Các nhà văn tham dự Hội nghị viết văn trẻ, ngoài thành tích văn học, còn được quy ước là có tuổi đời không quá 35. Tuy nhiên, dường như giới hạn tuổi này đang bị “giãn”.

Nâng tuổi đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ

Định nghĩa “văn học trẻ” dường như đến nay vẫn chưa tìm được tiếng nói thống nhất. Nếu căn cứ vào giọng văn thì có trường hợp người còn trẻ tuổi nhưng giọng văn “cũ kỹ”, (khác và không giống kiểu trưởng thành, già dặn) chẳng khác mấy chục năm trước, người thì tuổi đã không còn được gọi là trẻ nhưng văn chương lại chịu khó tìm tòi, đổi mới mà nếu độc giả đọc tác phẩm không nhìn tên thì có lẽ không nghĩ đây là nhà văn “già”.


Một số gương mặt nhà văn trẻ chụp ảnh kỷ niệm (ảnh Fb)

Nếu căn cứ vào tuổi nghề thì có trường hợp người đã già nhưng mới cầm bút, trong khi có người tuổi còn trẻ nhưng đã có thâm niên cầm bút nhiều năm.

Thôi thì cứ thống nhất tên gọi “nhà văn trẻ” một cách “chung” nhất, là căn cứ vào “tuổi đời” như cách lựa chọn lâu nay của các Hội Nhà văn từ trung ương đến địa phương.

Theo đó, các nhà văn trẻ được lựa chọn trở thành đại biểu tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc, ngoài thành tích văn học, còn được quy ước là có tuổi đời không quá 35. Tuy nhiên, dường như giới hạn tuổi này đang bị “giãn” ra.

Trên FB “Ban Nhà văn Trẻ và những người Bạn” – FB của Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam có đưa ra tiêu chí để lựa chọn đại biểu chuẩn bị cho Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX là:  “Tác giả sinh từ năm 1980 trở lại đây, có thành tích văn học nổi bật, đại diện cho các vùng miền trong toàn quốc”.

Điều này có nghĩa là, thay vì độ tuổi “không quá 35 tuổi tính đến năm diễn ra Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc” thì các đại biểu đủ điều kiện tham dự Hội nghị Viết văn trẻ toàn quốc lần thứ IX là 36 tuổi – nhiều hơn 1 tuổi so với các kỳ Hội nghị Viết văn trẻ trước kia.

Trước đó, tại Hội nghị những người Viết văn trẻ Hà Nội năm 2015 cũng đưa ra tiêu chí “độ tuổi” không giống với Hội Nhà văn Việt Nam.

Tiêu chí “tuổi” dành cho các đại biểu viết văn trẻ của Hà Nội là có độ tuổi không quá 40. Đặt câu hỏi cho một thành viên của Ban nhà văn Trẻ Hà Nội để hỏi lý do thì thành viên này cho rằng nếu lấy tuổi không quá 35 như Hội Nhà văn Việt Nam thì ở Hà Nội vẫn có nhưng ít, và cũng ít có thành tựu nên Hội đã quyết định đưa ra tiêu chí không quá tuổi 40.

Văn trẻ “già hóa” nói lên điều gì

Định kỳ sau mỗi 5 năm Hội Nhà văn Việt Nam mới tổ chức một Hội nghị Viết văn trẻ. Còn Hội Nhà văn Hà Nội thì tận sau hơn 20 năm mới tổ chức được Hội nghị Viết văn trẻ thủ đô lần thứ 2. Vậy tại sao số đại biểu tham dự Hội nghị viết văn trẻ phải “nâng tuổi lên”. Xin tạm đưa ra một vài lý giải theo quan điểm cá nhân sau.

Để có “đội hình đẹp”. Bởi nếu áp dụng đúng độ tuổi như ở Hội nghị trước thì số lượng đại biểu đủ tiêu chuẩn để tham dự Hội nghị Viết văn trẻ kém hơn kỳ trước nên phải nâng tuổi, nới rộng tiêu chuẩn.

Thứ đến có thể là do các tác giả trẻ đã kém mặn mà viết văn. Văn học cũng cùng xu thế với môn Ngữ văn học trong trường phổ thông đang “giảm nhiệt”. Một phần nữa là sự định hướng của gia đình, nghề nghiệp với quan niệm khó xin việc ở các ngành xã hội, còn văn chương thì “rẻ như bèo”. Vì thế, nếu các cây bút trẻ có năng khiếu văn chương không hoặc chưa được phát hiện, bồi dưỡng, phát huy năng lực… thậm chí, những người có năng lực văn chương còn phải trải qua “thử thách”, trong đó có thử thách thời gian.

Thành tích văn học trẻ được ghi nhận đã thay đổi. Nếu như trước đây các tác giả chỉ cần có tác phẩm được đăng trên báo chí, tạo được sự chú ý là có thể được mời tham dự Hội nghị Viết văn trẻ, thì nay điều kiện này chưa thể đủ. Tác giả ngoài việc xuất hiện trên báo chí, tạo được dư luận còn phải in sách, có giải thưởng và được nhìn nhận có triển vọng để đi đường dài văn chương…

Xu thế “già hóa” theo Hội Nhà văn Việt Nam. Được biết, trong tổng số hội viên Hội nhà văn, số người ở độ tuổi từ 40 trở lên – tức là đã không còn tuổi để được coi là “nhà văn trẻ” chiếm khoảng hơn 90%. Nếu ở các dịp hội thảo, đại hội hay hội nghị của Hội Nhà văn Việt Nam thì chỉ cần bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra sự già hóa này. Và nằm trong xu thế “già hóa” này không loại trừ cả các nhà văn trẻ?

Hiền Nguyễn – Văn học quê nhà