Nguyễn Đình Minh Khuê

Năm mười sáu tuổi, Arthur Rimbaud – một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái tượng trưng – làm rúng động văn đàn Pháp bằng bài thơ Con tàu say mô tả hình ảnh một con tàu ngật ngưỡng trong giấc mộng tuổi trẻ, phóng khoáng và tự do lướt đi trên hải trình của những biểu tượng đẹp đến mê hồn.

Năm mười chín tuổi, vào một ngày hè ở Switzerland, Mary Shelley lần đầu tiên nảy ra ý tưởng về Frankenstein – thiên tiểu thuyết kể lại cuộc đời một nhà khoa học với nỗi khao khát sáng tạo một giống người khỏe mạnh hơn người thường, từ đó cảnh báo những hệ lụy khả dĩ của xã hội công nghiệp Anh đầu thế kỉ XIX.

Và cũng không cần phải nói ở đâu xa xôi, chính ngay ở đất nước của chúng ta đây, tám mươi năm trước, có một chàng thi sĩ tuổi mười bảy làm thơ như ôm ấp giấc mộng điêu tàn than khóc với vũ trụ trăng sao, rỏ máu viết lời ai điếu cho những thành quách, những gạch ngói Chiêm Thành đã vĩnh viễn suy vong và tuyệt diệt.

Những anh tài xuất thiếu niên như thế đã trở thành huyền thoại trong lịch sử văn học. Và tôi đoan chắc rằng, ngày hôm nay, những nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, những độc giả thâm niên và cả những bạn đọc trẻ vừa bén duyên văn chương – như bản thân tôi – đều đang cùng chờ mong được mục sở thị sự phát tiết của những anh hoa huyền thoại như thế.

Nhưng đó có lẽ không phải là chuyện dễ dàng gì.

Dạo qua một vòng nhà sách, ta dễ dàng bắt gặp những tựa đề hấp dẫn, những bìa sách đẹp mắt của các bạn văn trẻ trưng trổ sự phát triển vũ bão của công nghệ và truyền thông. Tuy nhiên, trong quan điểm của cá nhân tôi và của không ít người khác, hình như vẫn còn điều gì khuyết thiếu lắm trong những quyển sách ấy, những quyển sách của người trẻ, những quyển sách viết về người trẻ, viết cho và viết vì người trẻ.

Nhưng điều khuyết thiếu ấy là gì? Câu hỏi này hẳn có nhiều lời đáp. Và thật ra cũng có nhiều cách đáp. Có người bảo văn chương của các bạn trẻ 8x, 9x như Anh Khang, Nguyễn Ngọc Thạch, Hamlet Trương, Iris Cao, Gào, Phan Ý Yên, Nồng Nàn Phố,… – dòng văn học “đại chúng” như lâu nay người ta thường gọi – vẫn còn sa đà vào lối văn chương truyền thống, cũ, thiếu sáng tạo, cách tân, chưa chịu khó tìm tòi và áp dụng các thủ pháp hiện đại. Có người lại cho rằng, dòng văn chương ấy gần như thiếu hẳn đi những cảm xúc vui vẻ, rộn ràng và tin yêu của tuổi trẻ, nhưng lại thừa thãi những buồn chán, thất vọng và cô đơn. Hoặc cũng có những người lên án tính chất nổi loạn, bạo cuồng của dòng văn học này với việc đặt tiêu đề gây shock, tạo scandal hay vận dụng những chất liệu văn học bị cho là phản cảm. Có lẽ, trong một chừng mực nhất định, những lời lẽ ấy có phần đúng đắn riêng của nó.

Nhưng hãy thử nhìn hiện tượng văn học đặc biệt này từ một giác độ khác, vượt lên khỏi những kĩ thuật xơ cứng, những cái nhìn đạo đức cứng nhắc và những xúc cảm bề mặt, thoáng qua xem sao. Tôi cho rằng, vấn đề của văn học “đại chúng” nằm ở chỗ khác. Kĩ thuật viết có thể không cần phải chạy theo những xu hướng hot của thế giới. Nổi loạn là yếu tính bất biến của tuổi trẻ bất cứ thời đại nào. Còn nỗi buồn, nỗi cô đơn, nỗi chán chường, tuyệt vọng trong văn trẻ lại là một điều tất yếu. Thậm chí, những vết thương tâm hồn ấy rất cần phải có như một khuôn diện khác của cái đẹp, cái thiện, một hệ hình mĩ học đặc biệt trong văn học. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là, vết thương trong văn chương của những người trẻ và cách họ nói về những vết thương ấy, hiện nay, hình như rất có vấn đề.

Hãy thử điểm qua một số đầu sách của người trẻ Việt từng làm mưa làm gió trên văn đàn mấy năm gần đây. Xuất hiện năm 2014, Buồn làm sao buông của Anh Khang tính đến nay đã in được hơn 70.000 bản sách, là một tập tản văn rất hot trong giới trẻ, tập hợp những bài viết có câu từ, hình ảnh được gọt giũa tỉ mỉ, cầu kì, chia sẻ những nỗi buồn, những hoang mang trong tình yêu, từ đó khuyên nhủ các bạn trẻ: “Bởi buồn hay vui, buông hay giữ, đều do ở lòng mình”. Năm 2015, cặp tác giả Hamlet Trương và Iris Cao cho ra đời tập tản văn Ai rồi cũng khác cán mốc 20.000 cuốn trong lần đầu xuất bản, thu hút bạn đọc trẻ bởi những câu chuyện giản dị, đời thường về quy luật đổi thay của con người trong tình yêu, trong quan hệ với bạn bè, gia đình và nhiều tình cảm phức tạp khác của tuổi trẻ. Khiêm tốn hơn, Người lớn cô đơn của Phan Ý Yên (xuất hiện lần đầu vào năm 2013) không có được những con số xuất bản như trong mơ ấy, song vẫn tạo ra những hiệu ứng tích cực trong cộng đồng độc giả bởi những truyện ngắn đầy nữ tính kể về những mối tình đổ vỡ và những người trẻ loay hoay trong cô đơn. Và còn hàng chục đầu sách khác với tinh thần tương tự đã xuất hiện trong suốt những năm qua, từ Thương nhau để đó, Người yêu cũ có người yêu mới, Lưng chừng cô đơn cho đến Anh ngủ thêm đi anh, em phải dậy lấy chồng hay Cà phê với người lạ…

Có thể nói, một cái nhìn sơ lược như thế đủ cho ta thấy rằng, người trẻ Việt bây giờ, như lời tự sự của tác giả Anh Khang ở phần đầu tập Buồn làm sao buông, “dành khá nhiều nỗi buồn của những ngày còn trẻ cho duy nhất một điều – là Tình yêu”. Sinh ra, lớn lên và thụ hưởng một không gian sống đầy đủ, tiện nghi, thậm chí là thừa thãi vật chất, sự nâng niu, chăm bẵm từ phía gia đình và sự ưu tâm đặc biệt từ phía xã hội, dường như, một bộ phận người trẻ Việt ngày nay, mà đại diện là những người trẻ viết sách mà tôi vừa nhắc đến trong bài viết này, chỉ đang phải chịu đựng, mà đúng hơn là chỉ đang nuôi nấng một vết thương riêng, một nỗi đau riêng – vết thương tình cảm – như một cách cân bằng với lượng hạnh phúc có vẻ dư thừa. Đọc sách của những người trẻ Việt, ta dường như bị kéo vào trong một mớ bòng bong của những cảm xúc tuổi trẻ, từ “say nắng”, yêu thầm đến tuyệt vọng, thất tình, cô đơn rồi hoang mang tìm cách buông bỏ những hỗn độn trong tình cảm. Văn chương “đại chúng” Việt Nam đầu thế kỉ XXI, vì thế, gần như có thể được tóm gọn trong một mệnh đề: Xuýt xoa cho vết thương tình yêu và loay hoay tìm cách để chữa lành vết thương riêng tây ấy.

Hẳn nhiên, văn học luôn cần phải hướng đến những vết thương riêng, những nỗi đau riêng như thế, mà bằng chứng là, dòng văn học chuyên viết về đề tài tình yêu và vấn đề nỗi đau – hạnh phúc cá nhân luôn giữ một vị trí nhất định trong bức tranh văn chương toàn cảnh. Tuy nhiên, mọi thứ cần có liều lượng và những yêu cầu khe khắt của riêng nó. Trước hết, tôi cho rằng, nếu đã viết về tình yêu và những vết thương tình cảm, các cây bút trẻ hôm nay hãy đầu tư nhiều hơn vào việc xây dựng cốt truyện, tạo lập tính cách nhân vật, phải đọc nhiều hơn, đọc kim cổ đông tây để tránh sa vào lối văn uyển chuyển, mềm mại đầy nhạc tính mà đôi khi rỗng nghĩa, rỗng trải nghiệm, rỗng kiến thức.

Bên cạnh đó, điều quan trọng hơn, thậm chí là tối quan trọng mà tôi muốn nhắc đến ở đây là, không ai kì thị và cấm đoán những người viết trẻ thấu cảm và lên tiếng vì những vết thương của riêng mình và của những người cùng thế hệ. Nhưng thiết nghĩ, cuộc sống ngoài kia rộng lớn và phức tạp, vốn dĩ có hàng vạn nỗi đau khác, ngoài tình yêu, luôn cần những người viết trẻ chia sẻ và trình hiện trước độc giả. Chẳng hạn, nỗi khao khát chinh phục hiển hiện như một cuộc sang chấn, một vết thương lạ kì bên trong con tàu tuổi trẻ ngật ngưỡng của Rimbaud. Hay nỗi đau, nỗi âu lo cho tương lai nhân loại của Shelley có được từ sự thấu thị về những hệ lụy mà đời sống công nghiệp gây nên, vào hơn hai thế kỉ trước. Hay như nỗi đau của Chế Lan Viên trước sự suy vong của một dân tộc và định mệnh lưu đày căn tính trên chính vùng đất từng một thời soi bóng những tháp Chăm huyền bí…

Trong thời đại mà chúng ta đang sống hôm nay, số lượng những vết thương, những nỗi đau ấy càng tăng lên gấp bội. Nỗi đau căn tính, nỗi đau lưu vong, nỗi đau tuyệt diệt, nỗi đau văn hóa, nỗi đau đạo đức, nỗi đau khủng bố, nỗi đau tôn giáo, nỗi đau môi trường… Hằng ngày, con người đang đối mặt trước biết bao nỗi đau mà thiết tưởng, kinh hoàng và ám ảnh hơn nhiều so với nỗi đau tình yêu vốn dĩ là câu chuyện bình dị của thường ngày và muôn thuở.

Hẳn khi nghe những ý kiến này, sẽ có người phản biện, rằng đấy là vấn đề phát sinh từ tình thế của thời đại, rằng trong một xã hội tiêu thụ với nhịp sống gấp gáp và vội vã hiện nay, bạn đọc chỉ cần những tác phẩm nhẹ nhàng, tình cảm, và lối viết của văn học “đại chúng” hôm nay đơn giản là để phục vụ thị hiếu ấy. Vâng, điều đó là hữu lí, bởi ở bất kì một xứ sở nào, một đất nước nào cũng tồn tại một dòng văn học như thế, phục vụ một lớp bạn đọc như thế. Và nó cũng đơn thuần là một dòng trong hàng chục dòng văn học khác để phục vụ cho một trong rất nhiều thị hiếu khác nhau của công chúng văn học. Tuy vậy, ở ta, điều này lại không hoàn toàn là như thế. Mấy năm nay, người ta hớn hở vui mừng vì nhu cầu đọc của giới trẻ Việt đã tăng lên đáng kể. Nhưng số lượng liệu có phản ánh được chất lượng và thị hiếu bạn đọc, nhất là khi thị trường văn học hiện nay đang sôi động với những tác phẩm được viết ra trên tôn chỉ theo đuổi mối quan tâm, tìm kiếm sự đồng cảm từ phía bạn đọc đại trà? Thiết nghĩ, một nhà văn chân chính và bản lĩnh phải có khao khát làm một “kẻ mạnh” nâng người đọc trên đôi vai mình, hay nói cách khác, phải góp phần nâng tầm thị hiếu, sức vóc thẩm mĩ và nền tảng dân trí.

Tất nhiên, không nên vơ đũa cả nắm, cho văn học của những người trẻ hiện nay hoàn toàn chỉ chăm chăm nói về chuyện tình yêu và những đau đớn riêng tây. Văn học ngày nay có sự trình hiện của Du Nguyên, Kiều Maily, Nguyễn Thị Kim Hòa, Huỳnh Trọng Khang, Tru Sa, Đinh Phương, Minh Moon, Nhật Phi,… – những cái tên mà tôi cho rằng có thể khiến người ta yên tâm và chờ mong về một sự khởi sắc của văn chương trẻ Việt.

Trước khi kết thúc bài viết này, xin nói rõ rằng, thực ra, việc nhận định về một vấn đề văn học rất cần một độ lùi lịch sử nhất định, một khoảng thời gian đủ dài để gột sạch tương đối mọi thiên kiến, mọi cái nhìn chủ quan. Những ý kiến trên đây chỉ là quan điểm của riêng tôi, một người trẻ rất quan tâm đến dòng văn học trẻ, những cây bút trẻ, và quan trọng hơn là tương lai, số mệnh, đường đi của văn học nước nhà. Tôi tin rằng, những bạn văn trẻ của tôi không hề bàng quan trước thực trạng văn học, luôn cầu thị và học hỏi, để biết rõ rằng mình là ai, mình đang ở đâu, đang làm gì, nên làm gì và phải làm như thế nào, vì một nền văn học Việt Nam tử tế và có khả năng định vị trên bản đồ văn chương thế giới.

Tp. Hồ Chí Minh, tháng 6/2017
N.Đ.M.K

 

Văn nghệ Quân đội

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài