Nguyễn Hữu Quý
Năm 1998, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ra Nghị quyết 5 Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong gần hai mươi năm qua, giữa những biến động ào ạt và phức tạp của cuộc sống, văn học nước nhà đã có những tiến chuyển với hi vọng tạo nên những tác phẩm mới xứng tầm thời đại. Các nhà văn chân chính trong lao động sáng tạo nghệ thuật dù là đơn lẻ cô độc như họ thường nhận, ở đâu và viết cái gì vẫn hồi hướng tâm – tài của mình về dân tộc và nhân loại. Điểm chung, hay nói chính xác hơn là sự đồng thuận trong tư tưởng và tình cảm của các nhà văn với Nghị quyết Trung ương 5 là ở đó. Chắc chắn, hiện tại và lâu dài định hướng tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc cho nền văn hóa Việt Nam nói chung và văn học nước nhà nói riêng vẫn giữ nguyên những giá trị cốt yếu.
Không khí sáng tác văn học cởi mở là điều dễ thấy nhất trong gần hai mươi năm qua. Có lẽ, chưa có thời điểm nào số lượng tác giả, tác phẩm đông và nhiều như thời gian qua. Theo tôi, đây cũng là quãng thời gian ở Việt Nam có nhiều trường phái, trào lưu, phương pháp sáng tác văn học được thực hành nhất từ trước tới nay. Hai đặc điểm trên hầu như xuyên suốt trong gần hai thập kỉ qua và nó chưa có dấu hiệu dừng lại.
Đội ngũ người viết văn, chuyên nghiệp và nghiệp dư như cách ta thường gọi, lên tới hàng vạn. Văn chương hàn lâm xen kẽ với văn chương bình dân, chưa biết bên nào chiếm lĩnh được bạn đọc nhiều hơn bên nào. Cũng mang danh “nhà văn, nhà thơ” nhưng có người là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, có người là hội viên các hội địa phương hay hội viên các câu lạc bộ… Điều khá trớ trêu là không phải hội viên Hội Nhà văn Việt Nam nào cũng biết làm thơ viết văn đúng nghĩa của nó, và ngược lại có những người chưa được ghi tên trong Hội Nhà văn Việt Nam nhưng có tác phẩm hay. Thực trạng này có nhiều nguyên nhân dễ thấy nhưng không dễ nói, tuy nhiên nhìn tổng thể thì nó đã tạo ra được không khí sáng tác văn học khá sôi nổi cho đất nước. Nó như là một minh chứng cho lòng yêu thích văn học của nhân dân ta. Quần chúng không chỉ có nhu cầu ăn ngon mặc đẹp mà còn mang trong mình khát vọng được thưởng thức và sáng tác văn học như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc sống. Hệ quả sinh ra từ thực trạng này là có nhiều, rất nhiều tác phẩm mang danh văn học được xuất bản. Chẳng hề có chuyện gì xấu xa ở đây và cũng không vi phạm pháp luật. Các nhà xuất bản nếu chỉ nhăm nhăm chờ có những tác phẩm khá và hay để in thì chắc sớm bị phá sản vì không đủ kinh phí trang trải cho bộ máy biên tập viên, hành chính của mình. Thế mới có tình trạng buồn nhiều hơn vui là tác phẩm làng nhàng chiếm đa số và qua tìm hiểu của tôi thì số này mới là nguồn thu chủ yếu của các nhà xuất bản. Âu cũng là cách để mưu sinh dù họ biết rằng làm thế là hạ thấp văn chương và lợi bất cập hại với nền văn học nước nhà. Hàng trăm, hàng nghìn tập truyện, thơ, hồi kí, ghi chép… chất lượng thấp ra đời mỗi năm. Số nhà văn, nhà thơ “ăn theo” những tác phẩm “lùn” ấy cũng mọc lên như nấm sau mưa.
Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, hiện nay trình độ cảm thụ văn chương của người viết, người đọc tăng lên. Hình như, người ta đã vượt qua được những ngộ nhận, ấu trĩ trong nhận thức về sáng tạo văn học trước đây để làm ra những tác phẩm gần với đời hơn. Cái chân – thiện – mĩ không bị trình bày thể hiện theo kiểu khô cứng, hẹp hòi đầy tính giáo huấn nữa. Quá khứ và hiện tại cung cấp phôi liệu cho nhà văn; từ sự bộn bề ngang dọc của các “vỉa quặng” này, nhiều tác phẩm sinh ra mang hơi thở cuộc sống nóng hổi. Tuy mức độ thành công khác nhau và không nhiều lắm nhưng chúng ta cũng có thể kể tên một số tác giả, tác phẩm như thế.
Về văn xuôi, nối tiếp tiểu thuyết Thời xa vắng của Lê Lựu, Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, truyện ngắn Tướng về hưu của Nguyễn Huy Thiệp, Bước qua lời nguyền của Tạ Duy Anh… thời kì bắt đầu đổi mới, chúng ta có thêm các tiểu thuyết Mảnh đất lắm người nhiều ma của Nguyễn Khắc Trường, Bến không chồng của Dương Hướng, Chim én bay của Nguyễn Trí Huân, Lính trận của Trung Trung Đỉnh, Minh sư của Thái Bá Lợi, Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức…, rồi tiểu thuyết lịch sử Hồ Quý Ly của Nguyễn Xuân Khánh và truyện vừa Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư…
Thơ nhiều ồn ào tranh cãi nhưng ít thành tựu, hơn mười lăm năm qua không có tập thơ nào thực sự chinh phục được bạn đọc ở chất lượng nghệ thuật. Những tập thơ đoạt giải hàng năm của Hội Nhà văn Việt Nam hay một số hội địa phương cũng nằm trong tình trạng đó, chưa tạo ra được sự đồng thuận cao trong dư luận, được khen cũng lắm bị chê cũng nhiều.
Nhìn chung, văn học trong hơn mười lăm năm qua được tạo lập trên cái nền khá vững bởi hàng năm vẫn có những tác phẩm “đọc được” của các thế hệ tác giả. Thế hệ nhà văn kháng chiến với những tên tuổi đã được định danh vững chắc trong lòng bạn đọc vẫn chưa hết duyên sáng tác đã có những tác phẩm mới đóng góp cho nền văn học nước nhà như Tô Hoài, Ma Văn Kháng, Đỗ Chu, Hữu Thỉnh, Tô Nhuận Vỹ, Xuân Đức, Nguyễn Chí Trung, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Đức Mậu, Anh Ngọc, Chu Lai, Thái Bá Lợi, Khuất Quang Thụy, Nguyễn Nhật Ánh, Trung Trung Đỉnh, Lê Minh Khuê, Thanh Thảo, Lê Thị Mây… Thế hệ nhà văn xuất hiện ngay sau năm 1975 cũng đóng góp những tên tuổi quen thuộc như Nguyễn Quang Thiều, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Lập, Nguyễn Việt Chiến, Trần Thùy Mai, Nguyễn Thị Thu Huệ, Võ Thị Hảo, Nguyễn Việt Hà, Trần Anh Thái, Nguyễn Bình Phương, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban… Bạn đọc dần dà biết tới những nhà văn trẻ của thời đổi mới như Phan Thị Vàng Anh, Phạm Duy Nghĩa, Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh, Phan Huyền Thư, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp, Tống Ngọc Hân, Hoàng Hải Lâm, Hoàng Chiến Thắng…
Văn học trong gần hai mươi năm qua vừa hướng tới việc phản ánh hiện thực cuộc sống đương thời với những xung đột gay gắt, những hoàn cảnh chênh vênh, những bi kịch éo le của thời hậu chiến khi nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần dần được xác lập như xu hướng tất yếu ở nước ta trong thời gian dài, vừa quay lại xem xét, mô tả lịch sử (sự kiện và nhân vật) dưới góc nhìn hôm nay. Đề tài lịch sử được một số nhà văn quan tâm cùng với dòng văn học viết về chiến tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mĩ xâm lược vẫn được thông chảy. Tuy nhiên, văn học không có nhân vật trung tâm (người lính) và đề tài chủ yếu (đánh giặc) như thời kháng chiến nữa.
Nhân vật của văn học nước ta thời hậu chiến là con người, con người của dĩ vãng và hiện tại với những niềm vui và nỗi buồn, đớn đau và khát vọng vô tận. Con người bị ném vào bão lốc giông gió của thời cuộc, bị ràng rịt trói buộc bởi muôn vàn mối quan hệ phức hợp trong một xã hội “lắm người nhiều ma”. Thân phận con người là mối quan tâm hàng đầu và xuyên suốt của các nhà văn. Dù viết về ai và bằng thể loại gì, phương pháp nào thì cũng là để nói tới thân phận con người.
Có hai điều nổi lên đặt cho tôi nhiều suy nghĩ về văn học nước nhà trong gần hai mươi năm qua. Đó là, nên viết về lịch sử ra sao và thơ cần chọn xu hướng nào để phát triển.
Tiểu thuyết đề tài lịch sử Hồ Quý Ly của nhà văn lão thành Nguyễn Xuân Khánh giành được sự đồng thuận và đánh giá tốt của bạn viết, bạn đọc trong khi đó tiểu thuyết Hội thề của Nguyễn Quang Thân hay truyện ngắn Dị hương của Sương Nguyệt Minh lại có nhiều ý kiến trái chiều. Không ai không biết rằng, lịch sử chỉ là cái “đinh” để nhà văn treo mắc lên đấy những thông điệp, ý tưởng của mình về cuộc sống, về nhân tình thế thái. Các nhân vật lịch sử cũng chỉ là con người nên trong họ phải hội tụ cả những tốt xấu, hay dở của chúng sinh. Vì thế, có tác giả khi viết truyện lịch sử đã mặc sức hư cấu, bịa đặt những điều trái ngược với suy tôn của đông đảo quần chúng xưa nay. Thế là đúng hay sai? Vẫn chưa dứt những tranh cãi khác chiều. Tôi nghĩ rằng, với những nhân vật lịch sử đã được nhân dân tấn phong anh hùng, danh nhân đất nước thì nhà văn nên tôn trọng điều thiêng liêng đó. Hư cấu, tưởng tượng cũng phải dựa trên nền tảng đó, không nên sử dụng quyền được bịa của mình để hạ thấp hay bôi lem các anh hùng, danh nhân đã được mặc định trong lòng nhân dân.
Cũng muốn nói thêm, dòng văn học viết về chiến tranh của chúng ta trong thời gian qua đã có những bước tiến mới. Cuộc chiến được mô tả phản ánh trong nhiều tác phẩm văn thơ hầu như đã đoạn tuyệt với lối mòn “ta thắng địch thua, ta tốt địch xấu”. Nhân vật của các cuộc chiến, dù bên này hay bên kia đều được mô tả như những con người với những thăng trầm, sáng tối, may rủi của nó như trong các tiểu thuyết Bến đò xưa lặng lẽ của Xuân Đức, Vùng sâu của Tô Nhuận Vỹ, Đối chiến của Khuất Quang Thụy… Chính vì cuộc chiến được miêu tả thật hơn và cũng công bằng nên sức hấp dẫn của các tác phẩm viết về chiến tranh càng tăng lên.
Với văn xuôi, tôi thấy khá ổn định trong nghệ thuật trình bày. Bạn đọc dễ dàng chấp nhận các phương pháp sáng tác hiện thực và hiện thực huyền ảo, các dạng tiểu thuyết, truyện ngắn có cốt truyện hay không có cốt truyện… miễn là hay. Hiện thực đến mức giản dị như tiểu thuyết Lính trận của Trung Trung Đỉnh cũng hấp dẫn chẳng kém gì hiện thực huyền ảo như tiểu thuyết Hoang tâm của Nguyễn Đình Tú…
Thơ ồn ào và muôn hình muôn vẻ với nhiều trường phái, trào lưu sáng tác truyền thống, hiện đại và hậu hiện đại… Người ta không ngần ngại “nhập khẩu” những trường phái thơ từ phương Tây vào nước ta, tung hô khá ầm ĩ và lăng xê cho một số tác giả đi theo hướng này. Cụm từ “cách tân, đổi mới thơ” hay to tát hơn là “mở ra cuộc cách mạng thơ” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng. Kết quả thì sao, chưa có “cuộc cách mạng thi ca” nào nổ ra nếu không muốn nói là thơ Việt đang ở trong tình trạng lộn xộn, hỗn mang, thật giả, hay dở khó nhận biết. Dạng thơ đề cao cái tục, cái nhục cảm tầm thường, thơ chửi đổng… xuất hiện đó đây và không phải không có người cổ súy hoan hô nó như là một hiện tượng “làm mới” thơ ca Việt.
Chúng ta không khỏi băn khoăn về các giải thưởng văn học trong những năm gần đây. Giải thưởng văn học góp phần định hướng sáng tác, điều đó không có gì là sai. Tuy nhiên, nhìn lại mấy năm gần đây, các giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và một số hội địa phương thường hay bị “săm soi” và có những ý kiến trái chiều. Năm 2010, trong 6 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam gồm tập truyện ngắn Lỏng và tuột của Trần Đức Tiến, tiểu thuyết Minh sư của Thái Bá Lợi, tiểu thuyết Lính trận của Trung Trung Đỉnh, tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam, tập thơ Bầu trời không mái che của Mai Văn Phấn và tập thơ Sóng và khoảng lặng của Từ Quốc Hoài thì trường hợp của Mai Văn Phấn được khen và bị chê nhiều nhất. Năm 2011, trong 5 giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam gồm tập kí Huyền thoại tàu không số của Đình Kính, tiểu thuyết Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, tập sách Luận bàn minh triết và minh triết Việt của Hoàng Ngọc Hiến, tập thơ Hoan ca của Đỗ Doãn Phương và tập thơ Ngày linh hương nở sáng của Đinh Thị Như Thúy thì nhiều người đánh giá không cao tác phẩm của Đình Kính và bàn tán ồn ào theo hai chiều khen chê khác nhau tập thơ của Đỗ Doãn Phương và của Đinh Thị Như Thúy. Năm 2012, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam vừa thông báo giải thưởng đã sinh chuyện. Sóng gió nổi lên ngay tức thì khi Y Ban, tác giả cuốn tiểu thuyết Trò chơi hủy diệt cảm xúc (Bằng khen) và Phạm Ngọc Cảnh Nam, tác giả tiểu thuyết Một thế kỉ bị mất (Bằng khen) từ chối phần thưởng của Hội. Trong khi tập truyện ngắn Thành phố đi vắng của Nguyễn Thị Thu Huệ (Giải thưởng), tập thơ Hoa hoàng đàn nở muộn của Khuất Bình Nguyên (Bằng khen), tập thơ Chất vấn thói quen của Phan Hoàng (Bằng khen) ít chịu điều tiếng thì trường ca Chân đất của Thanh Thảo (Giải thưởng), tập thơ Màu tự do của đất của Trần Quang Quý (Giải thưởng), tập thơ Giờ thứ 25 của Phạm Đương (Giải thưởng) lại hứng phải tiếng chê bai quyết liệt. Tập phê bình Đa cực và điểm đến của Văn Chinh (Bằng khen) cũng bị chê tuy không nhiều và nhẹ nhàng hơn. Giải thưởng văn học năm 2013, năm 2014 của Hội Nhà văn Việt Nam cũng có những ý kiến khen chê khác nhau, đặc biệt là đối với tập thơ Những lớp sóng ngôn từ của Mã Giang Lân, tập Trường ca ngắn và kịch thơ của Nguyễn Thụy Kha. Gần đây nhất, tập thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2016 cũng có nhiều ý kiến rất trái chiều.
Hiện tượng trên có phải là bất thường trong đời sống văn học nước nhà không? Theo tôi là không, vì việc khen chê một tác phẩm văn học chẳng có gì lạ cả. Tuy nhiên, điều chúng ta suy nghĩ là tại sao giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và một số hội địa phương mấy năm gần đây lại hay bị điều tiếng như vậy. Nói một cách dân dã là nó đã bị “dớp”, đến mức tạo nên sự hoài nghi không nhỏ trong một bộ phận nhà văn và bạn đọc. Người ta hoài nghi về tầm và tâm của những người xét giải, người ta nghĩ tới những chuyện này chuyện nọ nằm ngoài văn chương…
Với cuộc sống có nhiều chất liệu và “vỉa quặng” như thế, với không khí sáng tác khá cởi mở, tại sao văn học Việt Nam hiện nay vắng bóng những tác phẩm đỉnh cao? Theo tôi, sự bất ổn về tâm và sự bất tụ về tài là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới nền văn học nước nhà thiếu đỉnh. Có vẻ như còn rất nhiều loay hoay trong định hướng viết cái gì và viết như thế nào trong mỗi nhà văn. Trung thành với lối viết cũ sẽ có nguy cơ bị lạc hậu về phương pháp thể hiện, lặp lại mình. Đổi mới thì phải thế nào đây để không bị mắc phải cái lỗi bắt chước, lai căng. Không phải không có nhà văn đang băn khoăn phân vân giữa đôi bờ truyền thống và hiện đại. Người cầm bút không thể không hoang mang trước sự lộn xộn, nhốn nháo của xã hội nói chung và văn học nói riêng.
Sáng tác văn học đương nhiên là không bó buộc trong một đề tài, vùng đất, nhân vật, trường phái, phương pháp nào cả nhưng ít nhất những người cầm bút cũng tự định hướng cho mình nên viết cái gì. Tại sao văn học hiện nay ít gắn bó với đất nước, dân tộc và nhân dân? Tại sao văn học ngày càng trở nên xa lạ, cách biệt với đông đảo quần chúng lao động? Tại sao vị thế của nhà văn không được tôn trọng và đề cao như trước đây? Phải chăng, phần lớn những gì chúng ta viết ra không có ích cho công chúng; họ thấy trong đó phần hẹp hòi, vị kỉ nhiều hơn rộng lớn, bao dung, họ thấy sự tục tằn dơ dáy nhiều hơn cái tinh tế, trong sạch; chiến sĩ và đồng bào của ta ít thấy bóng dáng tâm hồn, cả hạnh phúc và nỗi đau của mình trong đó. Và, như một hệ quả tất yếu, công chúng xa dần nhà văn, xa dần văn chương một cách lặng lẽ.
Một tác phẩm văn học xuất sắc và đạt tới đỉnh cao sớm muộn sẽ được nhiều công chúng đón nhận nhiệt thành. Trước hết, tầm tư tưởng và tính triết học trong tác phẩm đó phải cao, nó đủ năng lượng để vượt ra biên giới và hòa nhập vào thế giới như những diễn giải cụ thể nhưng đầy tính nghệ thuật về nhân văn, về ý nghĩa tốt đẹp của cuộc sống. Tác phẩm ấy phải ôm trùm những vấn đề rộng lớn, những thông điệp sâu sắc và hữu dụng với dân tộc và nhân loại trong một xã hội đang có không ít cái tốt đẹp nhưng cũng ẩn chứa rất nhiều hiểm họa của cái ác, cái suy thoái đạo đức nhân phẩm con người trong phạm vi toàn cầu. Những kiểu viết rả rích gặm nhấm cái bản năng một cách luẩn quẩn thái quá, quay đi quay lại vẫn cô đơn, tuyệt vọng, mông vú, chất thải, làm tình… khó được đông đảo công chúng chấp nhận và làm sao vươn tới đỉnh cao được. May lắm, nó chỉ ào lên trong một thời điểm nào đó rồi sẽ mau chóng chết yểu. Trong mười mấy năm qua, không hiếm những cái chết văn chương như thế.
Tác phẩm đỉnh cao đương nhiên phải nhuần nhuyễn, mới mẻ về nghệ thuật. Người viết văn có lẽ cũng giống người canh tác mùa màng. Anh phải chọn thổ nhưỡng, thời tiết, loại giống và cách canh tác phù hợp với mình. Có thế, may ra mới hi vọng bội thu. Điều này, không nên nói thêm nữa vì rất dễ bị mang tiếng dạy đời. Nhà văn tài năng cũng chưa dám dạy ai huống chi kẻ viết lách bình dị như tôi. Nói điều này cũng để nhấn mạnh rằng, tác phẩm đỉnh cao bao giờ cũng gắn với tài năng của nhà văn. Tài năng vẫn là yếu tố quan trọng bậc nhất để tạo ra tác phẩm xuất sắc và tác phẩm đỉnh cao. Tài năng bao giờ cũng hiếm nên tác phẩm đỉnh cao không dễ dàng có được và cũng chẳng bao giờ nhiều.
Điều tôi muốn nói khi khép lại bài này là xã hội đừng bao giờ bỏ sót và luôn luôn biết tôn trọng, chăm chút tài năng, tạo môi trường tốt nhất cho các nhà văn sáng tạo. Có như thế văn học Việt Nam mới có cơ hội thuận lợi để bứt phá mạnh mẽ hơn nữa.
N.H.Q
Văn nghệ Quân đội
Phạm Thúy Quỳnh đưa bài