Khi nói đến văn học Việt Nam từ sau năm 1986, mọi người mặc định đây là thời kỳ văn học đã thực sự có những đổi mới sâu sắc và toàn diện. Thậm chí, có khi chỉ cần nhắc đến khẩu hiệu “nhìn thẳng vào sự thật”, nói thật của nhà văn lúc bấy giờ, độc giả đã thấy văn học khác trước rất nhiều. Xu hướng ca ngợi một chiều, rập khuôn, thu mọi sự đánh giá về “văn học Đổi mới” vào thứ hình dung mặc định, đã và đang đưa đến rất nhiều ngộ nhận về giai đoạn văn học đặc biệt này. Đã gần ba mươi năm trôi qua, nghĩa là chúng ta đã có một độ lùi thời gian cần thiết, để nhìn lại và nhận điện, lý giải đúng hơn văn học sau 1986.

Năm 1987, báo Văn nghệ (số 49 và 50) đăng bài “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa” của Nguyễn Minh Châu. Phải nói rằng, đây là một mốc quan trọng đánh dấu sự đổi mới về tư duy văn học, sự thay đổi trong lời nói, trong cách nhìn nhận về mối quan hệ giữa văn học và chính trị, trong cách tiếp cận và phản ánh hiện thực của nhà văn. Sự thay đổi ấy có nguyên nhân trực tiếp từ sự điều chỉnh đường lối, chính sách của Đảng, phản ánh nhu cầu và không khí thay đổi đang diễn ra trong xã hội. Nguyễn Minh Châu xuất hiện như người mang đến dấu chấm hết cho giai văn học minh họa, nhưng kể từ “lời ai điếu” của ông, văn học sẽ phải đi theo con đường nào? Nỗi ám ảnh lớn nhất của Nguyễn Minh Châu là phải viết minh họa, rào đón, giả dối, che chắn, xoay trở, vặn vẹo cây bút; khao khát lớn nhất, cụ thể của nhà văn, bởi thế, là môi trường sáng tác thay đổi, không bị o ép, được nói sự thật, phản ánh sự thật, khẳng định “cá tính và tính trung thực” khi phản ánh hiện thực. Một giai đoạn văn học và văn nghệ mới, theo Nguyễn Minh Châu hình dung, phải là giai đoạn có những đặc điểm như thế. Trước kia, do yêu cầu của thời đại, người viết chỉ phản ánh mặt tốt, ca ngợi một chiều, nay được phản ánh cả xấu lẫn tốt. Tuy nhiên, chúng ta cần thấy rằng, dù người viết đòi hỏi “cởi trói” để được phản ánh theo chiều nào đi nữa thì văn học cũng vẫn nằm trong cái khung phản ánh hiện thực. Quan điểm của Nguyễn Minh Châu về thứ văn học cho ra văn học, thứ văn học thoát khỏi mặc cảm “giả dối”, công thức, sơ lược, một chiều, trên thực tế hoàn toàn chưa đi ra ngoài hệ hình phản ánh. Đòi hỏi của Nguyễn Minh Châu là đòi hỏi nới rộng hiện thực phản ánh; hạn chế lớn của văn học minh họa theo nhãn quan của ông cũng chính là quan niệm chật hẹp về phản ánh: “chúng ta quy cho đấy đã là tất cả hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn”, thích nghi với văn học minh họa, theo đó, trở thành một kiểu thích nghi với một thứ hiện thực giản lược hóa, được quy chế hóa, là bằng lòng phản ánh một chiều hiện thực mà thôi.

Trước thời điểm Nguyễn Minh Châu “đọc lời ai điếu” 8 năm, trong bài “Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua” (Văn nghệ số 23, 6/1979) Hoàng Ngọc Hiến cũng có nhiều nhận xét, đánh giá táo bạo về giai đoạn văn học trước 1975. Nay bình tĩnh nhìn lại, ta thấy cũng không phải mới, nếu nhìn từ hệ hình phản ánh. Mở đầu bài viết của mình, Hoàng Ngọc Hiến dẫn ý kiến của Nguyễn Minh Châu bàn về hiện thực trong văn học chiến tranh. Theo Hoàng Ngọc Hiến có hai phương thức miêu tả trong nghệ thuật: miêu tả sự vật như nó vốn tồn tại, đang tồn tại và miêu tả sự vật như nó phải tồn tại. Ông phê phán “trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại. Và chúng tôi tán thành ý kiến của Nguyễn Minh Châu cho rằng sự lấn át này đương là một trở ngại ‘trên con đường đi đến chủ nghĩa hiện thực’, đặc biệt trong thể loại tiểu thuyết. Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống cho phải đạo, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại thì mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo… Sự lấn át của bình diện cái phải tồn tại đối với bình diện cái đang tồn tại trong sự phản ánh nghệ thuật là một đặc trưng của cái cao cả (le sublime) như là một phạm trù mỹ học. Với ý nghĩa này, có thể nói rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở ta trong giai đoạn vừa qua mang khá đậm dấu ấn của cái cao cả.”. Như thế, thực chất trong bài viết nổi tiếng một thời của Hoàng Ngọc Hiến, vẫn là chuyện văn học phản ánh hiện thực, rằng nhà văn cần phải phản ánh hiện thực sao cho chân thật, phù hợp với bản thân cuộc sống, rằng quy luật phát triển của nền văn nghệ hiện thời là phải đi từ cái cao cả đến cái đẹp – tức là miêu tả cân bằng, hài hòa giữa cái đang tồn tại và cái phải tồn tại.

Một trong những điểm sôi động nhất của đời sống văn học đổi mới là các phát ngôn biểu thị quan niệm của người viết: quan niệm về tự do sáng tác, tự do ngôn luận; về quyền được thể hiện nỗi buồn, viết về cái tiêu cực; về cái mới trong văn học; về sự công khai dân chủ, tinh thần tranh luận đối thoại, về quản lý văn nghệ, quan hệ giữa văn nghệ và chính trị… và quan niệm về cái chân thật, về hiện thực trong văn học nghệ thuật. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm khẳng định “nghệ thuật bây giờ phải trở lại với con người thực nhiều hơn nữa”, phải “hướng tới sự thật, phản ánh sự thật”, thể hiện lương tâm, thái độ trước các số phận. Nhà văn Mai Văn Tạo nhấn mạnh: “Văn nghệ chúng ta dĩ nhiên đứng về cái thiện mà diệt tiêu cái ác, đứng bên trung diệt bên nịnh… xông vào đời thực, viết thực. Nếu không văn nghệ sĩ không có lý do tồn tại trong cõi dời này, như nó đã tồn tại độc lập tự nghìn xưa”. Bàn về đặc trưng, chức năng của văn học, nhiều người vẫn ví nó với tấm gương phản chiếu, thậm chí còn yêu cầu người sáng tác trong khi phản ánh cuộc sống tiêu cực, phản ánh những cái xấu cũng phải tự ngắm mình, soi mình qua gương chiếu hậu…

Ở lĩnh vực mỹ học và phê bình văn học, câu chuyện chính xem ra vẫn hoàn toàn trong khuôn khổ của khẩu hiệu “văn học nghệ thuật phản ánh hiện thực”. Tiêu chuẩn để đánh giá văn học là tính chân thật của sự phản ánh; bản lĩnh, cá tính của nhà văn bộc lộ trong sự phản ánh chân thật hiện thực cuộc sống.

Trong lý luận văn học cũng có tình trạng tương tự. Một trong những cuộc tranh luận nổi bật của thập niên 80, 90 là tranh luận giữa các quan điểm nhận thức khác nhau về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực. Năm 1988, Lê Ngọc Trà công bố trên báo Văn nghệ bài viết, nhan đề “Về vấn đề văn học phản ánh hiện thực” (số 20, 5/1988); theo ông, tạo nên những giới hạn của văn học trước 1975 có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân xuất phát từ sự nhận thức phiến diện của giới sáng tác và lý luận phê bình về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, và rộng ra là vấn đề bản chất của hoạt động sáng tạo nghệ thuật: mấy chục năm nay chúng ta luôn nhắc đi nhắc lại mệnh đề “Văn học là sự phản ánh hiện thực, nhiệm vụ chủ yếu của văn học là phản ánh hiện thực, vinh dự lớn lao nhất của nhà văn là phản ánh cho được đời sống chiến đấu và sản xuất của nhân dân”; chúng ta coi “tính hiện thực”, “chất hiện thực”, “chủ nghĩa hiện thực” như là tiêu chuẩn cao nhất của tác phẩm. Lê Ngọc Trà khẳng định: “Trên bình diện lý luận nghệ thuật (khác với trên bình diện lý luận phản ánh), văn học trước hết không phải là phản ánh hiện thực mà là sự nghiền ngẫm về hiện thực. Tác phẩm nghệ thuật thể hiện cách nhìn của nhà văn về cuộc sống, sự khao khát công lý xã hội… Văn học chủ yếu không phải là ghi chép, mô tả hiện thực mà là hành động tự nhận thức của nhà văn… Nội dung của tác phẩm văn học vì vậy cũng chứa đựng trước hết không phải hiện thực được phản ánh, mà là tư tưởng, tình cảm của nhà văn”, văn học rất cần sự thật, sự thật trong văn học là sự thật của cách nhìn, của thái độ, cách đánh giá của nhà văn đối với những hiện tượng được phản ánh, muốn phản ánh hiện thực cho chân thực, nghệ sĩ cũng phải biết và dám nói thật”, “Văn học không phải không phản ánh, mô tả hiện thực, nhưng đừng nên xem đây là nhiệm vụ quan trọng nhất, nhiệm vụ hàng đầu và bao trùm của nó”, “Nhà văn không thể không phản ánh trong sáng tác của mình những sự kiện, những vấn đề nóng bỏng của xã hội… Nhưng nhiệm vụ chủ yếu và lâu dài của văn học trong việc phản ánh hiện thực vẫn là mô tả số phận con người, khắc họa các tính cách con người”. Thực chất, ý kiến của Lê Ngọc Trà không phủ nhận văn học phản ánh hiện thực, chưa đi ra ngoài khung tri thức của phản ánh luận, chỉ là ông nhấn mạnh nhiều hơn đến tính chủ quan, tính sáng tạo, tính độc đáo, tính có chiều sâu của sự phản ánh, nhấn mạnh đến tính tư tưởng, cách nhìn, cách đánh giá, thái độ và sự trung thực của nhà văn về hiện thực và trong khi phản ánh hiện thực đời sống. Đối với Lê Ngọc Trà, nếu nhà văn quá thiên về mô tả, ghi chép, minh họa, cố gắng sao chụp, bê nguyên xi hiện thực vào tác phẩm, quá “khuyếch đại nhiệm vụ phản ánh”, sẽ đẩy văn học rơi vào tình trạng bị “suy tư tưởng”. Nhìn chung, Lê Ngọc Trà đã đem lại cho lý luận phê bình một cách định nghĩa rộng, thoáng và mềm dẻo hơn về mối quan hệ giữa văn học và hiện thực, nhưng không phải vì thế mà cho rằng ông đã vượt thoát khỏi hệ hình phản ánh luận, nhận thức luận. Những ý kiến phản đối, đồng tình hoặc chia sẻ (có điều chỉnh lại) một số khía cạnh trong “định nghĩa” của Lê Ngọc Trà, dù ở góc độ “đấu tranh tư tưởng” hoặc nhân danh đổi mới lý luận, nhân danh “sự hiểu biết đúng đắn hơn cả”, trên thực tế cũng vẫn chưa và không thể đi ra ngoài khung tri thức chủ đạo của thời đại. Đấy là chưa nói, trong cuộc thảo luận rộng lớn về ý kiến của Lê Ngọc Trà, đã có một số ý kiến cho rằng, khái niệm nghiền ngẫm (về hiện thực) của Lê Ngọc Trà, thực chất là một hình thức của phản ánh, họ kết luận “tư tưởng của Lê Ngọc Trà không phải là một bước tiến nhỏ của lý luận”, nó vẫn nằm trong khung lý thuyết quen thuộc, truyền thống.

Sự chuyển động mạnh mẽ của văn học trong “bối cảnh 1986” được ghi nhận trước hết ở văn xuôi, mà điểm nhấn của nó là các thể loại văn học báo chí, tập trung phản ánh các vấn đề xã hội nóng bỏng, tiêu cực, bức xúc (ký sự, phóng sự…), đề cao sự dũng cảm, trung thực, thẳng thắn trong ngòi bút. Bằng cách gắn bó với đời sống nhiều mặt, không tô hồng, né tránh cái sai, cái đúng, văn học đã thực sự chứng minh được nó đang tham gia tích cực vào đời sống, vào công cuộc đổi mới. Theo Trần Bạch Đằng từ Đại hội VI, văn học và báo chí được bật đèn xanh trong phản ánh các tiêu cực xã hội. Sau bài “Những việc cần làm ngay” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh không khí văn học, báo chí chuyển biến nhanh chóng. Nhà văn có ý thức cao hơn về trách nhiệm xã hội, họ trở thành “lực lượng thông tin hàng ngày cho sự đổi mới tư duy, đổi mới phong cách”, họ đấu tranh cho một xã hội công bằng, dân chủ, cho quyền được nói sự thật, được trung thực với chính mình, “Nói thật, nói thẳng, nói đúng là một trong những yêu cầu thông tin của giới văn nghệ đối với công chúng” (Nông Quốc Chấn). Nói thật, nói thẳng, nói đúng được bộc lộ không những trong việc phản ánh những vấn đề có tính thời sự nóng hổi mà còn thể hiện ra thành nhiệt tình khám phá và cắt nghĩa có chiều sâu về hiện thực. Nói thật, nói thẳng, nói đúng để thức tỉnh lương tri, báo động xã hội, “làm sâu sắc quá trình dân chủ hoá mọi mặt của đời sống đất nước, cổ vũ nhiệt tình cho công cuộc đổi mới, tích cực tham gia giải quyết những nhiệm vụ kinh tế, xã hội do nghị quyết Đại hội VI của Đảng đề ra” (Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị). Ranh giới giữa các thể loại văn học và báo chí trong trạng thái ấy cũng ngày càng mờ dần; hiện tượng pha trộn thể loại này được nhiều người gọi là “văn học hóa báo chí”, “báo chí hóa văn học”. Hiện tượng ấy cũng phần nào cho thấy tư duy phản ánh hiện thực, thứ hiện thực xù xì, gai góc, thô ráp khác nhiều so với hiện thực lý tưởng hóa trước kia, trở thành nét ưu trội của tư duy đổi mới văn học. Trong loại hình văn học phản ánh những vấn đề nóng bỏng của đời sống, Cái đêm hôm ấy… đêm gì? của Phùng Gia Lộc, Câu chuyện về một ông “vua lốp” của Nhật Linh, Người đàn bà quỳ của Xuân Ba, Lời khai của bị can của Trần Huy Quang, Làng giáo có gì vui? của Hoàng Minh Tường, Thủ tục để làm người còn sống của Minh Chuyên… thường được nhắc đến như những trường hợp tiêu biểu, một thành quả của đổi mới ở thể loại kí sự, phóng sự. Một số trường hợp khác, thành tựu khác trong văn xuôi (tiểu thuyết, truyện ngắn) mà lâu nay chúng ta khẳng định như những hiện thân của thời kỳ đổi mới cũng đều là sự tìm tòi sáng tạo, đổi chiều trong khuôn khổ của hệ hình phản ánh luận (phản ánh hiện thực đương đại và phản ánh đầy đủ, nhiều chiều hơn hiện thực đã qua), khi đánh giá những sáng tác đó nhiều người vẫn “nhìn từ yêu cầu phản ánh hiện thực”. Không ít “tác phẩm đổi mới”, được coi là đổi mới đến nay đã bị vượt qua, không còn sức hấp dẫn nữa hoặc khiến cho độc giả (bao gồm cả nhà phê bình chuyên nghiệp) không thể nói gì nhiều hơn những đánh giá về nội dung được phản ánh trong tác phẩm, cảm hứng phê phán, tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, ý thức phản biện, can dự trực tiếp vào đời sống ở các tác giả khai sinh ra chúng.

Trở lại bối cảnh đổi mới. Dưới ánh sáng đường lối đổi mới của Đại hội VI, Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 28/11/1987 của Bộ Chính trị, đời sống văn học Việt Nam có nhiều chuyển biến quan trọng. Tư tưởng nói thật, nhìn thẳng vào sự thật, đổi mới cách nhìn, cách nghĩ trở thành tư tưởng chủ đạo, tạo điều kiện thuận lợi cho tư duy nhận thức lại hiện thực, nhu cầu phản ánh hiện thực nhiều chiều phát triển mạnh mẽ. Tinh thần và cũng là một thứ triết lý về sự đổi mới văn học là thể hiện cách nghĩ, cách nhìn mới đối với sự thật, với hiện thực nói chung. Cởi trói văn học, phá rào trong văn học, ở ý nghĩa ban đầu của nó là hướng đến sự tự do (có “định hướng rộng”) trong phản ánh hiện thực, nhận thức hiện thực. Các nhà quản lý văn hóa văn nghệ và các nhà văn tâm huyết đối với công cuộc đổi mới nền văn học nước nhà không chủ trương, cổ vũ từ bỏ phản ánh luận. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị (1978) khẳng định “Văn học, nghệ thuật phải không ngừng nâng cao tính đảng và tính nhân dân, góp phần thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, phát huy chức năng hiểu biết, khám phá, dự báo, sáng tạo, nắm bắt nhạy bén hiện thực đang diễn biến, phát hiện và biểu dương cái mới, khẳng định những mầm non đang nảy sinh trong cuộc sống, phê phán không khoan nhượng những hiện tượng tiêu cực, bảo thủ trì trệ, tạo nên những điển hình sống động về những con người mới trung thực, dũng cảm, năng động, sáng tạo trong chiến đấu và xây dựng, những chiến sỹ của công cuộc đổi mới;… Tiếng nói của văn nghệ hiện thực xã hội chủ nghĩa Việt Nam phải là tiếng nói đầy trách nhiệm, trung thực, tự do, tiếng nói của sự thật, của lương tri, của tinh thần nhân đạo cộng sản chủ nghĩa, phản ánh được nguyện vọng sâu xa của nhân dân và quyết tâm của Đảng đưa công cuộc đổi mới đến thắng lợi”. Có thể nói rằng, văn học trong bối cảnh Đổi mới đất nước, ở dòng chính và giai đoạn đầu của nó, về cơ bản không có sự thay đổi quan trọng về mặt hệ hình, mà chỉ là sự điều chỉnh quy ước, quy chế phát ngôn về hiện thực, sự chuyển đổi từ cực này sang cực khác trong khuôn khổ của hệ hình phản ánh luận. Cần nhận diện đúng điều này để tránh những ngộ nhận đáng tiếc.

Đổi mới không phải lúc nào cũng là sự thay đổi, loại bỏ hệ hình này bằng hệ hình khác, đó có thể là sự thay đổi ngay trong lòng hệ hình thống trị, là sự điều chỉnh, bổ sung, tồn tại đồng thời các quan niệm nghệ thuật khác nhau trong một bối cảnh mới, bối cảnh chấp nhận sự đa dạng, chấp nhận những tiếng nói khác, công khai, chấp nhận sự phản tỉnh, phản biện. Đổi mới văn học ở giai đoạn đầu của “bối cảnh đổi mới” đất nước, nếu nhìn từ góc độ hệ hình, là không có đổi mới nền tảng, không thực sự tạo ra bước ngoặt mới, nếu có bước ngoặt thì đó là một bước ngoặt trong hệ hình chính thống, làm giàu có hơn, phong phú hơn khung tri thức của hệ hình đó, gia tăng sức mạnh kiến tạo và diễn giải tác phẩm trong nó.

Sự đổi mới trong văn học sau 1986 cho đến nay, đã trải qua nhiều khúc quanh, nhiều giai đoạn, không phải là không có bước chuyển hệ hình, nhưng ở phía khác, trường hợp khác, phẩm tính nghệ thuật thực sự của nó là điều không thể phủ nhận, tuy nhiên đây lại là nội dung của một bài viết khác mà chúng tôi sẽ trở lại trong nay mai.

Trần Thiện Khanh

Nguồn: phongdiep.vn