Văn học Việt Nam từ sau 1975, nhất là từ thời kì Đổi mới đã tồn tại và phát triển trong những điều kiện lịch sử và xã hội khác biệt rõ rệt so với thời kì chiến tranh, trong một môi trường ý thức tinh thần có nhiều biến đổi. Những điều đó đã tác động, chi phối mạnh mẽ xu hướng vận động và đặc điểm của sự phát triển văn học ba mươi năm qua.
Dân chủ hoá
Nhìn lại tiến trình văn học Việt Nam từ đầu thế kỉ XX đến nay, chúng ta có thể thấy ba xu hướng vận động chính ở ba giai đoạn phát triển. Từ đầu thế kỉ XX đến 1945, văn học vận động theo hướng hiện đại hóa, và đó là đặc điểm bao trùm toàn bộ nền văn học giai đoạn này, làm nên sự thay đổi cơ bản về phạm trù văn học từ trung đại sang hiện đại. Trong ba mươi năm tiếp theo – từ 1945 đến 1975, có thể nói đại chúng hóa và cách mạng hóa là xu hướng vận động cơ bản của nền văn học cách mạng trong hoàn cảnh chiến tranh. Còn từ sau 1975, nhất là từ giữa những năm 1980 trở đi, dân chủ hóa là xu thế lớn của xã hội và trong đời sống tinh thần của con người, cũng đã trở thành xu hướng vận động bao trùm của nền văn học. Đại hội lần thứ VI của Đảng (năm 1986) kêu gọi đổi mới tư duy, nhìn thẳng vào sự thật đã tạo cơ sở tư tưởng cho xu hướng dân chủ hóa trong văn học được khơi dòng và phát triển mạnh mẽ. Dân chủ hóa đã thấm sâu và được thể hiện ở nhiều cấp độ và bình diện của đời sống văn học. Trên bình diện ý thức nghệ thuật đã có những biến đổi quan trọng theo hướng dân chủ hóa của các quan niệm về vai trò, vị trí và chức năng của văn học, của nhà văn và về hiện thực. Văn học, trong giai đoạn trước chủ yếu được nhìn nhận như là vũ khí tư tưởng của cách mạng, phục vụ cho mục tiêu và đáp ứng các yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Hồ Chí Minh – Thư gửi các họa sĩ nhân triển lãm hội họa toàn quốc năm 1951), đó là chân lí hiển nhiên về vị trí của văn học nghệ thuật và vai trò của người nghệ sĩ trong thời đại cách mạng và kháng chiến mà không một nghệ sĩ chân chính nào không thừa nhận.
Văn học thời nay cũng không hề từ bỏ vai trò vũ khí tinh thần – tư tưởng của nó, nhưng nó được nhấn mạnh trước hết ở sức mạnh khám phá thực tại và thức tỉnh ý thức về sự thật, ở vai trò dự báo, dự cảm. Trong xu hướng dân chủ hóa của xã hội, văn học còn được xem là một phương tiện cần thiết để tự biểu hiện, bao gồm cả việc phát biểu tư tưởng, quan niệm, chính kiến của mỗi người nghệ sĩ về xã hội và con người. Văn học không chỉ là tiếng nói chung của dân tộc, thời đại, cộng đồng mà còn là phát ngôn của mỗi cá nhân. Không chỉ kinh nghiệm cộng đồng mới được coi trọng mà còn cần đến kinh nghiệm cá nhân để làm giàu thêm cho nhận thức của mỗi người và toàn xã hội. Văn học được nhận thức rõ hơn trong bản chất văn hoá và tính nhân văn của nó. Nghị quyết 05 Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá VI đã xác định văn học “là bộ phận đặc biệt nhạy cảm của văn hoá, thể hiện khát vọng của con nguời về chân, thiện, mĩ, có tác dụng bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, nhân cách, bản lĩnh của các thế hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội…”. Tương ứng với những biến đổi nói trên là sự thay đổi trong quan niệm về kiểu nhà văn. Nền văn học cách mạng đã sản sinh và đào luyện nên một đội ngũ nhà văn – chiến sĩ rất đáng tự hào và có không ít người đã cống hiến cho cách mạng và nền văn học cách mạng không chỉ bằng tài năng, tâm huyết mà cả sự sống của họ. Đó là một giai đoạn mà vị trí của người cầm bút đã được hình dung trong câu thơ Vóc nhà thơ đứng ngang tầm chiến lũy/ Bên những dũng sĩ đuổi xe tăng ngoài đồng và hạ trực thăng rơi; tư thế, hành động, suy nghĩ của họ cũng phải là Bay theo đường dân tộc đang bay và Nghĩ trong những điều Đảng nghĩ (Chế Lan Viên). Người đọc của ngày hôm nay đòi hỏi mỗi nhà văn là một nhà tư tưởng, một nhà hoạt động xã hội để không chỉ soi sáng mà còn khơi gợi suy nghĩ của họ, để cùng bàn bạc, đối thoại về mọi vấn đề của cuộc sống. Từ đó, mối quan hệ giữa nhà văn và bạn đọc cũng thay đổi theo hướng dân chủ hóa để trở nên bình đẳng hơn và người đọc thực sự được tôn trọng. Nhà văn không còn là người độc quyền ban bố, phán truyền các chân lí không thể bàn cãi, bởi nó là tư tưởng chung, là mục tiêu cao cả của cả cộng đồng. (Nhưng cũng chính vì thế mà rất ít khi tư tưởng trong tác phẩm là tư tưởng riêng của nhà văn. Trong một nền văn học hướng tới tinh thần dân chủ, càng đòi hỏi và có thể thừa nhận tư tưởng riêng, cái nhìn riêng của mỗi người thì người viết dù rất tin và muốn bênh vực cho những tín niệm của mình cũng không thể không biết đến những tư tưởng và quan niệm khác).
Cùng với những thay đổi trong quan niệm về nhà văn thì quan niệm về hiện thực như là đối tượng phản ánh khám phá của văn học cũng được mở rộng và mang tính toàn diện. Hiện thực không chỉ là hiện thực cách mạng, các biến cố lịch sử và đời sống cộng đồng mà đó còn là hiện thực của đời sống hàng ngày với các quan hệ thế sự vốn dĩ đa đoan đa sự, phức tạp chằng chịt, đan dệt nên những mạch nổi và mạch ngầm của đời sống. Hiện thực đó còn là đời sống cá nhân của mỗi con người với những vấn đề riêng tư, số phận, nhân cách, với khát vọng mọi mặt, cả hạnh phúc và bi kịch. Hiện thực đời sống trong tính toàn vẹn của nó đã mở ra những không gian vô tận cho văn học thỏa sức chiếm lĩnh, khám phá, khai vỡ.
Xu hướng dân chủ hóa của văn học không chỉ thể hiện ở các quan niệm như đã nói trên mà còn xâm nhập và được biểu hiện ra trên nhiều bình diện của sáng tác, từ hệ đề tài, các kiểu kết cấu và môtíf chủ đề, cốt truyện, nhân vật cho đến giọng điệu và ngôn ngữ. Ở đây xin nói thêm về giọng điệu, một yếu tố bộc lộ rất rõ xu hướng dân chủ hóa của văn học từ sau năm 1975. Ai cũng dễ dàng nhận ra trong nền văn học sử thi của giai đoạn trước có giọng điệu bao trùm là ngợi ca, trang trọng với những sắc thái hào hùng, tráng lệ hoặc trữ tình ngọt ngào, thắm thiết. Tính độc thoại cũng là đặc điểm không thể tránh được của khuynh hướng sử thi. Khi văn học hướng tới tinh thần dân chủ, thì tính đơn giọng sẽ dần nhường chỗ cho tính đa thanh phức điệu, độc thoại sẽ chuyển sang đối thoại.
Sự chuyển biến ấy có thể nhận ra rất rõ trong các thể loại và ở nhiều cây bút tiêu biểu. Chẳng hạn như trong các sáng tác của Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng ở hai giai đoạn trước và sau 1975. Trong văn xuôi từ những năm 1980 của các cây bút ấy và nhiều người khác, đặc biệt là Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, tính đối thoại và nguyên tắc đa âm đã thấm sâu vào mọi bình diện của thi pháp, vào cấu trúc ngôn ngữ, từ lời trần thuật đến lời độc thoại và đối thoại của nhân vật và cả trong mạch ngầm văn bản.
Xu hướng dân chủ hóa cũng đưa đến sự nở rộ của các phong cách, bút pháp, bộc lộ hết mình các cá tính sáng tạo của nhà văn cùng với việc ra sức tìm kiếm, thử nghiệm nhiều hình thức và thủ pháp thể hiện mới, kể cả tiếp thu và vận dụng những yếu tố của các trường phái nghệ thuật hiện đại và hậu hiện đại thế giới.
Nhân bản hoá
Ở đầu thế kỉ XX, đặc biệt là những năm 20, do sự chuyển biến của hình thái xã hội và sự tác động, ảnh hưởng của văn hóa, tư tưởng phương Tây, ý thức cá nhân đã được nảy nở mạnh mẽ cùng với tinh thần dân chủ trong xã hội Việt Nam đương thời, đặc biệt là trong tầng lớp tiểu tư sản thành thị và trí thức Tây học. Đó là cơ sở tư tưởng cho sự hình thành và phát triển cái tôi cá nhân – cá thể trong văn học, đặc biệt là trong khuynh hướng lãng mạn. Cái tôi ấy chống lại sự kiềm tỏa của lễ giáo phong kiến, đòi giải phóng cá nhân, cá tính, giải phóng tình cảm, cảm xúc mà trước hết là trong tình yêu và hôn nhân. Cái tôi đã đem lại cho văn học nguồn cảm hứng mới mẻ và khá dồi dào, tự nhiên nhưng rồi cũng mau chóng khô cạn, bế tắc. Cuộc Cách mạng tháng Tám và hai cuộc kháng chiến tiếp liền sau đó đã khơi dậy và phát triển đến cao độ tinh thần cộng đồng, chủ nghĩa yêu nước và ý thức giai cấp. Có thể nói, nền văn học cách mạng suốt ba mươi năm từ 1945 đến 1975 đã được xây dựng và phát triển trên nền tảng tư tưởng ý thức cộng đồng ấy. Cảm hứng chủ đạo của nền văn học là chủ nghĩa yêu nước, khát vọng độc lập, tự do và lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Từ sau năm 1975, khi cuộc sống dần trở lại với những quy luật bình thường của nó, con người trở về với muôn mặt đời thường, phải đối mặt với bao nhiêu vấn đề trong một giai đoạn có nhiều biến động, đổi thay của xã hội. Bối cảnh đó đã thúc đẩy sự thức tỉnh ý thức cá nhân, đòi hỏi sự quan tâm đến mỗi người và từng số phận. Trong một truyện ngắn được viết ngay sau khi cuộc chiến tranh kết thúc – truyện Bức tranh – Nguyễn Minh Châu đã mạnh mẽ phê phán và bác bỏ những luận điểm nhân danh cái chung, mượn cớ lợi ích cộng đồng mà bỏ qua, thậm chí chà đạp lên nỗi đau và số phận của mỗi cá nhân. Văn học cũng phát hiện ra rằng không ít khi có sự lệch pha, thậm chí trái ngược giữa số phận cá nhân và cộng đồng, nảy sinh những bi kịch của con người là nạn nhân của hoàn cảnh và số phận. Tiểu thuyết Thời xa vắng (1986) của Lê Lựu là tác phẩm đầu tiên đã phát hiện và cảm nhận thấm thía về điều đó.
Sự thức tỉnh trở lại của ý thức cá nhân đã mở ra cho văn học nhiều đề tài và chủ đề mới, làm đổi thay quan niệm về con người. Văn học ngày càng đi tới một quan niệm toàn vẹn và sâu sắc hơn về con người mà nền tảng triết học và hạt nhân cơ bản của quan niệm ấy là tư tưởng nhân bản. Con người vừa là điểm xuất phát, là đối tượng khám phá chủ yếu, vừa là cái đích cuối cùng của văn học, đồng thời cũng là điểm quy chiếu, là thước đo giá trị của mọi vấn đề xã hội, mọi sự kiện và biến cố lịch sử. Cũng Nguyễn Minh Châu trong một lần trả lời phỏng vấn của báo Văn nghệ đầu năm 1986 đã phát biểu như sau: “Văn học và đời sống là hai vòng tròn đồng tâm mà tâm điểm của nó là con người. Người viết nào cũng có thể có tính xấu nhưng tôi không thể nào tưởng tượng nổi một nhà văn mà lại không mang nặng trong mình tình yêu cuộc sống và nhất là tình yêu thương con người. Tình yêu này của người nghệ sĩ vừa là một niềm hân hoan say mê, vừa là một nỗi đau đớn, khắc khoải, một mối quan hoài thường trực về số phận, hạnh phúc của những người xung quanh mình. Cầm giữ cái tình yêu lớn ấy trong mình, nhà văn mới có khả năng cảm thông sâu sắc với những nỗi đau khổ, bất hạnh của người đời, giúp họ có thể vượt qua những khủng hoảng tinh thần và đứng vững được trước cuộc sống”.
Con người trong văn học hôm nay được nhìn ở nhiều vị thế và trong tính đa chiều của mọi mối quan hệ: con người xã hội, con người với lịch sử, con người của gia đình, gia tộc, con người với phong tục, với thiên nhiên, với những người khác và với chính mình… Con người cũng được văn học khám phá, soi chiếu ở nhiều bình diện và nhiều tầng bậc: ý thức và vô thức, đời sống tư tưởng, tình cảm và đời sống tự nhiên, bản năng, khát vọng cao cả và dục vọng tầm thường, con người cụ thể, cá biệt và con người trong tính nhân loại phổ quát. Điều dễ nhận ra là trong phần lớn các tác phẩm văn học thời kì này, con người không còn là nhất phiến, đơn trị mà luôn là con người đa diện, đa trị, lưỡng phân, trong con người đan cài, chen lẫn, giao tranh bóng tối và ánh sáng, rồng phượng và rắn rết, thiên thần và quỷ sứ, cao cả và tầm thường… Nếu như ở đầu Đổi mới, con người trong văn học đã chuyển mạnh từ con người cộng đồng sang con người cá nhân – cá thể, thì ở giai đoạn tiếp theo, nhất là những năm gần đây, văn học đã hướng tới con người bản thể. Một trong những phương diện bản thể của con nguời, mà cả văn xuôi và thơ quan tâm khám phá, biểu hiện là con người tự nhiên, con người dục tính. Cùng với đó, phương diện đời sống tâm linh, vô thức cũng trở thành bình diện khá quen thuộc với nhiều cây bút và cả với người đọc, đem đến sự nhận thức sâu hơn về con người trong tính phức tạp, vô tận và đầy bí ẩn của nó. Cố nhiên, một nền văn học dựa trên nền tảng tinh thần nhân bản không thể đưa đến sự hoài nghi, hạ thấp hay phủ nhận con người. Nó phải cảm thông, thấu hiểu và nâng đỡ con người nhưng đồng thời cũng đòi hỏi cao ở con người và luôn thức tỉnh sự tự ý thức của con người để hướng tới cái thiện, cái đẹp và sự hoàn thiện nhân cách.
Hiện đại hóa
Ở nửa đầu thế kỉ XX, trong sự biến động của lịch sử và môi trường xã hội – văn hóa, nền văn học Việt Nam đã chuyển từ phạm trù trung đại sang phạm trù hiện đại, thì hiện đại hoá trở thành xu hướng vận động bao trùm. Nếu nhìn trên tiến trình văn học cả thế kỉ thì có thể thấy hiện đại hóa vẫn là hướng vận động xuyên suốt các chặng đường văn học. Hiện đại hóa được khởi động ở vài chục năm đầu thế kỉ trở thành động lực mạnh mẽ cho sự phát triển văn học từ 1930 đến 1945. Xu hướng ấy có bị lấn át bởi yêu cầu cách mạng hóa và đại chúng hóa trong giai đoạn 1945 – 1975, nhưng đã trở lại thành một nhu cầu và hướng vận động của văn học sau 1975, nhất là từ thời kì Đổi mới, cùng với xu thế dân chủ hóa. Cố nhiên, yêu cầu và quan niệm hiện đại hóa cũng có sự biến đổi ở mỗi giai đoạn văn học. Văn học Việt Nam từ sau 1975, nhất là từ giữa những năm 80 trở lại đây, đã đi những bước tiếp xa hơn trên con đường hiện đại hóa để hòa nhập vào tiến trình văn học thế giới.
Trong xu thế hội nhập, sự giao lưu với đời sống văn hóa và văn học thế giới ngày càng mở rộng, cùng với những nhu cầu nội tại của đời sống văn hóa tinh thần trong nước, văn học đã ngày càng gia tăng tính hiện đại. Hiện đại hóa là một quá trình và được thể hiện trên nhiều bình diện của đời sống văn học: từ quan niệm nghệ thuật, tính chuyên nghiệp của người cầm bút, đến quan hệ giữa nhà văn và độc giả, nhưng biểu hiện tập trung nhất là ở những tìm tòi, cách tân ở các thể loại văn học. Nhu cầu cách tân ngày càng trở thành một động lực mạnh mẽ trong mỗi người cầm bút, nhất là ở các thế hệ nhà văn xuất hiện từ thời kì Đổi mới. Văn xuôi có nhiều đổi mới về nghệ thuật tự sự, từ sự thay đổi điểm nhìn trần thuật đến xây dựng nhân vật, kết cấu và nghệ thuật trần thuật, thủ pháp độc thoại nội tâm và dòng ý thức, tính đa thanh và đa giọng điệu…
Những nỗ lực cách tân trong thơ đã đưa đến nhiều thể nghiệm theo hướng hiện đại chủ nghĩa và hậu hiện đại, đang thu hút ngày càng nhiều sự chú ý của giới nghiên cứu.
Văn học thời kì Đổi mới không chỉ hoàn tất tiến trình văn học Việt Nam thế kỉ XX, mà còn mở ra bước phát triển tiếp theo trong thế kỉ mới với một viễn cảnh phong phú, nhiều hứa hẹn.
N.V.L – Văn nghệ Quân đội