Một trường THCS ở Hà Tĩnh thành lập Câu lạc bộ Sáng tác trẻ.

Nhằm tạo thêm điều kiện để học sinh yêu thích bộ môn Văn cũng như tạo môi trường để phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng các cây viết trẻ ở lứa tuổi học đường, trường THCS Lê Văn Thiêm ở TP Hà Tĩnh đã thành lập và ra mắt Câu lạc bộ Sáng tác trẻ vào ngày 31-10-2016.

Tham dự buổi lễ ra mắt có đại diện lãnh đạo Hội liên hiệp VHNT tỉnh Hà Tĩnh, Sở GD & ĐT tỉnh, Phòng GD & ĐT TP Hà Tĩnh, các thầy cô trong Ban Giám hiệu, giáo viên bộ môn Văn sử cùng gần hơn 100 học sinh.  Tại buổi lễ, sau khi Ban giám hiệu công bố quyết định thành lập Câu lạc bộ do cô giáo Hồ Minh Thông làm Chủ nhiệm, với chủ điểm tháng 10 “Mẹ và thi ca”, các em đã trình bày nhiều sáng tác mới, bình luận những bài thơ hay, giải đố vui, nghe các Nghệ nhân, ca sỹ ngâm những bài thơ hay về đề tài người mẹ…

Nhà văn Phan Trung Hiếu, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT, Trưởng Ban văn học thiếu nhi Hà Tĩnh  đã biểu dương sự cố gắng của lãnh đạo Nhà trường cũng như hi vọng Câu lạc bộ Sáng tác trẻ sẽ là nơi để phát hiện, ươm mầm những năng khiếu văn chương của tuổi học đường, tích cực tham gia các cuộc thi viết tuổi học trò trong tỉnh cũng như cuộc thi “Cây bút tuổi hồng” do Hội nhà văn Việt Nam phối hợp với Hội đồng đội TW, Báo Thiếu niên tiền phong phát động.

(Theo: vanhocnghethuathatinh.org.vn)

Các nghệ sĩ Lâm Đồng đi thực tế sáng tác ở Đông Nam Bộ

Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức chuyến đi thực tế sáng tác Văn học Nghệ thuật tại miền Đông Nam Bộ. Trong thời gian hơn 1 tuần, các văn nghệ sĩ miền Cao nguyên đã có những trải nghiệm thực tế cuộc sống, đất và người tại các địa phương: TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Bình Dương và Đồng Nai. Đoàn đã đến thăm Dinh Thống Nhất, Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP Hồ Chí Minh); Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Cửa khẩu Xa Mát, Hồ Dầu Tiếng, Núi Bà Đen (Tây Ninh); Gốm sứ Minh Long 1, Nhà tù Phú Lợi, Chùa Hội Khánh, Thành phố mới Bình Dương; Văn miếu Trấn Biên, Cù Lao Phố, Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, Cầu Ghềnh… ở Đồng Nai.

Tại các địa phương trên đây, Đoàn cũng đã có các cuộc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm sáng tác với các văn nghệ sĩ và lãnh đạo Liên hiệp Hội Văn học-Nghệ thuật TP. Hồ Chí Minh, các Hội VHNT tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai với nhiều cảm xúc và tình cảm tốt đẹp.

(Theo: tapchilangbian.com.vn)

Văn minh và nghệ thuật Champa nhìn từ sưu tập cổ vật Chàm

Ngày 3-11, Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế phối hợp nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề “Văn minh và nghệ thuật Champa nhìn từ sưu tập cổ vật Chàm tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế”.

Được hình thành từ khi mới ra đời Bảo tàng (năm 1927) khu cổ vật Chàm sở hữu nhiều tác phẩm quý giá. Trong sưu tập này có các cổ vật được đưa về từ các cuộc khai quật ở Trà Kiệu và Tháp Mẫm; đặc biệt một số lớn cổ vật có xuất xứ ở khu vực Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế. Đây chính là những bằng chứng quan trọng nhất cho thấy vùng duyên hải miền Trung, đặc biệt là khu vực Bình-Trị-Thiên đã từng tồn tại những khu đền tháp có quy mô lớn của cư dân Champa cổ, cung cấp thêm những thông tin sinh động về lịch sử mỹ thuật, phong cách kiến trúc, phong tục, tập quán, văn hóa-tín ngưỡng của người Chăm xưa trong quá trình tiếp thu ảnh hưởng văn hóa từ các nước khác trong khu vực và hội nhập văn hóa Chăm – Việt.

Tại buổi nói chuyện, nhà nghiên cứu Trần Kỳ Phương – người đã có rất nhiều công trình có giá trị nghiên cứu chuyên sâu về văn minh và nghệ thuật Champa ở miền Trung đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu của mình về bối cảnh giao thương của vương quốc Champa trong khu vực và những giá trị nổi bật của sưu tập cổ vật Chàm tại tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế…

Bảo tàng cổ vật cung đình Huế lưu giữ 86 hiện vật Champa. Tất cả những hiện vật này đều được chế tác bằng đá, chủ yếu là sa thạch, hoàn toàn không có hiện vật bằng kim khí và các chất liệu khác. Hiện vật Champa ở đây có thể phân thành 3 nhóm: Vật trang trí trong kiến trúc Champa; Vật thờ tự trong các đền tháp Champa; Chi tiết kiến trúc.

(Theo: tapchisonghuong.com.vn)

TUYÊN HÓA tổng hợp – Vanvn.net