Cuộc thi tiểu thuyết và truyện ký Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007-2010 do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an phối hợp tổ chức đã vinh danh ba gương mặt trẻ: Nguyễn Xuân Thủy với Sát thủ online, Nguyễn Đình Tú với Phiên bản và Di Li với Trại hoa đỏ. Vừa qua, sự xuất hiện của họ cùng những sáng tác mới tiếp tục mang đến hy vọng về sự trở lại và tiếp nối của văn học trinh thám (VHTT).

Một số tác phẩm văn học trinh thám của các nhà văn trẻ.

Muộn mằn và thiếu vắng

Lâu nay, nói đến VHTT người ta thường nghĩ đến văn học các nước phương Tây như Anh, Pháp, Đức, Nga, Mỹ…; còn ở châu Á, dòng văn học này không phải là thế mạnh, chủ yếu có ở Nhật Bản, Trung Quốc. Tại Việt Nam, VHTT, kinh dị hầu như giẫm chân tại chỗ, bởi sự ra đời muộn mằn, thưa thớt các tác giả và đứt đoạn một thời gian dài. Mãi tới giữa những năm 20 của thế kỷ 20, do ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, dòng văn học này mới bắt đầu xuất hiện qua một vài đại diện như Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Bùi Huy Phồn, Lê Văn Trương… Từ đó tới nay, VHTT đã dừng lại nửa thế kỷ. Bên cạnh đó, còn bởi quan niệm đây là “văn chương giải trí”, khi hầu hết nhà văn trong nước cho rằng người viết phải hướng tới những cái cao cả, nhân văn. Chính vì vậy, dòng văn học này không có nền tảng phát triển.

Đầu những năm 70 – 80 của thế kỷ 20, thể loại truyện điều tra hình sự, tình báo, gián điệp từ Liên Xô (trước đây) và các nước Đông Âu được dịch nhiều sang tiếng Việt; một số nhà văn Việt Nam cũng viết những tác phẩm dạng này, nhưng theo giới phê bình, chưa vượt qua được Phạm Cao Củng – tên tuổi mở đầu của tiểu thuyết trinh thám Việt Nam. Những năm gần đây cũng rộ lên loạt truyện vụ án như các tiểu thuyết Cổ cồn trắng của Nguyễn Như Phong, Hành trình của sói của Bùi Anh Tấn… Song dường như xu hướng dựa vào tư liệu có sẵn theo lối nệ thực, ít hư cấu, thậm chí còn nhầm lẫn giữa tư liệu và tiểu thuyết vẫn là phổ biến. Năm 2004, một tờ báo lớn phía nam phát động cuộc thi viết truyện ngắn trinh thám với giải thưởng khá cao, nhưng những tác phẩm tham dự chỉ ở tầm ghi chép vụ án, chưa đạt về chất lượng văn chương. Nhìn lại bức tranh VHTT ở Việt Nam, thấy nổi lên một thực tế là “hàng nội” không phát triển, trong khi nguồn bù lỗ cho việc in sách của các NXB lại từ truyện trinh thám… dịch (!) Gần đây, việc gia nhập Công ước Bơn về bản quyền khiến các NXB không thể dịch “chui”, lại không có nhiều tiền để mua bản quyền cho nên số lượng sách trinh thám nước ngoài cũng giảm sút. Trong khi đó, VHTT Việt Nam còn quá thiếu và yếu.

Kỳ vọng vào sự “tái xuất”

Trong khi nhiều cây bút trẻ đương đại say mê khai thác các đề tài mang tính thời thượng về “giới thứ ba”, về tình yêu,… thì một số tác giả trẻ như Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Đình Tú, Di Li… lại gây được chú ý trên văn đàn bằng dòng VHTT; thể hiện một lối đi độc lập và vững chắc. Có thể thấy, trong bối cảnh những đề tài “thời thượng” đã có khá nhiều người khai thác và không còn mới, việc xuất hiện thêm dòng văn học mang cả hai yếu tố giải trí và nghệ thuật như VHTT là dấu hiệu đáng mừng về một sự thay đổi, hướng đi mới cho văn học trẻ Việt Nam.

Sau sáu năm cùng được vinh danh ở thể loại này, mới đây, đã diễn ra cuộc hội ngộ “không hẹn mà gặp” đầy thú vị của ba tác giả với các tiểu thuyết trinh thám, hình sự mới được đông đảo bạn đọc đón nhận: Nguyễn Xuân Thủy với Có tiếng người trong gió, Nguyễn Đình Tú với Cô Mặc sầu và Di Li với Câu lạc bộ số 7.

Buổi tọa đàm, giao lưu về VHTT, hình sự Việt Nam là một trong những chương trình làm “nóng” Ngày Sách Việt Nam 2016 với sự tham gia đầy hào hứng của nhiều bạn đọc trẻ. Chịu đọc, chịu học và chịu đi (thực tế), để từ đó sáng tạo nên các tác phẩm (ở một thể loại không dễ) có những thích nghi với đời sống xã hội, đặc điểm tâm lý, tính cách người Việt Nam. Đó là ưu điểm nổi bật của ba tác giả. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, sau chuyến đi thực tế qua 10 trại giam ở Thanh Hóa, nhất là khu giam giữ trẻ vị thành niên, sự ám ảnh từ những khuôn mặt hồn nhiên và nụ cười thiên thần của những đứa trẻ “sống trong thế giới ảo, giết người trong thế giới thật” thôi thúc anh cầm bút viết Sát thủ online (giải nhất cuộc thi Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007-2010, đã được chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình). Anh luôn chú ý đến phần con người, nỗi bất hạnh trong nhân vật và muốn khi đọc xong tác phẩm, bạn đọc sẽ thấy cảm thông với họ như với một con người bình thường chứ không phải một tội phạm. Từng học luật, công tác trong cơ quan bảo vệ pháp luật với những cuộc “thăng đường” xử án, vào tù tiếp xúc phạm nhân…,

Nguyễn Đình Tú bộc bạch, điều khiến anh day dứt nhất là những ánh mắt người tù nhìn theo qua song sắt. Nó khiến anh khao khát muốn tìm hiểu quá trình tha hóa, con đường dẫn đến tội ác của một con người; đam mê được lý giải con người, cuộc đời và chính bản thân mình. Theo Nguyễn Đình Tú, không nên nhìn đề tài hình sự một cách cứng nhắc và quá lệ thuộc vào nó. Đặc điểm của văn học hiện đại là tính tích hợp, đa đề tài; tính đa nghĩa, đa thanh trong một tác phẩm. Trong tiểu thuyết Phiên bản (giải B cuộc thi Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống 2007-2010, được chuyển thể kịch bản bộ phim điện ảnh Hương Ga), tác giả trộn lẫn cả ba vụ án lớn trong thời gian qua về các tội phạm Dung Hà, Năm Cam, Minh Sứt để đem đến một tác phẩm hoàn toàn hư cấu, nhưng trong đó người đọc vẫn nhận ra bóng dáng của các nguyên mẫu trong cuộc đời. “Những vụ án chỉ là cái cớ, tạo cảm hứng để tôi sáng tác; chứ không phải đơn thuần là thuật lại một vụ án cụ thể như viết tư liệu, hồi ký hay bài báo. Mục đích sâu xa của tác phẩm trinh thám, hình sự cũng là để hướng đến thân phận con người, đến cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác”.

Nhà văn nữ trẻ Di Li có nhiều lợi thế ở trình độ ngoại ngữ, đi nhiều nước, tiếp xúc các thành tựu văn học trên thế giới… Một phẩm chất đáng quý ở giới nữ, tuổi trẻ như chị là sự miệt mài đọc để kiếm tìm, học hỏi nhằm đạt đến sự chính xác, tính lô-gích, khoa học của một thể loại đặc thù. Di Li cho biết, khi bắt tay vào viết tác phẩm trinh thám đầu tiên Trại hoa đỏ, chị không hề có một hiểu biết gì về ngành công an, Luật Hình sự…; phải tự mò mẫm tìm đủ loại sách, thậm chí vào cả Học viện Cảnh sát nhân dân để kiếm các tài liệu về kỹ thuật hình sự, giám định pháp y… Di Li từng đọc cả Bộ luật Hình sự dày hàng trăm trang, chỉ để viết đúng… ba dòng. Chị tự hào rằng, nhiều nhà điều tra, hình sự học khi đọc sách của mình không tìm được lỗi gì vì đúng lô-gích, trình tự chuyên môn, nghiệp vụ. Khi có bạn đọc hỏi về kinh nghiệm để trở thành một tác giả viết truyện trinh thám, Di Li không ngần ngại trả lời: “Bạn phải đọc đủ 300 cuốn sách, hãy bắt tay vào viết!”.

Có thể thấy, sự đam mê, tâm huyết với những thành công của những người viết (còn khá trẻ) và sự quan tâm, kỳ vọng của bạn đọc (nhất là lớp trẻ) với VHTT đã mang đến những tín hiệu khả quan; thắp lên hy vọng về sự tiếp nối và khởi sắc của một thể loại hấp dẫn, góp phần làm phong phú, dày dặn thêm nền văn học nước nhà.



Theo Nguyễn Phương Liên – Nhandan