Nhiều năm qua, theo dõi tình hình văn học mạng trên nhiều góc độ khác nhau, chúng tôi đã nhận thấy sự tác động mạnh mẽ của nền tảng này lên văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc văn học nói riêng. Xin trình bày ngắn gọn thông qua các luận điểm như sau:

Thứ nhất, về phương thức tìm kiếm văn bản: người đọc đã dần từ bỏ thói quen tìm đến các nhà sách và các thư viện, họ một mặt có thể dùng các tài khoản mạng để mua các phiên bản ebook nhằm đọc qua máy tính, máy tính bảng hoặc máy đọc sách, hay smartphone, những thiết bị ngày một phổ biến và có giá rẻ chỉ tầm khoảng 3, 4 triệu. Mặt khác, người đọc hoàn toàn có thể đặt mua sách qua mạng, thông qua các trang web về kinh doanh sách. Việc nền tảng mạng phổ biến đã giúp cho người đọc rất dễ dàng trong việc mua bán, trao đổi sách, nó làm biến đổi hoàn toàn thói quen tìm kiếm tri thức thông thường, giúp người đọc tiết kiệm thời gian, thậm chí, giao phó toàn bộ việc tìm kiếm cho các trang web, chỉ cần gửi email yêu cầu, mọi việc còn lại do trang web tiến hành, bao giờ có sách, trang web kinh doanh mang đến nhà cho người đọc và thanh toán tiền. Việc tìm kiếm sách này vừa tiết kiệm thời gian, lại tiết kiệm chi phí, nhưng nó sẽ dần triệt tiêu văn hóa nhà sách, văn hóa café sách trong tương lai, nơi những người đọc đến không chỉ đơn thuần tìm và đọc sách, mà còn để giao lưu và đối thoại lẫn nhau. Phương thức tìm kiếm sách này sẽ chịu ảnh hưởng từ độ tuổi người đọc, bởi các thế hệ 8x và 9x sẽ có ưu thế hơn trong việc sử dụng nền tảng mạng để tìm kiếm sách. Thế hệ viết trên mười đầu ngón tay, thế hệ F tỏ ra năng động và am tường hơn trong việc tìm kiếm và sở hữu sách, do họ sinh ra đã làm quen với nền tảng mạng.

Thứ hai, về cách thức đọc văn bản: sách điện tử (bao gồm cả tác phẩm văn học thông thường đã được số hóa và cả tác phẩm được viết trực tiếp trên nền tảng ngôn ngữ mạng) đã làm thay đổi cách thức đọc, dịch và nghiên cứu văn học. Thay vì đọc theo chiều ngang và lật qua trang, cách thức cấu trúc chuỗi luồng của sách điện tử khiến người đọc có xu hướng lướt xuống phía dưới, tăng tốc độ đọc, chú trọng thông tin, cốt truyện nhưng lại dễ bỏ qua những giá trị thẩm mỹ, đặc trưng ngôn từ. Hầu như ít có người đọc sách điện tử nào chuyên tâm chỉ đọc mỗi văn bản văn học, mà thường hay bị phân tâm vào những việc khác như chat, check mail, lướt facebook, đọc báo… nên tính chuyên chú trong quá trình đọc bị ảnh hưởng. Nhưng nền tảng mạng cũng giúp người đọc bỏ qua nhiều khoảng cách, giới hạn. Người đọc hoàn toàn có thể tra ngay thông tin một sự kiện, nhân vật, tác giả được ghi trong sách thông qua lệnh tìm kiếm google, hoặc ngay lập tức dùng google để dịch văn bản. Nhiều người cho rằng lối dịch google đang làm phá hoại văn hóa dịch hiện nay nhưng chúng tôi lại cho rằng google đang giúp cho dịch thuật từ hành vi nghiên cứu hàn lâm trở thành hành vi thao tác thường nhật. Những dịch giả lớn và đích thực không cần đến google, nhưng mọi người đọc bình dân lại đang được phổ cập hóa tri thức nhờ google. Google cũng trở thành cơ sở nhằm chống đạo văn, khi ta dễ dàng kiểm chứng một văn bản đã từng được ai viết hay chưa.

Thứ ba, văn học mạng làm thay đổi mối quan hệ và tương tác giữa tác giả – văn bản và người đọc. Thông qua các trang blog và mạng xã hội, nơi đăng tải chủ yếu và đầu tiên các tác phẩm văn học mạng, người đọc đã có thể đối thoại dễ dàng và trực tiếp với tác giả. Tác giả cũng dễ dàng tiếp cận người đọc hơn, bất chấp khoảng cách về không gian và thời gian. Dưới mỗi tác phẩm văn học mạng bao giờ cũng có các comment của độc giả, nó sẽ là phần văn bản tác động hoặc chi phối đến quá trình sáng tạo của tác giả rất sâu sắc. Ngược lại, thông qua blog hay trang mạng xã hội, tác giả đã có thể thăm dò phản ứng của người đọc nhằm đưa ra những quyết định trong sáng tạo. Còn nhiều văn bản văn học mạng hiện nay, thực chất bao gồm hai phần lai ghép, do hai chủ thể viết nên, một phần do tác giả, một phần do các “độc giả” (nếu chúng ta tạm thời chấp nhận gọi như thế) bình luận thông qua các comment. Tiểu thuyết 3339 Những mảnh hồn trần của Đặng Thân là một ví dụ tiêu biểu cho cấu trúc văn bản này.

Thứ tư, các trang web kinh doanh sách đã ảnh hưởng lớn đến xu hướng đọc của độc giả. Như đã phân tích ở trên, người đọc ngày nay thường tìm kiếm và mua sách thông qua các trang web, do giá vừa rẻ hơn, được khuyến mại bao sách hoặc kẹp sách, được đưa đến tận nhà, và quan trọng nhất, khỏi mất công lục các giá sách mà chỉ ra lệnh tìm kiếm hết sức đơn giản. Trong một tương lai gần, theo chúng tôi những nhà sách truyền thống sẽ dần bị triệt tiêu, hoặc họ buộc sẽ phải song song tồn tại theo cả hai cách, vừa trên mạng vừa nhà sách truyền thống. Chúng ta đã thấy báo điện tử đang dần thay thế báo giấy như thế nào, và các trang web bán sách cũng đang trên con đường biến các nhà sách trở thành quá khứ. Vấn đề là các trang web này ảnh hưởng sâu sắc lên văn hóa đọc. Nếu trong một nhà sách truyền thống, mọi cuốn sách về căn bản được tương đối bình đẳng, vì chúng chiếm một không gian tương đương trên giá trưng bày, dĩ nhiên cuốn nào ở vị trí thuận lợi hơn thì vẫn ưu thế, nhưng ưu thế đó không đáng kể. Ngược lại, trên nền tảng mạng, cuốn sách nào được ưu tiên đưa ra trang bìa, trang chủ lại vô cùng chiếm ưu thế. Và những trang web thường dựa vào tiêu chí nào để trưng ra trang bìa, trang chủ? Họ chỉ căn cứ trên hai tiêu chí cơ bản nhất, đó là tác phẩm mới nhất và tác phẩm bán chạy nhất. Do đó, những tác phẩm văn học lớn, có giá trị nghệ thuật cao, sách nghiên cứu văn học hoàn toàn lép vế. Bởi vì, chúng thường không thỏa mãn cả hai tiêu chí, không mới theo mỗi tuần và đặc biệt là bán không hề chạy. Ngược lại, tiểu thuyết Trung Quốc 9x, tiểu thuyết trinh thám, truyện tranh, truyện kinh dị hoặc diễm tình kiểu Quỳnh Giao lại bán cực chạy, và do đó, chúng luôn được ưu tiên “chường mặt” ra trang đầu, và như thế, lại càng có cơ hội bán chạy. Các trang web bán sách như thế, một cách vô thức, ngày càng hướng văn hóa đọc đi theo hướng best seller của đám đông, khiến khuynh hướng này ngày một cực đoan và phát triển. Thậm chí, những sách triết học và nghiên cứu văn học, dẫu các trang web có kinh doanh, nhưng họ không đưa vào thư mục niêm yết, bao giờ ta phải ra lệnh tìm kiếm sách thì họ mới cập nhật vào.

Thứ năm, văn học mạng đã giúp những khu vực văn học ngoại biên và trung tâm thiết lập quan hệ mật thiết và có sự giao lưu ảnh hưởng lẫn nhau. Nhiều tác phẩm văn học ngoại biên, do nhiều nguyên nhân khác nhau như tầm đón nhận của người đọc chưa đáp ứng, việc kinh doanh sách không thuận lợi, một vài kiểm duyệt còn khắt khe… nên gặp khó khăn trong việc xuất bản chính thức thì nhờ nền tảng mạng đã được phổ biến và tạo được ảnh hưởng lên khu vực văn học trung tâm. Nhiều nghiên cứu của Inrasara về thơ Việt trẻ đương đại là một ví dụ. Công trình nghiên cứu của tác giả này xuất bản chính thức, trong khi đối tượng vẫn chỉ chu chuyển và tồn tại trên nền tảng mạng. Một số công trình khoa học đã được dịch của Viện Văn học cũng vậy, khi chưa in hoặc xuất bản được chính thống thì đã đưa lên các trang mạng như lyluanvanhoc.com hay phebinhvanhoc.com… Ngược lại, một số công trình nghiên cứu chuyên sâu, đã được xuất bản hoặc đăng tải trên các tạp chí khoa học có tính hàn lâm như tạp chí Nghiên cứu văn học, hoặc các tác phẩm văn học kinh điển, cũng được số hóa và đăng tải lên nền tảng mạng, giúp cho người đọc ngoại biên ở hải ngoại, vùng sâu, vùng xa dễ dàng tiếp cận những khu vực văn học trung tâm này. Sự dịch chuyển không gian văn học từ trung tâm đến ngoại biên và ngược lại trên nền tảng mạng đã dần tạo ra một văn hóa đọc hài hòa, công chính

P.T.A

Nguồn: vannghequandoi

Exit mobile version