Sống qua hai thế kỷ, đã từng nhiều năm ở Pháp, Mỹ và cuối đời lại trở về với đất nước Ba Lan, trải nghiệm sâu sắc tất cả những thăng trầm của thời cuộc, Cz. Miłosz đã để lại một khối lượng đồ sộ các tác phẩm thơ, tiểu thuyết, tiểu luận và dịch thuật.
Là một trí thức được đào tạo bài bản về văn học và triết học, ông là người nhìn thầy rất rõ những mặt đối lập của cuộc sống hằng ngày, giữa sự sống và cái chết, giữa thật và giả. Thấu hiểu sự phức tạp của thế giới mà chúng ta đang sống, thấu hiểu từng nỗi đau, từng niềm vui của mỗi cá nhân cũng như của cả nhân quần, với nhiệt huyết cháy bỏng, với cốt cách không bao giờ chịu khuất phục, ông luôn bằng mọi cách đấu tranh để con người nhận ra và không được phép thờ ơ, vô cảm, lặng câm trước những bất công và đau đớn. Trong diễn từ Nobel của mình, ông viết: “Mọi nghệ thuật chẳng là gì so với hành động. Tuy nhiên, chỉ nhờ phép gián cách, chỉ bằng cách bay lượn trên cao, ta mới khái quát được thực tại mà vẫn giữ được nó nguyên vẹn trong toàn bộ mắc míu của nó với cái thiện và cái ác, với tuyệt vọng và hy vọng”.
Là người luôn hướng tới sự hoàn thiện của nghệ thuật, hướng tới sự cách tân của thi ca, thơ ông thật sự rất đa dạng về phong cách, chứa đựng nhiều phá cách và nghịch lý. Với cấu trúc đa âm điệu, thơ ông lúc đậm chất bi thương, lúc bừng bừng phẫn nộ, lúc khinh miệt, khi giễu cợt mỉa mai, lúc trừu tượng, lúc lại vô cùng cụ thể. Nhiều hình ảnh trong thơ ông hiện lên hết sức bất ngờ. Song, dù với phong cách diễn đạt thế nào đi chăng nữa thì thơ Cz. Miłosz đúng như ông tự nhận luôn bày tỏ niềm ước mong hoà bình và công lý.
THƠ CZESLAW MILOSZ
Nhà thơ
Nhà thơ nói với những người đang đếm những kẻ trung thành
rằng tôi đã phụng sự sứ mệnh của mình.
Họ cười ồ lên và chẳng thèm nghe.
“Phụng sự gì?” họ cợt đùa và hỏi.
Sau này nhà thơ mới tỏ
rằng mình bị bao vây
bởi một vòng vây rất chặt
rằng trong một ngày như vậy
phòng thủ là vô phương
bởi chẳng ai dám nhìn vào mắt nhà thơ – nhìn thẳng.
Và ngôn từ của nhà thơ từ hai ngọn lửa
gây nên cái chết vô hình
đến tận hơi thở cuối cùng
gặm nhấm câu chuyện hài tiễn biệt.
Nhìn gương mặt những người anh em vĩ đại của mình:
trong lời họ là sự thật chân tình
nhà thơ cần biết, người ta phải trả giá như thế nào
một khi chọn nghề này thời trẻ.
Nhà thơ sẽ nghe ra
khi bác sĩ phẫu thuật túm lấy anh và bảo:
“Ở đây chúng tôi không muốn hại anh
phanh ngực anh không đớn đau
chúng tôi sẽ lấy ra hòn than nóng bỏng.
Anh sẽ sống chẳng hề đau đớn.
Chúng tôi cho anh sự vinh quang và rất nhiều bạn đọc.
Hãy để thơ anh thành vũ hội cho người
thay vì chiến tranh”.
Sẽ thành như vậy.
Và tro tàn sẽ phủ lên những trang viết của nhà thơ.
Dẫu họ có mơ những giấc mơ khủng khiếp
song không một ai dám thừa nhận mình mơ.
Còn anh, hỡi con người, hãy đừng mừng vội
trống sẽ rộn lên bên cái chết của nhà thơ
cháu chắt của thế kỷ sẽ khóc oà mỗi khi tưởng nhớ
nhà thơ kẻ rất cần nên hãy đừng tưởng bở
Gửi thơ
Thơ ơi, nếu ta có lỗi gì bởi đã nói thay lời bạn
thì đó là lời của con người, lời của nỗi đau từ chính trong ta
hãy thứ tha
với những cáo buộc rối ren
không thể giống như
ngọn sóng biển bạc đầu vào san hô xô mãi.
Bạn là nét phác hoạ cái mũi của con ngựa hãy còn chưa ra đời
là dáng hình, sắc màu quả táo kia đã tan thành bụi
là ánh chớp của cánh én chạm vào đầu Tiberius
tại một nơi trong cõi vĩnh hằng.
Hãy giải thích xem có nghĩa gì khi ta gọi “Bạn”
những điều ngoài chúng ra đâu có lời nào khác
chúng tồn tại ở rất xa nơi thời gian nưng lại
rất xa tình yêu và hận thù nhân loại.
Phố Descartes
Vòng qua phố Descartes
tôi đi về phía sông Seine
một đứa mọi trẻ ranh
rụt rè chu du đến thủ đô thế giới.
Chúng tôi nhiều người
đến từ Jass, Koloshvar, Vilno
Bukaret, Sài Gòn và Marakesh
xấu hổ khi nhớ lại những tập tục gia đình
mà ở đây không nên tiết lộ cùng ai:
Vỗ tay gọi người hầu, những thiếu phụ chân trần chạy lại
chia thức ăn với những câu thần chú
chủ và tớ cùng đồng ca những lời cầu nguyện.
Tôi đã bỏ lại sau lưng những vùng quê tăm tối
sờ sững, khát khao bước vào chốn toàn năng.
Rồi nhiều người từ Jass, Koloshvar
Sài Gòn hoặc Marakesh
đã bị giết vì muốn lật đổ đi những tập tục gia đình.
Rồi bạn bè họ đã nắm quyền
nhân danh những gì tốt đẹp, toàn năng.
Trong khi ấy tác phẩm vẫn giữ nguyên cho mình
những nét tự nhiên
vẫn cất tiếng cười khàn trong bóng đêm
nướng những chiếc bánh mì dài
rót rượu vang vào những bình đất sét
mua cá, tỏi, chanh ngoài những chợ trời
vẫn thờ ơ với vinh và nhục
với vĩ đại và tiếng tăm
bởi lẽ tất cả những thứ đó đã có rồi
và biến thành những tượng đài chẳng biết là ai
thành sự ghép lời hoặc bài đơn ca nghe chẳng rõ.
Tôi lại tựa cùi tay lên bờ đá hoa cương xù xì
như mới trở về từ chuyến thăm những miền âm phủ
và đột nhiên thấy trong ánh sáng
vòng quay của bốn mùa
nơi những đế chế rã tan
cũng đã chết rồi những người từng sống
và chẳng có ở đây hay bất cứ nơi nào
thủ đô thế giới.
Và tất cả những tập tục bị lật đổ trước đây
đã được phục hồi danh dự.
Và giờ thì tôi biết
thời gian các thế hệ con người
không giống như thời gian trái đất.
Còn về những trọng tội của tôi
có điều làm tôi nhớ nhất:
Làm sao khi đi trên con đường mòn phía trên thác nước
tôi đã làm tảng đá to rơi vào con rắn nước
đang nằm trên cỏ vo tròn.
Và những gì tôi gặp trong đời
là một sự trừng phạt đích đáng
sự trừng phạt sớm muộn gì
cũng sẽ với tay tới kẻ phạm điều cấm kỵ.
Số phận
Có phải hạt sồi cũng hệt như cây sồi chết trắng?
Có phải than đá cũng hệt như dương xỉ?
Có phải một giọt nước cũng hệt như những làn sóng biển?
Có phải chiếc nhẫn quý giá này cũng hệt như là thép?
Vậy thì tại sao lại hỏi tôi về những bài thơ cũ
và tên ngộ nghĩnh của những người tìnhd dã qua?
Hãy để thơ tôi đi con đường của mình như ai đó muốn.
Hãy để những người tình của tôi sinh con cho kẻ khác.
Tôi chỉ cần nhẫn, cây sồi, than và con sóng bạc đầu.
Nỗi sợ
Cha ơi, cha ở đâu! Rừng xung quanh hoang vu, tối lặng
tiếng thú chạy rung xạc xào bụi rậm
những nhành lan loè lửa chết người
những vực thẳm dưới chân rình rập.
Cha ơi, cha ở đâu! Đêm như là bất tận
bóng tối trùm lên vĩnh viễn từ giờ.
Những lữ khác vô gia cư sẽ lìa đời vì đói
bánh mì của chúng ta như đá, đắng cay.
Hơi thở nóng hổi của con thú kinh người
tiến lại gần, phả mùi hôi thẳng vào trước mặt.
Cha ơi, sao chẳng xót thương, cha đi đâu bỏ mặc
tiếng con trẻ lạc đường gào trong rừng điếc câm.
Đọc sổ ghi chép của Anna Kamienska
Đọc bà, tôi mới hiểu
bà giàu có biết bao, tôi nghèo rớt làm sao.
Bà giàu tình yêu và nỗi khổ
giàu nước mắt, giấc mơ và những nguyện cầu.
Bà sống giữa những người thân thiết
ít gặp may nhưng luôn cùng trợ giúp
gắn với nhau bằng khế ước
của kẻ sống và những người đã chết
ghi trên mộ bia và luôn được kéo dài.
Bà đã vui thì thảo dược
vì hoa hồng hoang
vì những cây thông và khoai tây trên ruộng
và hương đất thân quen từ thời thơ dại.
Bà không phải nhà thơ lừng danh.
Nhưng đó là sự côngb ằng.
Người tốt sẽ không học những mưu mô của nghệ thuật.
Lưu vong
Những năm tháng lưu vong trở về trong những giấc mơ tôi
và chỉ vào khi đó
tôi mới biết mình đã đớn đau, tủi nhục chừng nào.
Cuộc sống của chúng ta những năm qua
được che khuất hoặc xây tường bao bọc
giống như những con ong
dùng sáp vá những chỗ nào hư hỏng.
Liệu có ai sống được
khi còn nhớ nguyên xi
tất cả sự hạ nhục đối với niềm kiêu hãnh của mình
và những cái nhìn bố thí với kẻ đáng thương
kẻ đang nghĩ, như ở nhà, mình cũng còn chút giá?
Nếu như phải làm chứng nhân cho giới trẻ
tôi sẽ không nhắc gì tới sự thành công
sự thành công tất nhiên là có rồi
song đượm đầy cay đắng.
Thế kỷ mới
Cơ thể không còn muốn nghe mệnh lệnh của tôi.
Nó ngã quỵ trên con đường bằng phẳng
leo lên cầu thang nhọc nhằn.
Tôi châm biếm nó.
Tôi cười to giễu cợt
sự nhão nhoẹt của cơ bắp
sự lê lết của đôi chân
sự mù quáng
tất cả những thông số của già nua quá đỗi.
Rất may tôi vẫn còn viết thơ vào ban đêm.
Cho dù khi sáng ra chép lại
tôi không thể đọc lên chữ viết của mình.
Những nét chữ
được máy tính phóng to lên hỗ trợ.
Tôi đã kịp chờ máy tính
Ôi, vậy cũng đã là rất may.
Tạ Minh Châu dịch
Dịch giả Tạ Minh Châu (Nguồn: Tạp chí Thơ HNV)
Đăng lại từ Vanvn.net