Nhà văn, dịch giả Ngô Tự Lập cho rằng cơn sốt Harry Potter ở Việt Nam chủ yếu do truyền thông đẩy lên, khiến công chúng tôn sùng văn học Anh ngữ. Trong khi đó, văn học thiếu nhi kinh điển Xô Viết giá trị hơn nhiều lại bị lép vế.
Ai còn đọc văn học thiếu nhi Nga?
NXB Kim Đồng vừa ra mắt bộ sách Văn học Nga – Tác phẩm chọn lọc, gồm các tác phẩm bất hủ từng gắn với chuỗi thế hệ độc giả Việt Nam trưởng thành sau Cách mạng Tháng Tám đến tận cuối thập niên 80 thế kỉ trước. Đó là những tựa sách in đậm trong trí nhớ của nhiều lớp người sinh trước thời mở cửa: Chiếc nhẫn bằng thép của K. Paustovky, Dagestan của tôi của Rasul Gamzatov, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A. Ostrovsky, Maximka của K.M Stanyukovich, Người cá và Bột mì vĩnh cửu của Alexander R. Belyaev, Timur và đồng đội của Arkady Gaidar, Vichia Maleev ở nhà và ở trường của Nicolay Nosov; Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện li kì của Buratino của Alexandre Tonxtoi, Bác sĩ Aibôlít của Chukovsky…
Đáng nói là, cách đây 10 năm, NXB Kim Đồng cũng đã hợp tác với Trung tâm Văn hóa Đông Tây làm bộ sách tương tự kích cỡ 12x15cm, giá thành thấp để tung ra thị trường. Tuy nhiên sách bán rất chậm.
Bộ sách tái bản lần này được chăm chút kĩ hơn về hình thức cũng như đầu tư cho truyền thông, mong muốn khơi dậy những kí ức đầy mộng mơ và lí tưởng ở lứa độc giả đã lớn lên bằng văn học Nga, qua đó truyền cảm hứng cho lứa độc giả thanh thiếu niên đương đại. Song, những giấc mơ xưa cũ có thể được tiếp nối hay không là điều mà chính các dịch giả văn học Nga lẫn chuyên gia văn hóa và ngôn ngữ Nga băn khoăn, thể hiện qua tọa đàm Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm sáng 23/9 do NXB Kim Đồng phối hợp Trung tâm Văn hóa Khoa học Nga tổ chức.
Nếu như dịch giả Thúy Toàn khẳng định, văn học Nga, với tinh thần nhân văn cao đẹp, khả năng khơi gợi trí tưởng tượng bay bổng và những câu chuyện hấp dẫn tuyệt vời, sẽ vẫn có sức hút với thiếu nhi hiện nay, thì nhà văn Thiên Hương lại nghĩ khác. Từng công tác tại NXB Kim Đồng, nữ nhà văn tiết lộ dòng văn học kinh điển bán rất khó khăn. Đại đa số tác phẩm văn học kinh điển dành cho thiếu nhi trên thị trường thuộc dòng văn học Xô Viết. Tức đã được thẩm định bằng nhiều thế hệ cũng như được tôn vinh về giá trị tinh thần, giá trị thẩm mĩ quý báu. “Thế nhưng, ngay như nhà tôi đây, tủ sách hơn nghìn đầu sách, con và cháu tôi chỉ thích truyện tranh” – bà Hương buồn bã chia sẻ. Nhà phê bình văn học Nga Đào Tuấn Ảnh tiếp lời: “Con trai tôi lấy vợ rồi mà cũng chỉ thích đọc truyện tranh”.
Ở góc nhìn khác, TS Giáo dục học Nguyễn Thụy Anh – Chủ nhiệm CLB Đọc sách cùng con – cho rằng: Thiếu niên ngày nay không thích văn học kinh điển nói chung và văn học thiếu nhi kinh điển Xô Viết nói riêng vì chúng không có thời gian, còn cha mẹ, thầy cô chưa biết kích thích nhu cầu đọc của chúng. “Ngày học hai buổi, tối làm bài tập, thời gian đọc sách hiếm hoi. Vì thế nếu có cơ hội, chúng sẽ tìm đến những thứ đọc nhanh, hấp dẫn. Đó chính là truyện tranh” – TS Thụy Anh lí giải.
Văn học đương đại bị bỏ quên
Nhà văn – dịch giả Ngô Tự Lập cho rằng các NXB đang bỏ rơi mỏ vàng, đó là văn học thiếu nhi Nga đương đại. Dưới sự áp đảo của văn học Anh ngữ được tiếp sức bởi truyền thông, văn học Nga bị lép vế hoàn toàn.Điều này khiến độc giả hiểu nhầm về văn học Nga, cho rằng văn học Nga đương đại không còn giá trị. Trong khi thực tế các nhà văn Nga đang tiếp nối rất tốt truyền thống huy hoàng của thế hệ nhà văn thời Xô Viết ở mảng văn học thiếu nhi.
Ông Ngô Tự Lập cũng chỉ trích Quỹ Hỗ trợ dịch thuật đã có những dự án đầu tư sai lầm, đổ tiền dịch những tác phẩm cũ, quá quen thuộc và không cần phải làm mới. Còn những tác phẩm kinh điển thời Xô Viết thuộc hàng hiếm, khó dịch hoặc những tác phẩm mới thì lại không nhận được đầu tư xứng đáng. Trong khi ấy, đội ngũ dịch giả tài hoa một thời đã qua đời gần hết, chưa đào tạo được đội ngũ kế cận.
Trước lời phê bình của các chuyên gia chĩa vào các nhà làm sách thiếu nhi, Phó Giám đốc kiêm Tổng biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên giải thích, riêng NXB Kim Đồng đã có kế hoạch tiếp cận văn học thiếu nhi Nga đương đại song gặp rất nhiều khó khăn. Thiếu chuyên gia “ruột”, thiếu cộng tác viên tại Nga. Bà Liên cho hay nhiều khi chỉ biết đến một tác phẩm văn học đương đại Nga nổi bật nào đó qua bản Anh ngữ ở hội chợ sách quốc tế. “Đến cả việc tái bản văn học thiếu nhi kinh điển Xô Viết của những tác giả chưa hết thời hạn bảo hộ tác quyền đã vô cùng khó” – Bà Liên giãi bày. Tuy vậy, NXB Kim Đồng khẳng định sẽ đẩy mạnh hơn nữa những hành động cần thiết để khai thác được nguồn văn học thiếu nhi Nga đương đại trong thời gian tới đây.