm nói trên?
– Có rất nhiều kỷ niệm với “Biển xanh màu lá” khi tôi viết nó và ngay cả khi sách đã đến tay bạn đọc. Tôi thấy thú vị là nhiều người khi đọc “Biển xanh màu lá” rất hay hỏi tôi về các nhân vật trong tiểu thuyết, nhiều người nghĩ đó là những nhân vật có thật ngoài đời, thậm chí một nhà làm phim tài liệu còn đề xuất cùng tôi trở lại Trường Sa để… gặp lại những nhân vật đó mà không nghĩ đó chỉ là những nhân vật văn học.
– “Ngày hội đọc sách” tại Văn Miếu Quốc Tử Giám (Hà Nội) vừa rồi có trình diễn trích đoạn tác phẩm “Sát thủ online” của anh trong khi tác giả của nó lại đang tham gia trại sáng tác văn học tại Phú Yên. Sao anh lại bỏ qua cơ hội đến với bạn đọc trong một sự kiện quan trọng như vậy?
– Cả hai sự kiện, tham dự Trại sáng tác văn học tại Phú Yên và tham gia trình diễn tác phẩm trong Ngày Hội đọc sách tại Văn Miếu đều nằm trong kế hoạch của tôi. Khi tôi nhận giấy mời đi trại viết thì cũng là lúc Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam làm kế hoạch và lên kịch bản trình diễn các tác phẩm trong Ngày Hội đọc sách, trong đó tác phẩm của tôi. Vì lựa chọn đi trại viết để hoàn thành nốt cuốn tiểu thuyết tiếp theo nên tôi đã xin rút trình diễn tác phẩm, nhưng các anh chị trong Ban Nhà văn trẻ vẫn muốn tôi tham gia và đã chấp nhận phương án tác giả cứ đi còn ở nhà tác phẩm cứ trình diễn. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà văn Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp cùng những người khác đã hỗ trợ, giúp đỡ tôi rất nhiều từ dàn dựng, nhờ người thay mặt tác giả đọc đoạn trích tiểu thuyết “Sát thủ online” để trình diễn trong chương trình chung của Ban Nhà văn trẻ… Qua báo chí và anh em bạn bè điện vào tôi biết phần trình diễn tác phẩm của mình rất được khen và thấy vô cùng cảm động vì những sự giúp đỡ đó. Tuy nhiên, ở Phú Yên tôi cũng đã được tham dự Ngày Hội đọc sách do tỉnh tổ chức tại Thư viện Hải Phú, cũng rất vui và sinh động.
– Anh có thể tiết lộ một chút về những sáng tác của mình tại trại viết?
– Đúng theo kế hoạch tôi viết tiếp được một phần tiểu thuyết mới có tên “Nhắm mắt nhìn trời”, cùng với đó tôi cũng hoàn thành hai truyện ngắn để nộp cho Ban tổ chức trại (Búp bê tóc xanh và Mộ đàn). Thời gian còn lại dành cho báo chí, chụp ảnh và tận hưởng phong cảnh, tìm hiểu về đất và người Phú Yên, bởi đây cũng là lần đầu tiên tôi được lưu lại Phú Yên lâu đến thế.
– Vậy đất và người Phú Yên có gợi cảm hứng sáng tác cho anh và những nhà văn nhà thơ đang dự trại viết? Nó có xuất hiện trong tác phẩm anh mới viết?
– Đến thời điểm này, tại trại viết, đã có rất nhiều tác phẩm của các nhà văn, nhà thơ có cảm hứng từ Phú Yên. Nhà văn Đỗ Tiến Thụy, người phụ trách phần văn xuôi của trại đã nói, chưa có một trại viết nào mà dấu ấn của địa phương trong tác phẩm lại đậm đặc đến thế. Riêng tôi có chậm chễ hơn, có lẽ phải có một độ lùi nhất định, nhưng những gì tôi thu nạp được từ vùng đất này thực sự là những trải nghiệm đáng quý cho nghề viết.
– Ngoài sáng tác thấy anh còn theo sát các hoạt động của trại viết và chụp rất nhiều ảnh khi đi tham quan các danh thắng cũng như giao lưu với các đơn vị, đây là sở thích của anh hay những gì diễn ra khiến anh không thể không bấm máy?
-Bên cạnh viết văn tôi còn làm báo, và chụp ảnh cũng là một phần của công việc ấy. Nhưng đúng là số ảnh tôi chụp ở Phú Yên rất nhiều, vượt xa những gì các bài báo cần. Bởi tôi nghĩ cơ hội để đi lại những chuyến đi thú vị tập trung rất nhiều nhà văn nhà thơ của cả nước thế này tại Phú Yên là không nhiều, vì thế nên tôi đã cố gắng lưu lại những khoảnh khắc đẹp và đáng nhớ. Tôi đã đưa ít nhất gần một trăm bức ảnh về hoạt động của trại viết và về Phú Yên lên các báo. Đó cũng là một cách chia sẻ với những đồng nghiệp chưa có cơ hội đến Phú Yên lần này. Ngoài ra còn để các nhà văn có những tấm hình lưu niệm.
Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy và nhà văn Ngô Phan Lưu tại Phú Yên. Ảnh: Nguyễn Dung
– Trước khi đến Phú Yên anh có hay đọc những tác phẩm của các tác giả Phú Yên không? Anh thích văn ai nhất?
– Trước khi đến Phú Yên tôi đã biết đến mảnh đất này qua những trang văn của nhà văn Huỳnh Thạch Thảo, nhà văn Ngô Phan Lưu và một số tác giả khác. Có những người tôi thực sự kính trọng cả về tài năng cũng như thái độ lao động nghệ thuật. Thành công trong nghề thì mỗi người mỗi khác nhưng quan niệm của tôi là ở ai đó cũng có gì đó để học vì thế với mỗi tác giả tôi sẽ có cách tiếp cận tác phẩm của họ khác nhau, tôi chỉ chọn những tác phẩm thích nhất của tác giả đó chứ không so sánh họ với người khác.
– Vậy lần này có dịp tiếp xúc anh cảm nhận thế nào về các nhà văn nhà thơ Phú Yên?
– Đến Phú Yên lần này, tôi rất vui khi biết thêm những anh chị, những đồng nghiệp như anh Y Nguyên, anh Ma Joan, bạn Phương Trà… Cảm nhận thì nhiều lắm, tôi cảm nhận về họ và họ cảm nhận về tôi, tốt xấu thì chưa dám khẳng định nhưng chắc chắn tôi và những nhà văn nhà thơ dự trại viết lần này sẽ có thêm những người bạn mới, hoặc đã quen thì rất có thể sẽ trở nên thân tình hơn nhờ hiểu nhau hơn. Tôi rất thích hai thứ gia vị của Phú Yên là ớt xanh và mắm é, và thấy con người Phú Yên, trong đó có các văn nghệ sĩ cũng mặn mòi như vậy. Không riêng gì Phú Yên, các nhà văn nhà thơ ở đâu cũng thế, họ chính là những đại sứ văn hóa của địa phương, thông qua trang viết của họ những người không có cơ hội đến cũng có thể khám phá vùng đất ấy. Phú Yên có nhiều tài năng văn chương này và tôi nghĩ rằng, không ai có thể viết hay về vùng đất này hơn chính những nhà văn nhà thơ Phú Yên.
Nguyễn Dung thực hiện
Nguồn: Báo Phú Yên.