VĂN HỌC NHẬT BẢN HẬU ĐỘNG ĐẤT – SÓNG THẦN

(Cánh cửa tương lai phải chăng đang mở ra?)

Ngô Hương Giang dịch từ tiếng Anh

Numano Mitsuyoshi sinh năm 1954 tại Tokyo, là nhà phê bình văn học và chuyên gia văn học Nga và Đông Âu. Ông từng là sinh viên của đại học Tokyo và đại học Havard, đồng thời là dịch giả và giáo sư khoa nghiên cứu văn học đương đại tại Đại học Tokyo – nơi giúp ông tiến đến gần hơn nền văn học thế giới. Những tác phẩm của ông gồm có: “Dòng văn học lưu vong” đạt giải Suntory được nhà xuất bản sakuhinsha xuất bản năm 2002, “Về văn học viễn tưởng” xuất bản năm 2003 bởi nhà xuất bản sakuhinsha đoạt giải Yomiuri và “Thế giới được dựng lên bằng văn học” được nhà xuất bản Kobunsha xuất bản năm 2012. Ông cũng là thành viên của ban tư vấn JNB.

Trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản đã tàn phá khu vực Tohoku vào cuối tháng 3, và cuộc khủng hoảng hạt nhân tiếp diễn sau đó đã để lại hậu quả nặng nền trên tất cả các mặt của đời sống Nhật Bản. Văn học cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Cuộc chiến đấu giằng co chống lại sự tuyệt vọng dường như đã chiếm trọn thời gian dành cho văn học. Các nhà văn đương thời đã phản ứng lại sự tuyệt vọng bằng nhiều cách kể từ lúc diễn ra thảm họa ngày 11 tháng 3.

Gần như ngay lập tức, một số nhà thơ đã phản ứng lại hiện thực đau thương bằng những dòng thơ tâm huyết, thể hiện thái độ chân thành, sâu lắng và mãnh liệt. Trước đó, Wago Ryoichi, nhà thơ gốc Fukushima được biết đến nhiều hơn với những vần thơ hiện đại khó hiểu, thì sau cú sốc 11 tháng 3, thơ của ông đột ngột chuyển ngoặt. Với việc sử dụng phương tiện Twitter để xuất bản lần lượt những đoạn thơ ngắn của mình, ngay lập tức, ông đã đạt được thành tựu đáng kể:

“Trong giây phút lìa xa này, chỉ có những giọt nươc mắt

Ta muốn viết trong cơn giận dữ như một người điềm tĩnh”

“phóng xạ đang phủ kín. Đêm tối đang ngợp dần”

“Hàng đêm bình minh lại trỗi dậy”.

Những mảnh ghép này dường như khó có thể được xem là thơ trong cảm nhận thường ngày. Bản thân tác giả của những vần thơ này gọi những vần thơ ấy là “sỏi thơ” (shi no tsubute [pebbles of Poetry]. Tokuma Shoten), nhưng chính những vần thơ ấy lại khiến con người có những suy nghĩ thẳng thắn về hiện thực đang xảy ra.

Còn Hasegawa Kai, một trong những nhà thơ Haiku chủ chốt của Nhật Bản đã quay trở về thể loại thơ Tanka [1] để bày tỏ cảm xúc của mình trước thảm họa vừa diễn ra quê hương ông, trả lời cho những gì mà ông mô tả như “sự thôi thúc bất khả cưỡng” khi viết nên những bài thơ với cảm xúc dâng trào mãnh liệt. (Shinsai Kashū [Những bài thơ chọn lọc viết về thảm họa 11 tháng 3 ở Nhật Bản], Chūō Kōron Shinsha, see JBN No.70).

Đừng nói nhẹ nhàng/ Về hai mươi nghìn cái chết

Một trong số họ/ là cha mẹ hay em nhỏ/ là người anh trai hay người chị gái

Hãy lấy lại/ ngôn từ ấn tượng và sự kiên cường/

Ai quên lãng điều ấy/ Sẽ không quay trở lại.

Vậy điều gì đã hướng những bài thơ Haiku này chuyển sang dạng thức của thể loại thơ Tanka dài hơi hơn? Nhà thơ sáng tác theo thể loại Tanka thời kỳ Heian – Ki no Tsurayuki đã viết bài giới thiệu nổi tiếng cho tập thơ kokinshū – tuyển tập thơ đồ sộ đầu tiên của Nhật Bản như sau:

“Điều gì khiến mọi sinh vật trên thế giới này không thể cất cao giọng hát?”. Nếu ta hướng những từ này theo quyền năng phổ quát của thơ ca, có lẽ chúng ta có thể tạm kết luận cho điều ấy rằng, chính cú sock thảm họa sóng thần và động đất năm ngoái đã thực sư đánh thức tinh thần thi ca vốn từng ngủ yên trong trái tim con người Nhật Bản. Trong khi ấy, Henmi Yō đã cho xuất bản một chuỗi những bài thơ sống động, mặc dù tiêu đề của những bài thơ ấy nghe có vẻ kỳ cục “Me no umi – watashi no shisha tachi ni” [ Biển Mắt: Tìm về dĩ vãng đã qua của tôi] (Bungakukai, June 2011). Có lẽ, vì Henmi Yō đã từng lớn lên ở một trong những nơi thuộc thị trấn Tōhoku bị tàn phá bởi trận động đất, sóng thần, cho nên, tác phẩm của ông ngay lập tức trở thành một hành động bi thương, là lời nguyện cầu; đặc biệt vượt lên trên tất cả là nỗ lực không tuyệt vọng của một nhà thơ hướng đến sức mạnh biểu đạt thơ ca và “sử dụng” nó để chống lại sự ngang ngược từ phía “các thế lực” tàn phá của tự nhiên.

Gửi đến linh hồn đã khuất của tôi:

Anh sẽ phải hát trong đơn độc những bài thơ của mình

Hãy để những đóa hoa cúc nơi bờ dậu ngừng nở hoa

Hãy để những gốc cây vàng bám chặt vào vách đá ngừng than khóc

Cho đến khi những từ hợp lý dùng để thay thế với ý nghĩa độc đáo và khác lạ được tìm thấy,

Nhằm sáng tạo một đời sống mới

Cho những linh hồn đã khuất của tôi

Nhiều tiểu thuyết gia cũng đã phản ứng lại hiện thực bằng những cách thú vị, dù rằng, họ có hơi trậm trễ so với các nhà thơ. Một số tác phẩm đã được viết ngay từ khi thảm họa xuất hiện, cho thấy trí tưởng tượng của nhà văn đã được thể nghiệm qua từng sự kiện của ngày 11 tháng 3. Ở đây, tôi muốn nhắc đến hai ví dụ ngoài lề câu chuyện chúng ta đang bàn luận là: Uma tachi yo, sore demo hikari wa muku de [Những con ngựa, Ngay cả bây giờ ánh sáng vẫn còn tinh khiết] của Furukawa Hideo (Shinchō, tháng 7 năm 2011, sau đó đã được Shinchōsha xuất bản thành sách) và Koi suru genpatsu [Nhà máy hạt nhân của tình yêu] của Takahashi Gen’ichirō (Gunzō, tháng 11 năm 2011, sau đó được Kōdansha xuất bản thành sách).

Furukawa đã hay tin từ Fukushima ít ngày sau trận động đất và sóng thần diễn ra đầu tháng 3 khiến ông có cảm giác cơ thể mình dường như đang bị hủy hoại từng phần. Ông đã chuyển đến sống gần nhà máy hạt nhân một thời gian và mô tả lại những gì “mắt thấy tai nghe” ở đây. Kết quả của sự sống trải ấy đã vượt qua điều mong đợi của một bài phóng sự. Tác phẩm của ông là sự hòa trộn giữa tính hiện thực và hư cấu tưởng tượng, điều mà Furukawa đã tìm thấy mình trong số các nhân vật của cuốn Seikazoku [ Gia đình thần thánh] – một trong những tác phẩm được ông viết khá sớm về vùng Tōhoku, ngay khi ông đang ngồi trên xe hơi. Sự hòa trộn giữa giòng hư cấu và phi hư cấu này có lẽ là cách thức duy nhất khiến một tác giả đang mất phương hướng về tinh thần phản ứng đối với những gì “mắt thấy tai nghe” mà hiện thực kinh hoàng đang phơi bày.

Ngược lại, với Koi suru genpatsu [Nhà máy hạt nhân của tình yêu], Takahashi Gen’ichirō lại duy trì vai trò là người tiên phong của dòng văn học Hậu hiện đại trong việc miêu tả hậu quả do sự cố hạt nhân gây ra cho con người thông qua lối viết siêu thực, thiên về diễn tả những điều phi lý. Cuốn tiểu thuyết là sự đấu tranh của đạo diễn phim khiêu dâm dưới sự bảo trợ từ người thầy của mình làm một bộ phim cho giới trẻ, nhằm gây quỹ để tái thiết đất nước. Cuốn tiểu thuyết lấy tiêu đề từ bộ phim do chính ông sản xuất. Đối với một số bạn đọc, có thể họ cho rằng, các tình tiết chính trong truyện là không hợp lý hoặc thậm chí là khiếm nhã. Nhưng theo quan điểm của tôi, tác giả cuốn tiểu thuyết xứng đáng được tôn trọng vì đã không viết theo lối văn phong thông thường, thậm chí, khi đối mặt với thảm họa chĩa làm ba hướng ám ảnh con người: động đất, sóng thần và sự cố hạt nhân. Mặc dù trận thảm họa đã phơi bày những điều mà “trước đây chưa từng biết đến ở đất nước này. Những luận thuyết bất thành văn vẫn còn ảnh hưởng rất lớn đến văn phong của các tác giả. Một trong những mục tiêu mà tác giả Takahashi đặt ra trong các tiểu thuyết của ông là phá bỏ những luận thuyết bất thành văn đó.

Hàng loạt những bài bình luận, những tác phẩm phi tiểu thuyết ấn tượng về thảm họa hạt nhân Fukushima đã được xuất bản. Nhưng cho tới nay, những nghiên cứu nổi bật nhất phải kể đến đó là Fukushima no genpatsu jiko o megutte: Ikutsu ka manabi kangaeta koto [Sự cố hạt nhân ở Fukushima: bài học và suy ngẫm](Misuzu Shobō) của nhà vật lý Yamanoto Yoshitaka và Nihon no daitenkan [Nhật bản đang chuyển mình] (Shūeisha) của nhà nghiên cứu tôn giáo Nakazawashin’sichi. Mặc dù cả hai cuốn sách hướng đến thảo luận về các vấn đề năng lượng hạt nhân từ quan điểm chuyên môn của mỗi tác giả, nhưng đồng thời, cả hai cũng cùng hướng đến văn cảnh đương thời để xác lập mức độ hợp lý trong lối phê bình văn hóa.Từ tháng ba năm ngoái, hai cuốn sách là hai bằng chứng hùng hồn về cách làm việc nhằm phát triển lối tư duy phân tích và các hệ giá trị đặc trưng của người Nhật bản.

Trong số những tác phẩm văn học gần đây, ấn tượng nhất là cuốn Haru o urandari wa shinai – Shinsai o megutte kangaeta koto [Tôi không đổ tại mùa xuân: suy ngẫm về thảm họa động đất] (Chūō Kōron Shinsha), một kiệt tác phê bình văn học của tác giả Ikezawa Natsuki. Nó dường như là một trong những tác phẩm văn chương có sức sống dẻo dai nhất trong năm qua. Theo dòng cảm xúc, tác giả miêu tả sống động những chuyến đi của ông tới những vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Xuyên suốt tác phẩm là sự cảm thông sâu sắc của tác giả đối với cảnh ngộ các nạn nhân, đồng thời là cái nhìn sâu sắc về ý chí người Nhật bản. Nhờ có kiến thức nền tảng trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, cùng với ý thức trách nhiệm xã hội cao, tác giả đã củng cố và tiếp thêm sức sống mãnh liệt cho đứa con tinh thần của mình. Nhan đề của tác phẩm ngẫu nhiên trùng với bài thơ Parting with a View của nhà thơ Balan Wislawa Szymborska. Những câu thơ đầu tiên của bài thơ đó là:

“Tôi không đổ lỗi cho mùa xuân

Nó đến rồi lại đi

Cũng không thể đổ lỗi

Những gì nó đã làm

Theo năm tháng”.

Bài thơ biểu tả cảm xúc của tác giả khi đón mùa xuân đầu tiên sau “sự ra đi” của người chồng. Tuy nhiên, đối với những ai đã đọc bài thơ này vào thời điểm sau thảm họa ở Nhật bản thì cái họ cảm nhận được bao trùm cả bài thơ chỉ là tình hình ở Tōhoku mùa xuân năm ngoái, mà không thể hiểu được hàm ý khác của tác giả. Bỏ qua việc đọc nhầm, theo tôi cảm nhận thì bài thơ chính là minh chứng cho sức mạnh lan tỏa của văn chương, sức sống bất tử với thời gian và không gian, thậm chí nó còn tạo ra luồng sinh khí tươi mát trong bối cảnh thời đại mới.

Quả vậy, rất nhiều tác phẩm được viết nhiều năm về trước đã mang trong nó sắc thái ý nghĩa mới của hiện tại kể từ sau thảm họa ngày 11 tháng 3. Một trong những tác phẩm như thế là tác phẩm Kamisama, 2011 (được dịch thành Chúa sẽ phù hộ cho con, 2011) của nhà văn Kamakami Hiromi. Đó là tác phẩm đầu tay của tác giả và xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1993. Nó là một câu truyện cổ tích ngọt ngào, giống như câu chuyện mà nhân vật chính trong truyện đi tản bộ dọc bờ sông cùng với một chú gấu, thành viên mới chuyển đến khu căn hộ của cô ấy. Ngay sau thảm họa năm ngoái, ông đã viết một bản phóng tác mới đưa câu truyện đến với thế giới sau sự cố hạt nhân. Nhìn chung những nét chính trong cốt truyện hay văn phong không có sự thay đổi nhiều. Tuy nhiên chúng ta vẫn cảm nhận được sự thay đổi hoàn toàn. Tại sao lại như vậy? Lý do rất đơn giản, trong phiên bản mới, tất cả mọi thứ vẫn được đề cập như dòng sông, con cá nhưng giờ đây những thứ ấy đã bị nhiễm phóng xạ. Điều đáng chủ ý ở đây là, làm thế nào trong cùng một cách diễn đạt mà chúng lại biến hóa về ý nghĩa hoàn toàn mới phía sau những gì mà câu truyện đề cập đến chỉ như một “biến cố” trong thế giới đó.

Như đã nói ở trên, tôi đã đề cập một loạt phản ứng ban đầu khi thảm họa xảy ra, nhưng đối với văn chương nhất là các cuốn tiểu thuyết trọn ven thì cần có thời gian thai nghén. Vẫn còn quá sớm để đánh giá xu hướng và những thành tựu văn học sau thảm họa ngày mười một tháng ba. Xét cho cùng những xu hướng đó đang dần trở nên rõ ràng hơn. Ōe Kenzaburō tác giả của cuốn In late Style [Phong cách muộn] dường như đóng vai trò người báo hiệu những gì sắp xảy ra. Tiểu thuyết mới nhất của người đoạt giải Nobel xuất hiện trên báo lần đầu tiên vào tháng một năm 2012 trong ấn phẩm của tạp chí Gunzō đã cho chúng ta thấy tác giả đã phải vật lộn như thế nào để trả lời câu hỏi: Xu hướng văn học hậu kỉ nguyên 11 tháng 3 có thể là gì? Tác phẩm không đi theo lối viết thông thường mà xen kẽ những thông điệp của ba thành viên nữ trong gia đình ông. Mặc dù, chúng ta không thể biết câu chuyện sẽ diễn biến như thế nào, từ các tình tiết ban đầu ôm chứa những dấu hiệu giễu nhại nhằm ám chỉ thi hào Ý- Dante [tác giả của Thần khúc], cho đến việc trích dẫn đối với “Cánh cửa của tương lai”, rồi hướng đến Hài hước thiên chúa…

Sau thảm họa, cuộc sống của chúng ta và nền văn học sẽ đi về đâu? Đó là câu hỏi của Dante nhưng cũng là câu hỏi Ōe Kenzaburō hỏi chính bản thân mình và tất cả chúng ta.

(Nhiều tác giả (2012), Japanese Book News, Number 71, p. 2 – 3)

 

[1] Tanka (đoản ca: 短 歌), là thể loại thơ độc đáo của Nhật Bản. Về mặt nội dung, thơ Tanka là cách biểu hiện bằng ngôn ngữ những cảm xúc nguyên vẹn thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, có thể nói thơ Tanka giống như nhật ký. Thời gian không quay trở lại lần thứ hai, nếu ta trân trọng ghi lại những gì đã gặp trong cuộc sống hàng ngày bằng thơ tanka, khi đọc lại thơ những kỷ niệm sẽ sống lại tươi nguyên như thuở ban đầu.Chính những cảm xúc trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta như khóc, cười, giận dỗi, làm lành…đều có thể ghi vào thơ.Thơ Tanka ghi lại tất cả mọi chủ đề của cuộc sống như chuyện tình yêu, những chuyến đi, thiên nhiên, nỗi buồn….Về mặt hình thức, thơ Tanka gồm 31 âm với cấu trúc 5-7-5-7-7. Với bản chất của tiếng Nhật, nhịp điệu 5-7-5-7-7 luôn tồn tại trong mỗi con người, nên dễ cảm thấy rằng những ngôn từ dùng hàng ngày sẽ tự nhiên đi theo nhịp điệu đó.

Nguồn: PHONGDIEP.NET

Exit mobile version