Văn học Nga nói chung và văn học thiếu nhi Nga nói riêng, một thời nhận được sự quan tâm đặc biệt có ảnh hưởng đến đời sống xã hội nước nhà. Tuy nhiên, văn học Nga trong bối cảnh hiện nay có vị thế như thế nào?


Những tác phẩm văn học Nga dành cho thiếu nhi từng là sách gối đầu giường của nhiều thế hệ

Văn học Nga, một thời là sách gối đầu giường

Văn học Nga, hay theo cách gọi trước đây là Văn học Nga – Xô Viết, chỉ cần nhắc lại cụm từ này thôi là bao kí ức lại dội về với các thế hệ độc giả người Việt một thời. Những tác phẩm bất hủ của văn học Nga – Xô Viết có thể kể đến như Chuyện phiêu lưu của Mít Đặc và các bạnVichia Maleev ở nhà và ở trường của Nicolay Nosov; Chiếc chìa khóa vàng hay chuyện li kì của Buratino của Alexei Tolstoi, Bác sĩ Aibôlít của Chukovsky, Chiếc nhẫn bằng thép của K.Paustovsky, Dagestan của tôi của Rasul Gamzatov, Thép đã tôi thế đấy của Nikolai A. Ostrovsky, Maximka của K.M Stanyukovich, Người cá và Bột mì vĩnh cửucủa Alexander Romanovich Belyaev, Timua và đồng đội và Số phận chú bé đánh trống của Arkady Gaidar… đã khiến bao thế hệ trở nên quen thuộc, say mê, chắp cánh những ước mơ bay bổng và thậm chí là sách gối đầu giường.

Sức ảnh hưởng của văn học Nga – Xô Viết còn được thể hiện trong những cuốn sổ chép tay của biết bao người yêu văn học những câu thơ bất hủ khiến người đọc lên phải bần thần, si mê, những áng văn tài tình đầy triết lý mà có lẽ không thể không kể đến như: “Cái quí nhất của con người là cuộc sống. Đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi phải xót xa, ân hận vì những năm tháng sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Cả đời ta, cả sức ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người”.

Dịch giả Thúy Toàn – người được độc giả gọi là nhà “Puskin học”, gắn bó với văn học Nga cũng như nhiều bài thơ dịch nổi tiếng đã khẳng định: Văn học Nga đã để lại một mảng văn học thiếu nhi có giá trị rất lớn và nhân văn.

PGS. Đào Tuấn Ảnh lý giải vì sao một thời say mê văn học Nga là do văn học Nga đáp ứng được tình cảm, thị hiếu, nhận thức của chúng ta lúc đó.

Còn nhà giáo, dịch giả Vũ Thế Khôi khẳng định văn học thiếu nhi Xô Viết là một kho “vàng mười”. Nước Nga thời Xô Viết có một nền văn học đồ sộ vào bậc nhất với nhiều tác gia và tác phẩm được liệt vào danh sách vàng của văn học thế giới dành cho thế hệ trẻ. Không biết bao nhiêu thế hệ trẻ đã lớn lên thành người với những cuốn sách gối đầu giường; chọn cách sống ngay thẳng, biết thương yêu và biết căm ghét, vươn tới những lý tưởng nhân văn cao cả. Hơn nửa thế kỷ trước- thuở lãng mạn Cách mạng tối tối dưới ánh lửa bập bùng chúng tôi từng quây quần nghe kể hết chương này đến chương khác… Có những bài ca đi cùng năm tháng thì cũng có những cuốn sách đi suốt đời người. Văn học thiếu nhi Xô Viết có nhiều cuốn như thế, có quyển sách có thể nói hợp với muôn đời, được yêu thích ở mọi thế hệ chừng nào loài người còn tồn tại như: Cánh buồm đỏ thắm của Aleksandr Grin, Bác sĩ ôi đau quá của Cornei Trucovxki.


Người tham dự đóng góp ý kiến

Sự tiếp nhận văn học thiếu nhi Nga ở Việt Nam hiện nay

TS. giáo dục Nguyễn Thụy Anh, người gắn bó sâu sắc với văn học Nga đã cung cấp một con số về tình hình xuất bản tác phẩm văn học Nga tại Việt Nam. Theo đó, từ năm 2000 đến năm 2011 có gần 400 tác phẩm xuất bản, trong đó 122 tác phẩm là văn học thiếu nhi và quá nửa trong số đó là tái bản, còn tác phẩm văn học Nga dịch mới rất hiếm.

Dịch giả Thúy Toàn cũng trăn trở khi năm 2013 ông có tham dự một Hội nghị sách văn học thiếu nhi thì thấy xuất hiện rất nhiều tác giả mới của văn học Nga. Vì vậy dịch giả của “Tôi yêu em” mong các nhà xuất bản tại Việt Nam quan tâm tới bạn đọc để khai thác những tác phẩm văn học Nga đương đại.

Đồng quan điểm này, TS., nhà thơ Nguyễn Thụy Anh cũng hi vọng NXB Kim Đồng nên tìm hiểu và giới thiệu tác giả hiện đại của nền văn học Nga cho độc giả Việt Nam.

Dẫn chứng từ câu chuyện ở ngay chính gia đình mình, PGS. Đào Tuấn Ảnh cho biết, con trai bà cách đây khá lâu khi đọc tác phẩm văn học Nga xong có phát biểu là đọc cũng hay nhưng thiếu sự hài hước. Theo nhà phê bình thì sự hấp dẫn văn học thiếu nhi đương đại bởi hai yếu tố là gay cấn và hài hước. Các em nhỏ bây giờ rất khác ngày xưa, lại có quá nhiều đam mê khác ngoài sách như game, ipad… Chúng ta không thể mãi ăn theo quá khứ, nhưng vẫn phải hướng các em vào sách giấy để khơi gợi trí tưởng tượng. Việc NXB Kim Đồng tái bản bộ sách văn học Nga là một nỗ lực góp phần vào việc bảo vệ trẻ em trước sự tấn công ngoài tâm thế văn chương.

Dịch giả Vũ Thế Khôi tiết lộ, ông đã truyền cảm hứng say mê, yêu thích văn học Nga – Xô Viết của mình cho các con bằng cách lập tủ sách mang tên con. Nhưng rồi theo thời gian, khi con ông lớn dần lên, ông phát hiện ra còn thiếu những tác phẩm dành cho lứa tuổi “dở dở ương ương” mà bây giờ gọi là tuổi teen. Sự thiếu thốn này đã trở thành động lực khiến ông dịch sách mới để bổ sung vào tủ sách. Đến bây giờ những cuốn sách này vẫn có giá trị, vẫn có người lùng sục và muốn mua. Tuy nhiên, chưa có nhà xuất bản nào in nữa và nhiều người đã “thực thời” chế bản, in lậu lại cuốn đã xuất bản trước đây để bán cho độc giả. Ông mong được chia sẻ trách nhiệm nếu NXB Kim Đồng tiếp tục duy trì những bộ sách văn học thiếu nhi Nga.

Sáng 23/9 tại Trung tâm văn hóa Nga đã diễn ra buổi tọa đàm “Còn mãi những cánh buồm đỏ thắm” – tên tọa đàm được lấy theo một tác phẩm nổi tiếng, gắn liền với nhiều thế hệ yêu văn học Nga. Buổi tọa đàm đã quy tụ những tên tuổi nhà văn, nhà thơ gắn bó văn học Nga như: Thúy Toàn, PGS. Đào Tuấn Ảnh, TS. Nguyễn Thụy Anh, TS. Nguyễn Thị Thu Thủy, Trần Quốc Toàn, Trần Thiên Hương, Phạm Xuân Nguyên…

Nhân dịp này, NXB Kim Đồng cũng tái bản bộ sách văn học thiếu nhi Nga: Bác sĩ Ai bô lít, Những cánh buồm đỏ thắm, Người cá, Bột mì vĩnh cửu, Số phận chú bé đánh trống, Thép đã tôi thế đấy, Buratino, Chuyện phiêu lưu của Mít đặc và các bạn, Vichia Maleev ở nhà và ở trường, Chiếc nhẫn bằng thép…

Hiền Nguyễn – Tổ Quốc

Exit mobile version