Mới đây, phòng Văn học Việt Nam đương đại, Viện Văn học đã tổ chức Tọa đàm “Văn học mạng trong không gian văn hóa Việt Nam đương đại”. Buổi sinh hoạt chuyên môn đã thu hút nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, nhà văn, nhà báo  tham dự.

14595795 607186832800981 8071434798512892667 n


Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên mở đầu tọa đàm bằng việc lược thuật quan niệm của một số nhà nghiên cứu trên thế giới về văn học mạng và cách nhận diện của họ về các thuộc tính của văn học mạng. Soi vào thực tế Việt Nam, ông cho rằng văn học mạng mới xuất hiện ở nghĩa rộng (số hóa để phổ biến văn học, văn học được lưu truyền trên mạng). ThS. Đặng Thị Thái Hà bổ sung thêm những quan niệm về văn học mạng trong cuộc cách mạng mạng hóa; sự va chạm của văn chương mạng với văn chương truyền thống (trong quan hệ giữa nhà văn với văn bản, độc giả với văn bản); vai trò của không gian mạng trong sự định vị tính văn hóa của văn học.

Nhà văn Trang Hạ chia sẻ thực tiễn sáng tạo văn học mạng, động cơ thị trường và cơ chế hoạt động của văn học mạng ở Trung Quốc và ảnh hưởng của nó ở Việt Nam; việc sáng tác, tiếp nhận và đánh giá văn học mạng ở Việt Nam qua trải nghiệm của bản thân (trong khi nhà văn Trung Quốc luôn tự định vị là người viết trên mạng thì ở Việt Nam người viết trên mạng lại luôn có ý hướng định vị trong không gian văn chương truyền thống; sự khác biệt giữa hệ sinh thái truyền thông quy chiếu đến hệ sinh thái nội dung ở hai nước đã làm nên sự khác biệt của việc tiếp biến văn học mạng ở Việt Nam).

Ngược lại với sự tiếp cận từ động cơ của người viết, ThS. Quách Thị Thu Hiền thông tin về văn học mạng ở Trung Quốc từ góc độ sự tiếp nhận của người đọc (trẻ). Chị cho rằng người viết trên mạng ở cả hai nước đều hướng tới việc xuất bản truyền thống cho thấy nhu cầu định vị tư cách nhà văn của người viết, sự bền vững của xuất bản trên giấy, và khả năng bảo tồn văn học mạng trước các nguy cơ hỏng hóc của truyền thông kỹ thuật; tuy nhiên sự bùng phát của văn học mạng và sự đam mê của các cộng đồng đọc cũng đặt ra vấn đề cần nghiên cứu ý thức tiếp nhận của người đọc trẻ.

Từ góc độ người làm xuất bản, nhà văn Nguyễn Trương Quý đặt vấn đề truyền thông mới có một cuộc cách mạng về tác giả? Anh cho rằng truyền thông mới đã định vị lại tác giả trong ý thức hệ xã hội, định hình lại tác giả trong truyền thông, và tạo ra những quy tắc văn hóa mới. Tuy văn học mạng ở Việt Nam mới chỉ phổ biến ở đô thị, song việc nó chịu tác động của các quyền lực phân phối trực tuyến, của văn hóa đại chúng, khiến văn học mạng không chỉ là vấn đề kỹ thuật mà còn là một vấn đề văn hóa.

TS. Trần Ngọc Hiếu cho rằng nếu mở rộng góc nhìn sang khu vực thế giới Anh – Mỹ, thì đặc trưng của văn học mạng được định vị bởi thực tiễn văn học Trung Quốc và châu Á không thể bao quát hết, văn học mạng của các khu vực này, thông qua chủ yếu các trang mạng văn chương, lại hướng đến những giá trị văn chương đỉnh cao. Theo anh, nếu nhìn nhận văn học mạng ở sự đa dạng này, thì lịch sử văn học mạng trên thế giới và Việt Nam là hết sức phức tạp, gắn với sự hình thành và phát triển của các không gian công trong xã hội, việc giải cấu trúc không gian đô thị, hình thành các không gian xuyên quốc gia, làm nên những biểu hiện không thuần nhất của văn hóa dân tộc, văn hóa đại chúng trong văn chương mạng.

Tọa đàm thu hút được nhiều ý kiến trao đổi, cho thấy sự quan tâm tới văn học mạng ở Việt Nam, đồng thời là những vấn đề mà văn học mạng đặt ra cho việc tiếp cận loại hình văn học mới này trong không gian văn hóa Việt Nam đương đại.

ĐOÀN NGUYÊN – Văn nghệ quân đội