Kể từ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (tháng 12/1986) đến nay, đất nước ta đã trải qua 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới. Đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân, văn học Quảng Bình đã có nhiều bước chuyển sâu sắc, đạt nhiều thành tựu đáng kể trên tất cả các thể loại, góp phần quan trọng vào việc xây dựng nền tảng văn hóa, tinh thần của con người và xã hội, từng bước thực hiện thắng lợi Nghị quyết ngày 16/7/1998 của Hội nghị BCH Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết 23 của Bộ chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X ngày 16/6/2008 về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật trong thời kỳ mới.

Sự nghiệp đổi mới đất nước đã diễn ra 30 năm. 30 năm ấy, ai cũng nhận ra những thành quả to lớn của công cuộc đổi mới. Đó là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của nước ta, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Đổi mới mang tầm vóc và ý nghĩa cách mạng, là quá trình cải biến sâu sắc, toàn diện, triệt để, là sự nghiệp cách mạng to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta, vì mục tiêu”Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Trong lĩnh vực văn học, sự nghiệp đổi mới đã tạo ra những luồng cảm hứng mới, niềm say mê mới. Nhận thức của nhà văn về bản chất sáng tạo nghệ thuật được nâng cao hơn, ý thức cầm bút sâu sắc hơn, những tìm tòi đổi mới về phương thức thể hiện được khuyến khích. Theo đó, văn học thời kỳ đổi mới là một thực thể đa dạng, phong phú, thấm đầy tinh thần nhân văn hiện đại và ngày càng phát triển.

Khi công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng bắt đầu, Bình Trị Thiên đang còn hợp nhất. Các hội viên của Hội Văn nghệ Quảng Bình vào hợp nhất và các hội viên là người Quảng Bình chiếm phần đông và là lực lượng nòng cốt của Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên. Sức sáng tạo của các nhà văn, nhà thơ là người Quảng Bình thời kỳ này đã có sự bùng phát.

Thơ của các nhà thơ Quảng Bình từng nổi tiếng trên thi đàn đất nước trong những năm chống Mỹ cứu nước, tiếp tục cuộn chảy trong những năm đầu đổi mới. Đó là Nguyễn Văn Dinh với 2 tập “Lá mướp lá bàng” và “Chút mặn mòi”. Hoàng Vũ Thuật với 3 tập “Giữa những ngọn sóng”, “Giàn bí đỏ” và “Thế giới bàn tay trái”. Lý Hoài Xuân với 2 tập “Những đám mây mùa hạ” và “Phượng hoa vàng”. Hải Kỳ với ‘Ngọn gió đi tìm” và “Đồng vọng”. Ngô Minh với “Chiếc lá biết đi” và “Chân dung tự họa”. Mai Văn Hoan với “Ảo ảnh”…

Sự xuất hiện của văn xuôi tuy chậm và thưa thớt hơn, nhưng vẫn chứng tỏ được sức sáng tạo của các nhà văn người Quảng Bình đáng trân trọng. Sau 10 năm, kể từ khi hai tập tiểu thuyết “Đường qua làng Hạ” và “Đường giáp mặt trận” của Nguyễn Khắc Phê, hội viên Hội văn nghệ Quảng Bình ra đời năm 1976, trong năm đầu đổi mới, Kim Cương đã cho ra đời tiểu thuyết “Người quy phục Hoàng đế” với số bản in hiếm có là 60.300 cuốn được bạn đọc mua hết, đồng thời cho ra tập truyện “Điều hắn chưa tính đến” và in chung với Phạm Xuân Lục, Phan Văn Sừng tập “Cuộc săn đuổi bí mật”. Văn Lợi với 2 tập truyện ngụ ngôn: “Phần thưởng muôn đời” và “Nếu có thể cười được”. Đinh Duy Tư với tập truyện ngắn: “Người gác sau chiến tranh”. Nguyễn Quang Lập với tiểu thuyết “Những mảnh đời đen trắng”… Ngoài các tập thơ, văn xuôi được các nhà xuất bản công bố, các nhà văn, nhà thơ là người Quảng Bình, trong Hội văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên còn có hàng chục tác phẩm thơ và văn xuôi được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương.

Tháng 7 năm 1989, Bình Trị Thiên chia ba, Quảng Bình được tái lập. Mang theo khí phách, ý chí, tinh thần, sự thông minh và chịu khó, tích cực và tận tụy, nhiệt tình và tâm huyết của quê hương “quật khởi” và “Hai giỏi”, dù trong thời kỳ đầu còn gặp bao khó khăn, thiếu thốn trong hậu quả chiến tranh nặng nề và mảnh đất nghèo; các nhà văn nhà thơ Quảng Bình vẫn cố gắng vượt lên mọi thử thách, vừa tự cứu mình trong cuộc sống, vừa đem hết tinh thần trách nhiệm của mình miệt mài tư duy và sáng tạo phục vụ quê hương và nhân dân. Trong 10 năm đầu tái lập tỉnh, hội viên văn học đã cho ra đời 31 đầu sách văn xuôi, 46 tập thơ, hơn 10 tập san Văn nghệ Quảng Bình và 50 số tạp chí Nhật Lệ. Đó là một con số khá lớn, có thể nói là rất lớn trong hành trình văn học của tỉnh nhà từ trước cho đến thời điểm đó.

Về Thơ, có thể kể đến: Xuân Hoàng với 4 tập: “Thời gian và khoảng cách”, “Nỗi niềm trao gửi”, “Thơ tình gửi Huế” và tự truyện “Âm vang thời chưa xa”. Nguyễn Văn Dinh với 5 tập: “Hoa quê Bác”, “Tự tình”, “Giàn thiên lý”, “Hai ngọn sóng và “Lời dã tràng”. Hoàng Vũ Thuật với “Cỏ mùa thu”. Văn Lợi với “Quạ tập hót” và “Thơ tình Văn Lợi”. Lý Hoài Xuân với “Giữa hai người”, “Gió cát” và “Bầu trời hoa”. Hải Kỳ với “Nằm đếm trời sao”. Nguyễn Thiên Sơn với “Tiếng hát người câu cá”, “Bâng khuâng” và “Khoảng khắc”. Lê Đình Ty với “Tôi về áo ướt” và “Khoảng vắng”. Giang Biên với “Hoa trái mùa”. Nam Tâm với “Biển mặn”. Hồng Thế với “Lời mùa thu”. Đặng Kim Liên với “Những vì sao không tên” và “Người còn duyên”. Nguyễn Văn Hiệp với “Hoa cỏ tranh” và “Tóc thời gian”. Cảnh Giang với “Thời gian chưa xa”. Lê Công Thú với “Cứ gì phải nói”…

Về văn xuôi đã cho ra đời rất nhiều tác phẩm và đã xuất hiện nhiều hội viên văn học mới như; Hữu Phương với “Con người thánh thiện”, “Đêm hoa quỳnh nở” và “Hoa cúc dại”. Hoàng Thái Sơn với “Nơi bắt đầu có gió” và “Mầu nhiệm tháng ngày”. Nguyễn Thế Tường với “Hồi ức của một binh nhì”, “Gót lữ đoàn” và “Đường về quê”. Hoàng Bình Trọng với “Vầng trăng cuộc đời”, “Quê hương” và “Cuộc săn đuổi vàng”. Nguyễn Thúc Hà với “Trăng sáng băng trời biếc xanh”, “Trên dòng Nhật Lệ” và “Mỹ nhân cổ”. Văn Tăng với “Ông già Heineken” và “Đi tìm kho báu”. Nguyễn Quang Vinh với “Hồi ức màu đỏ”. Trần Hùng với “Những chuyện tình trong suốt”. Phạm Mè với “Quê hương một thuở”. Nguyễn Thế Thịnh với” ném đá lên trời”. Kim Cương với “Đồng đội”. Văn Lợi với 3 tập truyện ngụ ngôn… Bên cạnh những hội viên có những tập sách xuất bản, các hội viên như Hoàng Văn Bàng, Đỗ Duy Văn, Nguyễn Anh Dũng, Hồ Ngọc Diệp, Nguyễn Hữu Trường, Nguyễn Thế Nghiệp, Lê Anh Phong, Lê thị Mỹ Ý, Diệp Minh Luyện, Trương Văn Quê, Trương Vĩnh Hạnh… thường xuyên có tác phẩm được đăng tải trên các báo, đài của Trung ương và địa phương.

Dù chưa thành hình và còn mỏng manh, nhưng công tác nghiên cứu lý luận phê bình văn học cũng bước đầu xuất hiện, với nhiều bài viết của Lương Ngọc Bính, Hoàng Thái Sơn, Hoàng Vũ Thuật, Diệp Minh Luyện, Đặng Mai Hồng… Có thể nói, trong 10 năm đầu tái lập tỉnh, số lượng, nội dung và chất lượng văn học tỉnh nhà từng bước được nâng cao. Mỗi tác giả tiêu biểu đã có phong cách riêng, không ai lẫn vào ai, nhưng đều mang cốt cách văn học của một vùng đất. Dù sáng tác về đề tài lịch sử và chiến tranh cách mạng, hay những vấn đề xảy ra hôm nay, các tác phẩm đều mang hơi thở và dấu ấn Quảng Bình, đều hướng tới chân – thiện – mỹ và tinh thần nhân văn lâu dài. Các nhân vật trung tâm trong các tác phẩm tiêu biểu cho tính cách con người Quảng Bình. Đó là những con người anh dũng kiên cường trong chống giặc và chống thiên tai; cần cù, chịu khó trong xây dựng lại quê hương; dám nghĩ, dám làm, luôn vươn tới cái đẹp, cái mới cao cả.

Tháng 7 năm 1998, Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5 (khóa VIII) ra Nghị quyết về xây dựng nền văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, thì trong tháng 8 năm ấy, Phân hội văn học bao gồm cả nghiên cứu văn nghệ dân gian được thành lập sớm nhất của Hội từ năm 1994, đã tiến hành Đại hội lần thứ nhất, do nhà văn Kim Cương làm trưởng Phân hội và tháng 9 năm 1999 Chi hội nhà văn Việt Nam tại Quảng Bình được thành lập do nhà văn Hữu Phương làm Chi hội trưởng. Các tổ chức mang tính chuyên ngành văn học được công bố chính thức, chứng minh sự phát triển của văn học và sự lớn mạnh của Hội. Chủ trương mới của Đảng đã mở ra. Tính chủ động và sự hoạt động của ngành văn học được nâng cao. Các hội viên văn học trong tỉnh có điều kiện hội tụ với nhau, động viên nhau, tạo điều kiện cho nhau sáng tác trong các buổi hội họp, trong các trại sáng tác, trong những đợt đi thực tế và trong giao lưu…Chuyên ngành văn học đã không ngừng phát triển thêm nhiều hội viên mới và được rất nhiều hội viên của các chuyên ngành khác tham gia sáng tác các tác phẩm văn học. Với sức thu hút mạnh mẽ đó, từ số hội viên có thể đếm trên đầu ngón tay trong những năm đầu tái lập tỉnh, đến nay đã có trên 150 hội viên sáng tác văn học. Chưa kể hàng trăm tác phẩm lẻ được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, gần 18 năm qua chúng ta đã được các Nhà xuất bản công bố trên 260 đầu sách, trong đó có hơn 110 tập văn xuôi, hơn 145 tập thơ và 4 tập lý luận phê bình văn học. Điều đáng mừng là nếu như trước năm 2000, tiểu thuyết ở Quảng Bình gần như vắng bóng, thì trong 16 năm đầu của thế kỷ 21 này, từ các hội viên của Phân hội văn học Quảng Bình này đã có trên 20 tiểu thuyết cho ra mắt bạn đọc. Cũng như tiểu thuyết, sau mấy chục năm lặng im, thơ Quảng Bình đã bừng lên, tạo nên sự đột phá mạnh mẽ với gần một chục trường ca dầy dặn, lại có nhiều đầu sách lý luận phê bình văn học ra đời!

Không chỉ vui và tự hào, mà phải nói là rất ngạc nhiên, khó tưởng được trước những bứt phá ngoạn mục ấy! Bao nhiêu năm âm ỉ, bao nhiêu năm hun đúc và nuôi dưỡng, đã bùng lên trong thời kỳ đổi mới. Đành rằng sẽ có những thầy phán đánh giá chất lượng thế này thế kia và tầm cao, tầm thấp khác nhau, nhưng trước hết phải nói là rất trân trọng sức sáng tạo của các tác giả. Lê Quý Đôn là người đánh giá rất cao về văn chương: “Chỉ có văn chương là bất hủ – Họ tên treo núi đường trăng sao” và cũng đã nói rằng: “Văn chương là của chung thiên hạ, ý kiến mỗi người một khác, phân tích thì được chứ đừng nên chê…”. Trong phạm vi một bài viết, không thể tôn vinh hết hơn 260 lượt tác giả có sách xuất bản trong 18 năm qua, nhưng có thể kể đến một số tác giả và một số tác phẩm tiêu biểu như: Hoàng Bình Trọng với 4 tiểu thuyết (“Tổ chim trên sóng”, “Về với mẹ”, “Bí mật một khu rừng”, “Thức tỉnh” và 2 trường ca viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quang Trung. Nguyễn Quang Vinh với 4 tiểu thuyết (“Đêm thức”, “Người thất bại trở về”, “Người và dã thú” và “Tiếng gọi phía đất liền”. Hoàng Văn Bàng với 3 tiểu thuyết (“Ảo giác”, “Gã phiêu lãng” và “Uẩn khúc”. Kim Cương với bộ ba tiểu thuyết (“Người quy phục hoàng đế”, “Hoa dạ hương”, “Tiếng nổ sau chiến tranh”) và tập ký sự “Đường qua tuyến lửa” dày dặn 650 trang. Hoàng Thái Sơn với 2 tiểu thuyết (“Lửa của cỏ”, “Những mái đầu xanh” và nhiều tập truyện ngắn). Hữu Phương với 2 tiểu thuyết (“Chân trời mùa hạ”, “Tiếng nổ bên thiên đường”) và nhiều tập truyện ngắn. Nguyễn Thế Tường với tiểu thuyết “Bến đắng” và nhiều tập truyện ký. Trác Diễm với 2 tiểu thuyết “Hồn lau trắng” và “Tiếng vọng Ma coong”. Đinh Duy Tư với tiểu thuyết “Ngược dòng sông chảy” và nhiều tập truyện ngắn. Trương Tán với tiểu thuyết “Đứa con chợ cồn”. Lý Minh với tiểu thuyết “Cõi nhớ”. Trương Thị Cúc với tiểu thuyết “Bụi đá” và nhiều tập thơ. Nguyễn Anh Dũng với tiểu thuyết “Người châu thổ”. Trương Thu Hiền với “Đoản khúc cho quê” và “Độc bản”. Văn Tăng với tập “Đi tìm kho báu”. Lê đình Hồng với “Hương cỏ mật”. Nguyễn Thị Lê Na với “bến đợi nhọc nhắn”. Nguyễn Thị Hương Duyên với “Bến mê” và “Ở giữa những người đàn ông”. Về thơ, có thể kể đến: “Thơ tình Xuân Hoàng”, “110 bài thơ tứ tuyệt về Bác Hồ” của Nguyễn Văn Dinh, “Tháp nghiêng” và “Mùi” của Hoàng Vũ Thuật, “Tình mẹ” của Văn Lợi, “Ngày không ngờ” của Nguyễn Bình An, Trường ca “Đồng Hới khúc huyền tưởng” của Thái Hải, Trường ca về Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Quang Trung của Hoàng Bình Trọng, Trường ca “Âm vang Cự Nẫm” của Trần Hải Sâm, Trường ca về Nguyễn Du của Lý Hoài Xuân, Trường ca “Sóng Sông Gianh” của Cảnh Giang, “Lời mùa thu” của Hồng Thế, “Khoảng vắng” của Lê Đình Ty, “Đối thoại lục bát” của Hải Kỳ, “Giữa hai chiều gió” của Đặng Kim Liên, “Sóng vọng” của Trần Thị Huê, “Vòng thời gian” của Trần Thị Thu Huề, “Dạ khúc cho em” của Trương Thị Cúc…

Bên cạnh sức sáng tạo mạnh mẽ của các nhà văn, nhà thơ đã từng bước tiến bộ, lý giải khoa học hơn quan hệ giữa văn học với nghệ thuật và chính trị, giữa hiện thực với nghệ thuật, có nhiều cố gắng tiếp cận với các phong cách sáng tác hiện đại, những cách tân đúng hướng, đồng thời phê phán bệnh sơ lược, giản đơn, chạy theo thị hiếu tầm thường. Công tác lý luận phê bình văn học từng bước phát triển và nâng cao. Tư tưởng văn học truyền thống của cha ông được quan tâm nghiên cứu. Phê bình văn học trong thời kỳ đổi mới có tác dụng tích cực đối với sáng tác, phát hiện cái tốt, ủng hộ cái mới, tiến bộ trong hoạt động sáng tạo. Nếu như, trong mấy chục năm trước đây, chúng ta chỉ có vài người, viết vài bài lẻ tẻ đăng trên các báo, thì giờ đây đã có nhiều tập sách lý luận phê bình văn học chính hãng dày dặn ra mắt bạn đọc, như “Thơ Hoàng Vũ Thuật – nhìn từ thi pháp học Roman Jakobson” và “bản sonat thi ca” của Hoàng Thụy Anh. “Văn chương tìm và gặp” của Hoàng Vũ Thuật. “Cảm nhận dọc đường văn học” của Tạ Đình Nam… Chúng ta cũng đã tổ chức được nhiều cuộc hội thảo về thơ Hàn Mặc Tử, Nguyễn Du, về trường ca “Đồng Hới khúc huyền tưởng” của Thái Hải và tiểu thuyết “Chân trời mùa hạ” của Hữu Phương… tạo ra không khí mới, tác động mạnh mẽ, nâng cao giá trị văn học tỉnh nhà.

Trước thực tiễn mới của cách mạng, văn học Quảng Bình nhà đã hòa nhập với văn học của cả nước, nhằm vào mục tiêu chung của văn hóa để tiếp tục có thêm nhiều đóng góp mới đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lấy con người làm đối tượng trung tâm, văn học đã từng bước thể hiện và sáng tạo ra những chuẩn mực nhân cách mới của con người Việt Nam, hợp với xu thế phát triển của dân tộc và nhân loại trong thời đại ngày nay. Văn học tỉnh nhà đã phản ánh khát vọng của một vùng đất giàu truyền thống lịch sử và cách mạng, giàu truyền thống văn hóa, đang vươn tới ấm no, hạnh phúc trong công cuộc đổi mới, do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Các nhà văn trong tỉnh luôn hoà mình và đã lao vào thực tiễn sôi động của công cuộc đổi mới và sự nghiệp công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Với chức năng, tài năng, sự nhạy cảm và sự thông minh của mình, bằng hình t­ượng và tác phẩm văn học, các nhà văn trong tỉnh luôn bám sát cuộc sống sinh động, đem hết tinh thần, khả năng, tư­ duy, sáng tạo, phát hiện và thể hiện trong nhiều tác phẩm của mình những điển hình tiên tiến, những mô hình làm ăn giỏi bằng hình t­­ượng văn học giàu sức thuyết phục, thu hút đ­ược sự chú ý của dư luận. Những tác phẩm đó đã góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh để mở rộng và làm sâu sắc hơn quá trình đổi mới quê hư­ơng, đất n­ước, thể hiện phong phú hơn sự chuyển mình mạnh mẽ của tỉnh nhà.

Qua 4 lần xét trao giải Lưu Trọng Lư, văn học tỉnh nhà đã có 55 tác phẩm đoạt giải. Cũng trong 30 năm đổi mới đất nước rất nhiều tác phẩm của hội viên chuyên ngành văn học đã được các cấp, Hội đồng các giải thưởng và các cuộc vận động tặng giải thưởng.

Công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng đã giành nhiều thành tựu to lớn trong 30 năm qua và đang dàn thế trận với nhiều giải pháp tích cực mở ra niềm tin mới, mở ra cho văn học Quảng Bình nhiều cảm xúc mới và trách nhiệm mới trong sáng tạo. Trên chặng đường mới, chắc chắn văn học tỉnh nhà sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, sáng tác được nhiều tác phẩm tốt hơn phục vụ quê hương – đất nước và nhân dân.

Kim Cương – Văn học quê nhà