Tôi đồng ý với ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Hội nghị bàn tròn Văn học á – Phi vừa qua tại Hà Nội: “Mỗi nền văn hóa là một thực thể không gì thay thế được. Phát huy dân tộc là sẽ làm giàu có thế giới. Như người ta nói, đi tận cùng dân tộc thì gặp nhân loại. Sẽ là sai lầm nếu các nước nhỏ sa vào mô phỏng và bắt chước nước lớn. Khi đó toàn cầu hóa sẽ trở thành đồng phục hóa”.

-PV: Vấn đề toàn cầu hóa được đặt ra từ lâu, không chỉ trong văn học, và hiện nay nó cấp thiết hơn khi chúng ta tự nhìn thấy mình đang bó hẹp trong dòng chảy xu hướng văn học thế giới, và tự nhận thấy mình đang bên bờ rìa của văn học thế giới. Theo anh, toàn cầu hóa nên hiểu thế nào cho đúng?

Nhà phê bình Nguyễn Đăng Điệp (NĐĐ): Chúng ta đang ở trong kỷ nguyên toàn cầu hóa. Đó là một sự thật. Hiểu một cách chung nhất, toàn cầu hóa là khái niệm nói đến những thay đổi trong xã hội và kinh tế thế giới được tạo nên bởi các mối gắn kết và trao đổi đa chiều, đa phương ngày càng tăng lên giữa các quốc gia, các tổ chức hay cá nhân về kinh tế, chính trị, văn hóa… Bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế, toàn cầu hóa nhanh chóng ảnh hưởng đến tất cả các lĩnh vực khác, đặc biệt từ khi internet xuất hiện. Khái niệm “thế giới phẳng” như là hệ quả tất yếu của toàn cầu hóa do Thomas L. Friedman phát hiện ngày nay được sử dụng hết sức rộng rãi. Có thể nói, trong hơn ba thập niên qua, toàn cầu hóa đã trở thành một trong những “từ khóa” quan trọng nhất trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa của nhân loại.

Đời sống hóa và văn học nghệ thuật của mỗi quốc gia, dù muốn hay không đều không thoát khỏi ảnh hưởng của toàn cầu hóa. Mặt tích cực của toàn cầu hóa là tạo ra những điều kiện thuận lợi để phát triển, đặc biệt là phát triển kinh tế và khoa học kỹ thuật. Toàn cầu hóa cũng là môi trường thuận lợi để nhân loại cùng nhau đối mặt với những vấn đề bức thiết mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, sự mất cân bằng nghiêm trọng về sinh thái… Friedman, trong công trình Thế giới phẳng nổi tiếng thế giới của ông cũng nhiều lần nói đến “sân chơi công bằng”. Nhưng trong thực tế, cái gọi là “công bằng tuyệt đối” không phải lúc nào cũng xuất hiện trong toàn cầu hóa vì các nước lớn bao giờ cũng có ý thức áp chế nước nhỏ, kể cả áp chế về văn hóa. Thực chất, đó là hình thức “xâm lăng và áp đặt văn hóa” một cách kín đáo!

Nói văn học Việt Nam đang ở bên “bờ rìa” của văn học thế giới cũng có phần đúng, vì “bên rìa” chúng ta mới có nhu cầu hội nhập vào đại dương văn học của nhân loại. Nhưng nhìn từ phía khác, khi một nền văn học biết đau nỗi đau của con người, biết kỳ vọng về những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với con người, đến dân tộc và nhân loại thì chúng ta đã gặp nhân loại rồi đấy. Vấn đề đặt ra là chúng ta biểu đạt những tư tưởng ấy ra sao, làm thế nào để khai thác, miêu tả thế giới một cách thật sâu sắc, thấm thía bằng nhãn quan nghệ thuật hiện đại, thấm đẫm tinh thần triết học nhân văn hiện đại. Đây là điều văn học Việt Nam còn thiếu. Và sự khuyết thiếu ấy, theo tôi, biểu hiện ở nhiều phương diện: chủ thể sáng tạo, chủ thể tiếp nhận và môi trường sinh thái văn hóa tư tưởng.

PV: Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng phát biểu rằng có sự dịch chuyển: những xung đột về văn hóa, chính trị, kinh tế ở hai châu lục á – Phi đang đặt ra rất nhiều vấn đề cho văn học và nhiều người tin rằng trong tương lai, khu vực này sẽ sinh ra những tác giả lớn. Văn học châu á và châu Phi cũng sẽ được đọc nhiều hơn. Ngay cả tác phẩm của những tác giả á – Phi định cư ở các nước châu Âu cũng sẽ được đọc nhiều hơn. Theo anh đó là ý kiến chủ quan hay chính là thực tế tình hình văn học và văn hóa hiện nay?

NĐĐ: Tôi chia sẻ điều này với nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Đúng là trong thời đại ngày nay, thế giới có quá nhiều thay đổi, trong đó có nhiều “điểm nóng” về văn hóa, kinh tế, xã hội diễn ra dồn dập tại các châu lục á- Phi, nơi có nhiều quốc gia đang “trỗi dậy” sau nhiều năm bị áp bức và xâm lược. Những chuyển dịch này, về mặt nào đó, là cơ hội để các nhà văn á- Phi cất lên tiếng nói của họ trong tương quan bình đẳng với các tiếng nói khác. Bên cạnh đó, cũng phải nói đến một thiệt thòi cho các nhà văn á – Phi là họ ít viết bằng tiếng Anh, một thứ ngôn ngữ thực sự có quyền lực trong thời đại này nay. Thậm chí, ngay cả những sáng tác của R. Tagore, nếu không được chuyển Anh ngữ, chắc gì ông đã trở thành người châu á đầu tiên đoạt Nobel văn học vào năm 1913. Toàn cầu hóa, hiểu theo khía cạnh tích cực nhất, sẽ góp phần tháo gỡ rào cản này khi nó cho phép những tiếng nói khác nhau hiển thị và phô diễn những sắc màu văn hóa tiềm ẩn của nó. Nếu không, toàn cầu có nguy cơ trở thành một sàn diễn, một buổi “chợ phiên” mà ở đó, “các nước lớn đóng vai trò gánh hát biểu diễn còn các nước nhỏ ngồi xem” như Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh đã cảnh báo.

Khách quan mà nói, mặc dù đã có một số nhà văn từng đoạt giải Nobel nhưng đặt bên cạnh văn học của một số quốc gia Âu – Mỹ, rõ ràng văn học châu á và châu Phi có phần “lép” hơn. Toàn cầu hóa chính là cơ hội để các nhà văn á – Phi có quyền nói về sự bình đẳng, chống lại áp đặt văn hóa. Vì thế, hy vọng của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều về những tác giả lớn trong tương lai là một hy vọng có cơ sở thực tế. Tất nhiên, để biến hy vọng thành hiện thực, các nhà văn á – Phi sẽ phải nỗ lực sáng tạo, nỗ lực tranh đấu. Đó phải là một nỗ lực vượt bậc, không ngừng nghỉ.

-PV: Nếu đó là tình hình hiện nay thì tại sao chúng ta vẫn đang thiếu vắng quá nhiều những tác phẩm của các nền văn học á- Phi, và bằng cách nào để sự dịch chuyển đó diễn ra trong đời sống văn học hiện nay, chứ không phải xét ở nghiên cứu lí thuyết?

NĐĐ: Đây là một câu hỏi cần đến nhiều cuộc hội thảo và cần đến sự hội tụ của nhiều ý chí, khát vọng. Phần mình, tôi chỉ muốn nói một cách giản dị rằng, những biến động trong đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại các nước á – Phi xét đến cùng cũng chỉ là “chất liệu” sáng tạo mà thôi. Muốn trở thành những kết tinh nghệ thuật thục thụ, điều quan trọng nhất vẫn là tài năng của nghệ sĩ và môi trường văn hóa mà họ thụ hưởng. Chỉ khi nào cái chất liệu kia được chuyển hóa thành cú hích sáng tạo nội tâm và được nung chảy trong quá trình sáng tạo của người cầm bút thì mới xuất hiện những tác phẩm tầm cỡ. Tại đây, môi trường văn hóa và không khí dân chủ phải trở thành môi trường bảo đảm cho sự tự do của người viết. Nếu không có điều đó, nghệ sĩ luôn nửa vời vì họ còn lo bảo hiểm cho chính họ. Dĩ nhiên, tự do sáng tạo cần được hiểu một cách đúng đắn. Đó là tự do nói về nỗi đau và khát vọng của con người trên cái nhìn nhân văn hiện đại. Tôi nghĩ, mọi kiệt tác của nhân loại từ xưa đến nay đều là những bài ca về con người và thế giới bằng tinh thần nhân văn cao cả, bằng trình độ nghệ thuật điêu luyện, vượt qua những sáo mòn và những thời thượng nghệ thuật mang tính phù du.

-PV: Một câu hỏi tưởng là quá cũ, trong con nước dập dềnh, lúc lên lúc xuống, liệu việc chú trọng toàn cầu hóa có làm bớt đi chút bản sắc ít ỏi của chúng ta?

NĐĐ: Trước hết, có lẽ không nên coi “chú trọng toàn cầu hóa sẽ làm bớt đi bản sắc ít ỏi của chúng ta” vì bản sắc dân tộc của chúng ta không hề “ít ỏi”. ở đây, cần nhìn nhận vấn đề từ hai phía: Thứ nhất, chúng ta không thể không chú ý đến toàn cầu hóa đó là xu thế tất yếu của thời đại. Quay lưng với toàn cầu hóa hoặc không thích ứng với nó chúng ta sẽ tự làm suy yếu mình. Điều quan trọng là chúng ta phải nhận thức đúng đâu là cơ hội, đâu là thách thức để có lời giải hợp lý. Thứ hai, Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, và trong suốt hàng nghìn năm lịch sử, mỗi dân tộc đều góp vào văn hóa Việt Nam những đặc sắc của mình để tạo nên bản sắc Việt Nam. Có lẽ còn rất lâu nữa chúng ta mới cắt nghĩa hết sức mạnh của văn hóa Việt. Tôi muốn lưu ý đến trả lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng khi có người hỏi tại sao Việt Nam lại có đủ sức mạnh đánh thắng các siêu cường trong khi chúng ta thua kém họ về vật chất, vũ khí, trang bị. Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: chiến thắng của Viêt Nam là chiến thắng của sức mạnh văn hóa, chiến thắng của văn hóa. Trở lại với câu hỏi của chị, tôi muốn nói rằng, những lo lắng về sự biến mất của bản sắc văn hóa không chỉ là nỗi lo riêng của Việt Nam mà còn là nỗi lo lắng của nhiều quốc gia đang phát triển. Nguy cơ này cũng được nhiều học giả nổi tiếng thế giới cảnh báo. Tại đây, chúng ta phải song hành hai quá trình, vừa biết phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vừa thu hút được tinh hoa văn hóa nhân loại, biến tinh hoa văn hóa nhân loại thành dưỡng chất văn hóa làm giàu có thêm bản sắc dân tộc. Kinh nghiệm này đã từng có trong văn học lịch sử dân tộc và trong Thơ mới 1932- 1945.

-PV: Tôi biết hiện nay chúng ta vẫn đang có hai xu hướng, hưởng ứng trào lưu toàn cầu hóa, và một nhánh là bảo lưu những giá trị dân tộc. Đương nhiên câu trả lời tốt nhất sẽ là cân bằng được cả việc đón nhận xu hướng và giữ gìn những gì là hồn cốt dân tộc mình. Đúng không thưa anh?

NĐĐ: Không nghi ngờ gì nữa, sự cân bằng của hai xu hướng trên đây là con đường hợp lý nhất. Bảo lưu một cách thái quá, chỉ coi trọng bản sắc văn hóa dân tộc mà không quan tâm đến toàn cầu hóa là đi ngược lại xu thế thời đại. Nhưng chỉ chạy theo bên ngoài mà bỏ quên bản sắc dân tộc sẽ là thảm họa. Tôi đồng ý với ý kiến của nhà thơ Hữu Thỉnh tại Hội nghị bàn tròn Văn học á – Phi vừa qua tại Hà Nội: “Mỗi nền văn hóa là một thực thể không gì thay thế được. Phát huy dân tộc là sẽ làm giàu có thế giới. Như người ta nói, đi tận cùng dân tộc thì gặp nhân loại. Sẽ là sai lầm nếu các nước nhỏ sa vào mô phỏng và bắt chước nước lớn. Khi đó toàn cầu hóa sẽ trở thành đồng phục hóa”.

-PV: Có phải mỗi lần cứ đặt đến vấn đề tiến trình toàn cầu hóa (trong văn học hay trong bất cứ ngành nghề nào), chúng ta lại đặt ra vấn đề “những cái cần chết (trong văn học)”. Tẩy chay mọi giá trị có thực sự là đích đến của việc toàn cầu hóa?

NĐĐ: Người ta đã nói nhiều về cái chết của tác giả, cái chết của những trào lưu văn học, cái chết của những giá trị cũ… Thực ra, không phải đến toàn cầu hóa thì những cái “cần chết” trong văn học (và các lĩnh vực khác) mới được đặt ra vì nó là chuyện bình thường và tất yếu của phát triển. Muốn phát triển thì phải tiến hành đào thải, nhưng đó phải là sự đào thải mang tính biện chứng. Tất nhiên những cái bị đào thải những cái bất hợp lý, cũ kỹ, cản trở sự phát triển, còn những giá trị đích thực thì không thể đào thải, mà muốn đào thải cũng không thể được. Nếu đào thải nó tức là chúng ta rơi vào duy ý chí, bất chấp quy luật. Với cái nhìn như thế, toàn cầu hóa không bao giờ đồng nghĩa với việc tẩy chay/ xóa bỏ những giá trị đích thực mà ngược lại, nó là cơ hội để các giá trị đích thực cất lên tiếng nói vĩnh cửu của nó. Chỉ những cách tân giả hiệu và tâm lý vọng ngoại mù quáng mới bị bỏ quên và bị đào thải mà thôi

-PV: Theo anh, một người làm công tác văn học lâu năm, nền văn học của chúng ta (trong đó có cả ý thức của người đọc) đang ở bên lề của văn học thế giới nói chung và văn học á- Phi nói riêng hay là một mình đi con đường không giống ai?

NĐĐ: Về một phương diện nào đó, đúng là so với văn học của nhiều quốc gia phát triển khác, văn học á Phi có phần khiêm tốn và tụt hậu. Tôi nghĩ, thừa nhận sự kém cỏi của mình cũng là một bản lĩnh để vượt lên. Nhưng có lẽ không nên đặt ra cái gọi là “bên lề” ở đây, mặc dù có nhiều dấu hiệu cho thấy văn học á – Phi chưa có vị thế “trung tâm”, và mặt khác, văn học á – Phi cũng không nên coi những nỗ lực của mình là để vào “trung tâm” nhằm đẩy các nền văn học khác ra “bên lề”. Điều quan trọng là chúng ta phải xác lập cho được sự bình đẳng giữa các nền văn hóa và văn học. Việc tái lập tổ chức Văn học á – Phi là hành động hết sức cần thiết để chúng ta có điều kiện thống nhất một ý chí, thống nhất một hành động nhằm đề cao vai trò của nhà văn trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong thời đại toàn cầu hóa, qua đó tạo dựng vị thế mới của văn học ở những quốc gia thường bị coi là “nhược tiểu”, “kém phát triển”. Tuy nhiên, sự phát triển văn học của mỗi dân tộc trước hết phải dựa vào bản lĩnh văn hóa của dân tộc ấy. Riêng với văn học Việt Nam, để phát triển văn học, chúng ta cần đến rất nhiều yếu tố, trong đó nhất thiết phải có sự hậu thuẫn của một chiến lược phát triển văn hóa và văn học thông minh, đúng đắn, một chiến lược phát triển xuất phát từ tầm nhìn hiện đại.

Thu Huyền thực hiện

VĂN NGHỆ TRẺ