Báo chí tham gia bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc

Ngày 13-5-2016, tại TP Kon Tum đã diễn ra Hội thảo “Báo chí với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc” với sự tham dự của Hội Nhà báo 5 tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng).

Tây Nguyên là vùng đất có đông đồng bào từ mọi miền đất nước về lập nghiệp. Trong quá trình sinh sống cộng cư, cùng với sự giao thoa văn hoá không tránh khỏi sự mai một, mất dần bản sắc tộc người của các dân tộc anh em. Làm thế nào để vừa tôn trọng, gìn giữ sự riêng biệt, bảo tồn bản sắc văn hoá đa dạng trong thống nhất là vấn đề bức thiết được đặt ra. Trong đó, báo chí – tiếng nói của Đảng, chính quyền, diễn đàn của nhân dân-càng không thể đứng ngoài yêu cầu bức thiết ấy.

9 tham luận trình bày tại hội thảo là những tâm huyết, trăn trở của những người làm báo trước sự mất – còn của di sản văn hoá dân tộc. Thời gian qua cá cơ quan báo chí đã những kinh nghiệm hay, những bài học quý về vấn đề trên đây, như: Chương trình phát thanh tiếng dân tộc thiểu số của Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Nguyên với việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy ngôn ngữ văn hoá truyền thống; Báo Lâm Đồng với việc tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc trong tỉnh; Báo chí Đắk Nông đặc biệt quan tâm tuyên truyền bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị văn hoá truyền thống dân tộc; Việc phát huy vai trò của báo chí trong công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum v.v…

Hội thảo đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề, để những người làm báo nhận thức đầy đủ vai trò trách nhiệm của mình trong công tác tuyên truyền bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống các dân tộc, thực sự xứng đáng là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận văn hoá tư tưởng.

Theo báo Lâm Đồng

Trường ĐH Duy Tân kết nghĩa với một số Hội nhà văn địa phương

Sáng 14-5-2016, tại Trường Đại học Duy Tân (Tp Đà Nẵng) đã diễn ra Lễ kết nghĩa giữa Trường ĐH Duy Tân và Hội nhà văn TP Hồ Chí Minh, Hội nhà văn Thừa Thiên Huế và Hội nhà văn TP Đà Nẵng.

Hơn 20 năm xây dựng và phát triển, trường ĐH Duy Tân đã trao đổi và được sự hỗ trợ hợp tác với một số Hội Nhà văn trong nước, nhằm thực hiện mục tiêu và định hướng của trường trong công tác đào tạo. Việc tổ chức kết nghĩa này nhằm hướng tới giúp cho giảng viên và sinh viên có những hiểu biết cần thiết và  bổ ích về VHNT và nhất là tạo được những sinh hoạt ĐH lành mạnh, giàu tính nhân văn trong giới trẻ. Cùng với đó, Trường ĐH Duy Tân sẽ mời các nhà văn, nhà nghiên cứu đến nói chuyện, giao lưu với các GV và SV của nhà trường trường. Tuỳ theo yêu cầu và hoàn cảnh cụ thể, có thể tài trợ cho các nhà văn thuộc các Hội nhà văn in tác phẩm theo sự thoả thuận của cả hai phía. Tạo điều kiện cho các nhà văn tham quan và tìm hiểu về ĐH Duy Tân, để có thể viết về giáo dục đại học, nói chung và về nhà trường nói riêng.

Về phía các Hội nhà văn kết nghĩa sẽ có ưu tiên “đất” trên Tạp chí của các Hội để giới thiệu những bài nghiên cứu của các GV và sáng tác hay của SV; Đồng thời đề xuất với nhà trường những sinh hoạt cần thiết có thể phối hợp giữa các bên.

Theo nhavantphcm.com.vn

Hải Phòng tổng kết Trại sáng tác về xây dựng nông thôn mới-2016

Sáng 13-5-2016 tại 19 Trần Hưng Đạo-TP Hải Phòng, Hội Liên hiệp VHNT Hải Phòng đã tổ chức Tổng kết Trại sáng tác đề tài xây dựng nông thôn mới năm 2016. Tới dự có đại diện lãnh đạo huyện Thủy Nguyên, các hội chuyên ngành và anh chị em hội viên tham gia trại sáng tác được tổ chức từ ngày 25-3-2016 đến ngày 25-5-2016 tại huyện Thủy Nguyên. Tham gia Trại lần ngày có 24 hội viên thuộc 8 chuyên ngành. Kết thức Trại, đã có 58 tác phẩm được hoàn thành gồm: 4 ca khúc, 1 kịch bản múa, 3 ký, 10 bài thơ, 4 kịch bản sân khấu ngắn, 1 phóng sự tài liệu và 32 ảnh. BCH Hội Nhà văn Hải Phòng có 7 hội viên, gồm 3 nhà văn và 4 nhà thơ tham dự trại.

Tại lễ tổng kết, BTC Trại sáng tác đã đánh giá, ghi nhận những điểm mạnh; đồng thời chỉ ra những hạn chế của từng tác phẩm. Một số tác phẩm thơ, nhạc, nhiếp ảnh… đã được trình diễn, trưng bày trong buổi tổng kết.
Qua chuyến đi thực tế về huyện Thủy Nguyên, một vùng quê nhiều tiềm năng đang phát triển mạnh mẽ, với quyết tâm cao của lãnh đạo và nhân dân địa phương, bằng sáng tác của mình, các văn nghệ sĩ đã góp thêm tiếng nói tâm huyết trong phong trào xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Theo vanhaiphong.com

Chi hội Nhà văn VN tỉnh Hà Tĩnh đi thực tế vùng biển Kỳ Anh

Trong khuôn khổ lộ trình đi thực tế sáng tác tại các vùng biển Hà Tĩnh, tuần qua Chi hội nhà văn Việt Nam tỉnh Hà Tĩnh gồm nhà văn: Đức Ban, Phan Trung Hiếu, Nguyễn Ngọc Phú và Bùi Quang Thanh đã đến thị xã Kỳ Anh và một số địa bàn vùng biển của huyện Kỳ Anh tìm hiểu thực tế.

Sau khi gặp gỡ và trao đổi tình hình sáng tác cũng như tìm hiểu tình hình với một số hội viên Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật tỉnh Hà Tĩnh hiện đang sinh sống, công tác trên địa bàn huyện Kỳ Anh, đoàn đã xuống thực tế cảng biển Vũng Áng, tiếp xúc, chuyện trò với một số người dân làm nghề đánh bắt và tiêu thụ, kinh doanh tìm hiểu thêm về tình hình sau vụ hải sản chết bất thường hàng loạt vừa qua.

Sau chuyến đi, các nhà văn đã có những ghi chép, tản văn, bài thơ sáng tác kịp thời và có kế hoạch công bố rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Theo vanhocnghethuathatinh.org.vn

TUYÊN HÓA Tổng hợp – Vanvn.net

Exit mobile version