-Chàng trai này có thể làm gì?- Biết 6 ngoại ngữ gồm tiếng Đức, tiếng Anh, Pháp, Italia, Tây Ban Nha và Arập. Tốt nghiệp học viện kinh tế, khoa quản trị tài chính, và đương nhiên biết vẽ đồ họa, cũng như soạn mọi dạng văn bản báo cáo cả sơ kết lẫn tổng kết trên máy vi tính…
– Hay đấy.
– Chưa lập gia đình, mới xấp xỉ 30 tuổi. Đề nghị ngài xem nét chữ của anh ấy, rất đẹp. Đó là người mà xí nghiệp ta đang cần, thưa ngài trưởng phòng Fres!
– Có khả năng đấy.
– Ngay cả ngài Chiomoskey cũng ủng hộ việc nhận anh ta.
– Từ trung tâm à?
– Vâng, ngài ấy vừa gọi điện xuống vào xế chiều hôm qua.
– Đúng là điều chưa từng có, điều đáng hổ thẹn. Một người tài giỏi như vậy cần gì phải xin xỏ ai… Nên cảnh giác cái anh chàng này. Khi một người có học không ngần ngại sự nhờ vả, chắc là có điều gì đó không bình thường với cá tính hoặc quan điểm của anh ta. Hãy trả đơn lại! Đến lượt ai?
– Bác sĩ Oliver Simaz, thưa ngài trưởng phòng tổ chức!
– Tay này có thể làm gì?
– Có khi còn hơn người trước nữa, tại vì anh ta còn tốt nghiệp văn bằng hai tại học viện âm nhạc. Và như ghi trong đơn, anh ấy rất vinh dự nếu được dẫn dắt đội văn nghệ của cơ quan. Tất nhiên đó là công việc phong trào, làm ngoài giờ. Kèm theo bức thư của ngài Korzos phó chánh văn phòng thị trưởng. Ngài ấy giới thiệu một cách nhiệt tình để ta chú ý.
Minh họa: Lê Tâm.
– Tóm lại, anh này cũng có sự nhờ vả, gửi gắm?
– Đúng vậy, thưa ngài trưởng phòng Fres! Mà lại còn rất nhiệt tình nữa…
– Lời nói danh dự, tôi không hiểu, không hiểu, không sao hiểu nổi. Hết cả những người có tự trọng rồi sao? Bao nhiêu năm rồi kể từ khi chúng ta bắt đầu chống lại sự lạm dụng dựa dẫm, điển hình là vấn nạn “con ông cháu cha”. Ít ra là 20 năm. Ta chưa xóa hết mọi tàn dư ở thủ đô Budapest, đã vào cuộc triển khai ở mọi nơi. Còn kết quả? Con số không! Chúng ta đang dậm chân tại chỗ, vì sao vậy? Ai chịu trách nhiệm về việc này? Anh có thể nói cho tôi rõ không?
– Tôi không thể, thưa ngài trưởng phòng đáng kính!
– Cả tôi cũng không thể. Và ngay cả những người hay gửi gắm ai đó, cũng không chịu trách nhiệm, cả những kẻ thường gây chú ý bằng những cú điện thoại hay thư tay cũng vậy.
– Đúng thế.
– Tại sao cứ phải “đeo” cái ý nghĩ, là nếu không có người đỡ đầu thì sẽ không được việc. Ai đã dạy họ lối nghĩ sai lệch như thế? Có thể là chính từ những người ghi thư gửi gắm họ?
– Không, chính là những kẻ “làm gương” cho họ.
– Đúng vậy. Nếu tôi có quyền, tôi sẽ đốt công khai tất cả mọi lá thư gửi gắm giữa chốn công cộng, dưới ánh mặt trời. Tức khắc sẽ chấm dứt ngay sự nài xin, nhờ vả! Trả đơn lại cho bác sĩ Simaz đi! Người khác đâu?
– Chắc không cần phải nêu tên anh ta.
– Có ai gửi gắm anh này không?
– Có. Lần này là từ cá nhân ngài Burchik.
– Hừm…
-Và tôi cũng nghĩ như thế.
– Burchik là một nhân vật quan trọng. Rất nhiều việc phụ thuộc vào sự quan tâm của ngài ấy. Bản thân tôi lúc nào cũng vậy, chân thành từ trái tim mình luôn làm theo những lời chỉ bảo từ ngài Burchik. Nhưng riêng chuyện này thì không. Vả lại, ngài ấy cũng không muốn bị ảnh hưởng tới chức vụ và uy tín trong ngành. Hãy từ chối lá thư đi!
– Vậy tôi phải làm sao, nếu trên hỏi?
– Hãy nói, rằng tôi cương quyết đấu tranh chống lại sự lạm dụng, điều đó với tôi là tính kỷ luật và sự bất di bất dịch, ngay cả với một người khả kính như thế tôi cũng không loại trừ. Người kế tiếp?
– Vô ích thôi, tại vì tay này do cục trưởng gửi xuống. Người sau lại được thư ký bộ trưởng giới thiệu. Còn người này được tòa thị chính bảo đảm.
– Tiếp nữa!
– Cô này là từ giáo sư Kimpuskazi danh tiếng, người được tôn vinh là “cha đẻ” về kỹ thuật của ngành ta. Cả cô này nữa do ngài Baranin, phó tỉnh trưởng phụ trách công nghiệp gửi đến… Chỉ còn lại một lá đơn sau rốt, mà người này lại chẳng có ai bảo lãnh gì hết.
– Đây rồi. Chúng ta sẽ nhận người đó. Tên gì vậy?
– Tavadar Fres.
– Tavadar Fres? Tuyệt thật. Chú rất đỗi tự hào, bởi cháu là người duy nhất có tự trọng trên toàn quốc.
Kim Dung (dịch) – theo Văn nghệ công an