MANU JOSEPH

Xét về quan điểm và màu tóc của 50 nhà văn được lắp ghép cho một hội nghị kì quặc ở Edinburgh, thì cái giáo đoàn đó có thể gọi là “50 Sắc Xám.” Tuy nhiên trong suốt năm ngày hội nghị, khởi đầu từ ngày 17 tháng Tám, hầu hết các nhà văn nhìn nhận rằng họ bị đẩy lui bởi loại sách kém học thức, loại sách bán chạy hơn tất cả các công trình của họ cộng lại.

Văn học sẽ đi về đâu từ đây?

Manu Joseph – Ảnh: internet

Hội nghị Nhà văn Thế giới tại thành phố thiên đường ở Scotland, có những vấn đề trầm trọng dễ khiến cho nhiều người Ấn phải ôm bụng mà cười, là một tưởng niệm hội nghị nhà văn lạ thường được tổ chức tại Edinburgh năm 1962 – một cuộc hội họp lịch sử mà người Scotland thường xuyên nhắc đến, với nhiều thích thú, như là một vụ tai tiếng. Những người tham gia hội nghị đó gồm Norman Mailer, Henry Miller, Mary McCarthy, William S. Burroughs và Muriel Spark, gây sốc và làm kinh ngạc giới báo chí Anh qua ý kiến của họ về tình dục, đạo đức và chính trị. Tại đấy người ta cũng cuồng nhiệt như bị tiêm heroin vậy. Thậm chí, một số nhà văn gần như quay ra đấu nhau.

Hội nghị Edinburgh năm 2012 có lẽ thật khó tránh khỏi chuyện ít được báo đài chú ý hơn, bởi thế giới không còn dễ dàng để các nhà văn làm cho chấn động nữa. Tuy nhiên, hội nghị đã tỏ ra khôn ngoan và đa dạng hơn.

Phát biểu về chủ đề “Văn học có nên mang tính chính trị?”, nhà văn Ai Cập viết bằng tiếng Anh, Ahdaf Soueif, nói về tình hình của bà như là một tiểu thuyết gia đến từ một quốc gia đầy hỗn độn: “Những nỗ lực cho thể loại tiểu thuyết giờ đây đã trở nên quá đơn giản. Sự thật trước mắt chói lóa cung ứng cho một sự thật tinh tế hơn thành hình.”

Vì một vài lý do, văn học tiếng Anh của Ấn Độ ít tính chính trị ít hơn hẳn so với văn học cùng loại của Ả Rập. Đó có phải do vùng Ả Rập ít biến động hơn Ấn Độ không? Hay đó chỉ vì giới tinh hoa Ấn Độ chỉ là một đảo nhỏ trong thể chế cộng hòa đã tự bảo vệ mình khỏi những hiện thực của đất nước, trong khi tầng lớp ưu tú ở Ả Rập vẫn chưa phá hủy những cầu nối của họ với hiện thực? Hay chính do nhu cầu của thị trường văn học phương Tây, thị trường đầy quyền lực và sinh lợi nhất đối với tiểu thuyết trên thế giới, đã đòi hỏi văn học Ả Rập phải mang tính chính trị mà không chấp nhận bất kỳ loại tiểu thuyết nào khác đang nổi lên từ khu vực này, trong khi họ lại bỏ qua cho Ấn Độ những kỳ vọng nhỏ bé đó?

Đây không phải là những câu hỏi đã được thảo luận tại hội nghị lần này, nhưng chắc chắn chúng sẽ được đặt ra tại Hội nghị Nhà văn Thế giới, do Liên hoan Sách Edinburgh và Hội đồng Anh tổ chức, trên chuyến chu du thế giới trong vài tháng tới để tôn vinh tinh thần của hội nghị năm 1962.

Một câu hỏi nhạy cảm thường được nhắc đến và rơi rớt lại vì chưa bao giờ được thảo luận đến nơi đến chốn, đó là: “Các quốc gia thực sự có văn học dân tộc không?”. Với câu hỏi này, người Ấn Độ sẽ trả lời rõ ràng hơn so với người Anh. Họ sẽ trả lời rằng Ấn Độ có nền văn học dân tộc, và nó được viết bằng tiếng Anh. Cho dù một vài tiểu thuyết tiếng Hindi, Bengali hoặc Malayalam bán chạy hơn hầu hết tiểu thuyết viết bằng tiếng Anh ở Ấn Độ, thế nhưng trong sức mạnh văn học, phạm vi các chủ đề cùng những gì mà nó mong muốn truyền tải, thì tiểu thuyết bằng tiếng Anh ở Ấn Độ vẫn có được chỗ đứng trong nền văn học quốc gia.

Cách đây không lâu, có giai đoạn một số ít trí thức ở New Delhi đã quyết định những gì gọi là chất lượng của tiểu thuyết Ấn Độ. Dù sau đó sức mạnh văn hóa của New Delhi đã giảm sút rất nhiều, hệ thống văn học Ấn Độ vẫn còn bị tiêu chuẩn Tây phương mê hoặc và điều đó đã cho phép những trọng tài văn học ở London cái quyền lực xếp thứ bậc giữa những nhà văn Ấn Độ.

Suốt cuộc hội thảo trong tháng, có một chủ đề là “Tính dân tộc và Bản sắc trong tiểu thuyết hôm nay”. Irvine Welsh, nhà văn Scotland, tác giả của cuốn tiểu thuyết Trainspotting, nói rằng ông phẫn nộ về sự thống trị của Anh trước Scotland trong các vấn đề văn học. Ông nói, “Chỉ có một cuốn tiểu thuyết Scotland giành được ở Giải Man Booker nặng chất đế chế Anh, giải thưởng thường xuyên được chọn bởi một ban phần lớn trung thượng lưu, và luân phiên khoảng 50 – 50 giữa phần lớn nhà văn Anh tầng lớp trên trung thượng lưu và công dân các cựu thuộc địa, rốt cục chỉ để đánh dấu hợp thức cho cái “hòa thuận toàn cầu” này thôi.”

Sự quyến rũ kéo dài của Giải thưởng Man Booker ở Ấn Độ rõ ràng chỉ bởi nó rất Ăng-lê. Không có giải thưởng văn học Ấn Độ nào có thể sánh với những gì mà năm người Anh ngồi ban giám khảo Booker có thể làm để mang lại sự trân trọng nội địa cho một nhà văn Ấn.

Vào ngày hội nghị thảo luận về vấn đề kiểm duyệt, nhà văn người Anh Patrick Ness dẫn một ý kiến mà hầu hết mọi người nhất trí là, hình thức kiểm duyệt mạnh mẽ nhất chính là sự tự kiểm duyệt, khi mà nhà văn thực hiện chủ yếu để bảo vệ mình khỏi những suy diễn tai hại hay những buộc tội phân biệt giới tính hay phân biệt chủng tộc.

Nhưng đó có phải là một lý do đủ chính đáng để một nhà văn tự kiểm duyệt không? Việc theo đuổi chân lý có phụ thuộc vào lợi ích xã hội của nhà văn đó không? Vì chính các tiểu thuyết gia Ấn Độ cũng trở nên rất cẩn trọng trong các tác phẩm tiểu thuyết hay ký sự của họ. Thực tế, phẩm chất nổi bật nhất của văn học Ấn Độ hiện đại là sự nổi lên của các nhà văn vô hại – các nhà văn lang băm sâu mạng, kẻ lẩn tránh các đề tài nhạy cảm bởi vì hắn quá quan tâm đến những gì mọi người có thể nói về mình trên Twitter.

Ngày cuối cùng của hội nghị bàn về “Tương lai của Tiểu thuyết” diễn ra khá ảm đạm khi các nhà văn thảo luận về khả năng chết yểu của tiểu thuyết dưới tay của các thiết bị kể chuyện thú vị hơn. Không thể chịu được lời cáo phó dành cho tiểu thuyết, nhà văn Nigeria Ben Okri nói: Tiểu thuyết vẫn còn trẻ trung và nó có cả chặng đường dài để đi. Ông tiếp: Người Châu Phi tin rằng câu chuyện của họ còn chưa được kể. Người Ấn Độ cũng cảm thấy như thế. Và họ sẽ kể những câu chuyện của họ, bằng một ngôn ngữ mà họ vừa xem là ngoại ngữ lẫn tiếng mẹ đẻ.

Trà Kha dịch

(Theo New York Times, 29/8/2012)

(Bài đăng trên SH284/10-12)

———————–

(*) Manu Joseph là biên tập viên tuần báo Indian newsweekly Open và là tác giả cuốn tiểu thuyết Hạnh phúc bất hợp pháp của những người khác (The Illicit Happiness of Other People).

Exit mobile version