Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng cho rằng các tác phẩm trong nước hay dành cho thiếu nhi nay vẫn có, nhưng chưa nhiều và rộng khắp.
Ông trao đổi với evan.vnexpress.net về những yếu tố để phát triển nền văn học thiếu nhi, sau khi biên soạn cuốn sách “Một lần và mãi mãi” – tuyển tập 55 tác giả tác phẩm tiêu biểu của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.
– Tuyển tập “Một lần và mãi mãi” là một công trình khá đồ sộ, có thể sử dụng làm tài liệu khảo cứu. Xuất phát từ ý tưởng nào mà ông quyết định biên soạn cuốn sách này?
– Là người nhiều năm nay quan tâm đến văn học thiếu nhi, tôi nhận thấy, sách về văn học thiếu nhi không nhiều lắm, đặc biệt là những bộ sách mang tính tổng quan. Chúng ta có thể kể đến một số cuốn sách: “Tuyển tập truyện thiếu nhi” (NXB Phụ nữ, 1995), “Tuyển tập truyện viết cho thiếu nhi từ sau cách mạng tháng Tám” (NXB Giáo dục, 1999), “Văn học thiếu nhi Việt Nam” (NXB Từ điển Bách khoa, 2004), “Tác giả tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam” (NXB Từ điển Bách khoa, 2006)… Những cuốn sách nêu trên là tài liệu tra cứu, tìm hiểu về văn học thiếu nhi trong một số năm qua. Tuy nhiên, chúng ta chưa có một cuốn sách nào mang tính chất bình chọn những tác giả và tác phẩm tiêu biểu của văn học thiếu nhi, nhất là trong mảng văn xuôi, vì thế tôi đã cố gắng tiến hành thực hiện cuốn sách này theo hướng đó.
Bìa cuốn sách ‘Một lần và mãi mãi’ do Nguyễn Văn Tùng biên soạn.
– Tên cuốn sách được lấy từ tên truyện ngắn của nhà văn Thanh Quế – “Một lần và mãi mãi”. Tại sao ông quyết định lựa chọn tên sách có vẻ “trừu tượng” như vậy mà không phải là một cái tên “thực tế” hơn như là: “Tuyển tập 55 tác phẩm hay nhất viết cho thiếu nhi” chẳng hạn?
– Tôi cho rằng tên sách này có “chất văn” hơn, mang sức gợi, có thể chưa thực sự hiển ngôn, nhưng chính sự hàm ngôn đó tạo nên một điểm nhấn trong ấn tượng và dư âm trong ký ức của người đọc. Mặt khác, tên sách cũng phần nào ký thác hy vọng của tôi, rằng sự ra đời của cuốn sách này hứa hẹn được bạn đọc lưu giữ mãi mãi trên giá sách.
– 55 tác phẩm trong cuốn sách đều là văn xuôi, tại sao không có thơ, kịch…?
– Tôi cho rằng, trong điều kiện trước mắt, nên thực hiện trước tiên việc tuyển chọn các tác giả tác phẩm văn xuôi. Dẫu sao cũng phải thừa nhận, văn xuôi cho thiếu nhi có nhiều tác giả và tác phẩm nổi hơn so với thơ. Tuy nhiên, thơ cho thiếu nhi cũng cần một cuốn sách tương tự. Sau khi ra mắt cuốn sách này, nếu nhận được sự ủng hộ từ bạn đọc, tôi nghĩ mình có thể tiếp tục thực hiện cuốn sách biên soạn, tuyển chọn các tác giả tác phẩm tiêu biểu về thơ.
– Các tác giả lớn như Nguyễn Huy Tưởng, Hà Ân, Võ Quảng… đã để lại rất nhiều tác phẩm hay cho thiếu nhi. Ông có khó khăn gì khi phải lựa chọn một tác phẩm hay thậm chí là một trích đoạn trong tác phẩm của họ?
– Đối với những tác giả có nhiều tác phẩm tiêu biểu, quả là một thử thách. Tôi đã phải lựa chọn, cân nhắc rất nhiều. Và tôi tin sự lựa chọn của mình sẽ làm hài lòng độc giả.
– Các tác giả và tác phẩm trong cuốn sách được sắp xếp theo trình tự Alphabet theo tên tác giả. Tại sao ông không sắp xếp theo trình tự thời gian ra đời của tác phẩm để độc giả thấy được tiến trình phát triển của nền văn học thiếu nhi Việt Nam dễ dàng hơn?
– Tôi cũng đã nghĩ đến phương án đó, nhưng lại gặp khó khăn ở chỗ, đối với những tác phẩm ra đời cùng thời điểm thì xử lý thế nào? Mặt khác, xét về mặt khoa học, để thấy được tiến trình của văn học thiếu nhi, thì cần sắp xếp các tác giả theo thế hệ, các tác phẩm theo chủ đề, thể loại hoặc một tiêu chí nào đó. Mà việc đó là của một công trình nghiên cứu chuyên biệt. Tôi nhận thấy, phương án xếp theo thứ tự Alphabet vẫn là hợp lý hơn cả.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng.
– Ông có thể chia sẻ một số đặc điểm hay tiêu chí của những tác phẩm được lựa chọn trong cuốn sách?
– Nói là tiêu chí chung thì đúng hơn. Tiêu chí của tôi khi lựa chọn tác phẩm là có cốt truyện hấp dẫn; nhân vật sống động, chân thực, có sức cuốn hút; ngôn ngữ có duyên, tự nhiên, giàu chất thơ; các sự kiện và chi tiết có khả năng tạo ấn tượng mạnh hoặc mang tính hài hước. Tôi nghĩ, một tác phẩm có được những đặc điểm ấy sẽ đặc biệt hấp dẫn tuổi thơ và bạn đọc nói chung.
– Nếu chỉ có thể nói một ý về đặc điểm hấp dẫn thiếu nhi nhất trong các tác phẩm được lựa chọn trong cuốn sách, thì đó sẽ là đặc điểm gì, thưa ông?
– Đó là chất hài hước.
– Độc giả hiện nay vẫn thường than thở, các tác phẩm viết cho thiếu nhi của Việt Nam hiện nay chưa hấp dẫn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
– Theo tôi thì ý kiến đó chưa thực sự xác đáng. Vào thời kỳ rực rỡ của nền văn học thiếu nhi Việt Nam, ta thấy xuất hiện một loạt tên tuổi của các nhà văn lớn như Tô Hoài, Phạm Hổ, Nguyễn Huy Tưởng, Võ Quảng, Thy Ngọc, Phong Thu… Những tác giả ấy đã viết cho thiếu nhi một cách vô cùng hào hứng và hết mình cống hiến. Để có được thành quả đó, cần có một ngọn cờ dẫn đầu và tập hợp được một đội ngũ sáng tác đông đảo. Hiện nay, chúng ta vẫn có những tác phẩm hay cho thiếu nhi của Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Thuần, Tạ Duy Anh… nhưng số lượng các tác giả này còn ít ỏi. Chúng ta chỉ có những con chim sơn ca, nổi bật lên bằng giọng hót véo von của mình, nhưng lại chưa tạo được thành một dàn đồng ca, khiến cho độc giả có cảm giác văn học thiếu nhi ở nước ta hiện nay thiếu sức sống. Tuy nhiên, đó vẫn là những tín hiệu đáng mừng cho thấy nền văn học thiếu nhi Việt Nam vẫn luôn âm ỉ, hứa hẹn một ngày bùng phát.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tùng hiện là TBT Tạp chí Văn học tuổi trẻ. Ông đã có nhiều công trình nghiên cứu văn học có giá trị như: “Lý luận tiểu thuyết ở Việt Nam thế kỷ XX”; “Tuyển tập các bài viết về tiểu thuyết ở Việt Nam thế kỷ XX”; “Phân tích tác phẩm Nam Cao trong nhà trường”; “Chân dung và nhận định của nhà văn về tác phẩm trong nhà trường”… Ông cũng là tác giả của hàng chục bài nghiên cứu văn học đăng tải trên các báo và tạp chí Nghiên cứu văn học, Văn nghệ quân đội, Văn học và Tuổi trẻ, Thế Giới Mới, Văn nghệ, Giáo dục Thời đại… |
Phùng Hà
Nguồn: eVan