Nằm trong chương trình Trại sáng tác Văn nghệ quân đội tại An Giang, ngày 13/8, buổi tọa đàm “Văn học trẻ Đồng bằng sông Cửu Long, bản sắc và sáng tạo” diễn ra tại khách sạn Bến Đá, thành phố Châu Đốc (An Giang). Chương trình do Tạp chí Văn nghệ Quân đội phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang, Ban Văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức.


Nhà văn Nguyễn Xuân Thủy, nhà văn Phong Điệp và nhà nghiên cứu văn học Trương Chí Hùng đảm nhận vai trò chủ tọa điều hành buổi tọa đàm

Mở đầu chương trình, nhà văn Mai Bửu Minh, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT An Giang,trình bày về sự hình thành, phát triển và đóng góp của các tác giả trẻ: “An Giang trong những năm qua liên tục nhiều tác giả trẻ, ban đầu xuất hiện, đăng tải trên mạng xã hội, blog rồi tiến tới các ấn phẩm báo chí, in sách. Một hiện tượng chung là một số tác giả lúc đầu rất hăng hái nhưng rồi không đi theo con đường văn học lâu dài. Một số tác giả vượt trội lên, tiếp tục đăng tải cho đến nay và phát triển cho đến nay, bổ sung đội ngũ sáng tác cho tỉnh nhà. Năm 2009, tái thành lập gia đình Áo Trắng với những hoạt động thực tế, giao lưu, thắt chặt tình đoàn kết nội bộ.Những tác giả trẻ Nguyễn Mạnh Hà, Trần Sang, Nghiêm Quốc Thanh, Lê Quang Trạng,…

Nhà văn nhấn mạnh: “Muốn có cột cờ phải khuấy lên để có những đỉnh cao. Văn học trẻ có đội ngũ 40 người, trong đó 30 người là hội viên”. Nhà văn Bửu Minh cũng chia sẻ về nghề rằng công việc viết đồng nghĩa với việc lặng lẽ viết, viết tốt, viết và có tác phẩm in là đã là đóng góp rồi.

Nhà thơ Trương Trọng Nghĩa, người tạo lập trang thotre.com đánh giá về hoạt động sáng tác trẻ ở đồng bằng: “Những hoạt động văn trẻ góp phần phát triển lực lượng văn học trẻ vừa qua ở đồng bằng. Mong sao, các sáng tác của anh em đồng bằng có bản sắc riêng, không lẫn vào các vùng miền khác. Những Câu lạc bộ là bước đầu củavăn học trẻ, tìm kiếm những hạt nhân sáng tạo. Anh cũng xem trọng sự phát triển của văn học trẻ An Giang, đặc san Áo Trắng duy trì 10 năm, nhiều văn trẻ An Giang như một mô hình mạnh ở đồng bằng.


Gần 40 tác giả đến từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có nhiều tác giả trẻ của đồng bằng sông Cửu Long đã tham dự buổi tọa đàm

Đến từ Đất Mũi Cà Mau, nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà nhận định về tính bản sắc viết: “Ranh hgiới địa lý mang tính tương đối, cá tính sáng tạo mới là cái quyết định”. Chị không đồng tình với việc định hướng bản sắc trong sáng tạo, tức ra đặt ra cái cần phải tới để định hướng, phục vụ.

Sự thành công của một người viết theo nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà là: “Khi sách họ ở trên giá sách và được độc giả đón nhận, không phải phủ bụi. Văn chương cần sự đón nhận, được đón nhận là văn chương đã thành công. Văn Chương mang lại cuộc sống, sự tự do tung tẩy. Các tác giả trẻ chưa chú ý việc giới thiệu sách, ra mắt sách, hoạt động còn lặng lẽ. Bùn luôn là bùn, bọt luôn là bọt. Họ nghĩ chính bạn thân họ như thế nào chứ không phải là những câu hỏi lớn văn chương cần phải như thế nào, xa hơn là tài sản văn chương”.

Nhà văn Tiểu Quyên, một cây viết trẻ đến từ Long An, hiện sống và làm việc tại Tp Hồ Chí Minh, ủy viên ban Văn trẻ Tp Hồ Chí Minh chia sẻ về công việc viết lách: “Tôi thích viết thân phận đồng bào ở Tây Nam Bộ, nơi ngồn ngộn chất liệu và cảm hứng. Văn học đồng bằng hãy xoáy vào thân phận con người. Tuy thế, không gian đô thị sau này lại chi phối đề tài, cách thể hiện.

Về sự chuyển dòng của văn trẻ, Tiểu Quyên cho hay: “Văn trẻ phụ thuộc vào thời đại. Dấn thân phải khác và viết khác để tạo dòng riêng. Các bạn trẻ chưa có độ lùi để chiêm nghiệm.Dù là một tác giả bestseller nhưng 10 năm sau không tồn tại ấy là sự thất bại. Văn học cần có chỗ đứng bền vững. Và sự nhận diện người viết qua phong cách ngôn ngữ. Đam mê, dũng cảm, chiều sâu, lý tưởng nghề nghiệp là những điều cần có của một tác giả trẻ.

Nhà văn Võ Diệu Thanh, một cây bút cứng cựa, sắc sảo của đồng bằng lại chia sẻ: “Hãy đi về vùng đất rất khác biệt của nhà văn, vùng đất sáng tạo. Mỗi người hãy viết về vùng đất mình thuộc. Việc tạo ra một vùng đất trong văn chương chính là điều cần làm nhất.

Đại diện cho thế hệ trước, nhà văn Ngô Khắc Tài có đôi lời nhận định về nghề viết và sáng tạo trẻ: “Không nên có sự so sánh văn già, văn trẻ. Các bạn hiền quá. Hiện nay chúng ta vẫn lầm lẫn văn trẻ và văn tuổi học trò. Văn chương mà nói, sóng sâu đè sóng trước và nước nào rồi cũng ra biển. Nghề viết văn trải qua nhiều thời kỳ. Có thời kỳ cái đầu viết, có thời kỳ con mắt viết”. Nhà văn nhấn mạnh đến hiệu quả của việc đọc sách nhiều, hướng ngoại nhiều để bồi bổ nội lực.

Đến từ Bạc Liêu, nhà thơ Phan Duy (hiện làm việc tại Cần Thơ) trình bày về sự dấn thân trong thơ: “Khai thác những gì xung quang mình để làm chất liệu. Sáng tạo chính là việc tiếp thu những chất liệu đó. Sáng tạo trẻ phải bộc lộ cá tính, phải có góc nhìn mới. Văn học cần đoạn đường dài để đánh giá một tác giả. Sáng tạo trẻ phải bền bỉ, gắn bó với đời sống, vùng đất”.


Toàn cảnh tọa đàm

Nhà văn Thu Trân quê Đồng Nai, hiện sống và làm việc tại Tp. Hồ Chí Minh, một cây bút thành công về truyện ngắn trên văn đàn cho rằng: “Tôi không phân biệt văn trẻ, văn già, chỉ phân biệt văn chín hay không chín. Ăn thua khả năng thẩm thấu, khả năng sáng tạo. Trong suy nghĩ của tôi không có văn trẻ mà là văn hay, sáng tạo, cống hiến”. Nhiều năm công tác trong Ban văn trẻ Tp. Hồ Chí Minh nên chị bày tỏ kinh nghiệm: “Thiếu một con đường để “xốc” dậy lực lượng văn mới. Hãy chăm sóc những nhà văn trẻ đối với hội đoàn, tạp chí. Ảnh hưởng của giải thưởng văn học cũng rất quan trọng trong sự cổ vũ, kích thích các tác giả trẻ.”. Nhà văn đánh giá cao việc tổ chức trại sáng tác văn học của Văn nghệ Quân đội như một đốm lửa nhen lên trong lòng các bạn văn trẻ.Nhà văn cũng kiến nghị nên có những cuộc thi, in sách để vun trồng, bồi đắp cho các tác giả trẻ.

Một tác giả trẻ An Giang, viết văn từ năm lớp 9, cây bút Lê Quang Trạng suy nghĩ về tính bản sắc trong nghề viết: “Mỗi tác giả trẻ cầm bút đều chịu áp lực hay ảnh hưởng từ tính vùng miền,không gian sáng tạo của khu vực sông nước. Chịu ảnh hưởng viết, đọc và phát huy cá tính riêng”. Anh không nghĩ số lượng sách hay giải thưởng mà là số lượng độc giả, chất lượng tác phẩm. Lê Quang Trạng còn cho biết thêm về văn học An Giang là sự trưởng thành của một nhà văn còn có sự tương tác, động lực giữa thế hệ đi trước,giải thưởng văn học. Về tương lai, tác giả trẻ này còn kiến nghị giải thưởng toàn quốc, giải thưởng khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ riêng cho văn học trẻ.

Đến từ Hà Nội, Tiến sĩ, nhà văn, dịch giả Thụy Anh nhận định: “Bản sắc vùng miền, bản sắc văn chương là hai vấn đề khác biệt. Bản sắc không còn là bản sắc dân tộc, vùng miền.Từ bản sắc văn hóa vùng miền ảnh hưởng đến bản sắc trong văn chương và từ đó lôi cuốn người đọc tìm hiểu bản sắc của người viết. Mỗi người viết phải tạo dựng được thế giới riêng cần làm giàu “bản sắc” của riêng mình.

Về mảng phê bình văn học, nhà nghiên cứu trẻ Trương Chí Hùng cho biết: “Văn học đồng bằng còn nhiều hạn chế. Người miền Tây có chất hào sảng, giang hồ, phóng khoáng. Tính cách đó ảnh hưởng với văn chương ở thơ truyện ngắn,tuy nhiên riêng mảng phê bình còn nhiều khoảng trống. Đội ngũ phê bình trẻ ở đồng bằng nói chung và cả An Giang vẫn còn rất khiêm tốn.

Tính bản sắc, vùng miền còn được Nhà văn Vũ Thu Phương (Tp. Hồ Chí Minh) bàn thêm: “Chất liệu của đồng bằng là vốn quý, là bản sắc, phải trân trọng. Không nến quá nhấn mạnh đến tính địa phương. Văn hóa vùng miền đã tạo nên bản sắc riêng trong ngòi bút. Tuy nhiên, việc chuyển dịch phương ngữ ra tiếng nước ngoài cũng là một vấn đề. Người viết trẻ khắp mọi miền đều quẫy đạp, gian khó như nhau. Ngoài nội lực tự thân cũng cần sự quan tâm”. Với vai trò đạo diễn, chị hứa hẹn những cánh cửa mở khác cho văn học trẻ đồng bằng như điện ảnh, sân khấu… để đến gần hơn với công chúng.

Buổi tọa đàm chú ý tới ý kiến của Tác giả trẻ Đỗ Quang Vinh(Tp. Hồ Chí Minh) lại mang đến buổi tọa đàm những ý kiến rất đặc biệt. Động lực viết của anh đến từ chính tự sự của bản thân, nói như anh là sự ích kỷ. Sự viết của anh không phụ thuộc ai cả, không vùng miền nào, không tổ chức nào.Anh nhấn mạnh: “Người viết phải chống lại những làn sóng xấu, sự khủng hoảng xã hội và sự tha hóa của chính mình. Cuộc sống vốn dĩ không vui, chỉ còn văn chương mới là nguồn vui sống.

Buổi tọa đàm còn lắng nghe ý kiến trao đổi của nhà văn Vũ Thanh Lịch về nguồn động lực, giao lưu khám phá và vươn lên; nhà thơ Nguyễn Hữu Trung đến từ Đồng Tháp chia sẻ về dự phóng của thơ trẻ; nhà văn Dương Đức bàn về chất hào sảng của con người miền Tây; tác giả trẻ Vĩnh Thông khai thác về chất liệu đồng bằng không chỉ là ruộng đồng sông nước mà còn là sự đô thị hóa và văn trẻ cần nhìn nhận mình ở đâu trong dòng chảy ấy; nhà văn Bảo Thương nhấn mạnh đến tính giá trị văn chương rằng văn chương đích thực là văn chương.

Kết thúc buổi tọa đàm, nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Trưởng ban Văn trẻ Hội Nhà văn Việt Nam đã ghi nhận các ý kiến đề xuất của các tác giả cũng như những phát biểu về nghề viết trong tọa đàm. Trao đổi về nghề, nhà văn cho rằng: “Mỗi người phải nghĩ đến con đường của mình. Văn học thật ra là cảm hứng, nhưng phải có tính khoa học để được đi xa. Một nhà văn xuất hiện đúng tư cách phải đi hết con đường của mình. Văn học đồng bằng có ưu điểm là sự trong sáng, hồn hậu, nhưng lại có yếu khuyết là tính tài tử. Văn chương cần có độ hiểm và tính kỹ thuật trong công việc viết. Người trẻ thường bị bão hòa trong quá trình viết. Nhà văn Nguyễn Bình Phương nhấn mạnh đến tính mục đích, tính chiến lược trong công việc viết lách để tạo nên một tác giả. Vùng miền sông nước chỉ là chất liệu, quan trọng phía saulà thông điệp gì cho đời sống, cho văn chương.

Buổi tọa đàm “Văn học trẻ Đồng bằng sông Cửu Long, bản sắc và sáng tạo” mở ra không gian mới trong sự trao đổi về nghề, sự gần gũi, tâm tư của các tác giả trẻ, hướng về hội nhập và sáng tạo, đã đọng lại trong dư âm của văn trẻ đồng bằng cũng như những người tham dự.

TRƯỜNG GIANG

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài