Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Chỉ một câu nói này thôi đã có cảm tưởng “công tác” tuyên truyền ở Trung Hoa đại lục “cởi mở” như thế nào(!); và, càng hiểu rõ hơn sự chế ngự đến thâm căn cố đế hơn hai nghìn năm trăm năm của Đạo Khổng trong tư tưởng trị dân, trị nước ở một quốc gia luôn dẫn đầu thế giới về nhân khẩu lượng.
Cũng trong “Lời tựa của tác giả” in ở tập truyện Cuộc sống không có ngôn ngữ vừa được dịch và phát hành tại Việt Nam quý III năm 2016 bởi Nhà xuất bản Văn học, tác giả Đông Tây – bút danh của Điền Đại Lâm, sinh năm 1966, người Quảng Tây, Trung Quốc – viết tiếp: “Sang đến Việt Nam (vào năm 1994) bỗng chốc nhận ra ở đây cũng có rừng bạt ngàn biển bao la, màu da và tóc tai cũng giống nhau, thậm chí cả tiếng địa phương cũng có những chỗ tương đồng. Bỗng chốc thấy xuất ngoại mà chẳng giống xuất ngoại, mà giống như đến thăm người thân hay viếng thăm nhà hàng xóm, cảm giác thân thuộc bỗng ùa về. Hóa ra người Việt Nam cũng trồng lúa nước, cũng thích ăn món mì. Nắng ở đây cũng chói chang, con người cũng đầy nhiệt huyết”. Lời tâm sự có phần cay đắng, bởi cái sự hiển nhiên ấy, cái sự rất gần gũi ấy lại bị bụi mù tuyên truyền che phủ, làm méo mó nhận thức về thế giới và nhân sinh ở một thanh niên trí thức chưa đầy ba mươi tuổi như Điền Đại Lâm.
May mắn thay, tri thức và văn hóa đã cứu con người, để từng người, đặc biệt là người cầm bút, thoát khỏi những thành kiến, tị hiềm, lòng tự ti, mở lòng giao lưu – điều mà nhà văn Đông Tây thức nhận rằng: “…chất liệu sáng tác văn học của châu Á chúng ta đều không phải là vấn đề, thực ra thì chất liệu sáng tác của mọi nơi trên thế giới đều không phải là vấn đề…”. Đọc 15 truyện trong tập “Cuộc sống không có ngôn ngữ” của Đông Tây, người đọc tiếp cận một niềm tin, cũng là một thái độ sáng tác văn học.
Trong tập, truyện vừa Cuộc sống không có ngôn ngữ, đã đoạt Giải thưởng Văn học Lỗ Tấn lần thứ nhất (1995-1996), kể về một gia đình nông dân bất hạnh: Người bố bị mù, con trai bị điếc sau lấy vợ bị câm. Cuộc sống của họ luôn trong trạng thái bất an và khốn khó. Mặc dù cả ba người đều cố gắng bù trừ những khiếm khuyết của nhau, cùng nhau vươn lên vượt khổ, nuôi ước mơ, nhưng những hy vọng của họ chưa bao giờ trở thành hiện thực. “Trong những ngày buồn tẻ, Vương Lão Bính (người cha mù) ngồi ở bậu cửa nhà mình mà nghĩ ngợi mải miết đủ thứ. Ông có rất nhiều ý tưởng, nhưng ông không có cách nào thực hiện được. Ông sợ rằng mình sẽ ngồi như vậy nghĩ như vậy cho đến hết đời. Ông nói với Thái Ngọc Trân (con dâu câm) rằng nếu như không có kẻ nào đến làm phiền chúng ta nữa, cha có thể bình yên mà ngồi ở bậu cửa, cha thấy đủ rồi” (tr. 72). Song, sự phiền lụy vẫn dai dẳng đến với gia đình họ. Vợ câm chồng điếc sinh ra đứa con trai lành lặn, đến tuổi cho nó đi học. Ngày đầu tiên đi học về, thằng con trai cất cao giọng hát: “Thái Ngọc Trân đồ câm lấy anh điếc làm chồng, đẻ ra con vừa câm vừa điếc”. Người mẹ đau đớn và thất vọng, vì: “Cô không ngờ con trai mình trong ngày đầu tiên đi học lại học được cái bài vè đáng ghét này, loại trường học như vậy không đi học còn hơn. Có lúc nào đó cô nghĩ, cô tưởng rằng cả nhà đã thoát khỏi bọn họ, nhưng thực ra vẫn chưa thoát được” (tr. 76).
Tuy sáng tác của Đông Tây xoay quanh những chuyện sinh hoạt hằng ngày của người dân, về nỗi đau của nhân thế song người viết không tỏ bày nỗi tuyệt vọng. Ngòi bút của tác giả khá lạnh lùng mô tả chi tiết hiện thực, mổ xẻ bí mật nội tâm nhân vật mà vẫn có hơi ấm của tình người, có cả sự hài hước của trí tưởng tượng khoáng hoạt, không quá đỗi chua cay nhưng pha lẫn vị ngọt và đắng như chính cuộc đời vốn có hoặc sẽ có. Nhân vật Lão Triệu trong truyện Lão Triệu đôi được miêu tả: “Anh ta có mái tóc của người hai mươi mấy tuổi, làn da của người ba mươi mấy tuổi, nhưng lại có trí khôn của người một trăm tuổi. Từ ngày biết chữ, trên khuôn mặt anh ta đã xuất hiện cái dáng vẻ suy ngẫm. Dáng vẻ này được giữ cho tận đến bây giờ, nếu như không suy xét thật kỹ, có thể tưởng rằng đó là gen thừa hưởng của cha mẹ, nhưng thực ra đó là do anh ta gắng sức cau mày nhăn trán mà thành” (tr. 78). Câu chuyện tình giữa Lão Triệu và Tiểu Hạ “loằng ngoằng” dẫn đến kết cục Lão Triệu phạm tội kết hôn với hai người phụ nữ và bị đi tù. Anh ta nói với các bạn tù: “Trên thế giới này, ít nhất có hai người phụ nữ nhớ tôi. Nếu tôi mà chết, lập tức có hai người phụ nữ sẽ khóc…” thì nhận được câu trả lời: “Đừng có làm ra vẻ nữa, hận anh cũng có hai người” (tr. 93).
Lối viết của Đông Tây luôn có sự pha trộn giữa thực và hư, giữa sự chiêm nghiệm và bông lơn, giữa phúng dụ và kích hoạt trong cốt truyện cũng như ở tình tiết và cả lời thoại.
Hồ Nông và Trương Việt yêu nhau, đã chung sống như vợ chồng nhưng mãi không đi đến hôn nhân. Một hôm “Đôi môi Trương Việt rung lên như máy nổ, câu mà cô cực kỳ muốn nói bật vỡ hai môi: Em… em… muốn kết hôn! Câu nói của Trương Việt bắn vào ngực Hồ Nông như một viên đạn, anh ngã xuống chiếc giường mềm êm như nước. Hồ Nông nói, em vì sao lại muốn kết hôn? Em không biết đám cưới là nấm mộ của cuộc đời ư? Em biết rõ anh sợ nhất kết hôn, làm sao em lại lấy chuyện đó ra phiền nhiễu anh?” (tr. 200). Rồi họ cũng chính thức trở thành vợ chồng do bố anh thúc giục. Và, Trương Việt mang thai. Một trong những giấc mơ quái dị khiến Hồ Nông “nhận” ra rằng: Cái thai mà vợ mình mang là của người cha. Cha anh phản ứng: “Tao là ai? Hồ Trung vỗ tay vào ngực, từ trong lồng ngực phát ra tiếng vang trống rỗng, tao là bố mày! (…) Hồ Nông nói, chả lẽ đến con ngủ mơ như thế nào bố cũng phải quản à? Hồ Trung nói, tao nói rồi, tao phải quản mày, chỉ cần tao muốn quản mày là tao có thể đi vào trong giấc mơ của mày, là có thể kiểm tra giấc mơ của mày như lật xem từng trang trong tập bài thi vậy” (tr. 211). Kết cục, Hồ Nông thúc vợ tham gia một giải cầu lông, khiến Trương Việt sảy thai. Vẫn chưa hết, “Mày ra đây cho tao! Thốt nhiên nghe vọng lại tiếng quát của Hồ Trung. Hồ Nông thậm chí còn nghe thấy cả tiếng khẩu súng ngắn đang lên đạn nữa” (tr. 220, truyện Quyền lực). Cái “nấm mộ” mà Hồ Nông sợ ngày nào, giờ đã thành sự thật.
Văn phong đó nhất quán ở cả các truyện Phù hộ, Sao tôi chẳng có bồ, Cha chúng tôi, Tình bạn chúng ta, Mấy cách sử dụng tiền, Cứu mạng, v.v…, tạo nên phong cách truyện ngắn Đông Tây- Điền Đại Lâm, phảng phất phong cách pha trộn giữa truyền thống và “tân sinh” của các nhà văn Trung Quốc đương đại, ít nhất thể hiện trong các tác phẩm văn học của nước này đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt. Nói về hậu quả thảm khốc do trận động đất năm 1976, Đông Tây mở đầu truyện Bạn không biết chị ấy đẹp thế nào đâu: “Không, ý tôi không phải thế. Tôi không nói đổ nát là đẹp, càng không có ý nói động đất là đẹp. Anh chỉ cần nhìn những vết sẹo này trên người tôi thì sẽ biết tôi không hề có ý tán dương động đất. Chỉ có kẻ ngu mới đi nói động đất là đẹp thế nào, rung động đến mức nào. Tôi đang nói ở đây là về phụ nữ, người phụ nữ có tên là Hướng Thanh Quỳ” (tr. 410), và câu chuyện thực-hư cứ thế diễn ra một cách ám ảnh rằng “Tôi đã gặp rất nhiều cô gái đẹp, nhưng không ai đẹp bằng chị Thanh Quỳ”.
Tại sao Điền Đại Lâm lại nói “Văn học ở rất xa”? Tác giả lý giải: “Chúng ta thường quên mất người thân hay bạn bè nhưng lại đầy hiếu kỳ với người lạ. Chúng ta bỏ quên quê hương nhưng lại đầy sự tưởng tượng tốt đẹp về một nơi xa xôi” và ngay sau đó: “Nếu so sánh với văn học phương Tây, người châu Á chúng ta đều quá khiêm tốn, nhưng hễ nói đến văn học láng giềng, mỗi chúng ta đều quá tự tin hoặc kiêu ngạo. Tự ti và tự tin đều cản trở nghiêm trọng đến sự giao lưu văn học châu Á. Có khi, niềm hứng thú của chúng ta với văn học láng giềng phải đi qua một quãng đường vòng” (tr. 9). Bằng chính sự chiêm nghiệm của bản thân, Đông Tây – Điền Đại Lâm dẫn hai sự kiện để chứng minh. Thứ nhất, độc giả các nước láng giềng bắt đầu chú ý đến văn học Trung Quốc sau khi tiếp cận với tác phẩm Đất lành của Pearl Buck (1892-1973) – nữ nhà văn Mỹ, sinh sống và làm việc tại Trung Quốc gần bốn mươi năm, từ lúc mới bốn tháng tuổi, đoạt giải Nobel năm 1938; tác phẩm của bà miêu tả cuộc sống của người nông dân Trung Quốc “như trong sử thi, chân thực và phong phú”. Thứ hai, “niềm hứng thú của chúng ta với văn học Việt Nam” bắt đầu từ tiểu thuyết Người tình của Marguerite Duras (1914-1973) – nữ văn sĩ Pháp, sinh tại Gia Định, Việt Nam, mười tám tuổi trở về Pháp, năm bảy mươi tuổi (1984), viết tự truyện hồi tưởng về mối tình đầu với một người đàn ông gốc Hoa khi bà mười sáu tuổi (tác phẩm đoạt giải Goncourt ngay năm đó). Hai dẫn chứng vừa nêu chắc chỉ đúng với bản thân Đông Tây. Nhưng tác giả có lý khi hy vọng: “Nếu châu Á chúng ta dám vứt bỏ thành kiến thì dứt khoát rằng Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, v.v… sẽ đều có thể sáng tác các tác phẩm văn học đương đại không kém gì Âu Mỹ. Chỉ có điều là chúng ta cần dũng cảm để nhìn thẳng vào điều đó và cần lòng kiên nhẫn để đọc các tác phẩm này” (tr. 11).
Niềm hy vọng của Đông Tây sẽ trở thành hiện thực khi mà chúng ta ý thức được rằng: Viết cái gì đã cần thiết, song quan trọng hơn là viết như thế nào để truyền được cảm hứng tới người đọc, cuốn người đọc quan tâm, tiếp tục suy tưởng, một hay vài điều mà tác phẩm (chứ không phải tác giả) đề cập. Bởi, như Đông Tây xác định: “Văn học, vốn ở rất xa, tận nơi chân trời góc bể, nơi mặt trời lên xuống mỗi ngày” (tr.9). Những truyện trong tập Cuộc sống không có ngôn ngữ phần nào chứng minh sự nỗ lực vươn tới mục tiêu đó của tác giả Đông Tây – Điền Đại Lâm.
Thanh Yên – Nguồn Văn nghệ