“Mưa ban mai lặng lẽ gióng chuông gọi hồn tận thế/ những con chữ như chiến binh chuyển dịch văn bản thơ mãi mãi dở dang”. Tập thơ Chất vấn thói quen của nhà thơ Phan Hoàng vừa được NXB Văn hoá Văn Nghệ tái bản sau gần 4 năm kể từ khi ra mắt (2012). Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Tiến sĩ văn học Trần Hoài Anh xung quanh tập thơ từng tạo nhiều dư luận này.


1. Không phải ngẫu nhiên, tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng, (Giải thưởng Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh và Tặng thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2012), khi xuất hiện trên văn đàn đã tạo một cơn địa chấn trong đời sống văn học với hơn hai chục bài viết đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng…  Và cho đến năm 2015, tức sau ba năm tập thơ được xuất bản vẫn tiếp tục có những bài viết vềChất vấn thói quen đăng tải trên báo chí: “Học cách chất vấn từ Phan Hoàng” của Phan Thuỷ ở Đà Nẵng, “Cuộc chiến khắc khoải mười năm vật vã cơn bão chữ” của Quang Hoài từ Hà Nội…

Các bài viết dù xuất phát từ những điểm nhìn khác nhau, của những người làm nghề nghiệp khác nhau, sống ở những miền quê khác nhau nhưng đều có sự gặp gỡ chung đó là sự nhận diện về cái mới, cái lạ như một sự bứt phá trong thi pháp thơ của Phan Hoàng. Đó là sự lột xác để từ bỏ những thói quen cũ, cái nhìn cũ, tư duy cũ, một điều cốt tử trong hành trình sáng tạo thi ca, cũng như các lĩnh vực sáng tạo khác trong đời sống xã hội.


Nhà thơ Phan Hoàng

Bởi, bất cứ một sự vật hiện tượng nào trong đời sống cũng dung chứa trong nó cả hai mặt tích cực và tiêu cực. Thói quen, từ góc nhìn văn hoá cũng hàm chứa trong nó cả hai mặt trên. Nghĩa là có thói quen tốt nhưng cũng có thói quen xấu và việc bỏ được một thói quen xấu cũng như rèn luyện một thói quen tốt là hành trình không đơn giản.

Không những thế, việc chất vấn, đối thoại với thói quen của chính mình là một thách thức không dễ vượt qua.

Việc Phan Hoàng chọn tiêu đề với một cái tên rất lạ, nghe chẳng thơ chút nào Chất vấn thói quen làm tựa đề cho tập thơ của mình, phải chăng cũng là cách tác giả muốn phá vỡ một “thói quen” thường thấy trong sáng tác thơ ca, khi trong các “chợ thơ” tràn ngập các tập thơ với những cái tên nghe “rất kêu”, “rất nổ”, “rất bốc” và… “rất sáo” như: miền yêu, giọt nắng, giọt hoa, giọt mơ, giọt hồng… mà khi đọc thơ chỉ là những con chữ rỗng tuếch, vô hồn, những cảm xúc giả tạo nhưng lại được một số nhà “phê bình” tung hê là “mỹ học” của “cái này, cái khác”… Chính những thứ thơ màu mè, vô vị được PR bởi lối “phê bình xu phụ” kia đã tầm thường hóa giá trị của thơ, làm cho bạn đọc quay lưng với thơ, xa lánh thơ.

Rất may, thơ Phan Hoàng không rơi vào trường hợp này. Đọc Chất vấn thói quen không phải câu thơ nào trong tập thơ cũng toàn bích và không phải không còn những chỗ cần được hoàn thiện trong thi giới, trong cảm xúc, trong tư duy thơ. Nhưng có điều chắc chắn ở tập thơ này ta không còn nhận ra cái thi giới quen thuộc của thơ Phan Hoàng trước đây mà đã có một sự lột xác trong bút pháp và tư duy thơ.

Chất vất vấn thói quen không chỉ là sự chất vấn bản thể, một chất vấn mang tâm thức hiện sinh trước những vấn đề nhức nhối của nhân sinh và phận người mà còn là sự chất vấn thi pháp và tư duy thơ của chính mình để tìm ra chân trời mới cho hành trình sáng tạo thi ca.

Ở Phan Hoàng sự tự lột xác này không phải là vấn đề bản năng, tự phát mà hơn hết và trên hết là sự tự ý thức của hành trình dấn thân ở một thi sĩ không bao giờ muốn gặm nhấm mình, muốn “ăn mày dĩ vãng” để “tự sướng”, “tự sung”, “tự kêu”… rồi không bao giờ chịu đổi mới hành trình sáng tạo của mình như anh đã xác quyết:

“Một người cầm bút không gì đau khổ hơn là lặp lại chính mình và lặp lại của người khác. Để tránh cái lối mòn ấy, cái thói quen ấy cần có sự dũng cảm. Thói quen lặp lại không chỉ đang chi phối đời sống sáng tạo thi ca, mà nó còn hiện diện trong cả sách giáo khoa văn học lẫn phương pháp giảng dạy của giáo viên môn văn. Tôi gọi đó là thói quen không biết sợ hãi. Bởi nếu biết sợ hãi, ý thức về sự trì trệ của đời sống thơ ca thì những người liên quan phải tìm cách thay đổi, để cái đẹp của thi ca và văn học sinh sôi nảy nở”

(Chất vấn thói quen hay là sự chối bỏ các khuôn mẫu, Phan Hoàng trả lời phỏng vấn của Bình Nguyên Trang).

Vâng! Để chống lại thói quen “cần phải có sự dũng cảm” kể cả thói quen “không biết sợ hãi”. Bởi, từ bỏ một thói quen đơn thuần đã khó, từ bỏ một thói quen đã hằn sâu trong tư duy sáng tạo lại càng khó hơn.

Ý thức được điều này, Phan Hoàng luôn “chất vấn thói quen” trong tư duy thơ với một hành trình khám phá để luôn làm mới mình, làm cho cõi thơ mình thực sự lấp lánh một vùng ánh sáng của những dự phóng sáng tạo.

Nhiều khi mắc cười tôi chất vấn tôi

tại sao con người cứ tự đánh lừa mình bằng những thói quen

không học nổi con sông biết thích nghi đổi dòng băng băng về phía trước?

(Chất vấn thói quen)

2. Đọc Chất vấn thói quen của Phan Hoàng, ta thấy những trăn trở về sự thay đổi thói quen trong tư duy thơ là một tâm thức hiện sinh luôn ám ảnh hành trình sáng tạo thơ của anh. Và những cảm hứng sáng tạo này được thể hiện qua sự kiến tạo thế giới thi ca của tác giả từ việc chọn lựa thi đề, giọng điệu, ngữ ngôn, ảnh hình, cấu trúc mỗi bài thơ và của toàn bộ tập thơ.

Và có thể nói Chất vấn thói quen là một diễn ngôn có tính đa nghĩa, là một “văn bản dở dang” nhằm đối thoại với người đọc về những vấn đề của đời sống để tìm sự sẻ chia, để cho những con chữ vô hồn kia trở thành một tín hiệu thẩm mỹ kết nối thi nhân và độc giả. Đây cũng là ý thức về vai trò của người đọc trong tiếp nhận văn học, một điều mà không phải người cầm bút nào cũng nghĩ đến. Điều này cho thấy sự thay đổi hệ hình trong tư duy thơ của Phan Hoàng mà những bài thơ như: “Chữ nghĩa thị trường”, “Cơn bão ký tự mới”, “Văn bản dở dang”, “Chất vấn thói quen”, “Tình yêu tiếng mẹ dở dang”… là một minh chứng cho sự đổi thay này…

Thơ ca bao giờ cũng là tiếng gọi thê thiết đối với người đọc và sự đồng vọng của tiếng gọi từ người đọc sẽ là “tiếng chim gọi đàn” làm lay động vũ trụ thi ca. Vì vậy, có thể xem bài thơ “Văn bản dở dang” là tuyên ngôn nghệ thuật cho hành trình sáng tạo thơ Phan Hoàng khi nhà thơ biết “chất vấn”, biết từ bỏ “thói quen” lỗi thời trong tư duy của lối thơ ca minh hoạ đã từng là một “lực cản” đối với sự vận động và phát triển của thơ ca ở một thời chưa xa.

Và trong một ý nghĩa nào đó, đây cũng là tuyên ngôn nghệ thuật của một thế hệ nhà thơ trưởng thành trong thời hậu chiến đang đi tìm một bầu khí quyển mới cho vũ trụ thi ca để “đoạn tuyệt” với “thói quen” của tư duy thơ sáo mòn, xơ cứng, công thức nhưng lại nhân danh quá nhiều những điều huyễn hoặc ngoài văn chương để biện mình cho sự trì trệ làm cản trở sự đổi mới thi ca. 

Bìa tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng (in lần thứ 1)

Mọi nền văn minh hình như phát tích từ khoái lạc giấc mơ ánh sáng vô thức chống lại thói quen kỹ năng bóng tối ý thức

kỹ năng nhân danh tiến bộ gặm nhắm từng khoảnh khắc tự nhiên sự sống 


Vượt lên đau đớn và thăng hoa

tôi tự tại giấc mơ tôi

mưa ban mai lặng lẽ gióng chuông gọi hồn tận thế

những con chữ như chiến binh chuyển dịch văn bản thơ mãi mãi dở dang


văn bản vô ngôn

văn bản tinh huyết

văn bản ma lực

tâm chấn tín hiệu khoái cảm


Đắm chìm sâu giấc mơ khoái lạc

đắm chìm sâu văn bản dở dang

tôi phát hiện tôi

khác xa dần

xa dần

cánh đồng thâm canh cảm xúc con trâu cái cày

khói lam mây xám ăn quẩn chái bếp thiếu gạo của mẹ

dàn đồng ca hát nhép tân cổ giao duyên mùi mẫn cởi áo trao nhau


Cơn hồng thuỷ khoái cảm âm thầm nổi lên

kỹ năng dục vọng trang phục mỹ từ mục ruỗng bị đánh đắm

từng đợt sóng tín hiệu bụi vàng ký ức dâng tràn

(Văn bản dở dang)

Ý thức về sự đổi mới thi pháp và thay đổi điểm nhìn nghệ thuật trong sáng tạo thi ca đã tạo cho Phan Hoàng một quyết tâm chống lại căn bệnh sáo mòn, bảo thủ của nếp tư duy già nua để vươn đến một khát khao sáng tạo.

 

tẩy xoá nếp nhăn tư duy già nua

hằn sâu gương mặt rỗ nhàu trái đất

rỗ nhàu đúc khuôn thần đồng sáng tạo

Những lúc bay trên đỉnh thăng hoa

lơ mơ thấy mình

hào phóng chàng trai độc quyền cánh rừng nguyên sinh

rực hương thiếu nữ

ném phăng kỹ năng dục vọng trang phục mục ruỗng

bồng bềnh ngọn lửa trong ngần khoái lạc

từng đợt sóng tín hiệu kỳ bí dâng tràn

va đập chín chiều ký ức

đánh thức bụi vàng lãng quên


Song, đó là khát khao sáng tạo đích thực chứ không phải là sự “sáng tạo” của những trò làm xiếc ngôn từ với các câu thơ mà ở đó chỉ là những con chữ vô hồn, khô khốc, nhạt nhẽo không gắn với thân phận con người, với nỗi đau của cuộc sống nhân sinh, chỉ vật vờ như chiếc bóng mà khi tiếp nhận không để lại trong tâm cảm, tâm thức người đọc một chút ấn tượng nào. 


Bìa tập thơ “Chất vấn thói quen” của Phan Hoàng mới tái bản

Vật vờ như ngọn gió vô hình

trong thế giới ảo

lớp lớp ký tự vô hồn

nhà nhà nhốn nháo

những ký tự thiếu tư duy số phận

(Cơn bão ký tự mới)

Vì vậy, đọc Chất vấn thói quen của Phan Hoàng ta luôn bắt gặp trong cảm thức của thi nhân một sự khắc khoải đến đớn đau trước những cái lỗi thời, ấu trĩ, đang mê hoặc con người, với những “bảng vàng bia đá” hư ảo và giả tạo, đang là một thứ xiềng xích vô hình và hữu hình trói buộc/ huỷ hoại mọi sáng tạo của con người không chỉ trong lĩnh vực thơ ca mà còn ở rất nhiều lĩnh vực khác của đời sống xã hội.

Đời người chỉ một gang tay

sao tự trói mình xích xiềng lê dài giá trị bia đá?

(Văn bản dở dang)

Và khát vọng sáng tạo trong thơ Phan Hoàng đã trở thành một tuyên ngôn sống mang tâm thức hiện sinh của những con người không chấp nhận sự nhàm chán đến cũ kỹ của lối tư duy giáo điều, mù xám mà một số người đang sử dụng để tự huyễn hoặc mình và huyễn hoặc người khác. Hãy biết thích nghi với cái mới để tiến về phía trước, sáng tạo những câu thơ mang tính dự báo, tính nhân văn sâu sắc. Đó là một yếu tính của thi ca mà thi nhân cần thấu triệt chứ không phải là những tư tưởng giáo điều huyễn hoặc. Vì thế, cần có một cơn “đại hồng thuỷ” để thay đổi nếp tư duy lỗi thời trong hành trình sáng tạo thi ca cũng như mọi hành trình sáng tạo khác của cuộc sống, đó cũng là điều ám ảnh tâm thức thơ Phan Hoàng ở Chất vấn thói quen.

Làm sao bùng lên nhiều cơn hồng thuỷ

dâng sóng tín hiệu đỉnh khoái

cuốn phăng những kho văn bản mộng mị ngủ muộn

những kho văn bản ấu trĩ già cỗi

những kho văn bản hư danh giả dối

khủng bố dòng chảy tự do ngôn từ

ám sát khát khao chồi xanh ý tưởng

đe doạ cánh rừng nguyên sinh rực hương thiếu nữ căng tràn văn bản nhựa sống tương lai

(Văn bản dở dang)

Chính khát khao sáng tạo này là chất xúc tác làm nên sự đổi mới thi pháp thơ Phan Hoàng ở Chất vấn thói quen. Vì thế,trong tập thơ, ta bắt gặp nhiều bài thơ mới/lạ thể hiện phẩm tính đổi mới trong hành trình sáng tạo thơ của tác giả. Đó là những bài thơ: “Mặt trời trong ngôi nhà thân thuộc”; “Cái chết đen và vũ khúc trắng”; “Bóng tối đang nuốt chúng ta”; “Tiếng thì thầm” “Cái chết của bạo chúa”; “Tôi đang ở đâu?”; “Thèm làm ngọn gió tự do”… Và trong các bài thơ này có những câu thơ đầy ám gợi luôn làm ta khắc khoải, trở trăn…

Chiều ăn phố sực mùi khoai lang nướng

gió hú nhớ đồng thơm dậy giấc cố hương

(Ly hương gió)

Hay:

Thì thầm giao hưởng bất tận

tuần hoàn qua những đại dương phận người lênh đênh

cuốn cánh buồm tôi trôi mê mải hải lưu buồn

đau những chân trời tư tưởng tật nguyền

câu thơ neo bờ nước mắt

(Tiếng thì thầm)

Để rồi, từ những khắc khoải mang tâm thức hiện sinh, nhà thơ tự “chất vấn” về sự hiện hữu của bản thể, về sứ mệnh của người cầm bút, sứ mệnh của văn chương trước những vấn đề nóng bỏng của hiện thực đời sống đang đặt ra cho thơ ca, rất cần sự dấn thân của người nghệ sĩ. Đây cũng là một trong những cảm hứng chi phối hành trình sáng tạo trong thơ Phan Hoàng ở Chất vấn thói quen mà người đọc có thể cảm nhận từ những sẻ chia đầy trách nhiệm của người cầm bút trước những “cuộc bể dâu” từ “những diều trông thấy”…

Tôi đang ở đâu đất nước sinh từ hồn thiêng nghĩa sĩ vô danh?

Đất nước dãi dầu hạt gạo anh hùng, xảo quyệt đám rầy nâu chưa bị hành quyết!

Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?

Cây bút vô cảm trước thân phận dân nghèo, im lặng trước lãnh thổ đe doạ ngoại xâm, bất lực trước cái ác trá hình nhũng nhiễu!

Tôi đang ở đâu cây bút mang đầy danh hiệu sứ mệnh?

Tôi đang ở đâu?

Ở đâu?

(Tôi đang ở đâu?)

Chất vấn thói quen, vì vậy là một sự vượt thoát chính mình trong hành trình sáng tạo thi ca. Và đây cũng là một thành công đáng trân trọng của Phan Hoàng trong ý thức làm mới đời sống thi ca đương đại.


3. Từ tập thơ Tượng tình (1995) đến Hộp đen báo bão (2002) và Chất vấn thói quen (2012), hành trình thơ của Phan Hoàng đã trải qua hàng chục năm lao động miệt mài trên cánh đồng thơ. Để rồi sau mười năm, từ tập thơ Hộp đen báo bão Phan Hoàng xuất bản Chất vấn thói quen chỉ với 36 bài thơ, điều đó cho thấy anh là người rất cẩn trọng với thơ, rất trân trọng người đọc. Song, để chiếm lĩnh trọn vẹn tâm cảm người tiếp nhận, Phan Hoàng không dừng lại ở đây mà phải luôn đổi mới, biết từ bỏ “thói quen” lỗi thời trong lao động nghệ thuật, trong thi pháp thơ để vượt lên chính mình, hầu hoàn thiện hơn nữa hành trình sáng tạo thi ca của mình.

Đọc Chất vấn thói quen ngoài những thành công như đã khẳng định, một điều hạn chế dễ nhận thấy trong thơ Phan Hoàng ở tập thơ này đó là chất tự sự của một nhà báo làm thơ đôi chỗ đã lấn át chất trữ tình vốn là một yếu tính của thơ, khiến cho sự lan toả cảm xúc của thơ đến độc giả nhiều khi chưa thật hoàn hảo. Chất triết luận trong một số bài thơ nhiều chỗ chưa thể hiện hết độ chín tư duy và chiều sâu tâm hồn.

Thơ là sự tan chảy của lý trí và tình cảm. Nếu hai yếu tố này không hoà quyện được trong thơ thì thơ sẽ thiếu sức lay động lòng người. Đây cũng là điều thi nhân cần nhận biết trong hành trình sáng tạo thi ca và cũng là một “thói quen” cần phải vượt qua.

Khắc phục được những hạn chế này, thơ Phan Hoàng sẽ neo được trong tâm thức người đọc và sẽ có một vị trí xứng đáng trong nền thơ ca hiện đại của dân tộc. Bởi nói như Guillaume Apollinaire: “Nhà thơ là kẻ tìm ra được những hứng thú mới, dẫu hứng thú đó khó chịu đựng. Có thể thành nhà thơ ở mọi lĩnh vực: miễn là thích phiêu lưu và đi khám phá”.

Hy vọng từ Chất vấn thói quen, Phan Hoàng không ngừng khám phá vũ trụ thi ca với “hứng thú mới” để tự khai phóng những chân trời lao động, sáng tạo làm phong phú thế giới thi ca của mình.

 

Theo Trần Hoài Anh – Thể thao & Văn hóa

Exit mobile version