Bộ sách mới nhân dịp Giáng sinh 2016 của NXB Kim Đồng
“Ông già Noel ơi” của nhà văn Võ Thu Hương – tập tản văn mới nhất trong bộ sách “Viết cho những điều bé nhỏ”, tập truyện ngắn “Giải cứu ông già Noel” của nhà văn Khánh Liên và tập truyện “Lá thư đêm Noel” của các tác giả tâm huyết viết cho thiếu nhi Nguyễn Ngọc Hoài Nam, Nguyễn Thị Thanh Bình, Phạm Tử Văn, Lan Phương, Đinh Thị Thu Hằng… cùng với cuốn artbook “5 Mùa” là những tác phẩm trong trẻo, giàu mỹ cảm, ấm áp tình người, những câu thơ giàu chất hội họa… mà Nhà xuất bản Kim Đồng dành tặng cho các em thiếu nhi trong mùa Giáng sinh này.
Ông già Noel ơi tuyển chọn hơn 20 tản văn viết về quê hương, kỷ niệm tuổi thơ của nhà văn Võ Thu Hương – một cô bé mộng mơ có tuổi thơ gắn bó với thành Vinh yên bình. Mỗi câu chuyện, mỗi điều tác giả sẻ chia đều mang những thông điệp đong đầy yêu thương. Tình yêu được chia sẻ và lan truyền từ những việc làm nho nhỏ, đơn giản chỉ là lau sạch hiên nhà cho những người thợ nghỉ trưa, mua cây quất còi cho một cô gái nghèo vào ngày áp Tết, hay câu chuyện một cô bé vẫn muốn dành điều ước trước ông già Noel cho dì mình – người dì không tin có ông già Noel sau những thăng trầm cuộc sống…
Giải cứu ông già Noel là tập truyện trong trẻo dành cho thiếu nhi của nhà văn Khánh Liên. Ti Ti là cậu nhóc ở xứ phù thủy, vì muốn giữ ông già Noel cho riêng mình, Ti Ti đã bắt cóc ông già Noel, làm sao ông già Noel có thể đi phát quà cho các bạn nhỏ khắp thế giới được? Chuyện của chú tuần lộc Lí Lắc lần đầu được kéo xe chở ông già Noel đi phát quà cho trẻ em. Chuyện về bạn Sao Xíu thích dạo chơi dưới trần gian, và giúp đỡ các bạn nhỏ tìm được niềm vui trong lễ Giáng sinh, câu chuyện cảm động về bạn Sẻ con lạc bố mẹ, dù sợ hãi cô đơn nhưng vẫn giữ chú sâu bé nhỏ làm quà Giáng sinh cho bố mẹ. Và thật bất ngờ khi chú sâu ấy biến thành một chú bướm sặc sỡ, trước sự ngỡ ngàng của Sẻ con, và với bố mẹ, đó chính là món quà Giáng sinh đẹp nhất. Hay chuyện bạn Vian nhận được một món quà Giáng sinh đáng nhớ…
Lá thư đêm Noel là tuyển tập truyện ngắn của các nhà văn tâm huyết với thiếu nhi. Đó là “Lá thư đêm Noel”, “Ông già Noel đi xe ôm” của Nguyễn Ngọc Hoài Nam, “Món quà Giáng sinh” của Nguyễn Thị Thanh Bình; “Điều bất ngờ trong đêm Noel” của Chung Thanh Huy; “Đêm Giáng sinh” của Lan Phương; “Lắng nghe! Nào lắng nghe!”, “Con ngáo ộp trong túi xách” của Đinh Thị Thu Hằng; “Thấy mình đã lớn” của Phạm Tử Văn và “Lạc loài phố thị” của Hạt Cát…
Từ cuộc thi “Vẽ cùng thơ” do NXB Kim Đồng tổ chức, từ ngày 5-8 đến ngày 10-10, với 486 tác phẩm từ 296 họa sĩ gửi về, 104 bức tranh đã được chọn lọc ra tiếp tục có một đời sống mới, khi làm nên cuốn artbook 5 Mùa.
Những bài thơ hay đoạn trích thơ được lựa chọn trong tập sách này có thể chưa hẳn là tác phẩm hay đoạn trích tâm đắc nhất của tác giả, nhưng đây là những bài thơ, câu thơ giàu chất hội họa, gợi cảm hứng nhiều nhất cho các bạn họa sĩ trẻ khi đến với “Vẽ cùng thơ”.
(Theo: nhandan.com.vn)
Kỷ niệm 15 năm thành lập Bảo tàng Phạm Huy Thông (2001-2016)
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Giáo sư Phạm Huy Thông (1916-2016), một gương mặt ấn tượng của phong trào Thơ Mới, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á thuộc Hội nghiên cứu khoa học Đông Nam Á đã gặp mặt thân mật kỷ niệm 15 năm thành lập Bảo tàng Phạm Huy Thông (2001-2016) tại số 19 phố Vua Bà, phường Yên Giang, thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh, cách phía đông Hà Nội 150 Km.
Bảo tàng Phạm Huy Thông là ngôi biệt thự cổ vừa hoàn thành cải tạo, trùng tu, trưng bày nhiều hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm độc nhất vô nhị như 2 cọc gỗ Bach Đằng được bảo tàng bảo quản lâu dài bằng phương pháp ngâm tẩm cùng nhiều hiện vật gốm sứ, đồ đá, Nỏ Thần An Dương Vương, lanh vải sợi thời tiền sử, kiếm thời Trần…
Nhân dịp này, Nhóm nghệ sĩ “Đình Làng Việt” do ông Nguyễn Đức Bình làm trưởng Nhóm đã biểu diễn một số tiết mục chèo và xẩm đặc sắc ngay trong khuôn viên chiếu chèo tại Bảo tàng phục vụ các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt kỷ niệm 15 năm thành lập, thu hút sự quan tâm, chú ý, mếm mộ của du khách đến tham quan Bảo tàng Phạm Huy Thông.
(Theo: vanhien.vn)
Đề án Khai thác phát triển du lịch Di sản VH thế giới Thành nhà Hồ
Sau 5 năm Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa) được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới (2011 – 2016), các cấp chính quyền và người dân trong vùng di sản đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị, quảng bá di sản.
Thực hiện cam kết của UBND tỉnh Thanh Hóa với UNESCO về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ di sản; kế hoạch quản lý, nghiên cứu di sản Thành nhà Hồ giai đoạn 2010 – 2030 đã được xây dựng trên cơ sở ý kiến tư vấn của các chuyên gia quốc tế đến từ Trung tâm Di sản thế giới của Vương quốc Anh và chuyên gia có kinh nghiệm trong nước về lĩnh vực di sản thế giới.
Để phục vụ công tác quản lý và bảo tồn Di sản thế giới Thành nhà Hồ, tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các chuyên gia Nhật Bản khảo sát, lập đề án và thực hiện xây dựng bản đồ vệ tinh kỹ thuật số sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu (MAP GIS) cho Di sản góp phần quan trọng trong công tác quản lý các di tích phụ cận. Trong đó, giai đoạn 2015-2020 sẽ thực hiện 3 nhóm dự án gồm: Triển khai đền bù, giải phóng mặt bằng, cắm mốc giới bảo vệ di tích; khai quật khảo cổ bổ sung và tiếp tục nghiên cứu các giá trị của di tích Thành nhà Hồ, các khu vực có liên quan; tu bổ, bảo tồn, tôn tạo di tích vùng lõi, trưng bày khảo cổ trong thành…
Đây là một trong những kế hoạch nghiên cứu khảo cổ quy mô lớn không chỉ ở Thanh Hóa nói riêng mà còn ở Việt Nam nói chung. Đáng chú ý nhất là những phát hiện và nghiên cứu về kỹ thuật xây dựng tường thành đá lớn, một trong những vấn đề đã được giới nghiên cứu trong và ngoài nước nêu ra trong nhiều thập kỷ của thế kỷ 20 mà vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.
(Theo: TTXVN)
TUYÊN HÓA Tổng hợp
(Vanvn.net)