Đó là ý kiến đánh giá của PGS Bùi Thanh Truyền, Đại học Sư phạm TP.HCM về văn học trẻ.

 

Sáng 12/11 đã diễn ra buổi tọa đàm Văn học trẻ TP.HCM – Một góc nhìn với sự tham gia của nhiều tác giả trẻ nổi tiếng như Phong Việt, Anh Khang, Thanh Vân… cùng các nhà nghiên cứu, phê bình văn học ở TP.HCM.

Phát biểu tại sự kiện, PGS Bùi Thanh Truyền, Đại học Sư phạm TP.HCM cho rằng khi đọc tác phẩm của các cây viết trẻ không tìm thấy sự đồng cảm. Theo ông, thế giới mà các bạn viết trong sách không mang hơi thở của cuộc sống mà như ở trong phim ảnh.

Nếu thế hệ 7X ghi dấu ấn với nhiều cây viết tiêu biểu như Phan Hồn Nhiên, Trần Nhã Thụy… thì đến thế hệ nhà văn 8X, 9X chưa có những tác phẩm, tên tuổi xứng tầm.

PGS đánh giá: “Văn học trẻ TP.HCM hiện nay có sự nổi ở bề mặt nhưng chưa có độ sâu”.

'Van hoc tre TP.HCM co be noi nhung chua co chieu sau' hinh anh 1

PGS Bùi Thanh Truyền. Ảnh: Tiểu Vũ.

Chưa có nhiều dấu ấn nhưng nhiều cây viết trẻ lại sở hữu lượng độc giả trung thành, có những cuốn sách best-seller. Lý giải điều này Th.S Phương Thúy, Đại học KHXH&NV TP.HCM cho biết qua khảo sát của cô đa số học sinh trung học, phổ thông thích sách của tác giả trẻ.

Nếu trước đây, niềm yêu thích tác phẩm chỉ dựa vào tự thân của cuốn sách thì hiện tại, nhà văn có thể kết hợp với nhiều thứ khác ngoài sách như xây dựng hình ảnh, phát triển trang cá nhân. Vì thế khi độc giả yêu thích một Anh Khang có tài ăn nói cuốn hút hay Nguyễn Ngọc Thạch với lượng fan đông đảo trên facebook… thì họ sẽ bán sách dễ dàng hơn.

Đại diện cho các cây viết trẻ, nhà văn Anh Khang thừa nhận, thế hệ mình biết tận dụng sự tiến bộ của internet, tiếp cận khán giả qua mạng. Cũng vì thế mà bị đánh giá viết theo kiểu mì ăn liền.

'Van hoc tre TP.HCM co be noi nhung chua co chieu sau' hinh anh 2

Anh Khang phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tiểu Vũ.

Anh không dám nhận tác phẩm của mình có giá trị vì “giá trị thế nào để thời gian trả lời” nhưng khẳng định: “Thế hệ chúng tôi đã góp phần phát triển thị trường xuất bản sách”.

Trước những câu hỏi về sứ mệnh của nhà văn trẻ, tác giả Buồn làm sao buông cho rằng không nên đặt áp lực lên nhà văn. “Tôi tin rằng khi viết bằng những rung cảm từ trái tim thì sẽ chạm đến trái tim độc giả”, anh khẳng định.

Nhà thơ Phong Việt – người từng lập kỷ lục với tập thơ Đi qua thương nhớ tiêu thụ hơn 50.000 bản chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình sáng tác. Theo anh, nếu chạy theo số lượng thì tác giả khó viết được một tác phẩm hay. Bản thân anh nhận được nhiều lời mời hợp tác nhưng chỉ viết mỗi năm được một tập thơ.

Nhà văn, nhà thơ theo anh không nên chỉ gắn với một thể loại, đề tài nào. Cùng với sự trải nghiệm và am hiểu hơn thì người viết phải khai thác những đề tài gai góc, vĩ mô hơn. “Một tác giả thành công là tác giả lớn lên cùng với độc giả của mình”, anh nhấn mạnh.

'Van hoc tre TP.HCM co be noi nhung chua co chieu sau' hinh anh 3

Nhà thơ Phan Hoàng, nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà thơ Phong Việt. Ảnh: Tiểu Vũ.

Khép lại buổi tọa đàm, nhà văn Trần Nhã Thụy khẳng định danh xưng nhà văn không phải để làm sang mà đặt lên họ những trọng trách. Đạo đức của nhà văn không gì khác là viết nên một tác phẩm hay.

Bích Hằng- News.zing