Ngoài những tên tuổi lớn như Kawabata Yasunari và Haruki Murakami, nhiều nhà văn hạng hai của xứ anh đào cũng có sách bày bán ở Trung Quốc.
Li Yao – tổng biên tập mảng văn học nước ngoài của Thinkingdom Media – NXB tư nhân hàng đầu Trung Quốc nói với tờ The Global Times: “Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn cho nhà văn Nhật. Về cơ bản sách của tất cả nhà văn hàng đầu Nhật Bản đều được giới thiệu ở Trung Quốc”.
Bằng chứng cho sự nổi tiếng của các nhà văn Nhật ở Trung Quốc cũng thể hiện trong một danh sách được tổng kết gần đây về tổng thu nhập tiền bản quyền của các nhà văn nước ngoài ở Trung Quốc.
Trong 10 nhà văn ngoại thu nhập cao nhất ở Trung Quốc, có 4 tác giả Nhật: Kazuo Inamori, Tetsuko Kuroyanagi, Haruki Murakami, Higashino Keigo (trái phải, trên dưới).
Danh sách – do Ngô Hoài Nghiêu, một nhà báo rất yêu thích văn học tiến hành khảo sát hàng năm, bắt đầu từ 2006 – đã chỉ ra rằng có 4 nhà văn Nhật trong top 10 nhà văn ngoại kiềm tiền nhiều nhất ở Trung Quốc, tính từ 11/2011 đến 10/2012. Đó là các nhà văn: Haruki Murakami, Higashino Keigo, Toru Kuroyanagi và Inamori Kazuo, với tổng tiền bản quyền thu về dao động từ 1,5 triệu NDT (5 tỷ đồng) đến 3 triệu NDT (9,8 tỷ đồng).
Văn học Nhật Bản ở thị trường Trung Quốc có thể được chia thành 3 loại: văn học đại chúng, văn chương nghệ thuật và văn học thiếu nhi.
Các tác phẩm đại diện cho mảng văn học đại chúng là Into the White Night của Higashino Keigo và The Sleeping Dragon của Miyuki Miyabe, những câu chuyện trinh thám này thu hút lượng fan lớn ở cả Nhật Bản và Trung Quốc, đặc biệt là các độc giả nam.
Li Yao cho biết: “Là nhà văn tryện trinh thám hàng đầu Nhật Bản, sách Higashino Keigo đã tiêu thụ được 3,5 triệu bản ở Trung Quốc tính đến cuối năm 2011″.
Đối với các nhà văn thuộc thể loại văn chương nghệ thuật như Kawabata Yasunari và Haruki Murakami, các tác phẩm của họ đều đã được dịch sang tiếng Trung Quốc và có sẵn trên thị trường. Norwegian Wood và 1Q84 của Haruki Murakami đến nay đã bán được hơn 4 triệu bản ở Trung Quốc.
Cũng theo Li Yao, các tác phẩm thiếu nhi như Window of the Small Peas của Toru Kuroyanari đã lập kỷ lục khi tiêu thụ được 5 triệu bản. Ông nói thêm: “Thực tế những nhà văn hàng đầu Nhật Bản đều có lượng tiêu thụ sách ở Trung Quốc vào khoảng từ 4 đến 6 triệu bản”.
Với cánh cổng rộng mở vào thị trường Trung Quốc, sách Nhật Bản đã tạo ảnh hưởng lớn đến một nhóm các độc giả và nhà văn nước này. Chính chủ nhân giải Nobel Văn học 2012 Mạc Ngôn cũng đề cập đến vấn đề này sau khi thắng giải vào tháng 10/2012. Mạc Ngôn nói: “Nhiều nhà văn Nhật Bản như Kenzaburo Oe đã có ảnh hưởng tích cực đến các nhà văn Trung Quốc”.
Trong khi các nhà văn Nhật Bản và tác phẩm của họ rất được yêu thích ở Trung Quốc, nhà văn Trung Quốc lại bị bỏ qua ở Nhật Bản.
Văn học Trung Quốc hy vọng sẽ gây được chú ý với độc giả Nhật nhờ vào giải Nobel của Mạc Ngôn.
“Một số tác phẩm của những nhà văn thậm chí tầm thường đến từ Nhật Bản cũng thường được nhìn thấy trong các cửa hàng sách Trung Quốc, trong khi tác phẩm của các nhà văn hàng đầu Trung Quốc vẫn hiếm khi được thấy trong thị trường Nhật Bản”, Mao Danqing – một nhà văn Trung Quốc sống tại Nhật Bản – cho biết.
“Nhà văn Nhật Bản và tác phẩm của họ ra nước ngoài sớm hơn nhiều và do đó họ có nhiều kinh nghiệm hơn so với các đồng nghiệp Trung Quốc”, Li Yao còn nhấn mạnh rằng mạng lưới thị trường của Nhật Bản cũng được mở rộng hơn.
Tuy nhiên, một tín hiệu đáng mừng là Nhật Bản đã bắt đầu chú ý hơn đến các nhà văn Trung Quốc sau khi Mạc Ngôn giành giải Nobel Văn học 2012.
“Tác phẩm của Mạc Ngôn có thể được nhìn thấy ở một số cửa hàng sách lớn của Nhật Bản với câu chúc mừng in bên cạnh, cùng tác phẩm của các nhà văn hiện đại Trung Quốc khác”, Mao Danqing nói trong một cuộc phỏng vấn.
Nguồn: giaitri.vnexpress.ne