Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ giới hạn trong phạm vi những đóng góp của truyện ngắn thông qua “mảnh đất” báo chí tại TPHCM, đã đến với hàng triệu lượt người đọc mỗi tuần trong suốt 30 năm qua; và những nỗ lực của tiểu thuyết trong quá trình khám phá thế giới con người, cũng trong phạm vi tác phẩm của các tác giả sống và làm việc tại TPHCM.

1. Qua báo chí, truyện ngắn “tương tác” với đời sống

Sau tháng tư năm 1975, nhất là bước vào thập niên 1980, Sài Gòn – thành phố Hồ Chí Minh, một trong hai trung tâm thông tin truyền thông lớn nhất của Việt Nam, không chỉ 30 năm qua, mà Sài Gòn trước đây và TPHCM ngày nay báo chí luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống của cư dân. Thông tin thời sự, thời cuộc gắn chặt với đời sống xã hội, đặc biệt là những vấn đề dân trí, dân sinh luôn là đề tài thôi thúc người viết và đòi hỏi của người đọc. Báo chí được coi là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với người dân thành phố. Sức hút và lượng tiêu thụ báo chí rất lớn đã khiến các cơ quan thông tấn của cả nước đều có cơ quan đại diện tại TPHCM. Trong các tờ báo có tia – ra cao, có những báo, một thời gian khá dài cũng đã dành trang báo, dành chuyên mục đăng tải các sáng văn học. Tuy nhiên, chỉ có một số tờ vẫn bền bỉ duy trì được “mảnh đất” cho văn học. 30 năm qua, hàng ngàn truyện ngắn được chọn in trên báo Tuổi trẻ, báo Thanh Niên và và một số tờ báo khác. Trang văn học của tờ báo có sức kích thích to lớn đối với người sáng tác, khi bài thơ hay truyện ngắn được những bốn, năm trăm nghìn người đọc. Nhiều cây bút văn xuôi mà sự thành công nghề nghiệp hiện nay có phần khởi nguồn từ những truyện ngắn được in trên báo Văn nghệ TPHCM (giai đoạn từ năm 2000 trở về trước), báo Thanh Niên, Tuổi trẻ và một số tờ báo khác.

Truyện ngắn với số lượng và chất lượng khá đồ sộ đã phản ánh hiện thực ngổn ngang được, mất về con người và xã hội Việt Nam đang dò dẫm đổi mới với nhiều rạn nứt, nhiều góc khuất, nhiều số phận, từ chiến tranh sang hòa bình, từ dằn vặt riêng tư đến ưu tư nhân tình thế thái, từ khao khát của bản thân đến khát vọng của cộng đồng.

Từ việc khẳng định khả năng văn chương bằng thể loại truyện ngắn đăng trên các trang báo, nhiều tác giả đã bước những bước sang một chặng đường khó khăn hơn, là thử sức với tiểu thuyết, nhiều tác giả có đóng góp đáng kể.

2. Tiểu thuyết nỗ lực khám phá thế giới nội tâm

Cùng với báo chí, hoạt động xuất bản tại thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là xuất bản sách văn học, cũng là lĩnh vực tiên phong, đột phá, gây tiếng vang và đem lại những thành công đáng kể góp phần tích cực cho tiến trình đổi mới văn học Việt Nam. Trong ba nhà xuất bản của TPHCM thì NXB Văn nghệ TP.HCM (tiền thân là NXB Giải Phóng được thành lập vào tháng 6.1968 tại Hà Nội) với thời giám đốc Hà Mậu Nhai, đã có công đầu khi táo bạo làm “bà đỡ” cho nhiều tác phẩm văn học được coi là gai góc, dám mổ xẻ phanh phiu cái cơ chế kềm hãm sự phát triển, kềm hãm con người. Đó là những tác phẩm được viết với tâm thế sục sôi khát vọng đổi mới của bộ ba “Tam Tuấn” (3 nhà văn: Nhật Tuấn, Nguyễn Mạnh Tuấn, Trần Văn Tuấn), như: “Bận rộn”, “Tín hiệu con người”, “Đi về nơi hoang dã”… (Nhật Tuấn); “Những khoảnh khắc còn lại”, “Đứng trước biển”, “Cù lao Tràm”… (Nguyễn Mạnh Tuấn) và “Ngày thứ bảy u ám”, “Người đàn bà bị săn đuổi”… (Trần Văn Tuấn), rồi “Giấy Trắng” của Triệu Xuân… Các tác giả, bằng cách thể hiện khác nhau, mức độ tài năng khác nhau, giá trị của tác phẩm cùng tuổi thọ dài ngắn khác nhau nhưng cùng miêu tả cái thực trạng con người cố gắng tìm cách thoát ra khỏi cái xã hội bị kềm nén, bị xiết chặt bởi cơ chế kinh tế bao cấp, cơ chế quản lý lạc hậu và mong muốn góp phần xây dựng một xã hội mà con người thực sự là trọng tâm, thực sự quyết định số phận của chính mình. Những tác phẩm mang khát vọng đổi mới được người đọc cộng hưởng nhiệt liệt.

Trên đà đổi mới đó, sau những năm tám mươi tiếp đến những năm 90 của thế kỷ XX cho đến thập niên 20 của thế kỷ XXI này, TPHCM vẫn luôn đi đầu trong các hoạt động xuất bản. Địa bàn thành phố là nơi tiêu thụ hơn 70% lượng sách được xuất bản của cả nước, trong đó NXB Trẻ, NXB Văn nghệ TP.HCM, NXB Văn hóa Sài Gòn (từ năm 2010 đến nay, hai NXB này hợp nhất thành nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ TPHCM) đã góp phần lớn cho việc xuất bản sách văn học không chỉ của TPHCM mà còn của cả nước. Có những đầu sách văn học được xuất bản lên đến cả trăm ngàn bản, đứng đầu bảng là nhiều tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Các tập truyện ngắn, tản văn của Nguyễn Ngọc Tư cũng in hàng chục ngàn bản. Thông qua các NXB, tiểu thuyết của đội ngũ tác giả sống tại TPHCM, với nhiều thế hệ tiếp nối, khác nhau tuổi đời, tuổi nghề lẫn tài năng, lần lượt ra đời. Những nhà văn từng trực tiếp hoặc gián tiếp cầm súng trong cuộc chiến tranh ái quốc, có thể kể: Lê văn Thào với “Con đường xuyên rừng”, “Cơn giông”; Văn Lê với “Nếu anh còn được sống”, “Mùa hè buốt giá”; Trần Văn Tuấn với “Rừng thiêng nước trong”, “Thông tin đa chiều”; Lê Thành Chơn với “Canh năm”, Hoàng Đình Quang với “Cánh đồng lưu lạc”; Trần Luân Tín với “Được sống và kể lại”; Lam Giang với “Vùng Trắng”; An Bình Minh với “Dư chấn 3,5 độ richter”… Những nhà văn lớn lên ở đô thị miền Nam, cầm bút sau năm 1975, có thể kể: Nguyễn Đông Thức với “Ngọc trong đá”; Nguyễn Nhật Ánh với “Cho tôi xin một vé tuổi thơ”; Lý Lan với “Tiểu thuyết đàn bà”, Mạc Can với “Tấm dán phóng dao”; Lê Văn Nghĩa với “Mùa hè năm Petrus”, “Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy”… Những nhà văn từ mọi miền đất nước trở thành cư dân của thành phố, phần lớn cầm bút từ sau năm 1986, có thể kể: Trầm Hương với “Đêm Sài Gòn không ngủ”, “Trong cơn lốc xoáy”; Bích Ngân với “Thế giới xô lệch”: Nguyễn Ngọc Thuần với “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”, “Về cô gái này”; Nguyễn Danh Lam với “Giữa dòng chảy lạc”, “Cuộc đời ngoài cửa”; Trần Nhã Thụy với “Sự trở lại của vết xước”, “Hát”; Vũ Đình Giang với “Song song”; Phan Hồn Nhiên với “Ngựa thép”…

Cùng với truyện ngắn, truyện ký, ký sự nhân vật, tiểu thuyết ra đời vào thập niên cuối thế kỷ XX cho tới hôm nay với một tâm thế khác trước. Người viết ý thức rõ hơn là phải xây dựng một thế giới khác hơn thế giới mà mình nhìn thấy mỗi ngày, đồng thời phải giữ được các bậc thang giá trị truyền thông, kế thừa giá trị tiến bộ, nhân văn.

Sự quyết liệt bứt phá trong hành trình khám phá thế giới nội tâm không chỉ ở tác giả lứa tuổi 7X, 6X mà còn ở cả những tác giả 5X, 4X ít nhiều đã thành danh. Tiểu thuyết đã không còn hăm hở mở ra chiều rộng mà trầm tĩnh đi vào chiều sâu. Và bằng cách này, nhiều tiểu thuyết thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và tiểu thuyết Việt Nam nói chung đã là những con kênh con suối đang hòa vào dòng chảy của văn học thế giới.

(Trích tham luận tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ IV “Văn học – 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển” do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại thị trấn Tam Đảo từ ngày 24 – 27.6.2016).

Bích Ngân – Nguồn: Lao động cuối tuần

Exit mobile version