Ở Thừa Thiên Huế, công cuộc đổi mới diễn ra gần trùng với thời điểm chia tách tỉnh.

Kinh thành Huế (ảnh:nguồn Internet)

Nghị quyết đại hội lần thứ VI (tháng 12.1986), Đảng đề ra công cuộc đổi mới: “Đối với nước ta đổi mới đang là nhu cầu bức thiết của sự nghiệp cách mạng, là vấn đề có ý nghĩa sống còn”[1], rồi liên tục các chỉ thị, nghị quyết của Ban Bí thư và Bộ Chính trị về công tác lãnh đạo văn hóa văn nghệ như Chỉ thị 82-CT/TW của Ban Bí thư về công tác tư tưởng (5.4.1986), Nghị quyết 05-NQ/TW của Bộ Chính trị về Đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa, phát huy khả năng sáng tạo, đưa văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới (28.11.1987), Chỉ thị 52-CT/TW của Ban Bí thư về Đổi mới và nâng cao chất lượng phê bình văn học, nghệ thuật (8.6.1989)… Cùng thời điểm này, ngày 15.7.1989, tỉnh Thừa Thiên Huế được tái lập, trên cơ sở tách ra từ tỉnh Bình Trị Thiên, sau mười ba năm sát nhập.

Đối với đời sống văn học, biến động này gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự xáo trộn đội ngũ sáng tác. Phần lớn những người quê ở Quảng Bình, Quảng Trị trở về xây dựng nền văn nghệ quê hương. Một số người tự nguyện ở lại gắn bó với đời sống văn chương xứ Huế. Lực lượng viết thời kỳ đổi mới ở đây có thể chia thành ba nhóm như sau: những người người trưởng thành trong chiến tranh và trong thời kỳ sát nhập tỉnh nay tiếp tục sáng tác theo tinh thần đổi mới như Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khoa Điềm, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân, Nguyễn Khắc Phê, Bửu Ý, Nguyễn Quang Hà, Hồng Nhu, Trần Vàng Sao, Võ Quê, Lâm Thị Mỹ Dạ, Hà Khánh Linh, Thái Ngọc San, Ngô Minh, Lê Xuân Việt, Trần Thùy Mai,…. nhóm thứ hai là những người có viết ít nhiều trước và sau năm 1975, nhưng đến sau thời kỳ đổi mới mới công bố tác phẩm như Vĩnh Nguyên, Nguyễn Khắc Thạch, Mai Văn Hoan, Nhất Lâm, Ngàn Thương, Phạm Tấn Hầu, Triều Nguyên, Trần Đại Vinh, Nguyễn Xuân Hoa, Phan Thuận An, Nhất Lâm, Lê Gia Ninh, Lê Ngã Lễ, Nguyễn Thiền Nghi, Dương Thành Vũ, Nguyễn Văn Phương, Phạm Xuân Phụng, Bửu Nam, Phạm Phú Phong, Hồ Thế Hà, Dương Phước Thu, Việt Hùng…và nhóm trẻ hơn, hoàn toàn là sản phẩm của thời kỳ đổi mới như Lê Viết Tường, Nguyễn Xuân Hoàng, Phạm Nguyên Tường, Trần Huyền Sâm, Lưu Ly, Hải Trung, Đông Hà, Châu Thu Hà, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lê Tấn Quỳnh, Lê Vĩnh Thái, Nhụy Nguyên, Phan Tuấn Anh, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Meggie Phạm… Có đến hàng trăm tác giả, mỗi tác giả có ít nhất hai tập sách, người nhiều nhất như Hà Khánh Linh, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Quang Hà… có đến hàng chục tập sách ra đời trong thời kỳ đổi mới. Thật khó mà quan sát và thống kê một cách đầy đủ số lượng các tác giả và tác phẩm, góp phần làm nên diện mạo nền văn học xứ Huế trong khí quyển của công cuộc đổi mới.

Ở một góc nhìn lướt qua, có thể nhận ra thành tựu của văn học ở mảnh đất giàu truyền thống này khá đồng bộ ở cả ba lĩnh vực: văn xuôi, thơ và lý luận phê bình.

1. Thể văn xung kích, dài hơi, tốn nhiều giấy mực, thậm chí số lượng các đầu sách được in ra nhiều nhất là văn xuôi. Sau bước chững lại trước thềm đổi mới, đầu những năm chín mươi là thời kỳ bùng nổ của các thể ký, truyện ngắn, tiểu thuyết. Các nhà văn đã vượt qua những rào cản về tư tưởng, bắt đầu đổi mới về nội dung, đề cập đến những vấn đề mà quán tính văn chương từ thời chiến tranh cho đến những năm tháng hòa bình không dám đụng đến, cùng với / sau đó là đổi mới về hình thức / phương thức biểu hiện. Những nhà văn trung thành với lối viết truyền thống, nhưng đã có một cái nhìn mới về hiện thực đời sống với một cảm quan nghệ thuật tinh tế, khi ngọn gió đổi mới thổi tới, tâm hồn họ như “những cánh cửa đã mở” (tên một tiểu thuyết của Nguyễn Khắc Phê), mỗi người chiếm lĩnh trái tim người đọc bằng hàng chục tập sách trong thời kỳ đổi mới như Hà Khánh Linh trong ba mươi năm đổi mới có đến 20 đầu sách được in, trong đó có 10 tiểu thuyết, 7 tập truyện và tự truyện, 2 tập thơ và 1 tập hồi ký; Hoàng Phủ Ngọc Tường có 17 đầu sách, trong đó có 15 tập bút ký, 1 tập thơ, 1 tập phê bình văn học; Nguyễn Quang Hà có 17 đầu sách, trong đó có 10 tiểu thuyết, 7 tập ký; Hồng Nhu có 13 đầu sách, trong đó có 7 tập truyện ngắn, 1 truyện dài và 5 tập thơ; Nguyễn Khắc Phê có 11 đầu sách, trong đó có 5 tiểu thuyết, 2 tập ký sự, 4 tập tiểu luận, Trần Thùy Mai có 10 đầu sách, trong đó có 9 tập truyện ngắn và 1 truyện dài… Điều đáng ghi nhận là, không tính các giải ở địa phương và chuyên ngành, những người đạt giải cao ở trung ương cũng là những người thuộc thế hệ này: Hoàng Phủ Ngọc Tường, giải A của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập Hoa trái quanh tôi (1995) và Giải thưởng Nhà nước 2007, Nguyễn Khắc Phê giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyếtBiết đâu địa ngục thiên đường (2010) và Giải thưởng Nhà nước 2012, Tô Nhuận Vỹ giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Vùng sâu (2015) và Giải thưởng Nhà nước 2012, Nguyễn Quang Hà giải B cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam cho tiểu thuyết Vùng lõm (2010), Trần Thùy Mai giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập Quỷ trong trăng (2002), Hà Khánh Linh giải thưởng quốc tế Văn học sông Mê-Kông cho tập Nụ cười Ap-sa-ra (2014)…

Dường như có sự hẫng hụt trong việc chuyển giao thế hệ những người viết văn xuôi, tuy ở gạch nối chuyển tiếp cũng có các cây bút sung sức như Nhất Lâm, Nguyễn Việt, Nguyễn Văn Vinh, Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Xuân Hoàng, Việt Hùng, nhưng ghi được dấu rõ nét lại là thế hệ 8x, 9x, những người sinh ra và trưởng thành trong làn gió đổi mới, lập ngôn theo tâm thế của cái mới và họ thật sự đã bước qua khỏi lối viết truyền thống có tính chất tiền hiện đại, còn chút rơi rớt của lối viết hiện đại, thậm chí có người hoàn toàn vẫy vùng trong sinh quyển hậu hiện đại: Ngụy Nguyên (sinh 1980), Lê Minh Phong (1985), Lê Vũ Trường Giang (1988), Meggie Phạm (1991). Với lối viết truyền thống, nhưng cảm quan hiện thực và tâm thức hiện đại, Meggie Phạm có 5 tập truyện dài liên hoàn do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành, được tái bản nhiều lần: Hoàng tử và em (2010), Giám đốc và em (2011), Chàng và em (2012),Người xa lạ và em (2012), Tôi và em (2013). Người bước ngang từ hiện đại trong bút ký và thơ, sang hậu hiện đại trong truyện ngắn là Nhụy Nguyên, tác giả của những tập thơ như Lập thiền (2008), Khi người ta trẻ (2010), nhưng tạo được ấn tượng mạnh mẽ là ở văn xuôi, với tập bút ký Về những đỉnh tuyệt mù (2011) và nhiều truyện ngắn in trên các báo gần đây. Lê Minh Phong có viết lý luận phê bình, nhưng tạo nên ấn tượng và ánh sáng phía tương lai với nhiều kỳ vọng là ở truyện ngắn viết theo trào lưu hậu hiện đại, bước đầu biểu hiện ở hai tập Chưa đủ để gọi là khoảnh khắc (2011), Trong tiếng reo của lửa (2014). Cùng dòng với tâm thức và lối viết hậu hiện đại còn có Lê Vũ Trường Giang, với tập truyện ngắn đầu tay Ngủ giữa trùng sơn (2013) đã đạt giải B, Giải thưởng văn học nghệ thuật Cố đô lần thứ V (2008-2013).

Đổi mới văn chương trước hết là đổi mới cách nhìn, sự phản ánh / biểu hiện hiện thực, khám phá những nội dung mỹ cảm mới, sau đó là những tìm tòi mới về thi pháp nghệ thuật. Nhìn một cách khái quát, văn xuôi lớp trẻ có sự đổi mới toàn diện hơn, từ cảm quan hiện thực đến thi pháp biểu hiện. Người viết không nhằm mục tiêu trần thuật sự kiện, khắc họa chân dung những con người có thực trong đời sống, có cả những thủ pháp huyền thoại hóa, để người đọc cùng suy luận, noi theo, mà người viết bây giờ thực sự là người sáng tạo, họ trình bày / thể hiện một thế giới mà chính nó sẽ phải diễn ra như thế, những nỗi ám ảnh con người trước thực tại với nhiều đổ vỡ, đứt gãy, gian truân.

2. Thơ Huế thời đổi mới đã mở rộng diện phản ánh / biểu hiện về cuộc sống và con người ở phía đa chiều, nhiều tầng, nhiều lớp: quá khứ và hiện tại, dân tộc và cá nhân, niềm vui và nỗi buồn, cái chung và niềm riêng… trên cái nhìn cởi mở, nhân văn và có ngọn nguồn từ chiều sâu triết lý, thể hiện bình diện thẩm mỹ của tư tưởng rộng thênh thang của thời kỳ đổi mới. Người làm thơ bao giờ cũng nhạy cảm hơn trước những cảm quan về hiện thực, luôn so đo, ướm thử những cảm xúc của mình trước sự vận đông không ngừng của đời sống. Ở thế hệ những nhà thơ đã thành danh trong chiến tranh và mười mấy năm sau ngày hòa bình, tuy vẫn có sự liền mạch cảm xúc trữ tình sử thi – dân tộc, nhưng trước sự tác động của đời sống đang vận động trong vòng sinh quyển của công cuộc đổi mới, như một thứ men rượu ủ mầm cho cảm xúc, làm chất xúc tác cho việc mở rộng nội dung mỹ cảm, nhiều người đã chuyển sang mạch trữ tình đời tư – thế sự và đã có nhiều thành công đáng ghi nhận: Hải Bằng sau những năm tháng dài lận đận, chỉ trong vòng chưa đầy mười năm (1988-1996), đã cho ra mắt độc giả 8 tập thơ, trong đó có tậpSóng đôi bờ (1994) đạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật và 3 tập đạt 3 giải thưởng Cố đô (Thơ tình Hải Bằng, Mưa Huế, Thơ lục bát); Nguyễn Khoa Điềm có 4 tập thơ, trong đó có tập Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (1986) đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, tập Cõi lặng (2007) đạt giải thưởng Cố đô và đã đạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật (2001); Ngô Minh có 12 tập thơ, trong đó 2 tập đạt giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật là Chân sóng (1996), Huyền thoại Cửa Tùng (2004); Lê Ngã Lễ có 10 tập, Mai Văn Hoan 9 tập, Lê Viết Xuân có 8 tập, Vĩnh Nguyên 7 tập, Nguyễn Thiền Nghi 7 tập, Lâm Thị Mỹ Dạ 6 tập, Nguyễn Loan 5 tập,… Không thể thống kê một cách đầy đủ các tác giả, tác phẩm. Huế là nơi có truyền thống về thơ, nên đội ngũ những người làm thơ ở vào bất kỳ thời kỳ nào cũng cũng đông hơn những người viết văn xuôi và lý luận phê bình. Thậm chí, nhiều người thành danh bởi các lĩnh vực khác, nhưng vẫn làm thơ và thơ hay như Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hồng Nhu, Hà Khánh Linh, Nguyễn Quang Hà, Bửu Nam (Trần Hoàng Phố), Hồ Thế Hà, Phan Tuấn Anh…

Bức tranh sinh động về thơ ca của xứ Huế thời đổi mới với sự tham gia của nhiều người, thuộc nhiều nguồn khác nhau như vậy, tất nhiên, cũng sẽ có nhiều giọng điệu khác nhau. Ở thế hệ những người thành danh từ trong chiến tranh và sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, đến sau đổi mới vẫn còn viết đươc, và quan trọng hơn, vẫn còn có người đọc là điều đáng ghi nhận. Muốn vậy, thi nhân không chỉ đổi mới về cảm xúc mà quan trọng hơn là đổi mới giọng điệu tâm hồn, phải có một cuộc “cách mạng” tâm hồn “để anh đủ sức đập vụn mình ra mà ghép lại / nung chảy mình ra mà tìm lõi / xé toang mình ra mà kết cấu” (Hội họa lập thể – Nguyễn Lương Ngọc). Cùng với những đổi mới về đề tài, cảm hứng, các nhà thơ Huế đương đại luôn nỗ lực thể nghiệm, tìm tòi hình thức thơ mới. Tự do hóa hình thức câu thơ là xu hướng đã xuất hiện từ giai đoạn trước (Ngô Kha, Trần Vàng Sao, Lê Văn Ngăn…), đến giai này nó được đẩy mạnh và trở thành một đặc điểm chủ đạo. Tự do hóa được thể hiện trên nhiều bình diện và cấp độ khác nhau: thể thơ, kết cấu, câu thơ, dòng thơ đến ngôn ngữ giọng điệu và cả cách trình bày văn bản. Chính điều này giúp các nhà thơ tạo tâm thế thênh thang trong quá trình sáng tạo, giải phóng cho ý tưởng cảm xúc khỏi những khuôn mẫu loại thể đã định sẵn. Những người đã từng thành danh với sự cách tân câu chữ, vần nhịp, nhất là ở lối thơ không vần như Trần Vàng Sao, nay tiếp tục có thêm Gọi tìm xác đồng đội (2012), Lê Văn Ngăn có thêm Viết dưới bóng quê nhà (2008), Thơ Lê Văn Ngăn (2015), nay không khó để nhận ra có thêm những bài thơ không vần, thơ gần với văn xuôi với cách viết không phân dòng, hoặc ngắt dòng một cách tự do trong thơ Nguyễn Khắc Thạch, Hồ Thế Hà, nhất là ở các nhà thơ trẻ như Phạm Nguyên Tường, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Phan Tuấn Anh… Con người, nhất là đối với người nghệ sĩ, không ai có thể chối từ được quá khứ, lại là quá khứ của thương đau. Người thơ không còn là “con chim đến từ núi lạ / ngứa cổ hót chơi” (Xuân Diệu), mà là nạn nhân của thời hậu chiến còn di chứng, ám ảnh mãi không nguôi:

tôi là một thằng câm mất trí

lang thang đầu đường xó chợ

với viên đạn còn ở trong đầu

tôi nhảy múa hát ca làm trò

cho mọi người coi chơi

theo sau tôi là đám trẻ con rách rưới

vỗ tay hoan hô tôi muôn năm

(Gọi tìm xác đồng đội – Trần Vàng Sao)

Văn học đổi mới thật sự có được, thể hiện rõ nhất thông qua đội ngũ những con người mới, sản phẩm của thời kỳ đổi mới, chủ yếu trưởng thành từ các câu lạc bộ sáng tác văn học trẻ: Lê Viết Tường, Phạm Nguyên Tường, Hải Trung, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Lưu Ly, Lê Tấn Quỳnh, Lê Vĩnh Thái, Đông Hà, Châu Thu Hà, Phan Tuấn Anh… Những bài thơ như Khúc hát đường chân trời, Đưa em về nhận mặt quê hương, Trong vườn của nhà thơ trẻ đoản mệnh Lê Viết Tường có thể là bước chuyển mình ban đầu cho hình hài thơ trẻ xứ Huế, để sau này có thêm Hoa cúc mùa thu(1994), Lá tháng Chạp (1998), Quang gánh và những bài thơ khác (2006) của Phạm Nguyên Tường; Cho từng ánh lửa (1999), Vị mặn hồi sinh (2009) của Hải Trung; Đi qua cánh rừng (2009), Chiếc ô đi lẻ (2013), Hoa đăng (2014) của Hồ Đăng Thanh Ngọc hoặc Người ngủ muộn (2008), Đoản khúc (2013) của Phan Tuấn Anh.

Trên thảm cỏ xanh của tinh thần đổi mới, dân chủ, nhiều xu hướng tìm tòi dược kích thích nảy nở, nhiều thể nghiệm mạnh bạo được ra mắt công chúng. Quan niệm nghệ thuật thay đổi luôn đi kèm với ý thức cách tân về hình thức nghệ thuật. Những thể nghiệm về cách tân văn bản, coi thơ như là dục tính đang hành động, là trò chơi của ngôn từ, thơ mini, mỗi bài chỉ 2,3 dòng (Tơ sương của Hồ Thế Hà), thơ như thoáng chốc bất chợt, xuống dòng, ngắt nhịp không theo qui luật ngữ pháp truyền thống mà chỉ tuân thủ qui luật nội tâm của nguồn nhiệt hứng (thơ tân hình thức của Hồ Đăng Thanh Ngọc), thơ như là phương tiện để kiến tạo thế giới tưởng tượng, kiến tạo nỗi buồn mang vẻ đẹp của tư duy triết học (Đoản khúc của Phan Tuấn Anh). Đó không chỉ là sự thay đổi về hệ hình tư duy mà còn dẫn đến sự thay đổi hệ hình thi pháp, nhằm khai phóng tín hiệu thẩm mỹ đa dạng, đa chiều và nhiều tầng lớp trong cảm quan hiện thực, tạo nên sự quẫy đạp, va đập và dềnh lên từng lớp sóng ngôn từ, có thể lay động thế giới tâm hồn đang nóng lên, vội vã, gấp gáp của con người hiện đại.

Từ sự thay đổi hệ hình tư duy, dẫn đến nhu cầu biểu đạt mới về con người và thế giới, thơ ở vùng đất vốn có truyền thống này đã đổi mới một cách mạnh mẽ cả về nội dung mỹ cảm lẫn hình thức nghệ thuật. Điều đó, trước hết thể hiện khát vọng của người nghệ sĩ trong hành trình hiện đại hóa thơ Việt, trong xu thế phát triển của các trào lưu hiện đại / hậu hiện đại của thế giới. Nhìn chung, với những sinh thể nghệ thuật giàu sức sống của nhiều nhà thơ tài năng của xứ Huế, mà trong đó phía tương lai thuộc về lớp trẻ, thơ vùng đất này đã có nhiều đóng góp trong tiến trình vận động, đổi mới của thơ Việt đương đại, với nhiều kỳ vọng ở tương lai.

3. Huế là vùng đất học thuật, là một trong ba trung tâm học vấn, báo chí, sinh hoạt học thuật có truyền thống của cả nước. Đội ngũ những người làm công tác lý luận phê bình văn học tập trung ở đây càng đông đảo hơn, nhờ có các trường đại học và có nơi đăng tải tác phẩm là tạp chí Sông Hương – một tờ báo không chỉ giữ được đều số mà còn có uy tín trong và ngoài nước. Chưa kể đến đội ngũ những nhà nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, hầu như những người viết lý luận phê bình văn học đều khẳng định và thành danh trên các diễn đàn, trong đó có tạp chí Sông Hương.

Ba mươi năm đổi mới, lý luận phê bình văn học ở Huế có sự tiếp tục khẳng định nghệ danh của các tác giả như Bửu Ý, Nguyễn Đắc Xuân, Lê Xuân Việt, và một đội ngũ đông đảo những nhà giáo đang đứng trên bục giảng các trường đại học, lại là lực lượng nòng cốt trong hoạt động lý luận phê bình như Bửu Nam, Trần Thái Học, Phạm Phú Phong, Hồ Thế Hà, Hà Văn Lưỡng, Nguyễn Thành, Hoàng Thu Thủy, Lê Thị Hường, Trần Huyền Sâm, Hoàng Thị Huế, Nguyễn Thị Tịnh Thy, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Văn Thuấn, Thái Phan Vàng Anh, Nguyễn Văn Hùng, Phan Trọng Hoàng Linh, Nguyễn Thanh Tâm, Nguyễn Thị Kim Ngân… Bên cạnh đó, còn phải kể thêm những người sáng tác, có tham gia công tác phê bình văn học được dư luận quan tâm như Nguyễn Khắc Phê, Mai Văn Hoan, Ngô Minh, Nguyễn Khắc Thạch, Lê Huỳnh Lâm, Lê Minh Phong… Nguyễn Đắc Xuân cho rằng: “Nhà văn phải là nhà văn hóa dân tộc, đấu tranh cho dân tộc bằng ngòi bút của mình, nên bên cạnh những sáng tác còn có những công trình về văn hóa. Trong sáng tác quan tâm đến văn hóa và nghiên cứu văn hóa lịch sử không tách rời văn học”[2]. Vì vậy, xin kể thêm đây những nhà nghiên cứu thời kỳ này có góp phần định hình hệ hình tư tưởng trong hệ thống lý luận đổi mới như Nguyễn Hữu Châu Phan, Hồ Tấn Phan, Trần Đại Vinh, Phan Thuận An, Nguyễn Xuân Hoa, Triều Nguyên, Trần Hoàng, Phan Đăng, Nguyễn Thị Bích Hải, Dương Phước Thu…

Những tác giả có nhiều đóng góp tiêu biểu như Bửu Ý, bên cạnh các công trình đồ sộ như Trịnh Công Sơn, một nhạc sĩ thiên tài (2003), Tác giả thế kỷ XX (2006), Ngày tháng thênh thang (2011), Nước chảy qua cầu (2011), Tâm tình với Trịnh Công Sơn (2011), ông còn là dịch giả của hàng loạt tác phẩm như Nhật ký Anne Frank, Đứa con đi hoang trở về (André Gide), Vỡ mộng (André Gide), Dostoievski (André Gide), Bọn làm bạc giả (André Gide), Chúa tể đầm lầy (Michel Tournier), Con lừa và tôi (Juan Ramón Jiménez), Thư gửi con tin (Antoine de Saint-Exupéry), với điều tâm niệm rằng: “Tôi là người luôn ưu tư về vấn đề văn hóa trong nghĩa cao và đẹp nhất. Tôi luôn nghĩ làm sao để nước mình có một nền văn học có văn hóa cao và xã hội luôn có những con người luôn biết quý trọng văn hóa. Mà muốn làm được như vậy thì ngay hình thức của những tác phẩm mình chuyển ngữ, những điều mình viết ra trước hết phải có sự săn sóc về chữ nghĩa sao cho đẹp. Thêm nữa đừng chủ quan vì người đọc rất tinh tường, nếu mình không cẩn trọng, chữ mình không đẹp thì người ta sẽ coi nhẹ, không thèm đọc mình nữa”[3]. Vì vậy, với tư cách là nhịp cầu văn hóa Pháp – Việt, ông đã được trao huân chương Cành cọ Hàn lâm của Bộ trưởng Bộ Giáo dục quốc dân Cộng hòa Pháp trao tặng 2015[4] (4, tr.230). Các tác giả như Phạm Phú Phong, tính từ công trình đầu tayVề một vùng văn học (in chung, 1983) đến nay đã có trên 30 công trình in chung và in riêng (trong đó có công trình trọng điểm Tự điển văn học, 2004); Hồ Thế Hà cũng hơn 30 công trình cả in chung và in riêng, trong đó Thế giới nghệ thuật thơ Chế Lan Viên được đánh giá cao, được mời sang Pháp báo cáo ở trường Đại học Paris VII; Trần Huyền Sâm với công trình Những vấn đề lý luận văn học phương Tây – Tự sự học kinh điển và dịch thuật công trình của Tz.Todorov Văn chương lâm nguy được dư luận đánh giá cao, bên cạnh những công trình dịch thuật của Nguyễn Thị Bích Hải, Trần Trung Hỷ v.v…

Không chỉ đông đảo về đội ngũ, phong phú về công trình và đem lại nhiều thành tựu đáng ghi nhận, mà trong các công trình lý luận phê bình, các tác giả đã tiếp nhận và vận dụng các lý thuyết mới trên thế giới vào làm phương pháp nghiên cứu, không chỉ dừng lại ở các phương pháp hiện đại (lấy văn bản làm đối tượng), mà còn tiếp cận các phương pháp hậu hiện đại (lấy người đọc làm đối tượng). Đó là hệ thống lý thuyết về ký hiệu học, thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, phê bình mới, văn học so sánh, tiếp nhận văn học, giải cấu trúc, văn hóa sinh thái học, liên văn bản, thông diễn học… Chính vì vậy, đem lại nhiều thành tựu mới và tiệm cận, thậm chí hội nhập được với đời sống văn học cả nước và thế giới. Mỗi người đã định hướng theo những mũi nhọn có tính đặc thù theo sở trường sở đoản riêng, định hình theo thành tựu, qui tụ các thế hệ khác nhau. Phạm Phú Phong đi theo hướng thi pháp học, đặc trưng và tiến trình phát triển văn học; Hồ Thế Hà theo hướng phân tâm học, hiện tượng luận, triết học hiện sinh; Trần Huyền Sâm theo hướng tự sự học và nữ quyền luận[5]; Nguyễn Văn Thuấn theo hướng liên văn bản…

Những thành tựu có được chỉ mới là bước đầu. Với lý luận phê bình đòi hỏi phải có kiến thức chuyên môn học thuật. Sở học thì mênh mông. Hạn chế dễ nhận ra là tuy đội ngũ đông nhưng thiếu những chuyên gia đầu ngành, những nhà nghiên cứu có thể tập hợp dẫn đầu, hầu hết đều làm nghề tay trái thiếu tính chuyên nghiệp, còn tản mạn mang tính cục bộ, thiếu tính hệ thống, không có đầu tư, nên chất lượng công trình còn thấp, chưa có tiếng vang trong đời sống tinh thần và đáp ứng được những đòi hỏi của thời kỳ đổi mới ở một vùng đất vốn có bề dày về văn hóa nghệ thuật.

Ở một góc nhìn thẳng trên cả ba lĩnh vực, không phải chỉ ở lý luận phê bình mới có sự hạn chế, mà cả văn xuôi và thơ cũng đòi hỏi phải có sự nỗ lực vận động nội tại bên trong của từng thể loại, xuất phát từ chủ thể sáng tạo. Tất nhiên, khác với các hình thái ý thức xã hội khác, sự thay đổi của văn học khó khăn hơn nhiều bởi trước tiên nó phụ thuộc vào mỗi có tính sáng tạo. Những nếp nghĩ, nếp cảm, quan niệm triết học, thói quen, bản tính phong cách của mỗi người không dễ gì thay đổi ngay được. Nên có người nhanh, người chậm, người thay đổi nhiều, người thay đổi ít, thậm chí có người kiên trì cố thủ, cứ lần theo con đường cũ, cũng là lẽ đương nhiên.

Có điều cần làm rõ, những phát minh, những phương pháp / trường phái ra đời trên thế giới là thành tựu của nhân loại. Mỗi hệ thống quan niệm đều có ưu và nhược / khả thủ và bất cập. Việc tiếp nhận, nghiền ngẫm biến từ “vật tự nó thành vật cho ta” (I.Kant) là việc chọn lựa của mỗi người, làm sao cho việc “tái cấu trúc” ấy phù hợp với cái tạngriêng của mỗi người, hòa thấm vào bản thể tâm hồn mỗi người, tạo nên sức thăng hoa cho sự sáng tạo. Do vậy, chưa hẳn viết theo tư duy hậu hiện đại đã là hay, là tốt. Bao nhiêu tác phẩm viết theo tư duy truyền thống vẫn giành được trái tim người đọc như các tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ (Vĩnh Quyền) hoặc Biết đâu địa ngục thiên đường (Nguyễn Khắc Phê) chẳng hạn. Trong khi đó, nếu đọc từng truyện trên báo còn khả dĩ, nhưng khi dồn thành tập Trong tiếng reo của lửa (Lê Minh Phong) thì khó mà đọc hết một lúc. Ưu điểm dễ thấy của tâm thức và lối viết hậu hiện đại là bắt người đọc phải luôn động não, không phù hợp với những cái đầu lười suy nghĩ và sự giải trí, thư giản nhẹ nhàng.

Cuộc sống bao giờ cũng chín người mười ý. Văn chương không phải là thứ cày đẽo ngoài đường hay giữa chợ, người viết trước hết hãy chọn điều mình tâm đắc và cần lưu ý lời khuyên của Herbert B. Swope: “Tôi không thể cho bạn công thức của thành công, nhưng có thể đưa bạn công thức của thất bại, đó là: cố gắng làm vừa lòng tất cả mọi người”[6].

Phạm Phú Uyên Châu


[1] Xin xem (1990), Văn kiện Đại hội lần thứ VI Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự thật, Hà Nội

[2] Nguyễn Đắc Xuân (2012), Tiểu sử”, nguồn: http//gactholoc.net

[3] Bửu Ý (2015), “Văn chương đích thực không phân biệt Nam Bắc”, trả lời phỏng vấn nhà báo Hoàng Văn Minh, http//laodong.com.vn/laodongcuoituan

[4] Nhiều tác giả (2015), Kỷ yếu 70 năm Hội văn học nghệ thuật Thừa Thiên Huế (1945-2015), Nxb Thuận Hóa, Huế

[5] Nguyễn Văn Hùng (2016), Văn học Thừa Thiên Huế 1975-2015, trong công trình Văn học quốc ngữ Thừa Thiên Huế (bản thảo đã nghiệm thu)

[6] Dẫn theo Nguyễn Vũ Tiềm (2016), “Chuyển đổi hệ thi pháp thơ”, báo Văn nghệ, số 11, ngày 12.3.2016

Phạm Phú Uyên Châu – Vanvn.net

Exit mobile version