Tác phẩm đỉnh cao là cụm từ có lẽ “sốt sắng” được nhắc đến nhất sau mỗi kỳ tổng kết, sơ kết, nhìn lại một cuộc thi, một chặng đường dài, ngắn của văn học. Bàn thêm về vấn đề này trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi có cuộc trao đổi với Giáo sư Phong Lê.

PV: Thưa giáo sư Phong Lê, lâu nay chúng ta đã nhắc nhiều đến sự thiếu vắng của “Tác phẩm văn học đỉnh cao” cũng như câu hỏi “Bao giờ văn học Việt Nam có Nobel?” đủ để thấy tầm quan trọng và mức độ quan tâm đến tác phẩm văn học đỉnh cao của người trong và ngoài giới như thế nào. Thế nhưng mới đây, tại Hội nghị lý luận phê bình toàn quốc lần thứ 3, diễn ra tại Tam Đảo, nhà phê bình Ngô Thảo có đưa ra ý kiến rất đáng quan tâm, là: “Văn chương ngày nay không cần tác phẩm đỉnh cao mà cần những tác phẩm trung bình và được PR tốt để có công chúng. Có 100 ông Nguyễn Du bây giờ thì cũng bị lẫn trong số lượng tác giả tác phẩm khổng lồ của văn học hiện nay.” Cũng là một nhà phê bình, ông có đồng tình với quan điểm này không?

Nhà lý luận phê bình Phong Lê: Vấn đề tác phẩm văn học đỉnh cao là vấn đề muôn thuở. Gần như ở các cuộc tổng kết người ta cũng nhắc thiếu tác phẩm đỉnh cao. Một quyển sách hay, hoặc một quyển sách được giải A, giải B, giải C trong cuộc thi ấy thì dễ, khi nào có giải là khi ấy độc giả có sách để đọc. Nhưng gọi là đỉnh cao thì nó mơ hồ vô cùng. Biết lúc nào là đỉnh cao. Ngay cả bản thân tác giả khi viết ra tác phẩm cũng chưa chắc nghĩ tác phẩm của mình sẽ trở thành đỉnh cao. Phải sau đó, qua thử thách của bạn đọc, của thời gian; có thể ngay sau đó, có thể sau năm, mười, hai mươi năm hay thậm chí lâu hơn thì tác phẩm ấy mới trở thành đỉnh cao.

Thử nhìn lại văn học đã qua để xem tác phẩm nào là đỉnh cao thì sẽ dễ nói hơn. Ví dụ văn học trung đại thì đỉnh cao là Truyện Kiều.

Văn học trước năm 1945 có trào lưu Hiện thực và Lãng mạn thì đỉnh cao không chỉ có một vài tác phẩm như: Chí Phèo, Số đỏ mà có nhiều lắm.

Quan niệm tác phẩm đỉnh cao cũng có nhiều cách. Ví dụ với Hồ Chí Minh thì Tuyên ngôn độc lập là đỉnh cao. Nhật ký trong tù cũng được coi là tác phẩm đỉnh cao vì tác phẩm ấy đã vinh danh Bác Hồ là danh nhân văn hoá thế giới. Thường thường gắn tác phẩm với một nhân cách lớn, một gương mặt lớn của lịch sử thì cũng có thể cho đó là tác phẩm đỉnh cao.

Đặc trưng của thời hiện đại là văn học nó có tính dân chủ, cho số đông, mở rộng đối tượng đọc và viết. Nhiều người viết, nhiều người đọc thành thử mỗi người tiếp nhận một phương diện khác nhau để đọc. Mỗi tác giả cũng hướng đến một giá trị riêng chứ không có tác phẩm nào bao trùm lên tất cả.

Công chúng tiếp nhận cũng rất rộng, nhiều tầng lớp, nhiều thị hiếu, nhiều trình độ, nhiều cảm nhận nên nói tác phẩm đỉnh cao rất khó, chỉ trừ trường hợp “không ai cãi” được như Truyện Kiều của Nguyễn Du, Tuyên ngôn độc lập, Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Bây giờ nói Từ ấy của Tố Hữu là đỉnh cao thì phải nói đến Lửa thiêng. Nói đến Chí Phèo của Nam Cao thì phải nói đến Sống mòn. Mà đã nói đến Sống mòn thì phải nói đến Bước đường cùng của Nguyễn Công Hoan, phải nói đến Số đỏ, Giông tố của Vũ Trọng Phụng và sau đó thì phải nói nhiều nữa, cả Tô Hoài với Dế mèn, Nguyễn Thi với Người mẹ cầm súng, Nguyên Ngọc với Rừng xà nu v.v…

Nói thế để thấy quan niệm văn học đỉnh cao ngày nay không dễ. Đỉnh cao mà tất cả mọi người phải công nhận càng không dễ. Trong bối cảnh thế kỷ 20, có ba giai đoạn phát triển rất khác nhau nên những quy chuẩn, tiêu chí đánh giá tác phẩm phải đặt trong thời cuộc chứ không có cái chung cho các thế kỷ. Trước năm 1945 là cuộc chay đua dân tộc để tiến tới cách mạng tháng 8 và cuộc đua để hiện đại hoá văn học cho bằng với thế giới trong thế kỷ 20. Thế kỷ 19 của Nguyễn Đình Chiểu không có cuộc đua đó. Cuộc đua nhằm hai đích là giành thằng lợi Cách mạng tháng Tám, giải phóng dân tộc. Và những tác giả tác phẩm nào đạt được yêu cầu đó thì sẽ là tác phẩm đỉnh cao. Mục đích thứ hai là để đưa văn học dân tộc sánh với văn học thế giới. Vậy tác phẩm đỉnh cao được xác định bởi hai yêu cầu: Cuộc cách mạng và hiện đại hoá văn học.

Văn học từ 1945 đến 1975 hoặc 1980, hoặc đến 1990 – hết chiến tranh biên giới và khi mô hình Xã hội chủ nghĩ ở Liên Xô sụp đổ thì toàn bộ dân tộc mới thoát ra khỏi cuộc chiến tranh. Nên văn học viết về chiến tranh, phục vụ chiến tranh. Bác Hồ nói nghệ thuật là mặt trận. Nên tiêu chí để đánh giá tác phẩm đỉnh cao hay không là nhà văn đó đáp ứng gì cho cuộc giải phóng dân tộc, từ đó có văn học chiến tranh.

Sau chiến tranh là giai đoạn hoà nhập, toàn cầu hoá quốc tế và kỷ nguyên thông tin. Ai sẽ nghĩ đỉnh cao phải như thế nào trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt trong khi văn hoá đọc đang thay đổi. Tác phẩm đoạt giải Nobel không phải là sách bán chạy, nhiều người mua. Trong khi sách bán chạy thì lại chủ yếu là sách văn học giải trí với truyện kinh dị, vụ án, sốc, sex… Bối cảnh khủng hoảng văn hoá đọc mà nhắc đến tác phẩm đỉnh cao thì hơi vô duyên.

Nobel bây giờ không phải là một thước đo chuẩn.

PV: Tại sao Giải thưởng Nobel không phải là một tiêu chí ạ?

Nhà lý luận phê bình Phong Lê: Bởi vì một tác phẩm hay và một tác phẩm được đọc nhiều khác nhau. Trước đây, hai yếu tố này nó trùng nhau, tức là một tác phẩm hay đồng nghĩa sẽ được đọc nhiều nên rất dễ nhận ra. Để xác định một cuốn sách nào là hay hiện nay phức tạp vô cùng.

PV: Nói như quan điểm của Giáo sư thì trong bối cảnh hiện nay người cầm bút nên xác định tác phẩm đỉnh cao là thế nào?

Nhà lý luận phê bình Phong Lê: Khi viết thì người cầm bút không phải lăm lăm tìm định nghĩa thế nào là tác phẩm đỉnh cao và nghĩ rằng tác phẩm của mình phải là đỉnh cao, sẽ là đỉnh cao. Nhưng mọi người hãy viết bằng tất cả tâm huyết của mình, qua thử thách công chúng và thời gian sẽ trả lời tác phẩm đó có phải đỉnh cao hay không.

PV: Giáo sư có nghĩ giấc mơ Nobel văn chương vẫn là khát vọng, là cái đích của các nhà văn Việt Nam hiện nay không?

Nhà lý luận phê bình Phong Lê: Có chứ. Mặc dù giá trị của Nobel văn chương nó chuyển đổi theo thời cuộc, không ổn định, không bất biến nhưng không vì thế mà họ không mơ đến giải thưởng này. Nobel vẫn có những tác động nhất định với nhà văn và xã hội.

PV: Theo ông tại sao quan điểm “Văn chương hiện nay không cần tác phẩm đỉnh cao” lại không nhận được ý kiến của đồng nghiệp trong cuộc Hội thảo lý luận phê bình?

Nhà lý luận phê bình Phong Lê: Tôi thấy ý kiến này cũng không gây tranh cãi nhiều. Hơn nữa tôi quan tâm đến tham luận đã được tác giả chuẩn bị và in thành tài liệu phát trong Hội nghị thì không thấy vấn đề này được đặt ra.

PV: Nếu cho rằng văn chương hiện nay không cần tác phẩm đỉnh cao, phải chăng do nhu cầu đọc của độc giả đã thay đổi?

Nhà lý luận phê bình Phong Lê: Đúng thế, bởi chúng ta đang sống trong thế giới mà độc giả có vô vàn nhu cầu, mà nhu cầu giải trí lại được đặt ra hàng đầu.

PV: Ông nói hiện nay một tác phẩm hay chưa chắc được đọc nhiều, điều này đồng nghĩa với việc sách bán được ít, nhuận bút của tác giả thấp. Trong khi ngược lại, những tác phẩm văn học mang tính giải trí lại bán chạy, người viết lợi nhuận cao. Vậy để cân đong đo đếm các giá trị thì người viết cũng cần phải có bản lĩnh lựa chọn hay là phải đợi khi nào người viết không chú trọng đến “cơm áo gạo tiền” thì mới nghĩ đến cầm bút tác phẩm mình tâm đắc, mình ấp ủ?

Nhà lý luận phê bình Phong Lê: Cái này thì phải nên hỏi nhà văn và cả công chúng. Họ có thể bỏ ra 4 triệu mua vé xem ca nhạc mà không đắn đo nhưng lại rất ngần ngại khi bỏ ra 100 nghìn mua một cuốn sách văn học.

Một nhà văn viết một cuốn sách vài năm mới xong, nhuận bút khoảng 6,7 triệu thì cũng không mua nổi một cặp vé cho vợ chồng đi xem ca nhạc một đêm được.

Dân số Việt Nam từ 30 triệu đến 90 triệu thì mỗi đầu sách vẫn chỉ trung bình có 1.000 bản in. Đây là thực trạng mà người cầm bút đã biết và phải chấp nhận, tuỳ ở mỗi người. Hoặc là viết để sống. Hoặc là sống bằng cái khác và để chuyên tâm viết cái mình cho rằng phải viết và có ích, dù phải bỏ tiền ra in.

Nhưng tôi cũng nghĩ có muôn vàn cách để sống và các nhà văn chúng ta xưa nay vẫn tồn tại. Nhiều thước đo không phải bằng vật chất, không thể mang vật chất ra. Nếu dốc công sức vào công việc, sẽ được nhìn nhận, đánh giá ghi nhận thì từ đó sẽ có nhiều cơ hội khác để kiếm sống.

PV: Nghe ông nói, hi vọng nhiều người viết, đặc biệt là người viết trẻ sẽ tin vào một “bến bờ” có hậu để họ gạt đi cái nhất thời, cái gọi là “thị trường” để viết hết mình, viết tâm huyết.

Nhà lý luận phê bình Phong Lê: Nếu được thế tôi rất mừng.

* Cảm ơn những chia sẻ của Giáo sư!

Nguồn: Toquoc