Kể từ những năm xa xôi, do quan hệ về địa dư, văn hóa và hình thái xã hội của Đài Loan đều kế thừa truyền thống dân tộc Hán ở Trung nguyên. Cuối đời Minh, Thẩm Quang Văn phò hai vua chống Thanh không thành, chạy sang Đài Loan và gieo giống văn học cổ ở đây.

Trải qua hơn hai trăm năm vun trồng, đến  cuối đời Thanh, văn học cổ Đài Loan mới thực sự đơm hoa kết trái, tác phẩm đạt trình độ ngang bằng với văn học cổ đại lục.

Năm 1895, chiến tranh Giáp Ngọ kết thúc, nhà Thanh buộc phải nhượng Đài Loan và quần đảo Bành Hồ cho Nhật Bản, nhà văn tham gia chống Nhật không thành đã gửi lòng mình ở thơ văn.

Văn học mới cũng từng được cách mạng văn học Ngũ Tứ kích thích. Hầu hết nhà văn mới của Đài Loan dưới thời Nhật chiếm đóng cũng như nhà văn đại lục là dùng bạch thoại để sáng tác. Mặc dù năm 1930, giới cầm quyền Nhật Bản cấm nhà văn Đài Loan sáng tác bằng Hán văn, vì thế một số nhà văn bất đắc dĩ phải sáng tác bằng Nhật văn và đạt tới trình độ của nhà văn Nhật Bản nhưng phản ánh trong tác phẩm của họ vẫn là hiện thực bi thảm của dân chúng Đài Loan bị áp bức.

Sau khi Đài Loan quang phục-được trao trả cho chính quyền Trung Hoa dân quốc ngày 25 tháng 10 năm 1945, nhà văn Đài Loan lại học sáng tác bằng Trung văn để gánh vác trách nhiệm mà lịch sử giao phó. Bằng phong cách tả thực, họ phản ánh hiện thực xã hội của Đài Loan, diện mạo nhiều vẻ, những tiến bộ và trở ngại về đời sống tinh thần của dân chúng.

Đài Loan trải qua cuộc xâm lược và thống trị của Hà Lan, Tây Ban Nha, Nhật Bản, từng là xã hội di dân được gọi là  “Hán, Phiên tạp cư”, vì thế mô thức sinh hoạt và dân tình phát triển khác với xã hội đại lục. Nhất là sau khi Nhật Bản thống trị 50 năm và sau 50 năm quang phục, trong tình trạng hoàn toàn cách ly với đại lục, Đài Loan đã tiếp thu tinh hoa văn học của Âu Mỹ và Nhật Bản, dần dần có được tính cách tự chủ khá rõ rệt.

Một trong những vấn đề quan trọng của văn học Đài Loan hiện đại là làm thế nào nhào nhuần nhuyễn kỹ xảo văn học tiền vệ phương Tây với văn học mang phong cách dân tộc truyền thống, xây dựng một nền văn học bao gồm tính chất đặc biệt của Đài Loan và tâm nhìn có tính thế giới.

*****

Sau mấy nét khái quát chung cô đọng trên đây, chúng ta có thể đọc Đài Loan văn học sử cương xuất bản năm 1987 của Diệp Thạch Đào (1925-2008), nhà văn và nhà bình luận nổi tiếng Đài Loan để biết cụ thể hơn.

Đọc những chương viết về tình hinh văn học 50 năm sau khi Đài Loan quang phục, chúng ta thấy cuối thập niên 40, những trí thức đã từng đấu tranh với thực dân đều muốn tiếp tục hoàn thành sự nghiệp còn dang dở, đó là xây dựng nền văn học giàu sắc thái Đài Loan trở thành một cây tươi tốt trong rừng văn học thế giới. Báo chí lúc này đều bỏ Nhật văn, dùng Trung văn, nhà văn phải học lại Trung văn để sáng tác. Nhà văn xuất sắc viết bằng Nhật văn trước đây hoặc phải gác bút hoặc cần nhờ dịch tác phẩm ra Trung văn, vì thề đến cuối thập kỷ 40, Đài Loan chưa có nhà văn mới sắc sảo nào. Khoảng trống này được trí thức Đài Loan lấp đầy bằng việc tiếp thu tinh hoa văn học của đại lục, từ tác phẩm của Lỗ Tấn, Ba Kim, Mao Thuẫn, cho chí Hồng lâu mộng, Thủy hử, Kim Bình Mai mà năm chục năm qua họ xa cách. Văn học đại lục chuyển sang Đài Loan giúp nhà văn nơi đây hiểu được tình hình biến thiên của xã hội cận đại ở đại lục, đồng thời Phòng tân văn Nga Xô ở Thượng Hải cũng đưa rất nhiều tác phẩm văn học kinh điển của Liên Xô sang Đài Loan, giúp trí thức nơi đây biết được những nét chung nhất về con đường phát triển văn học của Liên Xô, nhất là Người mẹ và Sông Đông êm đềm đã mang lại cho họ những suy tư sâu sắc.

Thời gian này, tranh luận về văn học Đài Loan nên phát triển theo con đường nào rất sôi nổi. Một trong những nhà văn tham gia thảo luận là Lạc Đà Anh mong văn học Đài Loan viết theo hình thức chủ nghĩa tân tả thực mà như Dương Phong nói là “văn học đại chúng hiện thực chủ nghĩa” [1].Theo Lạc Đà Anh, “ chủ nghĩa tân tả thực là tư tưởng nghệ thuật và phương pháp biểu hiện đựa trên  thuyết duy vật biện chứng và thuyết duy vật lịch sử, trên lập trường giai cấp nhất trí với sự phát triển của lịch sử” [2].

Một vấn đề nữa cũng gây tranh luận là tính đặc thù của văn học Đài Loan. Trong giai đoạn đầu, văn học Đài Loan đã từ bỏ văn học “nghệ thuật vì nghệ thuật”, xây dựng dựa trên văn học dân chủ và khoa học, khẳng định phong trào văn học mới của Đài Loan tương đồng với phương hướng của phong trào giải phóng dân tộc ở đại lục. Nhưng phần nhiều nhà văn ngoại tỉnh cho rằng nhà văn Đài Loan không nên quá nhấn mạnh tính đặc thù của địa phương, còn nhà văn Đài Loan như Dương Quì, Lâm Thự Quang, Lại Nam Nhân nhấn mạnh lịch sử và thành tựu của phong trào văn học mới Đài Loan, hy vọng văn học Đài Loan bắt rễ ở tính đặc thù của địa phương, kiến lập nên văn học có tính tự chủ. Cơ sở xây dựng văn học Đài Loan sau bốn năm đầu thời kỳ quang phục có ảnh hưởng sâu xa, tiến tới quan niệm văn học Đài Loan phải do toàn thể nhà văn cùng chung nhận thức và hợp tác để tìm ra con đường sáng tác tự do hơn, khoan dung hơn, đa nguyên hóa hơn, tượng trưng cho tinh thần và số phận của người Đài Loan.

Thập niên 50, chính phủ Quốc dân đảng dần dần triệt thoái khỏi đại lục, Đài Loan dung nạp khoảng hai triệu dân di cư. Trong mười năm từ 1950 đến 1960, do nhà văn Đài Loan vẫn khó vận dụng Trung văn để sáng tác nên văn học Đài Loan hoàn toàn do nhà văn đại lục di cư sang Đài Loan khống chế, vì thế văn học của cả thập kỷ 50 đều phản ánh tâm thái chán nản, thất vọng và thù hận của họ. Tâm thái này khiến cho một bộ phần nhà văn trốn tránh hiện thực, lui vào tháp ngà mà mơ mộng. Thế là tiểu thuyết của phái Uyên Ương Hồ Điệp sống lại [3], nhưng khác với thời ở đại lục là không còn nền tảng đời sống hiện thực, xa rời quan điểm có tính xã hội, chỉ còn lại một số quy phạm đạo đức mơ hồ, tuy vậy vẫn sống được đến thập kỷ 80, có ảnh hưởng sâu rộng. Đứng đầu là Quỳnh Dao, tiểu thuyết đại chúng của bà thẩm thấu vào đời sống dân chúng qua trận địa vững chắc là phim truyền hình.

Thập niên 50 đánh dấu sự nở rộ của nhà văn nữ. Do không khí thời đại căng thẳng, hiểm nguy, hơi một tí là bị cuốn vào cơn lốc chính trị nên hiếm thấy tiểu thuyết mang quan điểm có tính xã hội. Tác phẩm viết về gia đình, về quan hệ nam nữ và luân lý của nhà văn nữ được mùa. Tuy cũng viết về lòng thù hận, nhưng hứng thú chủ yếu trong  truyện dài Cô em họ Liên Y của Phan Nhân Mộc vẫn không ra khỏi phạm vi phụ nữ, gia đình, tình ái. Các nhà văn nữ khác còn có Tô Tuyết Lâm, Tạ Băng Oánh, Lâm Hải Âm, Quách Lương Huệ, Đồng Chân, Trương Tú Á, Phồn Lộ, Nghiêm Hữu Mai, Ngải Văn, Mạnh Dao v.v…Tô Tuyết Lâm đã từng nổi tiếng ở đại lục, sau khi di cư vẫn viết tạp văn có sức tố cáo sắc sảo. Tạ Băng Oánh cũng vậy, cuốn Nữ binh tự truyện của bà từng được dịch ra nhiều thứ tiếng nước ngoài. Còn Lâm Hải Âm sau khi tới Đài Loan từng chủ biên tờ phụ san của báo Liên hợp, sáng lập tạp chí Văn học thuần và chủ trì nhà xuất bản Văn học thuần, có cống hiến đáng kể đối với sự phát triển của văn học Đài Loan. Hầu hết tác phẩm của bà đều hoàn thành trong thập kỷ 50, 60, như các tập truyện Mây sáng, Chuyện cũ thành nam, Bấc nến, Chuyến đi của Mạnh Châu v.v… Chủ đề trong truyện của bà phần nhiều là gia dình, con trẻ, người già, sắc thái dân tộc nồng đậm, chú trọng miêu tả gia đình tan vỡ khi Đài Loan chuyển sang xã hội tiêu dùng, tình yêu và hôn nhân của phụ nữ bị ngăn trở.

Thập niên 50 cũng có thể nói là thời đại của tản văn, phản ánh không khí thời đạia: lòng người căng thẳng, muốn có cái ngăn ngắn, đọc hết ngay, giải tỏa bức xúc cho lòng thoải mái. Nhưng tản văn viết về “phong hoa tuyết nguyệt” lại quá nhiều, hoặc có “tính chiến đấu” thì nghìn bài như nhau, đọc phát ngán. Vì thế một số nhà tản văn chuyển sang viết truyện. Tương đối có thành tựu là  các nhà tản văn nữ như Từ Chung Bội, Ngải Văn, Trương Tú Á, Phan Kỳ Quân, Chung Mai Âm, Vương Văn Y, Trương Thấu Hàm, Vương Đạm Như, Lâm Hải Âm, Trần Hương Mai, Trương Tuyết Nhân v.v…Ngoài ra, còn các nhà tản văn nam như Lương Thực Thu, Phượng Hề, Lưu Tâm Hoàng, Tuyên Kiến Nhân, Quý Vi, Chu Quân Lượng. Bá Dương, Tư Mã Thanh Sơn, Ứng Vị Trì, Trình Triệu Hùng v.v…. Lương Thực Thu năm 1949 xuất bản Nhã Xá tiểu phẩm, tái bản đến hơn 30 lần. Tiểu phẩm của ông thanh thoát, phác thực, giàu chất hài hước.

Sang thập niên 60, Bạch Tiên Dũng còn đang là sinh viên khoa Ngoại văn trường Đại học Đài Loan đã cùng các bạn như Vương Văn Hưng, Âu Dương Tử, Lý Âu Phàm sáng lập tạp chí Văn học hiện đại, bồi dưỡng rất nhiều nhà văn trẻ sau này thành danh như Thi Thục Thanh, Lý Ngang, Trần Ánh Trân v.v…. Số đầu Văn học hiện đại giới thiệu Kafka, sau đó liên tiếp giới thiệu các nhà văn hiện đại Âu Mỹ như Camus, Henrry James, Faulkner, Thomas, Thomas Mann. Beckett v.v…. Họ chủ trương “bứng trồng ngang” thay cho “kế thừa dọc”, đưa hình thái ý thức và kỹ sảo sáng tác của văn học tiền vệ hiện đại phương Tây như chủ nghĩa sinh tồn, dòng ý thức (Stream of Consciousness), chủ nghĩa siêu hiện thực và cả phản tiểu thuyết (New Roman) vào văn đàn Đài Loan.

Họ bứng trồng ngang vì thế hệ thứ hai nhà văn di cư này hồi nhỏ và hồi thiếu niên đều sống ở Đại lục, ký ức về quê cũ thời đó rất đậm nhưng vì họ chưa từng mưu sinh, khi tới vùng đất mới á nhiệt đới này, họ đã tách rời cuộc sống thường ngày của dân chúng nói chung. Tuy vùng đất mới cho họ ấn tượng tân kỳ nhưng họ chưa có đủ thời gian để bắt rễ, họ cũng chưa kế thừa văn học đại lục thập niên 30, 40 nên họ tiếp thu trào lưu văn học hiện đại Âu Mỹ, trên cơ sở đó xây dựng vương quốc văn học của họ. Họ cực lực phản cảm với văn học  thù hận chống Cộng, nhớ quê, Uyên Ương Hồ Điệp thập niên 50, cho chủ trương khôi phục truyền thống văn học Ngũ Tứ do Hạ Tế An đề xướng là đúng, nhưng họ không hiểu biết về hơn ba trăm năm lịch sử thực dân địa của Đài Loan, không thể viết về đời sống hiện thực của dân chúng nơi này, cũng không thể thâm nhập để thấy sự chuyển biến có tính lịch sử của đời sống đại lục, vì thế họ phải lấy văn học phương Tây để lấp chỗ trống.

Tuy nhiên không phải thế hệ nhà văn di cư thứ hai này chỉ “bứng trồng ngang” mà hoàn toàn không “kế thừa dọc”. Tập truyện ngắn tiêu biểu của Bạch Tiên Dũng Người Đài Bắc gồm 14 truyện đã tiếp thu truyền thống văn học tả thực của tiểu thuyết bạch thoại cổ điển Trung Quốc như Hồng lâu mộng, khắc họa rất chi tiết, sinh động đủ loại nhân vật di cư đời thứ nhất từ cao đến thấp, từ giàu đến nghèo. Tập truyện cho thấy sự băng hoại về tinh thần và nhục thể của giới quí tộc sa cơ, vì thế Người Đài Bắc được chọn là một trong số 100 truyện hay nhất thế kỷ XX, một vài truyện đã được dựng thành phim. Ngoài ra, Biến cố gia đình của Vương Văn Hưng được viết với tinh thần phản nghịch táo bạo, chối bỏ sạch trơn luân lý đạo đức phong kiến.

Có điều, tiểu thuyết Âu hóa của số nhà văn trẻ được gọi là thế hệ “không rễ bị xua đuổi”này không ăn nhập với truyền thống văn học Đài Loan, vì thế tháng 4 năm 1964, nhà văn tiền bối Ngô Trọc Lưu sáng lập tạp chí Văn nghệ Đài Loan, kế thừa tinh thần cơ bản của phong trào văn học mới thời Nhật chiếm đóng, chủ trương văn học phản ánh nhân sinh, hướng về văn học hiện thực, đặc biệt chú trọng sắc thái hương thổ. Nhà văn chủ yếu của Văn nghệ Đài Loan gồm các nhà văn lão thành thời Nhật chiếm đóng như Dương Quì, Trương Văn Hoàn, Long Ánh Tông, Hoàng Đắc Thời v.v…, cộng tác với nhiều nhà văn người Đài Loan thế hệ thứ nhất như Trương Ngạn Huân, Trịnh Hoán, Lâm Chung Long, Văn Tâm, Diệp Thạch Đào, Liêu Thanh Tú v.v….

Tháng 6 cùng năm, một số nhà thơ hiện đại quan tâm đến tình hình hiện thực là Trần Thiên Vũ, Đỗ Quốc Thanh, Triệu Thiên Nghi cùng chín nhà thơ khác cũng chung tay sáng lập tạp chí thơ Nón, tập hợp các nhà thơ trung kiên và trẻ tuổi. Hai tạp chí giàu tính bản thổ này cho thấy phong trào văn học mới của Đài Loan kế thừa liền mạch với tinh thần truyền thống, đó là tinh thần phê phán mạnh mẽ đối với thời đại và xã hội, Song vì quá chú trọng hiện thực bản thổ và quan điểm có tính xã hội nên khó tránh khỏi một vài tệ đoan là mất đi cái nhìn khái quát trên lập trường thế giới rộng rãi để phân tích vấn đề hương thổ, thiếu tiếp thu và dung nạp tư tưởng mới của văn học hiện đại Âu Mỹ

Một số trí thức không thỏa mãn vói hai khuynh hướng đối chọi nhau của Văn học hiện đại và Văn nghệ Đài Loan, muốn cố gắng tìm ra con đường chiết trung, kết hợp thống nhất cả hai, lấy phong cách dân tộc làm điều kiện tiền đề, lấy kỹ sảo mới mẻ của tiểu thuyết hiện đại Âu Mỹ để xử lý vấn đề bản thổ, đồng thời coi Đài Loan là một phần của thế giới thứ ba, đề tài sáng tác là kinh tế xí nghiệp, sự xâm lược về văn hóa, lòng người trong xã hội tiêu dùng.

Đến thập niên 70, văn học hương thổ là vấn đề nổi bật nhất. Tên gọi này vốn dĩ đã xuất hiện ở thời kỳ đầu phong trào văn học mới thời Nhật chiếm đóng, hơn nữa còn gây nên cuộc luận chiến kịch liệt. Nhà văn đề xướng văn học hương thổ hầu hết chủ trương xây dựng ngữ văn đại chúng nhất trí trong văn nói của Đài Loan, miêu tả hiện thực bi thảm của dân chúng dưới ách thống trị thực dân, khiến văn học hương thổ thẩm thấu trong dân gian để thức tỉnh dân chúng, tham gia hoạt động kháng nghị chống Nhật ; đồng thời giúp dân chúng tiếp thu tri thức mới, cải cách thể chế phong kiến. Nhà văn phản đối văn học hương thổ cho rằng văn học không có biên giới, nghệ thuật phản ánh nhân tính phổ biến, sử dụng phương ngôn để xây dựng văn học là đảo ngược đầu đuôi, như thế sẽ khiến văn học Đài Loan thoát ly văn học đại lục, biến thành “văn học sơn lâm” chỉ chú trọng hiện thực bản thổ.

Trải qua thập niên 40 và 50, sự chú ý tới văn học hương thổ nhạt dần, cho tới khi Đài Loan văn nghệ chủ trương văn học hương thổ và Nón chủ trương hiện thực chủ nghĩa, văn học hương thổ mới dần dần được triển khai, nhưng chưa tạo nên cao trào.  Cho đến năm 1970, khi truyện và tập truyện giàu sắc thái văn học hiện thực của các nhà văn Hoàng Xuân Minh, Trần Ánh Trân, Vương Thác, Dương Thanh Xúc v.v…hô ứng với thời cuộc nói tiếp xuất hiện đã khiến cả giới văn học Đài Loan dần dần chia thành hai mặt trận, tranh luận tiếp về văn học Đài Loan nên đi theo con đường nào, văn học hương thổ là gì.

Nhà phê bình Hà Hân giải thích văn học hương thổ “ là văn học tương đương với chủ nghĩa địa khu (regionalism) trong văn học phương Tây cộng với sắc thái địa phương (localcolor)” [4]. Lập trường của ông khá trung lập, vượt lên cả đôi bên, là lời phát ngôn đúng đắn do hiểu sâu trào lưu văn học thế giới.

Triệu Quang Phục cho rằng văn học hương thổ  là “văn học quốc dân”, tổng hợp “ba hình thức là dân tộc, văn học bình dân và văn học xã hội”, chứng tỏ ông có hiểu biết tương đối cao về bản chất của văn học hương thổ.

Vương Hạnh Khánh trong bài Đâu đâu cũng là tiếng chuông năm 1977 viết  : “Giới văn học mới của bản địa sau ngày quang phục, ngoài làn sóng hơi gợn là ‘văn học phương ngôn Đài Loan’ ra, nhiều thời kỳ đều coi ‘văn học của nhà văn Đài Loan’ là văn học hương thổ hoặc văn học vốn có”.

Tháng 10 năm 1977, học giả nổi tiếng Trương Trung Đống trong bài Hương thổ, dân tộc, tự lập tự cường viết : “Để phòng thiên lệch, chúng ta khi nhấn mạnh quan niệm hương thổ thì đồng thời cũng cần tăng cường ý thức dân tộc. Hương thổ và dân tộc, hai bên có quan hệ mật thiết, không thể chia cắt. Dân tộc mà không có hương thổ là dân tộc mất rễ, là dân tộc lưu vong ; hương thổ mà không có dân tộc là hương thổ không người cày cấy, là hương thổ không có văn hóa….”.

Rất nhiều trí thức khác đã tham gia luận chiến và cuộc luận chiến này không chỉ tranh luận về đường lối văn học mà còn quan hệ tới các mặt khác của cả tỉnh Đài Loan như kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục, tiêu biểu cho ý muốn sáng tạo và đột phá, cho tư tưởng cách tân, dân chủ và tự do của nhân dân trong hoàn cảnh ngày càng đi tới cô lập. Cuộc luận chiến  này hình thành khoảng nửa đầu năm 1976, cho tới cuối năm 1979, nhà văn Vương Thác và Dương Thanh Xúc bị bắt giam vì sự kiện Cao Hùng [5], tranh luận mới chấm dứt.

Sang thập niên 80. tên gọi văn học hương thổ bị vứt bỏ, thay bằng văn học Đài Loan, nhưng từ cuộc luận chiến về văn học hương thổ trở về sau, nhà văn Đài Loan vẫn đề xướng “văn học tham dự”(committed literature), cho rằng hoạt động sáng tác văn học là một loại hoạt động thực tiễn, muốn cảm hóa, thức tỉnh dân chúng bằng nội hàm của tác phẩm văn học khiến họ tích cực tham dự hoạt động cải cách xã hội, nâng cao phẩm chất cuộc sống, khiến Đài Loan sớm hiện đại hóa. Ý nguyện “tham dự”của nhà văn vốn phát huy từ tinh thần yêu hương thổ, nhưng như tất cả nhà văn thuộc thế giói thứ ba, họ đối mặt với sự thờ ơ và hủ bại của xã hội tiêu dùng công nghiệp hiện đại, tác phẩm văn học bị hạn chế về tiêu thụ và ảnh hưởng nên nhiệt tình và mong mỏi của nhà văn như tiếng gọi lọt thỏm chốn đồng hoang, không có tiếng vọng. Nhà văn càng ngày càng cảm thấy bất lực, cảm giác bất lực này như ác mộng không gạt bỏ được, khiến họ ăn ngủ không yên. Còn mộng đẹp như quan tâm đến chủ nghĩa nhân đạo, đến tinh thần chính nghĩa cũng trở thành bong bóng. Vương Thác và Dương Thanh Xúc sở dĩ trực tiếp tham gia hoạt động chính trị cũng là kết quả phát triển tất nhiên.

Cảm giác bất lực và lý tưởng bị ngăn trở khiến nhà văn thập niên 80 đi theo hai con đường có quan hệ với nhau và cũng khác nhau.

Số nhà văn có tinh thần sứ mệnh và tinh thần lịch sử, nhân ngôn luận tự do được mở rộng đã thừa cơ khai thác lĩnh vực tiểu thuyết chính trị và thơ chính trị,  đột phá một số cấm kỵ về chính trị, đề tài tác phẩm bắt rễ ở nhưng vấn đề mà thập niên 40, 50 không dám chạm tới. Khuynh hướng này thể hiện trong tiểu thuyết của Trịnh Thanh Văn, Lý Kiều, Trần Ánh Trân, Thi Minh Chính v.v….

Một số nhà văn khác, như Hoàng Phàm lại cho rằng “nhà văn phải lập chí trở thành lương tri của thời đại, không nhận bất kỳ cơ hội nào do người khác bố thí, độc lập ngoài đoàn thể quyền lực, vượt lên mọi sự can thiệp của chính trị, vùi đầu sáng tác với nghị lực không hề nao núng” [6] . Số nhà văn loại này mặc dù có thái độ phê phán chính trị nhưng tránh đả kích trực tiếp, đứng trên cao nhìn xuống xã hội, miêu tả khách quan. Đề tài của họ thường thường là mọi nỗi khốn khó mà dân chúng phải đối mặt trong cuộc sống thường ngày.

Cảm giác bất lực cũng khiến cho một số nhà văn cho rằng nên đưa văn học về với dân chúng, phải sửa lại hình thái “văn học thuần” cao sang, khiến văn học phù hợp với thị hiếu của quần chúng. Thế là từ 1984 đến nay, tác phẩm văn học dần dần được cải biên thành kịch bản phim. Mặt khác, chủ biên tờ Tự lập vãn báo là Hướng Dương đề xướng mở rộng văn học đại chúng, chú trọng kết hợp giữa nhiếp ảnh và văn học, dàn dần được bạn đọc ưa thích, phạm vi văn học đại chúng từ tiểu thuyết ngôn tình, võ hiệp lan sang lĩnh vực văn học mới là trinh thám và khoa học viến tưởng với những nhà văn Đỗ Văn Tĩnh, Lưu Hoàn Nguyệt, Tịch Mộ Dung, Hoàng Hải, Tam mao v.v….Còn phóng sự của Ứng Phươmg Hoàng, chung Ly Tuệ v.v…. cũng thu hút hứng thú của đông đảo dân chúng.

Thập kỷ 80, nhà văn Đài Loan cuối cùng đã chính danh thành công cho văn học Đài Loan, công khai đề xướng văn học của địa khu Đài Loan là “văn học Đài Loan”. Mặc dù có người vẫn phản đối nhưng điều quan trọng là văn học mới của Đài Loan đã có lịch sử hơn 60 năm, bất kể dùng tên gọi nào cũng không thể xóa nhòa nội hàm kiên trinh của nó. Do thể chế chính trị, kinh tế và kết cấu xã hội giữa hai bờ eo biển khác nhau, cảnh quan thiên nhiên và phong tục cũng không hoàn toàn giống đại lục cho nên văn học Đài Loan tự có sắc thái địa phương và sứ mệnh sáng tác riêng.

Tạp chí văn học sáng lập ở thập kỷ 80 có Văn học giới, Văn quí, Văn tấn, Liên hợp văn học, Dương quang tiểu tập. Ngoài ra còn có tạp chí thơ  lịch sử lâu dài mà đứng đầu là Sáng thế kỷ.

Thập kỷ 80 cũng là thời hoạt động của một số nhà văn nữ đặc biệt nổi bật. Lý Ngang với tiểu thuyết kiệt xuấtGiết chồng và Đêm tối, Hoàng Lệ Hồng với

tiểu thuyết Nghìn sông có nước nghìn sông trăng, Cảng Quế hoa mang sắc thái nồng đậm của cảng cá Bố Đại. Tiêu Tĩnh với truyện ngắn Hán Sinh con trai tôi giành giải thưởng của báo Liên hợp năm 1979, sau đó truyện dài Cậu thiếu niên A Tân, Như mộng lệnh đều lấy chủ đề là hiện thực Đài Loan và hoàn cảnh của phụ nữ. Ngoài ra còn có Liêu Huy Anh, Hứa Đài Anh, Tô Vỹ Trinh đều là những nhà văn khai thác thành côn lĩnh vực “văn học nữ tính”, biểu hiện sắc sảo hoàn cảnh khốn đốn và bị ngăn trở của nữ tính hiện đại.

Nguồn (Tạp chí NV&TP)

*****

Năm truyện ngắn trong Nhà văn và tác phẩm số này tôi chọn từ Tuyển tập tiểu thuyết năm 2012, năm 2013 và năm 2014 của nhà xuất bản Cửu Ca do giáo sư Trần Ích Nguyên, Giám đốc Bảo tàng văn học Đài Loan và là nhà nghiên cứu văn học chữ Hán Việt Nam cung cấp.

Ba tuyển tập gồm 46 truyện, chọn dịch năm truyện chưa chắc đã là những truyện tiêu biểu nhất, song chắc chắn là những truyện cho thấy một số khía cạnh khác nhau của đời sống vật chất và tinh thần muôn vẻ của người Đài Loan hiện nay. Khi dịch những truyện này, tôi có cảm giác như bước vào một thế giới tiểu thuyếtTrung văn mới mẻ từ cách nghĩ, cách cảm đến văn phong và miêu tả, xây dựng nhân vật của các tác giả. Mong rằng truyện dịch ra cũng đạt được hiệu quả tương tự ở bạn đọc, nhất là các nhà văn nước ta.

Chỉ nam nuôi chó

Lý Đồng Hào

Trên bức tường sau lưng người đàn ông dán hình giải phẫu thân thể con người đã ngả màu vàng, Đại Vĩ nhìn hình tim và gan đầy những đốm mốc ở trên đó, nói bừa rằng tuần sau mình có việc ra nước ngoài:

-Nếu có thể, anh cho tôi giấy chứng nhận chẩn đoán, được không ?

Ngồi trên giường khám bệnh, chân trái Đại Vĩ thuận thế khua một cái.

Ngay từ đầu đã thỏa thuận xong. Trước hết, Đại Vĩ  kéo lê chân trái bị cắn nát đến phòng khám bệnh, thấy thế, câu nói đầu tiên của người đàn ông là:

-Bị chó cắn đấy mà, vết thương của anh rách toạc ra rồi. Có cần yêu cầu chủ chó bồi thường không ? Anh…có mua bảo hiểm chứ ? Thế này nhé, tôi khâu giúp anh hai mũi, nhân tiện viết tờ chứng nhận chẩn đoán, anh có thể đến công ty bảo hiểm đề nghị trả tiền.

Vết thương ở bàn chân nóng ran như lửa đốt, Đại Vỹ đau đến mức không nói được, người đàn ông cho rằng anh đã đồng ý. Tiếp đó là tiêm thuốc tê, khâu vết thương, bôi thuốc, băng bó, tiêm thuốc, cách hai ngày đến khám lại, thay băng, liệu trình phải gần một tháng mới xong, mỗi lần tiền thuốc hết ba trăm đến năm trăm. VOLNA-K F.C, Keflex, Panadol (Tinten), Reranus…Tên thuốc ghi trên các hộp thuốc thoạt xem có vẻ rất bài bản, nhưng Đại Vỹ tra trên mạng thì trong số đó thật ra phần nhiều là thuốc bổ chẳng có ý nghĩa gì.

Người đàn ông che miệng, mũi băng khẩu trang ồ lên một tiếng, dịch ghế khỏi bàn làm việc rồi trườn đến bên Đại Vỹ, nắm lấy bàn chân anh, tay dùng nhíp khẽ khều chỉ khâu ở vết thương của anh ra. Đại Vỹ không thấy đau mấy, chỉ thấy tê tê, ngưa ngứa như có kiến bò trên cánh tay. Anh nhướn người về phía trước, cùng người đàn ông xem xét vết thương. Cạnh bàn chân trái của anh là vết khâu màu hồng xinh xinh như đôi môi của trẻ sơ sinh đang cười.

-Phải giữ sạch cho vết thương đấy !

Người đàn ông lấy một miếng dán chống thấm nước OK trong hộp sắt hình tròn dán vào vết khâu cho Đại Vỹ, sau đó nói :

-Cẩn thận đấy, lần sau chớ để chó cắn nữa nhé !

Người đàn ông bình tĩnh nói như thường ngày, từ giọng nói đó Đại Vỹ không sao nhận ra đó là lời khuyên răn thật lòng hay là lời đùa cợt. Theo lý mà nói, hai người thân mật với nhau như đồng phạm, anh ta có đùa với Đại Vỹ cũng là chuyện thường, nhưng anh ta chỉ nói thêm :

-Xin giấy chứng nhận thì thu thêm một trăm nữa !

Nói xong, anh ta quay sang mở ngăn kéo lấy giấy, bút viết chứng nhận chẩn đoán.

Phòng khám ngoảnh ra phố mà âm u và ẩm thấp tựa hồ công sở chốn thôn quê. Đôi khi có một hộ lý già tiêm và thay băng giúp, có lúc chỉ một mình người đàn ông khám bệnh và thu tiền. Người đàn ông lục tìm con dấu phía sau Đại Vỹ , lần thứ hai đến thay băng anh đã phát hiện ra lưng của người đàn ông to ngang khác thường, cơ lưng phát đạt đến mức như sắp làm bung cả chiếc sơmi lẫn phòng khám nhỏ bé, hoặc nói phòng khám quá nhỏ bé, chật chội thì đúng hơn.

Trên chiếc quầy bằng sắt đã hoen gỉ xếp từng chồng bệnh lịch, thời gian và tấm thân chắc nịch của người đàn ông ở đây đều bị bụi phủ hoàn toàn.

Đại Vỹ ra khỏi phòng khám, không khí nóng nực như bàn tay vả vào mặt đến bỏng rát. Anh giơ tay che phía trên mắt, ánh nắng gay gắt bây giờ đều có lượng tia tử ngoại quá mức. Anh ngoặt qua ngoặt lại giữa những phố mà cửa hàng thụt lùi vào trong để chừa một hàng hiên, nào cửa hàng bách hóa Tiểu Bắc, cửa hàng Tiện lợi cho cả nhà, hàng lẩu kiểu Nhật Tiền Đô, hàng cháo Quảng Đông, hàng xe máy Vĩnh Lợi…Lưng và nách đẫm mồ hôi, về nhà đối với anh trở thành chuyến đi gian nan nhất.

Mos Burger, mỹ phẩm Cosmed, nhà thuốc tây Đại Chúng, bên cạnh hàng mã là Working house. Trong cửa kính của cửa hàng bày ô che nắng, ghế bãi biển, trên ghế phủ khăn bông to sọc xanh trắng và gối ôm có hình mỏ neo, trên bàn trà bày ly uống rượu để không. Cửa hàng với cửa kính sáng bóng rất đẹp cũng như ngôi biệt thự ba phòng, hai sảnh có vườn hoa dán bằng giấy đốt cho người chết ở hàng mã kế bên đều đảm bảo cho tương lai tươi sáng.

Đại Vĩ đọc tờ quảng cáo mùa hè giảm giá dán trên cửa kính, nhớ ra anh quả thực cần mua một cái xoong mới, cái vốn có ở nhà trong lúc va chạm mạnh đã bị gãy cán.

Bước vào cửa hàng, mùi thơm của tinh dầu nước hoa hồng xộc vào mũi anh. Trên quầy kính bày dủ các thứ chai lọ lấp lánh trong ánh sáng ấm áp. Anh đi thẳng đến quầy chuyên bày đồ dùng nhà bếp, nhấc cái xoong bằng một tay thấy rất nặng. “Giả sử đập một cái vào đầu chó thì óc nó đến bắn ra đấy nhỉ ?”. Ý nghĩ đó thoáng qua trong đầu anh nhưng anh không dám nghĩ tiếp. Anh đặt xoong và ý nghĩ đó xuống rồi bước ra.

Hàng kính cho sinh viên đại học, hiệu cho thuê băng hình Bạch Lộc Động, đồ uống Thái Dương Đào. Cạnh cửa hàng Toàn Gia Tiện Lợi, trước cửa hàng món ăn chay lấy tên là Bồ Đề Viên có con chó lộn giống đang phủ phục, mắt và góc mép cụp xuống, vẻ buồn thương vốn có ấy chẳng khác gì của người có vợ mới chết. Đáng 75 điểm.

Trên đường về nhà, Đại Vỹ thấy đến bốn con chó, con chó già  mà anh lấy tên diễn viên và đạo diễn Đài Loan Kim Sĩ Kiệt đặt cho này là con đầu tiên. Con thứ hai là con chó đen, bị xich trong chuồng chó được dựng tạm bợ trước cửa nhà Trưởng thôn ở chỗ ngoặt từ đường cái vào ngõ. Con này thân dài, eo nhỏ, tai nhọn dựng đứng, vì rất giống loài sói được chôn theo trong bức tranh trên tường ngôi mộ Ai Cập nên Đại Vỹ gọi nó là Anubis. Nó rất xấu tính, thường thừa lúc người ta không phòng bị xông ra sủa ầm ĩ cho nên chỉ đáng 30 điểm.

Cạnh nhà Trưởng thôn đếm đến nhà thứ ba là hiệu cắt tóc truyền thống, bà chủ già nuôi một con chó Phốc Sóc, Đại Vĩ gọi nó là Lệ Châu. Lệ Châu chỉ có ba chân, bà chủ mỗi khi đi dạo, nó đi theo không cần buộc dây dắt, bước chân  nhảy trên đất vang lên chẳng khác gì tiếng trống bỏi bung bung. Có lẽ nó biết mình được cưng chiều nên hễ thấy chó to là dám sủa nhặng lên, con này đáng 70 điểm.

Cạnh hiệu cắt tóc là cửa hiệu làm đẹp cho vật cưng nhưng không mấy đắt khách, trong tủ kính bày xuông mấy cái lồng chó bỏ không. Đại Vỹ nhìn qua khung kính, con Bichon lông xoăn tên là Woohoo đáng 65 điểm hôm nay không có nhà, chỉ có đám đông chen chúc nhau chia thành hai hàng trong cửa hàng thường ngày vắng vẻ, dường như đang tranh luận việc gì đó.

Đại Vỹ có thói quen đặt tên và cho điểm những con chó  anh nhìn thấy trên đường đi, nhưng như bình phẩm với ý ghen tị một tiết mục hát, điểm số không cao, chưa tới 100 điểm, bình quân chỉ trên dưới 60 điểm. Chó đáng 100 điểm không phải không có. Bảy năm trước, hồi ấy anh là biên tập viên mỹ thuật ở một nhà xuất bản, mỗi khi tan giờ làm, anh từ bến chuyển xe đi ra, phát hiện có một con chó đi theo anh. Anh đứng lại, ngoảnh đầu nhìn thấy con chó con lông trắng  không thuần chủng vẫy đuôi với anh. Con chó trắng đeo vòng cổ như nhếch miệng cười với anh, màu lông nhem nhuốc như chiếc giầy đá bóng rách. Anh khẽ vỗ vào đầu nó, nó giụi cái mũi ẩm ướt vào mắt cá chân anh, đuôi càng ngoáy tít. Nhở ra trong túi đeo lưng còn cái bánh bao rán chưa ăn hết, anh lấy ra bẻ nhỏ cho nó ăn. Con chó đánh hơi rồi ăn ngấu nghiến.

Thừa lúc con chó đang ăn, anh bỏ đi. Thấy anh đi đã xa, con chó trắng bỏ bánh đuổi theo. Anh dừng chân, ngắm nó một lúc lâu rồi giơ chân đá cho một cú. Nó cụp đuôi kêu ăng ẳng chạy đi. Ngày thứ hai, ngày thứ ba, trên đường về anh lại nhìn thấy con chó trắng. Nó đứng cách anh một quãng xa, rụt rè vẫy đuôi với anh. Anh đứng trên vỉa hè, nhắm mắt lại, giả vờ như không nhìn thấy nó. Khi anh mở mắt ra, không thấy con chó nữa. Ngày thứ tư, ngày thứ năm, ngày thứ sáu, vẫn không thấy con chó nhỏ lông trắng ấy đâu. Mãi cho tới rất lâu, rất lâu một ngày nào đó, anh đi xe máy ra khỏi nhà, nhìn vào kính chiếu hậu trên xe, anh thấy bóng chó trắng chạy vụt qua đường. Con chó chạy ngược chiều gió với dáng rất dũng cảm. Anh tự cho rằng ở cuối đường có người đang ngồi xổm, giơ hai tay ra gọi tên con chó nhỏ : “Giadu, Giadu !”. Cảnh ấy Đại Vĩ đã gặp rồi, đó là con chó 100 điểm duy nhất.

Đại Vỹ cứ bước đi, bỗng cảm thấy chân không đau nữa. Vết thương có lúc đau, có lúc không đau. Vết thương như một động vật nhỏ có ý chí, anh cố ý giẫm mạnh chân trái hòng đánh thức nó tỉnh dậy. Một cơn đau điếng người buốt đến tận óc. Thiếu chút nữa anh đứng không vững, phải dựa vào xe máy dựng trên hè đường. Anh cúi xuống bóc miếng dán OK để kiểm tra vết thương. Đôi môi hồng hồng của trẻ sơ sinh rỉ máu.

Ngồi trên yên xe máy nghỉ một lát, anh nhìn bức tường màu xám khu chung cư bên hè đối diện. Câu đối Tết màu đỏ bị nắng chiếu đến bạc phếch trên viết lời lãnh tụ tôn giáo : “Sống thanh thanh đạm đạm, Ắt bình bình an an”. Ánh mắt lại ngước lên trên, ngoài hiên tầng hai khu chung cư trồng một hàng quì hướng dương. Anh nhìn những bông hoa vàng nở rộ, sau đó tập tễnh đi qua đường, dán miếng dán OK vào chuông cửa của hộ ở tầng hai, dán rất chắc như một lá bùa chú.

Điện thoại trong túi reo lên u u, anh nhận điện, đáp : “Tôi sắp về đến nhà rồi !”. Cách đấy không xa, một người đàn ông mặc âu phục đứng dưới cột đèn, vẫy anh. Hai người gặp nhau, cùng bước vào phòng đọc của tòa nhà.

-Giấy chứng nhận chẩn đoán và biên lại thu tiền đưa cả cho tôi. Anh ký vào chỗ tôi đánh dấu bằng bút chì ấy.

Người đàn ông mặc âu phục lấy mấy tờ giấy trong túi đựng tài liệu đặt xuống bàn :

-Một loại là bảo hiểm sự cố bất ngờ, một loại là bảo hiểm thuốc men chữa bệnh, mỗi loại có hai tờ. Trước khi đi, tôi đã tính giúp anh rồi. Ca này đại để có thể xin tiền bảo hiểm đến hơn hai mươi ngàn ấy chứ !

-Nhiều thế cơ à ? Nếu biết sớm, tôi đã để chó cắn thêm mấy miếng nữa-Đại Vỹ nói.

Người đàn ông mặc âu phục biết chuyện của anh nên thuận miệng hỏi :

-Anh và A Long vẫn hẩu với nhau chứ ?

Anh cúi đầu ký tên vào từng cột một trên tờ giấy, không trả lời. Người xin bảo hiểm, số chứng minh thư, ngày sinh, tài khoản ở ngân hàng….Anh dừng lại một lát ở cột Người được hưởng lợi, sau đó viết thật nhanh : “Người cùng đề nghị bảo hiểm”. Cửa tủ bếp trong bếp đều hỏng cả, anh nghĩ, ngày mai có thể đến HOLA mua một bộ mới.

Anh ngẩng lên, ngoài phòng đọc, ba bốn đứa trẻ cười đùa đuổi nhau quanh đài phun nước ở giữa sân. Một cậu bé đứng ngoài đám bạn đó, tay cầm dây scout kéo con chó giống Shiba. Cậu bé này ở cùng tòa lầu với anh, nhìn chỉ khoảng năm, sáu tuổi. Đại Vỹ chưa nhìn thấy con chó nhỏ này lần nào, nó chỉ khoảng hai, ba tháng tuổi, thân và bốn chân choãi trên đất, giở trò không chịu đi. Cậu bé cứ kéo con chó, chẳng khác gì kéo cái gối bằng khăn mặt bông.

-Titi !-Đại Vỹ gọi cậu bé-Chó của ai đấy ?

Cậu bé ôm con Shiba đi tới bên Đại Vĩ :

-Bố em mua đấy ! Con Giadu đâu ?-Cậu bé hỏi.

Đại Vĩ đón lấy con chó nhỏ từ tay cậu bé, bất giác nín hơi, không biết vì sao trên người cậu bé tỏa ra mùi nước tiểu nồng nặc. Anh đặt con chó trên đầu gối, ấn nhẹ chỗ không mọc lông ở giữa lòng bàn chân chó rồi mân mê bốn chân nó. Anh quá chăm chú đến mức khi người đàn ông mặc âu phục đứng lên đi khỏi, anh cũng chỉ gật nhẹ đầu. Bọn trẻ con chơi đùa gần đó thấy Đại Vĩ thân mật với con chó đều ùa cả lại, đòi bế chó. Đại Vỹ lật ngửa con chó, cù bụng nó. Khi sờ thấy tim nó đập mạnh, bất giác ngực anh cũng co thắt lại.

Lần đầu anh ôm con Giadu, tim nó cũng đập mạnh như vậy.

Chó là giống vật mà A Long cứ muốn nuôi, nhưng Đại Vỹ không chịu. Anh bảo :

-Nuôi chó là một việc hệ trọng.

Nhưng A Long vẫn ôm một con Shiba ba tuổi từ nhà bạn về, bảo nhà bạn của bạn có tré mới sinh, không nuôi được chó.

-Tình yêu mà mình hâm mộ nhất là được ở cùng với người mình thích, sau đó nuôi một con chó. Như thế không được sao ?

A Long nói như nũng nịu lại như phản kháng.

Khi đó họ mới quen nhau chưa được ba tháng, hai người cùng ăn cơm và xem điện ảnh với nhau, cùng đi du lịch ở Đài Nam. Bất kể đi đâu, đoạn chót của hành trình vẫn kết thức bằng làm tình. Thân thể như bốc lửa, hai người ôm nhau trên giường, bất kể lăn lộn kịch liệt đến thế nào cũng không sao dập tắt được ngọn lửa.

Hai người rời khỏi nơi mà mỗi người vẫn ở, chẳng mấy chốc tìm được chỗ ở trong tòa nhà mới xây, có cầu thang máy gần chỗ ở cũ của Đại Vỹ, liền dọn đến đó. Hai phòng, hai sảnh, không kèm đồ đạc trong nhà. Phòng trống không đến mức chẳng khác gì nhà chờ ở bến xe đường dài. Ngày đến xem nhà, Đại Vỹ đã phấn khởi qui hoạch phòng khách nên sơn màu gì, sôpha nên mua kiểu nào, bày như thế nào. Hai phòng thi một phòng là phòng ngủ của chủ nhà, một phòng là phòng sách kiêm phòng cho khách, vạn nhất người nhà A Long đến, còn có thể gọi nhau là bạn cùng nhà để tránh hiềm nghi. Về tất cả những điều đó, Đại Vỹ đã nghĩ đâu vào đó từ lâu rồi, nhưng anh thật không thể ngờ giữa anh và A Long sau này còn có thêm con chó. Khi con chó đó thật sự đứng trong phòng khách mới tinh của họ, anh mới nhận ra giữa anh và người sống chung, thật ra chưa quen thân đến mức có thể nổi nóng trước mặt cậu ta.

Con chó sợ sệt đứng ở đó, ngơ ngác nhìn ra cửa lớn dường như đang đợi ai đó đến đón mình.

-Nó tên là Pilu, cậu có thể đến xoa đầu nó- A Long nói.

Đại Vỹ miễn cưỡng xoa đầu con chó. Lông vàng óng của nó ngắn và cưng cứng. Thuận theo lông, anh sờ thấy tim con chó giống Shiba đập thùm thụp, chẳng khác gì chim gi đang vỗ cánh. Anh dùng tay giữ cho tim nó khỏi đập mạnh một lúc, sau đó ngẩng đầu lên bảo A Long :

-Mình muốn gọi nó là Giadu. Bắt đầu từ đây, nó tên là Giadu.

-Giadu đâu ? –Cậu bé lại hỏi-Anh có thể mang Giadu xuống đây, cho nó chơi với con này được không ?

Con chó nhỏ không biết an phận, cứ ngọ nguậy trên đầu gối Đại Vỹ. Anh   bực mình, phết mạnh vào mông nó hai cái.

-Chó mà không ngoan thì phải dạy !-Đại Vỹ nói.

Con chó con  ăng ẳng kêu hai tiếng sau đó thì  câm bặt. Cậu bé chành mép, cúi xuống liếc xéo anh, vẻ mặt đầy oán hận. Anh phát hiện trên khuôn mặt trắng bệch của cậu bé có hai quầng mắt đen thẫm, trông chẳng khác gì quỉ, thảo nào  trong tòa nhà này, chẳng có đứa trẻ nào chơi với nó. Trẻ con xung quanh đều gọi nó là  Quỷ Khóc Nhè. Đại Vỹ đứng lên, trả con chó cho cậu bé :

-Trả em này !

Nói xong, anh quay người tập tễnh bước vào thang máy, lên lầu, mở của. Anh đã về tới nhà.

Trong nhà im ắng, lặng ngắt như nhà hoang. Anh đi qua phòng khách, bước ra hàng hiên, ngồi xổm trước máy giặt. Có con chó nấp trong khe hở giữa tường và máy giặt, đờ đẫn nhìn anh. “Giadu !”. Anh gọi tên nó. Con chó giống Shiba nhảy ra, mông ghếch lên cao, vươn dài người cho dãn xương cốt. Anh giơ bàn tay ra, con chó liếm tay anh lấy lòng. Đấy là con chó đã cắn anh. Không đáng điểm nào.

Buổi sáng hôm ấy, anh cho chó đi dạo xong thì về nhà, con chó vui vẻ theo sát bên anh. Anh bước ra hàng hiên, treo xong dây buộc chó thì bàn chân tê dại như chạm phải điện. Anh vốn nghĩ không hề gì nhưng cúi xuống thì thấy chó đang ngoạm chặt bàn chân trái của anh, đầu lắc lư cắn xé. Lúc đầu anh thấy rất đau chẳng khác gì bị xe tải cán. Giằng ra, đánh lại, tới phòng khám. Anh không nhớ mình đã ra khỏi nhà như thế nào, đến phòng khám ra sao. Những việc xảy ra sau đó anh cũng chẳng nhớ, chỉ nhớ khi về nhà, thấy vết máu ở cửa đã từ nhạt chuyển sang đậm, theo lối đi rỏ ra tới hàng hiên. Sàn nhà bằng gỗ dẻ gai, tường  màu trắng ngà, sôpha màu xám nhạt … chẳng khác gì căn phòng đẹp đẽ trong

catalog dành cho hoàng gia đều bị những vết máu đỏ như nước trầu hủy hoại.

A Long được tin liền về nhà, vớ lấy cái chổi làm như định đánh chó, Đại Vỹ mệt nhọc nói không cần. Thực ra trước đây anh không phải không bị nó căn. Khi con chó ấy đến nhà, nó rất lạnh nhạt với họ, không thích người chạm vào nó, nhất là tai. Một lần Đại Vỹ  đùa với nó, không cẩn thận chạm vào tai nó, thế là cánh tay bị nó quay lại ngoạm cho một miếng. A Long tức giận bảo phải tống khứ con này đi thôi. Đại Vỹ dùng tay trái đè chặt vết thương cho khỏi chảy máu, cười bảo không hề gì. Nhưng lần này quả thật con chó ấy cắn anh quá tệ hại, đau đến nỗi như pháo từng ngòi từng ngòi một nổ trên người anh, anh uống cả vỉ thuốc cũng không đỡ đau. Anh năm lịm trên giường, A Long bước đến, áp ngực vào lưng anh, thân thể cong như hai cái thìa úp vào nhau. Anh dịch người ra, bảo : “Đau đấy !”. Trong bóng tối, anh nằm nghiêng trên mép giường, mắt đăm đăm nhìn đèn nhấp nháy trên ổ cứng máy tính, chẳng khác gì đăm đăm nhìn ngọn hải đăng trên biển mênh mông.

Không được việc rồi !

Nhìn con chó, bàn chân anh lại nhức đau. Chó nhếch mép cười với anh, răng trắng nhọn như lưỡi dao, con dao có bốn chân, biết đi. Anh nhìn sững nó, đi giật lùi vào phòng, tìm được thuốc giảm đau trong tủ bếp là nuốt luôn. Trên bàn ăn đặt con dao gọt hoa quả, lưỡi dao và mặt bàn bằng gỗ dính đầy vụn bánh mì Pháp, hộp sữa bò uống xong bỏ trong thùng rác mở nắp. Anh đẩy cửa phòng ngủ khép hờ bước vào. Notebook computer, earphone và kính đặt trên tủ đầu giường. Áo sơmi kẻ ô và quần lót CK vo viên như những tờ bản thảo bỏ đi vứt bừa trên giường. Dép lê để trên sàn, chiếc ngửa chiếc sấp như là không biết ra ngoài nên ăn mặc như thế nào, phải gieo quẻ để xin ý kiến thần linh. Từ trước tới nay, anh có thể từ những đầu mối lộn xộn đó suy ra A Long trước khi đi khỏi nhà đã làm những gì. Anh đã quen thu dọn và cũng thích thu dọn giúp A Long. Nhưng lần này thì không, anh lùi ra khỏi phòng, ngồi trên sôpha ở phòng khách, mở máy tính đặt trên bàn trà.

Trong hộp thư có khách hàng yêu cầu anh sửa tranh quảng cáo, có nhà xuất bản gửi tờ báo giá đề nghị anh trả lời. Anh cần gửi thư trả lời, nhưng anh lại không. Anh chỉ mở máy, mở Facebook, có người đăng ảnh mình và bạn trai dắt con chó săn lông vàng đi chơi ở chợ truyền thống. Anh nhấn like. Có người viết mấy câu tâm đắc khi xem xong một phim tình yêu trên bức tường lem nhem : “Chia tay thật ra không tàn nhẫn chút nào, tàn nhẫn là ý định muốn vớt vát của cả hai người mà rồi thất vọng, uổng công  vì không đủ sức”. Anh nhấn like. Có người chia sẻ toàn bộ ghi chép về việc thiến chó ở nhà mình rồi viết : “Chó đực thiến xong thì tỉ  suất công kích loài người giảm hẳn. Ngoài ra, hễ chó cái động đực thì dù chó đực ở xa đến một, hai cây số vẫn có thể ngửi thấy mùi pheromone tỏa ra từ thân thể con cái. Chúng đợi hễ có dịp là chạy ra khỏi nhà, tất nhiên là theo mùi đó mà đến với con cái. Khi con cái đã thỏa mãn và con đực đã khôi phục trí nhớ thì chúng không biết đã chạy xa đến mấy cây số và không nhận ra được lối về nhà”. Anh nhấn like.

Vết thương có lúc đau, có lúc không đau. Anh mở trang mạng của A Long, từ danh sách bạn thân của cậu ấy tìm được photo stickers của một đội trưởng ở Mỹ. Anh nhấn phím liên kết. Chó của anh ngồi ở phòng khách anh chưa từng đến, nhếch mép cười. Chó của anh xuất hiện ở công viên bên bờ sông anh cảm thấy xa lạ, mặt ngây ngô ngoạm trái bóng quần vợt. Vết thương như một động vật nhỏ có ý chí riêng của mình, anh nhấn chọn máy ảnh của người đội trưởng Mỹ là đã giẫm mạnh cho vết thương tỉnh lại. Siêu cấp anh hùng hất mặt nạ lên : một cậu bé cởi trần  khoanh tay, vẻ oai vệ đứng trên bancông hoa quì nở rộ, ngơ ngẩn cười, A Long nhấn like.

Thuốc giảm đau bắt đầu phát huy hiệu quả, anh thấy người tê tê, ngưa ngứa như kiến bò đầy trên da. Vô hình trung, người đàn ông đeo khẩu trang phục xuống bên chân anh, dùng cái nhíp gỡ chỉ khâu vết thương ra. Anh ngẩng đầu thấy con chó ngồi xổm ở góc phòng khách nhìn anh, thế là anh tỉnh giấc.

Con chó nhìn Đại Vỹ với vẻ trịnh trọng như sắp tuyên bố một điều gì đó, nhưng bao nhiêu năm qua, anh không biết rốt cuộc nó muốn nói gì với anh. Khi đến nhà anh, nó đã ba tuổi, nếu tính theo tuổi của người tương đương với hai mươi tám tuổi. Quá khứ của nó đối với gia  dình anh là một câu đố. Ví như nó rất sợ lửa, chỉ cần bật bật lửa lên khua trước mặt nó là nó sẽ run lên chui ngay xuống gầm bàn, cả buổi tối không dám ló ra. Đương nhiên, chỉ cần gọi điện hỏi chủ cũ của nó là sẽ có đáp án ngay, nhưng Đại Vỹ không muốn thế. Chủ cũ thỉnh thoảng gửi thư đến, hỏi xem anh có thể gửi vài tấm ảnh gần đây của nó cho họ xem được không, nhưng anh không trả lời. Anh xé thư ấy đi. Nó đã là chó của anh, chẳng còn quan hệ gì với những người đó nữa.

Điều thứ nhất trong công ước sinh hoạt của chó là khi đi từ sánh vào nhà, không được chen lấn với chủ, phải đế anh vào nhà trước ; điều thứ hai, không được anh cho phép, chó không được vào phòng ngủ : anh và A Long làm tình trên giường mà có chó đứng cạnh nhìn là anh cụt hứng ; điều thứ ba, khi ăn, nghe anh ra lệnh “Ngồi xuống !” và “Ăn đi !” thì mới được ăn. Bao nhiêu năm qua, anh những muốn dạy cho nó biết đủ loại quy củ của chó, nhưng những tài nghệ của chó mà ai cũng thích trong tiết mục văn nghệ tổng hợp trên truyền hình thì nó không sao học được.

Anh và nó ở chung một phòng, bao giờ nó cũng cách xa anh một đoạn, có gọi “Giadu lại đây !” nó cũng chỉ ngơ ngẩn nhìn anh. Nhưng khi anh không thèm để ý đến nó, vùi mình trên sôpha đọc sách, xem DVD thì nó lại lẳng lặng đến ngồi bên chân anh, như bây giờ chẳng hạn. Đại Vỹ nhìn con chó, chó cũng nhìn lại anh. Anh đặt máy tính xuống, bước tới vơ lấy chân trước con chó, xoay đầu nó cho nó nhìn thẳng mặt mình như muốn chất vấn nó, chất vấn nó tại sao lại ngồi trong phòng khách nhà người khác cười với vẻ vô liêm sỉ đến thế. Con chó không dám nhìn thẳng Đại Vỹ, ngoảnh đầu sang một bên. Móng chân trước của nó bị Đại Vĩ  bẻ ngược, đau đớn kêu lên mấy tiếng, cố nhanh chóng thoát khỏi sự kiềm chế của Đại Vĩ, chạy gằn ra cửa đúng lúc có tiếng nắm đấm cửa chuyển động.

Cửa được mở ra, bước vào là một phụ nữ đã đứng tuổi, trên người khoác mấy cái túi bằng thứ giấy bền chắc như giấy ximăng. Đại Vĩ  đứng lên, chào : “Chào dì ạ !”. Người ấy là bà Đoàn, mẹ kế của A Long, cho nên tiếng “dì” cũng là gọi theo A Long. Anh giơ tay đỡ lấy mấy cái túi giấy trên tay bà Đoàn đặt lên bàn trà.

-Đỡ được chút nào chưa ?-Bà Đoàn ngồi xuống sôpha đầu bên kia, hỏi.

-Cắt chỉ rồi ạ ! Hôm nay dì không phải đón bé Ân tan học à ?-Anh hỏi.

-Mẹ nó đón nó đi học lớp tiếng Anh cho trẻ con rồi !-Bà Đoàn đáp và khịt mũi.

Bà lấy trong một túi giấy ra rất nhiều hộp giấy rồi bắt đầu xướng tên từng món ăn :

-Gà xương đen hầm nồi đất, sò Nhật Bản hấp tỏi nghiền, cơm rang với mực, quẩy rán nhân tôm băm, bánh bao nhân trứng muối nhào đường sữa đây. Có một sư tỉ gả chồng cho con gái, trưa nay đến ăn tiệc cưới. Rất nhiều món  chưa ai động đến, dì mang về cho cháu và A Long ăn.

Đại Vĩ  “Ồ” một tiếng. Bà Đoàn lại từ một túi giấy khác lấy ra rất nhiều hộp gấm màu đỏ :

-Bây giờ quà lễ cưới tặng lại khách mời càng ngày càng lắm kiểu, lại còn có cả xà phòng thơm làm thủ công bằng dầu tinh chế nữa chứ !

Bà lớn tiếng đọc dòng chữ đề trên giấy gói :

-“Đúng lúc gặp đúng người, hạnh phúc sẽ đến. Nhã Lâm, Tôn Hàn mãi mãi tắm trong dòng sông tình yêu !”. Những thứ này để cho cháu và A Long dùng.

Đại Vỹ lại “Ồ” lên lần nữa. Tiếp đó bà Đoàn lấy trong một túi giấy khác chiếc iPad, nói :

-Cháu xem giúp dì cái ảnh mới chụp đưa lên Facebook như thế nào nhé !

Chiếc iPad này là anh mua tặng bà Đoàn. Facebook và LINE do anh tạo tài khoản, phim Hàn Quốc, danh ca Đài Loan Giang Huệ, Phượng Phi Phi  tải xuống đều qua tay anh. Anh lướt phím hai ba cái là ảnh hiện ra, trong ảnh là rất nhiều bà sồn sồn tuổi cỡ bà Đoàn. Các bà đang cầm microphone hát, các bà chụp ảnh với cô dâu, các bà ngồi quanh bàn tròn cười đến mức chỉ thấy răng không thấy mắt, các bà trong đám hiếu hỉ bao giờ cũng có tinh lực vô cùng vô tận để phát tiết. Bà Đoàn đến gần chỉ cho anh biết đó là những ai. Người mặc áo xường xám này là bà Giang, mới ngoài hai mươi đã góa chồng, dựa vào hàng  rau ngoài chợ mà nuôi được ba người con trai ăn học, người con cả bây giờ là gỉảng viên trường Đại học, đúng là tốt số. Người mặc áo sơmi này là bà Hồ. Ông ấy vừa mới mất được nửa năm, cũng bị ung thư xoang như cha A Long. Những bà góa tuổi tác chênh nhau này vì sợ người ta  nhận ra mình quá vui vẻ  nên thường kêu ca luôn miệng, nào đau vai gáy, nào mấy năm nay chẳng thiết ăn

thứ gì, nào con dâu lười nhác, tóm lại là ca cẩm đủ mọi việc có thể ca cẩm được trên đời.

Bà Đoàn ngồi cạnh anh kể chuyện, con chó đã quen, len vào giữa hai chân bà.

-Giadu à, sao mày lại cắn Papa nghiêm trọng đến thế hả ? Bây giờ đang có bệnh chó dại, mày cắn người ta thì toi đời đấy ! Súc sinh vẫn hoàn súc sinh !

Bà Đoàn vừa vuốt ve chó, vừa trách mắng nó. Câu thứ nhất là nói với chó, câu thứ hai là nói với Đại Vỹ. Đại Vỹ thấy ba tiếng “bệnh chó dại” khó nghe quá nhưng vẫn mỉm cười đáp ba hôm trước, anh đã đưa Giadu đi tiêm phòng, rồi không giải thích thêm gì nữa.

-Giadu mười tuổi rồi à ? Chó mười tuổi bằng người bao nhiếu tuổi ấy nhỉ ?-Bà Đoàn lại hỏi.

-Cháu không biết. Chó  nhỏ chó to cách tính không giống  nhau. Giadu khoảng sáu mươi tuổi rồi-Đại Vỹ đáp.

Được bà Đoàn vuốt ve, con chó cười hích hích. Anh trừng mắt với nó, nó liền cúi đầu xuống như vừa làm sai điều gì, nhưng cái đuôi thì không giấu vào đâu được vẫn vui vẻ ngoáy tít.

Nhân lúc Đại Vỹ  lên mạng gửi ảnh, bà Đoàn bỏ từng hộp giấy nhỏ vào túi giấy to, sau đó đi vào bếp. Con chó thấy bà đứng lên cũng đi theo, nhưng Đại Vỹ “Hừ” một tiếng, nó lại ngoan ngoãn ngồi xuống. Nhân lúc bà Đoàn đi vào bếp, anh gạt mấy cái hộp đựng xà phòng làm thủ công trên bàn trà vào ngăn kéo bàn. “Nhã Lâm, Tôn Hàn mãi mãi tắm trong dòng sông Tình Yêu”, cô thiếu nữ theo thể chữ POP (Point Of  Purchase) hiện trên  máy tính xấu cực.

Bà Đoàn từ trong bếp ló đầu ra gọi :

-Túi đựng rác để đâu thế ?

-Ở ngăn kéo thứ ba ấy ạ,

Anh đáp lại từ phòng khách. Tháng ba năm nay, bà Đoàn cùng một đám Sồn Sồn đến Thôn Địa Cầu ở gần nhà anh học tiếng Nhật. Anh đánh thêm một chìa khóa cửa đưa cho bà, bảo tan học nếu không có việc gì, bà có thể vào nhà anh ngồi chơi một lát. Bà Đoàn vui vẻ nhận lấy chìa khóa. Sau đó, cứ cách một vài tuần, bà lại mang một ít hoa quả và đồ mặn đến. Thấy bếp bừa bộn, tất nhiên bà thu dọn giúp. Lẽ ra Đại Vỹ nên vào đó giúp bà, trước đây anh đều tranh phần giúp bà nhưng con chó con trai bà nuôi đã cắn chân anh nên anh nghĩ, ngồi thêm ở phòng khách một lúc nữa cũng đáng thôi.

Đại Vỹ nhấn vào Facebook của bà Đoàn để biết ảnh gửi đi có thành công hay không. Thấy ảnh lộn xộn quá, tiện tay anh phân loại giúp. Trong đó có một tập ảnh có tên “Ăn Tết”, anh nhấn chuột thấy hiện ra một lô ảnh các món ăn : gà hầm rượu Thiệu Hưng, sườn dê rán, nộm thịt bò kiểu Thái, salát tôm hùm …..toàn những món chính tay anh trù hoạch. Đại Vỹ rất ghét Tết. Anh không có mẹ. Tết đến, thức trong đêm giao thừa chỉ có hai người là cha anh và anh. Anh còn nhớ đêm ba mươi năm anh mười hai tuổi sang tuổi mười ba, cha anh ra tiệm ăn ngoài phố mua một con vịt hầm nồi đất. Một nồi nước hầm nóng hổi húp cho đến lúc nguội lạnh, lại cho thêm nước đun lên, đun đi đun lại, từ ba mươi Tết ăn đến mồng năm, rốt cuộc anh cũng không phân biệt được vị chua trong nồi là do dưa hay là do ôi thiu. Sau đó cha anh qua đời, một mình anh ăn Tết, ở nhà có thể mặc sức ăn pizza gà rán, xem DVD, không ăn vịt hầm nồi đất nữa. Thỉnh thoảng nghĩ tới ăn Tết như năm ấy, anh lại thấy lợm giọng muốn ói. Nhưng được mời đến nhà người tình ăn Tết lại là chuyện khác. Anh là loại người dù gặp Tổ trưởng bảo vệ tòa nhà trong cầu thang máy cũng phải vắt óc nghĩ ra mấy câu lấy lòng, huống hồ là lấy lòng người nhà của người tình ?

Năm nay là cái Tết đầu tiên sau khi cha A Long qua đời. Anh bảo A Long :

-Dì cậu có lẽ chẳng còn tâm địa nào làm bữa cơm tất niên đau nhỉ ? Chi bằng để tớ ra tay cho !

Hai tháng trước anh đã đặt mua trên mạng bánh gatô chocolat, sáng sớm hôm ba mươi thì tới cửa hàng đã có từ trăm năm nay xếp hàng mua món Phật Nhảy Tường [7] . Đến tối ba mươi, từng đĩa thức ăn được bày lên bàn khiến cả nhà A Long trầm trồ, xuýt xoa. Thật ra trước đây không phải anh chưa từng ăn Tết ở nhà A Long, khi ấy cha A Long vẫn còn, anh đến với tư cách bạn ở chung nhà.

-Làm sao thằng Long chưa chịu lấy vợ, mà cả cậu cũng thế nhỉ ? Lứa trẻ các cậu đều không lấy vợ là làm sao ?-Trên bàn ăn, cha A Long nghiêm sắc mặt hỏi.

Cha A Long rất nghiêm, anh trai, chị dâu, chị gái, anh rể, em gái và A Long đều cúi đầu, ngoan ngoãn lắng nghe lời dạy bảo, không ai dám ho he. Chỉ riêng bà Đoàn quay sang bảo cháu nội là con bé Tiểu Ân bốn tuổi :

-Tiểu Ân à ! Cháu nói với ông, chú cháu vì lần nào cũng muốn tìm cô gái xinh đẹp như Lâm Chí Linh. Thư Kỳ làm thím cháu, điều kiện như thế là quá cao nên mới chưa tìm được đó thôi !

Tiểu Ân lặp lại nguyên xi khiến cả nhà đều cười. Năm nay cha A Long đã mất rồi, nhân lúc mọi người chưa trở về được với trạng thái bình thường, Đại Vỹ chiếm luôn lấy nhà bếp của gia đình họ, biến hóa thành một bàn đầy món ăn  ngon lành.

Trên bàn ăn, những con côi, vợ góa vừa mới trở thành ôn đi ôn lại những việc đã qua, vui vẻ một cách thận trọng. Đại Vĩ nói muốn chụp bức ảnh Toàn Gia Phúc. Trả lời câu hỏi : “Dưa hấu có ngọt không ?” là câu đáp đồng thanh : “Ngọt !”. Anh nhìn màn máy ảnh thấy cả nhà đều cười. Mẹ kế và con vợ trước, mẹ vợ và con rể, mẹ chồng và con dâu, những người không cùng huyết thống ở vói nhau lâu ngày, khuôn mặt và mắt mũi càng ngày càng tương tự nhau. “Gia tộc quả thật là điều kỳ diệu !”, anh nghĩ. Anh bấm máy, chụp hai, ba chiếc ảnh. Bà Đoàn ngồi ở đầu bàn đằng kia lên tiếng :

-Chụp cả Đại Vỹ và Giadu nữa.

Bà bảo anh rể của A Long cầm máy anh thay cho Đại Vỹ, thế là Đại Vỹ và Giadu cũng có trong ảnh.

Trên Facebook có một đoạn vidéo do Đại Vỹ quay tối hôm đó chỉ dài 1 phút18 giây. Tối hôm ấy A Long uống rượu,anh bò xoài trên sàn phòng khách

cùng cắn con vịt con bằng cao su màu vàng với Giadu, hình ảnh bên ngoài là cả nhà đều cười rộ. Đoạn không được quay dài 1 phút 29 giây là cảnh A Long nằm trên sàn ôm con chó, lẩm bâem một mình : “May mà chó rồi cũng như bố và mẹ đều chết trước chúng mình. Nếu không, hôm nào đó chúng mình chết, chó cô đơn một mình sống trên đời thì chẳng phải rất đáng thương hay sao ?”.

Đại Vỹ nghĩ đến những việc đã qua nhưng chưa xa lắm, bên tai văng vẳng có tiếng một thằng bé khóc.

Bà Đoàn từ bếp đi ra hỏi anh, A Long có về ăn cơm hay không ? Đại Vỹ lắc đầu nói, không biết. Vừa nói xong thì cửa mở ra, một chàng trai bước vào. A Long về rồi. Con chó nhay phốc đến bên A Long, sinh động như một trái tim đang đập trong nhà.

-Này, cái thằng quỉ sứ ở nhà dưới, cái thằng mà mẹ là người Sơn Đông ấy,hình như ăn trộm con chó của hiệu làm đẹp cho vật cưng bị bắt rồi, cảnh sát đến nói thế.

Vừa vào cửa, A Long đã kháo chuyện.

-Sao hôm nay về sớm thế ?-Bà Đoàn hỏi.

-Xong cuộc họp các nhà báo, còn bản thảo thì chưa xong con cũng về.

A Long ngồi trên sàn đùa với con chó.

-Di đi vo gạo thổi cơm đây. Tối nay hâm nóng mấy món đó. Trong tủ lạnh còn cà chua và trứng, làm thêm một món canh là đủ-Nói xong, bà Đoàn lại đi vào bếp.

Con chó giơ bốn lên trời, để lộ da bụng mềm mại cho A Long gãi ngứa.

-Cắt chỉ rồi à ?- A Long hỏi.

Đại Vỹ ậm ừ. Hai người tránh ánh mắt của nhau vì tối hôm qua vừa mới cãi nhau, cho nên lời lẽ mới lạnh nhạt như thế. Sự việc là như sau : A Long đưa chó đi dạo, Đại Vỹ bảo lúc về tiện thể mua một bát cháo Quảng Đông đem về. A Long về quá trễ, giải thích rằng hôm nay người xếp hàng mua cháo đông quá. Anh không nói gì,, chỉ bảo bất kể thế nào anh cũng phải đưa chó đi thiến. A Long nói :

-Chó cắn người có thể vì chịu áp lực quá lớn, cũng có thể chỉ đùa. Con chó mười mấy tuổi đã già rồi, đem thiến thì dược việc gì ?

Anh bác đi, bảo người bị cắn không phải là cậu nên đương nhiên cậu mới nói những câu vô trách nhiệm như thế. Hai người cãi lý một hồi rồi A Long bỗng đột ngột cất cao giọng :

-Chẳng lẽ tôi xúi con chó cắn cậu hay sao ? Mẹ nó chứ, tại sao việc gì tôi cũng phải làm theo ý cậu ? Chính vì cậu muốn không chế tất cả nên mới bị chó cắn đấy !

Cùng một đề tài như thế cãi nhau trong một tháng trời đã ngán lắm rồi, chỉ vì ngại về mặt tình cảm nên giữ mãi ở trong lòng, đến lúc ấy mới bung hết ra.

-Ai biết được cậu đưa chó đi dạo đã đi đến giường nhà ai? Cả thiên hạ chỉ một mình cậu là có thể ăn diện rồi lang chạ ở bên ngoài hay sao ? Chỉ một mình cậu có tài đàn ghita và tổ chức đội nhạc hay sao ? Suốt ngày cậu làm bộ làm tịch là vì chân cậu không bị thương, lại còn đưa dì của cậu đi massa, đưa con chó đi tiêm phòng nữa chứ !

A Long chửi tục một câu.

-Tại sao ngày nào cậu cũng nghi ngờ như một con đàn bà thế ? Cậu hoạn tớ cho xong !-Đại Vỹ nói.

Anh không nhớ cuộc cãi vã kết thúc như thế nào. Anh uống thuốc giảm đau, thấy tê tê ngưa ngứa như có kiến bò khắp người. A Long xây lưng về phía anh, trong lúc hoảng hốt, anh thấy cơ lưng A Long phát đạt chẳng khác gì người đàn ông ở phòng khám bệnh, làm băng hoại cả căn phòng lạnh lẽo ấy. Đại Vỹ khẽ gí ngón tay, giết chết từng con kiến một.

A Long dùng mấy ngón tay chải lông cho chó, Đại Vỹ cúi đầu giả vờ đang đọc trên mạng, hai người ai làm việc của người nấy. Việc xảy ra tối hôm qua nếu không nhắc đến thì có lẽ cũng không tồn tại. Đại Vỹ liếc trộm chó và người. Con chó ấy lông quanh mõm, mũi đã bạc trắng, nó nằm xoài trên sàn, bộ lông xù chồng lên nhau rủ xuống sàn như một chiếc áo lông xơ xác mặc đã lâu ngày. Già thật rồi. Trái lại A Long da dẻ vẫn mỡ màng như  bảy năm về trước. Phải chăng da dẻ trẻ con nhà người khác cũng trơn láng như thế ? Đại Vỹ nghĩ thầm,

Hai người lúc mới quen nhau là đi xem phim, anh luôn phải ngoảnh đầu liếc trộm khuôn mặt trông nghiêng của A Long, thầm khen khuôn mặt ấy thật sự xứng đáng làm chân dung in trên đồng tiền. Đã rất lâu rồi hai người không cùng diện thật đẹp đi xem phim. Anh thầm tính, con chó ấy đến nhà họ tới nay đã hai mươi tám tuổi, hai người mang theo con chó đến ở chung cùng một mái hiên, từ người yêu trở thành người nhà. Cuộc sống gia đình trong bảy năm cộng thêm một con chó, cũng biến nó thành chó già sáu mươi tuổi.

A Long túm lấy cằm con chó, khẽ chùi gỉ mắt cho nó. Anh ngoảnh lại định tìm giấy vệ sinh để lau tay thì thấy Đại Vỹ đang nhìn mình bèn nhoản cười với Đại Vỹ. Hai người nhìn nhau, đều im lặng. Tiếng kêu khóc của thằng bé ở dưới nhà bỗng nghe rõ hẳn : “Đấy là chó của cháu, đấy là chó của cháu !”. Thằng bé khóc thảm thiết cứ như nhà có người mới chết. Hai người lẳng lặng lắng nghe tiếng khóc đó một lúc lâu, sau đó Đại Vỹ mở miệng nói :

-Thôi, cho quách thằng bé dưới nhà con Giadu đi  !

-Cậu làm sao thế ?

A Long cất cao giọng, đang định nói tiếp thì bà Đoàn từ nhà bếp ló đầu ra gọi : “Ăn cơm thôi !”.

Cả hai đứng lên, người trước người sau bước vào bếp. Một bàn đầy món ăn nóng hôi hổi , gà xương đen hầm nồi đất, sò Nhật Bản hấp tỏi nghiền, quẩy rán nhân tôm băm, bánh bao nhân trứng muối nhào đường, sữa. Món ăn được trình bày trên đĩa rất tinh tế, cả đến con thỏ con gọt bằng củ quả để trang trí vẫn còn nguyên, dường như thật sự là một bữa tiệc cưới.

Đại Vĩ và A Long ngồi vào bàn, bà Đoàn vẫn còn mải lau bàn bếp, sau đó một mình bà bỏ rác vào cái túi đựng được năm kilô. A Long mở nắp nồi đang định xới cơm, Đại Vỹ nhìn chăm chú con thỏ con gọt bằng củ quả  trên bàn, nói :

-Tay vừa mới chải lông cho chó chưa rửa, bản chết đi được !

A Long dằn mạnh bát cơm vừa xới xong xuống bàn, phớt lờ. May mà bà Đoàn đã buộc xong túi rác, xát xà phòng rửa tay rồi ngồi vào bàn :

-Nào nào, rửa tay đi rồi ăn cơm !-Bà giục giã,

Ba người lẳng lặng ăn cơm, sau đó con chó cũng đi vào bếp. Nó ngồi cách bàn ăn một quãng, trông nó chẳng khác gì bức tượng nhân sư đang đăm đăm nhìn gia đình ấy./.

Phạm Tú Châu chọn dịch

Vài lời về tác giả và tác phẩm :

Lý Đồng Hào sinh năm 1975, đã viết hai cuốn Bắt cóc Trương Ái Linh và Chia tay con đường tơ lụa đi du lịch.Hiện nay là phóng viên du lịch của Tuần san Đài Loan.

Chỉ nam nuôi chó giành giải nhất về truyện ngắn năm 2013 của Đài Loan. Theo nhà văn Kỷ Đại Vỹ, “lý do được giải là ở thời đại đam mê hạnh phúc nho nhỏ xác thực [8] và thổi phồng bi lụy nhỏ, Chỉ nam nuôi chó đã đi ngược lại, thong dong giữa nhã và tục, bằng con chữ không rơi vào thói tục cho thấy tình người bình thường bị băng hoại và được cứu rỗi. Nhân vật chính trong truyện là Đại Vỹ và bạn trai ở chung, tự nhiên khiến người ta liên tưởng đến vấn đề có tranh cãi là “hôn nhân đồng chí” và “gia đình đa nguyên”, nhưng truyện không dừng ở mức vấn đề đang được xã hội bàn cãi là “ủng hộ”, “phản đối” hay “bỏ phiếu trắng”, trái lại đã tiến thêm một bước để phơi bày “đồng chí” sau khi thành gia đình thì thế nào ? Truyện trình bày tỉ mỉ sự thấp hèn và kiêu ngạo của thân thể được làm người, so với lương tâm của chó thì mức độ nhìn thấy được ở lương tâm con người là rất thấp, mức độ thấp kém rất cao. “Chỉ nam nuôi chó” đảo ngược lại thành “chó nuôi nam tử” để nói nhở lũ chó mà Đại Vỹ lấy lại được sức sống khi cuộc sống đồng tính đã nhạt màu, biến vị”.

Nhà của đàn bà

Quách Cường Sinh

Ra khỏi ga tầu điện ngầm tốc hành, đầu phố ở Đài Bắc vào lúc sẩm tối thật ra không khác gì với cảnh làn sóng người chen chúc nhau dưới mặt đất.

Rõ ràng đáng lẽ được nhìn thấy mặt trời nhưng trái lại, cảm thấy đông nghẹt, cả một thành phố như chồng chất đến mấy tầng thang máy dẫn lối đi và cửa kính các cửa hàng, con người không ngừng ngơ ngơ bước đi, chẳng qua là từ tầng lầu này leo lên tầng lầu khác, trong ga tầu điện quanh đi quẩn lại mãi mãi chẳng tìm thấy lối ra.

Ý nghĩ ấy khiến người ta cảm thấy vô cùng mệt mỏi, đứng dừng ở cạnh bậc thềm lối ra, ngẩn ngơ chăm chú nhìn làn sóng người dường như ly tán chẳng tìm thấy chốn về.

Đến sớm hơn so với thời gian dự định, tôi không biết làm thế nào cho trôi qua ba mươi phút dư thừa đó.

Liếc nhìn tòa chung cư mới xây ở bên kia hè phố, hai mươi mấy tầng mà  dường như hầu hết tối đèn. Nhớ lại lúc đầu dự định bán, yết giá lên là bán hết ngay, đến nay đã xây xong thì dường như phòng thực sự có người đến ở không nhiều, cho nên vào lúc lẽ ra nên sáng đèn thì lại phải nhờ đèn chiếu sáng riêng ở bên ngoài tòa nhà soi tỏ, nếu không, tòa nhà cao đẹp mỗi mét vuông giá không xoàng này xem ra chẳng khác gì tấm bia lớn bằng ximăng tối om.

Lẽ nào các hộ ở đây vẫn quẩn quanh trong dòng người trên phố hay xếp hàng trong nhà hàng đợi có bàn ?

Mấy năm nay, những hiện tượng lạ lùng đó thấy nhiều rồi. Rất nhiều người có nhà mới mà mỗi mét vuông giá đến gần ba vạn nguyên nhưng vẫn lần lữa ở bên ngoài chưa chịu về. Quán tính của công việc khiến họ như thế. Đi qua những tòa lầu mới xây hình dáng sang trọng được quản lý theo kiểu khách sạn, tôi cứ phải ngước mắt nhìn những ô cửa sổ tối thui, thầm tính xem có bao nhiêu căn hộ xây xong vẫn còn chờ thiết kế nội thất ? Nhân lúc làn sóng kinh doanh nhà đang thịnh, tôi còn được vận may mấy năm nữa ?

Hành trình buổi chiều vốn định dẫn mấy thợ mộc đến xem một tòa nhà mới xây ở khu Vạn Hoa sau kế hoạch đổi mới đô thị mà tôi vừa trao đổi xong phương án trang hoàng.

Gặp lúc thực hiện đánh thuế khoản chi xa xỉ trên một trăm nghìn, chủ nhà đầu tư mua nhà nhưng bây giờ thấy không thể bán lại ngay, đành trang hoàng để tự dùng, nói như thế cha mẹ ở miền nam thường xuyên lên Đài Bắc có chỗ trú chân.

Cách nói này nghe ra rất hay. Bị thuế xa xỉ thực hiện chặn lại, những người buôn nhà trong hai năm không được bán lại đã trở thành cha mẹ mới nhất nuôi sống tôi. Vốn dĩ không cần đầu tư bất kỳ một khoản nào cho trang hoàng, cơ hội lập tức bán lại kiếm lời không còn nữa, các khách buôn nhà phần lớn đều biết động não, mượn việc trang hoàng để nâng cao giá bán sau này.

Cảm ơn thuế xa xỉ, nửa năm nay công việc của tôi tăng được 30%.

Vào nghề này được năm năm, tuy tên tuổi chưa vang dội trong công việc thiết kế nội thất nhưng chí ít cũng đủ nuôi sống mình, hàng năm tôi vẫn có thể ra nước ngoài nghỉ ngơi, nhân tiện vay mượn một số chủ ý thiết kế. Đối với tôi, mỗi một bản sơ đồ trang hoàng nội thất đều phải thăm dò ý kiến của chủ nhà rồi mới thiêt kế, điều đó trở thành đạo sinh tồn quan trọng nhất của tôi.

Lúc đầu chủ nhà sẽ tin lời giới thiệu của nhân viên môi giới (được hưởng 1%), tìm đến tôi – kỹ sư thiết kế nội thất chẳng có lấy một phòng làm việc mang phong cách cá nhân –không ngoài hai khả năng: vì bản thân đã có chủ kiến rồi, nhiệm vụ của tôi chẳng qua chỉ là thi công; nếu không thì vì không hiểu biết gì về công việc trang hoàng, tôi chỉ cần mở máy tính bảng của tôi cho họ thấy bức hình 3D mà thật ra rất đơn giản là có thể vẽ ra. Họ phần lớn đều tin tôi có trình độ chuyên nghiệp mà không hiểu rằng bố trí bày biện các phòng trong bức hình thông thường là tổ hợp cách sắp xếp của mấy loại công thức.

Chính tôi cũng kinh ngạc, trong năm năm qua không khách hàng nào phát hiện tôi không tốt nghiệp từ khoa Thiết kế nội thất nào.

Tốt nghiệp khoa Kinh tế, tôi vốn là Trợ lý của một Trung tâm nghiên cứu tư vấn sách lược phát triển, được trời cho giá nhà tăng vọt, ai nấy đều như kiến bò trong chảo nóng muốn mua nhà, bán nhà, đổi nhà ngay. Được lời lãi rồi thì thôi không đuổi theo giá, chờ giá lên nữa mà sửa chữa, trang hoàng, khiến cho trong cơn sốt mua bán nhà ấy, chỉ nhờ một máy tính với hai chiến hữu là ông phó thổ mộc và tay thợ điện (ngoài ra còn một bạn gái mới thân, lúc ấy làm ở công ty quảng cáo môi giới bất động sản mà tôi không muốn nhắc đến), tham khảo, học mót hơn mười loại tạp chí về thiết kế trong ngoài nước mà tôi dám cả gan ra trận, thế rồi chuyển nghề thành công.

Khi làm việc với khách hàng, điều quan trọng nhất là làm thế nào nghe hiểu cách tính toán như ý của họ. Ví như họ đều nhấn mạnh căn hộ sau khi trang hoàng là để ở, sợ tôi nhìn thấu ý định thật sự là để cho thuê, lo tôi vì thế mà tăng cao chi phí. Nhưng sao ba phòng ngủ lại đều phải có bàn đọc và tủ quần áo ? Đến tám phần mười là chia thành phòng đơn để cho thuê. Phòng tắm sửa thành bồn cầu xả nước để làm gì ? Khách thuê chắc chắn là người Nhật, họ nổi tiếng về kỹ tính đối với nhà vệ sinh.

***

Hôm nay chủ căn hộ ở khu Vạn Hoa là một phụ nữ ở tuổi tứ tuần. Tôi vốn lấy làm đắc ý vì nắm chắc được ý định buôn bán này của chị ấy.

Nhà thầu khoán lớn với số mét vuông lớn, thật là một dự án khó kiếm, sau này  xây sửa xong có thể po thành phẩm lên mạng mà tôi đang thiết kế để quảng cáo.

Bốn giờ có mặt ở đấy, vốn định sáu giờ về, đến sáu rưỡi thì gặp bạn trên mạng là cô sinh viên đại học có nickname là Hoa Nhi. Thời gian tính sít sao như thế, không ngờ sự việc lại biến đổi, khiến tôi mất đứt hơn một giờ lang thang ở đầu phố.

Bị bãi bỏ một việc, bây giờ nghĩ lại, chỉ đành trách mình quá tự tin.

Trang hoàng nhà mới, nói là để tiện cho cha mẹ mỗi khi lên Đài Bắc, tôi tuyệt đối không tin lời chị ấy nói. Cha mẹ già mà vẫn cần giá treo xe đạp tập trong nhà ? Trong buồng ngủ cần gì phá bỏ tường ngăn giữa buồng tắm và nhà vệ sinh, đổi thành tường kính sáng sủa có thể trông thấy hết ? Cha mẹ đã về hưu của chị ấy lẽ nào cũng thích những điều thú vị trong cuộc sống như thế ?

Đến lúc này cần hoài nghi rồi !

Nhưng đạo đức nghề nghiệp của tôi là không nhiều lời, không hỏi lắm.

Có điều, mỗi quá trình hoàn thành đồ án trang hoàng, tôi đều hiểu rõ ý khách hàng, thêm một số thiết kế xứng ý thực sự cần cho cuộc sống của họ. Tôi lẳng lặng quan sát, kiên nhẫn lắng nghe, tại sao những người đàn ông chín chắn ở tuổi bốn mươi đều có bạn đồng nghiệp, bạn cùng giới thân cận tham gia thảo luận, chứ không phải vợ yêu hay bạn gái ? Còn thiếu phụ đẩy xe đưa con nhỏ hễ mở miệng là khoe chồng tôi thế này, thế kia nhưng lại chưa từng thấy người đó bao giờ ?

Hiểu lòng người như tôi, thế là trong bản thiết kế cho chủ nhà là đàn ông, tôi cố ý không để lại không gian cho cả nhà cùng ngồi ăn cơm, mượn đó để bày tỏ sự  thông cảm và không lấy làm lạ của tôi đối với việc người ấy không bước vào hôn nhân như người đời thường nhận định ; còn trong bản thiết kế cho chủ nhà là phụ nữ, tôi chuyển tủ để thiết bị nghe, nhìn mà thông thường chỉ thấy ở phòng khách vào phòng ngủ, vì đối với hai người có lẽ không thể sáng chiều gặp nhau, khi hẹn hò hoặc có thể cần đến không gian riêng tư lớn hơn cùng với thiết bị nghe, nhìn để trợ hứng mà họ không cần nói rõ ra.

Còn tôi, tôi cũng có những lúc không thành thực.

Từng thấy rất nhiều khách hàng ở trong căn hộ trống không vừa mới xây xong, khi phấn khởi chỉ trỏ nói chỗ nào cần phá bỏ bức tường, chỗ nào cần bày một dẫy tủ, hoàn toàn không nghĩ đến tình hình sinh sống thực tế ở không gian đó. Đợi đến lúc vào ở một thời gian. họ mới thấy thư thái về thị giác và thuận tiện về cư trú hoàn toàn là hai chuyện khác nhau. Lúc ấy họ mới biết thì ra mình đã mất oan bao nhiêu tiền.

Tưởng tượng hai vợ chồng trẻ nhâm nhi tách trà, ngắm nhìn cảnh đêm ngoài bancông nên lát sàn bằng gỗ cối, loại gỗ màu hồng có hương thơm, lắp đèn chùm nhập khẩu, nhưng rốt cuộc một năm chẳng sử dụng được mấy lần. Đài Bắc nếu không nắng gắt thì lại mưa dầm, không nóng không lạnh cũng khó đảm bảo chất lượng không khí trong lành. Càng không cần nói hai vợ chồng trẻ đi sớm về muộn, ngày nào cũng làm thêm giờ. Thật ra bancông có thể dành chỗ cho một cái bàn, vì người chồng mong nhất là ban đêm trốn vào không gian của mình để lên mạng xem lén mạng sắc tình cấm trẻ dưới mười tám tuổi ; nếu không thì ngăn thành một nơi giặt quần áo bởi vì người vợ rồi sẽ thấy thật ra mình rất cần một máy giặt và sấy loại lớn, tuy không đẹp nhưng tiện dụng.

Trước khi thực sự triển khai gạo củi dầu mắm muối, nghe họ kể những tưởng tượng lãng mạn về cuộc sống tương lai khiến cho một người ngoài sẽ  thực hiện y như thế thay họ là tôi vừa phải lắc đầu thầm vừa khó tránh khỏi mừng trộm.

Tôi phải cảnh cáo mình nhiều lần là quyết không thể nhắc nhở họ bằng tấm lòng của Phật, thực dụng trên hết đã dạy như thế. Những ý nghĩ diệu kỳ sau này sẽ khiến họ hối hận thì giờ đây khiến họ đắc ý mãi không thôi., như thế chẳng phải chính là điều giúp tôi kiếm được nhiều tiền hay sao ?

Nào ngờ, buổi chiều khi đến tòa nhà do một tập đoàn lớn xây dựng ở phố Khang Định, tôi thấy nữ chủ nhà đang đưa nhân viên môi giới đi tham quan căn hộ.

Chị không ngừng xin lỗi tôi, bảo tiền bị kẹt ở cổ phiếu, bây giờ đành bán lấy tiền. Nghe xong, thoạt tiên đầu tôi ù lên, nhưng chỉ một giây sau đã hiểu ra lý lẽ, tôi bắt đầu thầm cười nhạt.

Chị tuyệt nhiên không phải loại chơi cổ phiếu, có thể nhận ra từ cách hết sức cẩn thận khi giao dịch với tôi. Chị không thạo trò chơi thương nghiệp.

Nhưng hợp đồng đã ký, chị phải chịu tổn thất vì vi phạm hợp đồng. Có điều, nghĩ lại lúc đầu, tôi tin chắc biết bao cái dự án này. Tôi vốn có thể  làm ra vẻ thoải mái, giao dịch không thành thì tình nghĩa vẫn còn, bước ra khỏi lô cốt của chị từ lúc dự định bán đến lúc giao nhà rồi sang tay, chỉ có điều hạnh phúc hy vọng trong nửa năm đã bị phá hỏng.

Chị chưa hề nói đã từng kết hôn hay chưa, chỉ nói hiện nay đơn thân, tôi e rằng cũng không tin được.

Đã không phải là loại phụ nữ xinh đẹp thành đạt từng lăn lộn trên thương trường, cũng không phải là loại phụ nữ bị bỏ rơi vì xấu xí mà là loại phụ nữ gia đình tính toán chi li. Tôi còn có thể nói chị dường như có vẻ ít hiểu đời, rất lễ độ. Theo kinh nghiệm tiếp xúc với nhiều loại người của tôi, loại phụ nữ này nếu không giảng dạy ở trường đại học thì gia đình cũng có nề nếp.

Xong việc, nghĩ lại mới thấy hối hận biết bao! Việc gì khi ở đầu cầu thang tôi còn ngoảnh lại bảo: “Tôi biết chị không hề chơi cổ phiếu !”.

Lúc đó chị biến sắc mặt, giọt nước to bằng hạt đậu chạy quanh trong mắt, dường như hễ hơi sơ ý là khuôn mặt ấy sẽ vỡ vụn chẳng khác gì bức tường đổ sụp.

Thấy tình cảnh đó, tôi đành nuốt vội nửa câu tiếp theo: “Vì bạn trai có phải không ?”.

***

Nếu bất kỳ người phụ nữ nào cho rằng, tôi làm công việc thiết kế nội thất nên nhất định biết bố trí cái ổ của mình cho sang trọng và ấm áp. Nếu vậy, họ sẽ rất thất vọng. Ai đã nói kỹ sư thiết kế nội thất nhẩt định thích biến chỗ ở của mình thành căn hộ thương phẩm chưa ?

Chỗ ở của tôi chẳng qua là một căn hộ nhỏ, rộng chừng hơn ba mươi mét vuông. Ở đã năm năm, nhu cầu ăn uống, vệ sinh thỏa mãn rôi, cũng ngại dọn tới nơi khác. Nếu bị khách hàng phát hiện, đều đặn chín giờ sáng tôi tới tiệm cà phê bình ổn giá bán kèm món ăn ở cửa cảng, kiếm một bàn ở góc nhà mở máy tính bắt đầu làm việc, không biết họ có kinh ngạc hay không ?

Sau đó tôi không còn đưa phụ nữ về cái ổ của mình nữa.

Tôi nói sau đó là sau khi tôi vào nghề thiết kế nội thất. Tôi đang mò mẫm sợi dây nối công việc với đời sống. Hai việc đó rốt cuộc bổ sung cho nhau hay tốt nhất là việc nào ra việc ấy ? Nhất là khi công việc của tôi chẳng qua là bán một giả tưởng cho dôi tình nhân hay đôi vợ chồng, thế thì “trang hoàng một căn hộ mới là bước đầu của quan hệ giữa hai người”, tôi sao có thể không hết sức cẩn thận khi rơi vào những lời nói khoác của chính mình ?

Tôi từng nói đùa với nhân viên môi giới nhà : “Nếu muốn tăng cường quan hệ bạn bè, nam nữ thì hễ rảnh rỗi nên dạo quanh những nơi như IKEA [9]”.

Hôm ấy tốt nhất là chàng nên mặc áo thể thao hàng hiệu như Polo-Nautica thoải mái, đã giặt nhiều lần nhưng không đến nỗi cảm thấy cũ nát ; nàng nên thanh tân, thơm tho như vừa ra khỏi phòng tắm, tóc tốt nhất nên là vừa gội xong, chưa khô hẳn, sau đó hai người dắt tay nhau dạo xem phòng khách, phòng ngủ, phòng ăn bày đầy đủ sản phẩm mẫu, để cho căn hộ dự kiến được copy từ catalog sách báo kich thích những tưởng tượng hưng phấn được sở hữu một người khác.

Không, căn bản không cần tự mình động não tưởng tượng, chỉ cần tiếp tục đi theo mách bảo của sản phẩm mẫu là được, nếu bạn còn tin tưởng ở tình yêu.

Người đàn bà cuối cùng có được tình yêu ở tuổi bốn mươi phần lớn là những con bạc tự nguyện đem hết tích lũy của mình phóng tay đặt cược.

Nữ chủ nhà sai hẹn mặc dù ăn mặc đúng qui củ nhưng vẫn để lộ ý muốn quay ngược thời gian, bắt chước các cô gái Nhật nhuộm tóc vàng, mũ thời trang Uniqlo, quần jean bó ống lửng. Tôi để mắt đến cách ăn mặc đó.

Nếu cần tôi suy đoán thêm thì người được yêu rất có thể là chàng trai trẻ hơn chị ấy.

Đã từng qua lại lâu đến năm năm với đàn bà thành đạt lớn tuổi hơn, tôi có thể ngửi thấy mùi pheromone tiết ra từ mồ hôi trên da và lỗ chân lông của họ. Ví như đều mắc chứng bệnh u uất thì chẳng mấy chốc trong đám đông ở chung nhà sẽ phát hiện ra người cùng bệnh với mình ; hoặc là một người nghiện nặng thuốc lá, từ cách sờ soạng túi áo của một người khác, không khó lập tức đoán ra đối phương đang sốt ruột vì tìm mãi không thấy bật lửa. Quá trình nam nữ trưởng thành trong thói tục khiến chúng ta bị gò bó rất sớm. Chúng ta thường không chú ý đến người khác giới vượt quá giới hạn tuổi tác, nhưng khi mới gặp mặt lần đầu, trong ánh mắt vội vã nhìn nhau thì cái nhìn dừng lại lâu hơn một vài giây đã hé lộ tần suất sóng tình cảm của chúng ta kéo dài. Phát sinh đó chính là tình yêu đang nảy sinh.

Chị lại khiến tôi nghĩ đến một người.

Khi cô trở thành nhân viên mới vào làm ở Công ty quảng cáo chào bán nhà

được nhiều người biết tiếng, tôi trông thấy liền gọi :

-Giai Linh Đệ !

Một năm sau, Giai Linh Đệ trở thành Jennifer. Cùng với thay đổi tên gọi, cô đã qui hoạch chung cho hai người công việc phục vụ trang hoàng sau khi bán nhà. Khi quan hệ xác thịt sục sôi dần dần hạ nhiệt, cô bắt đầu kiên nhẫn lên kế hoạch về tương lai chung của hai chúng tôi. Chỉ có điều đến nay tôi vẫn chưa hiểu rốt cuộc vì tôi không sao lớn lên được, không trở thành người đàn ông như cô kỳ vọng, hay là vì tôi thành thạo quá nhanh, khiến tôi không khống chế được, trở nên càng ngày càng thiếu thích ứng với quá nhiều thiết kế và sắp đặt trong một đời người ?

Còn ánh mắt dừng lại của đối phương là muốn tìm cái gì trên người tôi ?

Có thể là bóng hình bạn trai nhỏ tuổi đã qua của chị ấy chăng ? Bạn trai nhỏ tuổi ấy sẽ lớn lên, sẽ bắt đầu muốn có sự nghiệp của riêng mình, sẽ bắt đầu muốn chơi cổ phiếu,  sẽ không còn kiên nhẫn như bạn trai cùng lứa với công việc một tháng được hai vạn tám tiền công, sẽ dần dần không muốn công khai thừa nhận bạn gái lớn hơn mình đến mười tuổi.

-Thế thì tôi xin cáo từ……Bảo trọng nhé !

Sau khi cùng im lặng nhìn nhau mười giây, tôi rặn ra nụ cười ngượng nghịu đến bản thân cũng không biết là thông cảm hay có vẻ khích lệ chị ấy.

Với tư cách là kỹ sư thiết kế nội thất, tôi vẫn đang học cách không xen vào cuộc sống của khách hàng, cho dù có thể trong khi thiết kế không gian mà họ cần đến, vô tình tôi biết được quá nhiều bí mật của họ.

***

Cô gái xinh đẹp nói, nicknam của cô nên phát âm là “Hoa Nhi” theo âm uốn lưỡi của Bắc Kinh, cha cô là người Đài Nam, cô học tiểu học ở Trung Quốc đại lục. Cô nói rất có lý :

-Vì cha thường không ở cùng em trong thời gian dài nên em thích người đàn ông lớn tuổi hơn mình.

-Ồ, thế thì là tôi chăng ?

-Xem ra anh rất được, là loại hình mà em thích đấy !

Nhưng nói thật, tôi còn chưa biết chắc cô có phải là người tôi thích hay không. Không hề gì, tối nay còn chưa muộn, còn có thời gian quan sát và bồi dưỡng thêm. Ra khỏi hàng ăn, tôi đề nghị có thể đi hát KTV.

Tình yêu trên mạng dù thuận tiện đến mấy thì tôi vẫn có tiêu chuẩn tối thiểu, hoặc nói là cố chấp để sàng lọc. Ví như tôi không sao chịu đựng nổi những cô nữ sinh đeo mi giả vì cho cảm giác giống như gái bán bar. Lần đầu tiên hẹn gặp một mỹ mi như thế, cả buổi tối tôi cứ nhìn chằm chằm đôi lông mi dày như bàn chải bằng lông ngựa của cô, chẳng khác gì con lân đang múa chớp mắt liên hồi của đoàn múa lân, làm khổ tôi vì phải kiềm chế ý định bồng bột là giơ tay giật phắt đôi lông mi đó.

Thêm nữa, nếu ở nhà thì các cô cũng miễn cho. Cứ coi là tính khí bẩt thường của tôi cũng được, bởi vì phòng ngủ của nữ giói xa lạ khiến tôi thích thú, cho dù là phòng nhỏ chỉ hơn mười mét vuông mà sinh viên chia nhau thuê.

Cô Hoa Nhi này rất giỏi khêu gợi bằng lời nói nhưng từ đầu chí cuối, tôi không có phản ứng gì rõ rệt.

Không hiểu sao, tâm trí tôi cứ hoảng hốt không yên.

-Ồ, anh mãi chưa nói cho em biết, anh rốt cuộc làm nghề gì ?

-Tôi là kỹ sư thiết kế nội thất.

-Thế ư ?- Cô hưng phấn mở to mắt-Em siêu hứng thú với thiết kế nội thất đấy ! Hồi nhỏ, cha mua cho em một nhà búp bê rất đẹp. Loại nhà xinh xắn, tinh tế thu nhỏ tỉ lệ với nhà thật có không hả anh ? Hồi nhỏ em từng mong ước lớn lên sẽ chuyên thiết kế nhà cho búp bê đấy.

Tôi thở phào. Lại cứ tưởng cô thật sự muốn thảo luận về Mario Buarta hay

Norman Robert Foster.

-Cô học khoa gì vậy ?

– San lu.

– Ồ, san cái gi lu ?

– Là ăn uống, lữ du ấy mà ! Ngốc thế !

Tôi dường như trông thấy bóng dáng cô mặc quần áo đồng phục, đeo tạp dề lễ phép đứng cạnh bàn ăn tự chọn món.

Chính trong lúc cô chẳng kể âm vực của mình rất có hạn, hát khản cả giọng  bài hát tuyệt hay, bán rất chạy của một nữ danh ca nhạc Rock thì điện thoại di động trong túi áo tôi báo có tin nhắn.

Tôi quyết định không bán căn hộ nữa, đến tuổi này rồi nên hiểu cần bảo vệ những gì mình có. Rất muốn nói với anh câu xin lỗi, chúng ta tiến hành theo kế hoạch đã bàn, có được không ? PS. Tôi quả thật không chơi cổ phiếu.

***

-Tin nhắn gì mà khiến anh vui thế ?-Mỹ mi hát xong một bài, nằm vật ra trên sôpha ở phòng riêng-Trời ơi, sao anh còn dùng loại máy cổ lỗ sĩ đó ? Em cứ nghĩ người của xã hội như các anh đều dùng iPhone cả rồi.

Nếu cô ấy không lải nhải thì tôi không phát hiện cơ mép của mình bị kéo xếch lên. Rõ ràng trong lòng có chút bực dọc, tôi nghĩ trên mặt đang lộ vẻ trù trừ : nên trả lời tin nhắn này thế nào ?

Tạm thời chưa trả lời vội.

Tôi quay lại, cúi xuống hôn đánh độp một cái lên má Hoa Nhi đang nằm trên sôpha. Cô lập tức phóng khoáng giơ tay mát sa đùi tôi một lát, phút sau lại bất ngờ nắm lấy của quý ở đũng quần tôi :

-Hừm, cuối cùng đã có cảm giác rồi chứ ? Thế mà cứ tưởng tối nay bị từ chối cơ đấy !

Nếu như chị ấy không gửi tin nhắn ?

Nếu như tôi trả lời tin nhắn đó ?

Một năm trước, sau khi chia tay Jennifer, một mình tôi được khách đặt hàng lần đầu ở khu dân cư mới tại Tam Hiệp. Vốn dĩ tôi không mấy hứng thú, nghĩ tới đường xá không thuận tiện, lại thêm tâm tình lúc đó không thoải mái nên lúc đầu nói chuyện qua điện thoại với chủ nhà không mấy ăn ý.

Nói được một nửa thì điện thoại chuyển sang tay vợ ông ta.

-Ông Giang đấy ư ? Xin lỗi ông, có thể nhà tôi chưa nói rõ ý định với ông. Là thế này, nhà mới xây xong, nhưng công ty của nhà tôi muốn điều ông ấy sang Thượng Hải. Tôi quyết định cùng đi với ông ấy. Vì ông là do cô Lý ở công ty môi giới nhà giới thiệu nên tôi cũng nói tình hình ấy cho cô Lý biết. Cô Lý nói cô ấy có thể bán lại giúp chúng tôi, nhưng nhà bỏ trống ở khu chúng tôi còn nhiều, lúc đầu rất nhiều hộ cũng muốn mua rồi đàu tư để sử dụng, cho nên cô Lý đề nghị tôi trang hoàn căn hộ, như thế sẽ dễ bán hơn một chút…..Chúng tôi cũng cảm thấy, cô Lý với ông đã là chỗ bạn bè, như vậy mọi người cùng đõ việc. Nếu chủ mua muốn thay đổi những gì trong căn hộ thì có lẽ ông cũng xử lý giúp cả thể…..Ông xem như thế có được không ?

Bà vợ nói năng thẳng thắn, dứt khoát, lưu loát, không như ông chồng lúng ta lúng túng, nói không rõ ràng, cứ như thời buổi này đến đâu cũng gặp kẻ xấu, kẻ lừa đảo, ấp a ấp úng không hiểu rốt cuộc ông ta muốn đề phòng điều gì. Vì chủ nhà không trang hoàng để ở  nên tôi đã nhận công việc nghe ra khá đơn giản này, thậm chí cũng chưa từng gặp mặt vợ chồng chủ nhà. Đợi họ đi Thượng Hải rồi, tôi mới lấy chìa khóa ở Jennifer Cindy rồi vào nhà ấy bắt đầu công việc.

Ba tháng sau, Cindy gọi điện, hỏi tôi có còn nhớ căn hộ ở Tam Hiệp hay không ?

Tôi hỏi :
– Thế nào, nhà chưa bán được à ?

– À, bà chủ ở Thượng Hải về rồi, lại không muốn bán nữa-Cindy đáp-Bà ấy hỏi anh có thời gian xem lại nhà giúp bà ấy không ? Bà ấy muốn về ở nên cần thay đổi một số thiết kế.

– Mẹ nó !

– Thôi, anh thông cảm một chút có được không ? Anh chưa nhận ra à ? Hôn nhân trời định của họ có vấn đề, bà chủ bỏ về Đài Loan chữa trị vết thương lòng, đến tám phần mười là như thế.

Giây phút đầu tiên của tôi là nhớ lại kiểu cách nói năng của ông chồng trên điện thoại lúc ấy. Tôi cứ tưởng ông ta không tín nhiệm tôi cho nên mới nói loanh quanh. Thì ra ông ấy thanh đông kích tây, kỳ thật không muốn cho bà vợ  cùng đến Thượng Hải nên cố ý  nghĩ ra chuyện thiết kế nội thất để trói chân bà vợ ở lại Đài Loan.

Dự đoán của tôi với sự thật cách nhau không xa.

Ba năm qua, ông chồng thường đi công cán tới Thượng Hải và đã có bồ.

Khi bà vợ nói rõ cho tôi biết tình hình khó xử đó, thái độ vẫn thản nhiên, phóng khoáng như trước . Bà gọi điện sớm nhất cho chúng tôi, ấn tượng bà để lại cho tôi là nhất trí. Bà không còn trẻ nữa nhưng bà vẫn chồng cách rời bỏ, nhặt lại công việc trước khi kết hôn là dạy đàn dương cầm và bắt đàu lại.

Tôi thật lòng cảm thấy may mắn cho bà ấy, căn hộ được ghi tên bà, may mà căn hộ vẫn còn. Ngày đàn dương cầm chuyển vào phòng khách được ngăn lại, tôi đặc cách chuẩn bị một chai champagne để chúc mừng bà.

Tuy chúng tôi đều thầm hiểu rõ việc ấy không thật nghiêm túc,trang trọng, chẳng qua là sau nhiều lần kỹ sư thiết kế nội thất và chủ nhà tiếp xúc với nhau nên không tránh khỏi nhất thời sưởi ấm cho nhau.

Tôi tạo ra sự che chở cho cuộc sống mới của ba, bà tặng cho tác phẩm của tôi một câu chuyện đẹp mà buồn. Chúng tôi mượn không gian đó, thỉnh thoảng tạo ra sự thông cảm có chút lãng mạn cho nhau, kể cho nhau nghe những vết thương về tình cảm. Tôi kể chuyện của tôi với Jennifer và chuyện vì sao tôi bắt đầu công việc thiết kế nội thất. Bà hé lộ cho tôi biết chuyện tình của bà với chồng khi găp nhau trên tầu tốc hành và tính toán của họ về tương lai. Hàng ngày, sau khi xong công việc, tôi cưỡi xe máy cũ phóng đến Tam Hiệp xa xôi, bất giác những vật dụng của riêng tôi từng chiếc từng chiếc một bắt đầu để lại ở nhà của bà, không chú ý vừa mới đây thôi mà đã chứa đầy một vali du lịch nhỏ.

Cho tới một hôm bước vào phòng khách nhà bà, tôi phát hiện chiêc vali nhỏ ấy đã gọn gàng đặt cạnh đàn dương cầm, chỉ còn đợi tôi. Tôi nhìn chiếc vali  to bằng con chó cưng dường như bị chủ nhà  ghét bỏ ngồi chồm hổm trên đất, lòng thầm nghĩ việc này cũng không bất ngờ chút nào, không bất ngờ chút nào, không bất ngờ chút nào……, nhưng tôi lại nhụt chí, làm ra vẻ kiểm tra vali hành lý, bấn ná không ngẩng đầu lên để tránh ánh mắt của bà ta.

Bà ta vẫn duy trì vẻ bình thản, thẳng thắn mà tôi ưa chuộng bấy lâu nay, cảm thấy dường như trong đời không khi nào bà nói năng thiếu rõ ràng, rành mạch.

-Ông nhà tôi ngày mai trở về Đài Bắc, thậm chí ông ấy đã xin thôi việc để tôi tin ông ấy thực sự đa cắt đứt với ả kia, mong tôi tha thứ cho ông ấy.

Tôi nói :

-Như thế rất tốt, bà bây giờ ngang bằng với ông ấy rồi. Mấy tháng nay bà cũng có rảnh rang đâu !

Tôi vừa dứt lời thì nhận được một cái tát giòn giã.

Trước khi đi, tôi giận dữ quẳng lại kết luận của tôi :

-Đồ đĩ ! Đồ đĩ thối tha !

Có một thứ được gọi là rủi ro nghề nghiệp, tôi nghĩ nghề thiết kế nội thất cũng không ngoại lệ.

Ra khỏi tòa nhà sừng sững trên lưng đồi ở khu dân cư rộng đến mấy nghìn mét vuông do một tập đoàn xây dựng nên, tôi mới nhớ ra chi phí cho lần trang hoàng thứ hai này chưa báo với chủ nhà, bây giờ thì xôi hỏng bỏng không rồi !

Rõ ràng tôi có nhà của mình, nhưng tại sao lại bị tống cổ ra khỏi nhà người ta một cách khó chịu đến thế ? Trên đường mất đứt năm mươi phút chạy xe máy từ Tam Hiệp về thành phố Đài Bắc, trong đầu tôi vẫn không ngừng hiện ra câu hỏi đó.

Tôi nghĩ  tới loài sinh vật được gọi là Cua Ẩn Sĩ trên bãi cát lên xuống cùng thủy triều. Cuộc đời của chúng là mau chóng tìm được căn nhà trống tiếp theo.

***

Hoa Nhi rất ý nhị tạo ra tiếng thầm thì bắt chước cao trào, tôi cũng chuyên chú nắm vững tiết tấu động tác của mình, đợi đến cuối cùng nghe thấy tiếng OMG mà mỗi khi đến cao trào ắt kêu lên thì chúng tôi đồng thời đều cảm thấy như trút được gánh nặng. Cô xoay người nhảy xuống giường chạy gằn vào buồng tắm, để lại trên giường một mình tôi với cái gối ôm hình mèo Kitty, bâng quơ ngắm căn phòng nhỏ của sinh viên mà quần áo và máy tính đã gần chất kín.

Khi trở mình lấy điện thoại ở cạnh gối để xem giờ, tôi bất giác lại mở mục tin nhắn, đọc một lượt những tin nhắn trước đó.

Một giờ rưỡi sáng. Người nào mà lại trả lời tin nhắn vào giờ này ?

Hẹn hôm khác nhé ! Mong mọi điều tốt lành !

Trả lời như thể nhất định sẽ làm cho người nhận đêm nay mất ngủ.

Tắt máy xong, tôi bất giác cảm thấy không thể hiểu nổi sở trường trời cho về chữ nghĩa của tôi.

Hoa Nhi từ  phòng tắm bước ra, không che giấu được vẻ kinh ngạc trên nét mặt.

Thừa lúc cô tắm, tôi đã bày lại giường và bàn máy tính của cô, phát huy tài thu dọn của tôi, đem sách vở và và quần áo rơi vãi xếp lên giá ở góc phòng còn chỗ. Căn phòng nhỏ vốn chật chội bỗng chốc chừa ra được một khoảng trống nho nhỏ.

-Em xem này, chỗ này sau đây có thể đặt một bàn trà nhỏ, làm bàn ăn cũng được. Có ai lại để vương vãi nước canh ra bàn máy tính bao giờ ?

Vừa nói tôi vừa thuận tay vứt cái bát rếch đựng mì ăn liền Bảo Lệ Long ở cạnh bàn phím vào thùng rác.

Cho dù là cái vỏ ốc nát hơn, xấu hơn, con cua Ẩn Sĩ cũng vẫn muốn thử chui vào một lần. Tôi từng thấy một tác phẩm nhiếp ảnh chụp con cua số đen đang cõng một vỏ hộp nhựa đựng sữa Yakult, đi lẫn vào đám cua Ẩn SĨ có nhà là vỏ ốc rất đẹp mà chẳng biết xấu hổ.Tôi không biết có còn liên lạc với Hoa Nhi nữa không, có lẽ cô ấy vẫn đợi, nhưng cho dù không có tin tức gì về tôi, cô ấy vẫn nhớ tôi, nhất là khi ngồi trên sàn bên bàn trà nhỏ ăn mì ăn liền. Đó chính là chỗ kỹ sư thiết kế nội thất hơn đứt con cua Ẩn Sĩ chăng ?

-Ôi, ông anh ơi ! Ông anh tuyệt thật !

Hoa Nhi cười hi hi đi quanh trong cái ổ của mình, sau đó đến bên giường ngồi xuống :

-Ngủ thôi !

-Sáng sớm mai anh còn có việc, về nhà ngủ tốt hơn, có thế mới tỉnh táo để làm việc.

-Thế ư !

Hoa Nhi để lộ vẻ hiểu biết hiếm có đầu tiên trong tối nay.

-Ky bo với em à ? Cả ngày thứ năm em không có giờ học.

-OK.

Tôi biết tôi có khí chất hấp dẫn nữ giới : không nói nhiều, biết cách làm ra vẻ lắng nghe, hơn nữa đều tắm rửa trước và sau khi làm tình khiến người thơm tho, mà những phụ nữ này thông thường có thói quen là trong những lúc đó thường cắn bắp thịt rắn chắc ở bờ vai của tôi bằng những cái răng nho nhỏ trắng bong.

Lúc đó, đột nhiên điện thoại di động của tôi reo u u như đang ngủ say thì thức tỉnh.

U u u, u u u. Còn chưa kịp nhận ra tiếng kêu phát ra từ chỗ nào, đã thấy Hoa Nhi nhanh tay nhặt lấy điện thoại ở cạnh gối. Tôi lấy làm lạ không biết người cô quạnh nào mà nửa đêm muốn nói lại thôi ?

U u u, u u u.

Phụ nữ thích nhỉn thấy tôi nhếch mép cười méo mó khi chịu đựng nỗi đau đớn nhè nhẹ, dần dần họ cũng hiểu ra chính những cái cắn yêu của họ đã khiến tôi hưng phấn.

U u u, u u u.

Cái điện thoại chết tiệt vẫn phát tín hiệu có cuộc gọi quấy rối người ta.  Trong bàn tay đang nắm của Hoa Nhi, cái đồ chơi đó thật giống của quý căng cứng của đàn ông.

-Mặc kệ nó !-Tôi nói.

Trong nhà của phụ nữ đơn thân, yêu đương thường được dành cho một không gian lớn hơn và tự do nhiều hơn. U u u, u u u. Đấy không phải là phòng sinh hoạt của vợ chồng, cũng không phải hang ổ đàn ông săn được mồi đưa về mà là khung cảnh do chị em tự làm chủ, khiến họ càng có thể vứt bỏ những không gian khác trói buộc họ một cách vô hình. U u u, u u u. Đó là điều tại sao tôi thích ngủ ở nhà họ.

-Ồ, thì ra anh cũng đào hoa gớm nhỉ ! Thế mà mãi không nhận ra đấy ! Tám phần mười là đàn bà gọi đến !

Lẽ ra Hoa Nhi thật chẳng nên chỉ một giây sau gây một việc mà trong đời tôi ít khi không sao dung thứ được. Cô đã nhấn phím OK rồi “Alô….” bằng giọng cố làm ra ngây thơ kéo dài.

Tôi xông đến, lẳng lặng thụi cho cô một quả.

Nén giận, tôi nhặt điện thoại rơi trên đất, nhìn số máy gọi hiện trên màn hình.

Cả buổi tối moi hết tâm can mới cứu vãn được một công việc làm ăn thế là đã bay theo gió sau tiếng “Alô” thảm thiết của Hoa Nhi./.

Phạm Tú Châu dịch

Vài lời về tác giả và tác phẩm :

Quách Cường Sinh tốt nghiệp khoa Ngoại văn trường Đại học Đài Loan, tiến sĩ ngành kịch trường đại học NYU Nữu Ước, hiện là giáo sư khoa Văn học Anh, Mỹ trường Đại học quốc lập Đông Hoa. Đã viết gần hai mươi cuốn tiẻu thuyết, tản văn, kịch, bình luận và là chủ biên các cuốn Tuyển tập tiẻu thuyết năm 2011, tập văn xuôi Nhà văn và biển v.v…Truyện dài gần đây có Kẻ đi đêm (2010), Người ở Hoặc Hương (2012).

Truyện Nhà của đàn bà (Nữ ốc) trích từ Tuyển tập truyện ngắn năm 2012 do nhà văn Cam Diệu Minh (sinh năm 1972) tuyển chọn. Trong lời tựa cho toàn tập, ông cho biết :

“Theo thông báo năm 2012, tỉ suất căn hộ bỏ không ở Đài Loan cao tới 93,3 % với mức 1.560.000 hộ, nhưng mọi người vẫn mải miết xây nhà mới, điều đó khiến nhà văn không thể bỏ qua. Tác giả Quách Cường Sinh trước khi hạ bút hẳn đã điều tra đầy đủ nên truyện biểu đạt bằng bút pháp truyền thần sắc sảo, vật hóa nhân vật chính thành cua Ẩn Cư, thiết kế nội thất nhà bỏ trống, ra vào khuê phòng của đàn bà, đổi bạn tình như đổi vỏ ốc với thâm ý là bức xạ toàn bộ không gian một.

(Nguồn: Tạp chí NV&TP)


[1] Diệp Thạch Đào : Đài Loan văn học sử cương , tr.76.

2   Như trên.

.

[3] Tên một trường phái tiểu thuyết cận đại của Trung Quốc, phần nhiều viết truyêịn tình ái của tài tử giai nhân, nhà văn chủ yếu có Bao Thiên Tiếu, Từ Trẩm Á, Lý Hàm Thu ; tác phẩm tiêu biểu là Ngọc lê hồncủa Từ Trẩm Á.

[4] Đài Loan văn học sử cương, tr.145.

[5] Nhân sĩ ngoài đảng biểu tình đòi dân chủ tự do, bị đàn áp, nhiều người bị bắt giam

[6] Đài Loan văn học sử cương tr.168

[7] .Phật Nhảy Tường là một món ăn cổ xưa của Phúc Châu, dùng gà, sườn, hải sâm, trứng chim câu,, bào ngư, vây cá, nấm hương, măng,,,nấu thành, đặt tên là Phúc Thọ Toàn. Tên này người Phúc Châu phát âm gần giống với Phật Nhảy Tường, vả món ăn rất ngôn, ngon đến mức nhà sư tu hành nhiều năm ở chùa bên cạnh cũng nhảy tường hoàn tục.

[8] Tiểu xác hạnh : cảm giác hạnh phúc nho nhỏ xác thực. Danh từ này có xuất xứ từ tùy bút của nhà văn Nhật Haruki Murakami. Theo ông, cảm giác sau khi chạy đường trường được uống bia ướp lạnh, tình cờ tìm được đĩa hát đang cần khi đi qua hàng băng đĩa cũ v.v…đều là hạnh phúc nho nhỏ, xác thực.

Phạm Tú Châu (Nguồn: Tạp chí NV&TP)

(Đăng lại từ Vanvn.net)

Exit mobile version