Sau một thời gian xuất hiện rầm rộ, thu hút sự quan tâm chú ý của người đọc, vài năm trở lại đây, không khí văn học mạng Việt Nam có vẻ trầm lắng khiến nhiều người đặt câu hỏi: phải chăng văn học mạng đang rơi vào khủng hoảng, và đó chỉ là hiện tượng có tính nhất thời?
Qua thời kỳ “nóng”
Văn học mạng sau một thời đình đám, hiện nay đang rơi vào tình trạng đìu hiu, thưa vắng khi nhiều trang đã đóng cửa, hoặc vẫn hoạt động nhưng việc sáng tác và đăng tải văn chương không còn sôi nổi như trước; không có nhiều “hiện tượng” gây chú ý cho người đọc; các tác giả thời kỳ đầu không còn gắn bó với viết lách hay chuyển hẳn sang công việc khác… Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, sự hiện diện của ba nhánh văn học mạng (xuất phát từ blog cá nhân, từ các tạp chí văn chương điện tử tiếng Việt và văn học dân gian đương đại sáng tác, lưu truyền qua mạng) dù không đồng đều trong mỗi giai đoạn nhưng luôn tồn tại như là xu thế tất yếu của thời đại công nghệ thông tin và số hóa. Mạng in-tơ-nét đã và đang tạo nên một không gian mới mẻ và môi trường tự do cho sáng tác, công bố tác phẩm và thể hiện quan điểm cá nhân. Các trang web văn chương tiếng Việt trong và ngoài nước vẫn là những sân chơi để tác giả, tác phẩm và người đọc cùng tương tác, trao đổi. Cùng với sự bùng nổ của blog từ cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, sự lan rộng của facebook trong vòng 10 năm trở lại đây cũng tạo điều kiện cho văn học mạng tìm kiếm những phương thức thể hiện mới. Và nếu hiểu khái niệm văn học mạng theo nghĩa rộng, là những tác phẩm được sáng tác và tương tác trên mạng (sau đó có thể được in thành sách), bao gồm cả văn học điện tử (digital literature) – những tác phẩm nhờ vào khả năng kỹ thuật của máy tính, công nghệ số và đa phương tiện tạo nên những hình thức và phương pháp mới, thì có thể hình dung hành trình của văn học mạng mới chỉ bắt đầu, chắc hẳn sẽ còn nhiều hứa hẹn ở phía trước.
Mạng có phải là “phòng chờ” của văn học?
Hầu hết các tác giả ban đầu công bố từng phần tác phẩm trên mạng (tương ứng với các entry, status) rồi sau đó tập hợp thành sách in. Điều này cũng khiến nhiều người cho rằng môi trường mạng là “phòng chờ”, “sân ga”, “bệ phóng” của văn học. Cách định danh như vậy cho thấy, mạng in-tơ-nét chính là một nhân tố kích thích khiến nhiều người tìm đến văn chương, viết văn rồi trở thành tác giả văn học mạng; đồng thời cũng cho thấy thực tế văn học mạng ở Việt Nam dẫu sôi động, thu hút người đọc trên in-tơ-nét song vẫn hướng tới mục đích in sách, tức là trở về với hình thức xuất bản truyền thống. Tác giả văn học mạng, dẫu phát biểu rằng họ “không mong đợi trở thành nhà văn”, nhưng rốt cuộc vẫn hiện diện với tư cách nhà văn kiểu truyền thống, ký tặng sách, xây dựng hình ảnh ngoài đời thực của mình. Nhưng văn học mạng với ý nghĩa như một loại hình văn chương mới trong không gian văn hóa đương đại, không chỉ là sự thay đổi phương thức truyền tải (từ hình thức in ấn sang hình thức mạng in-tơ-nét, từ sách giấy đến ấn bản điện tử), mà còn tạo nên những đột phá trên nhiều phương diện ở quan niệm thế nào là văn chương đến tác giả, tác phẩm, người đọc,… Có thể thấy rất rõ sự thay đổi đó qua từng bước lớn mạnh của văn học mạng Trung Quốc với lượng người đọc online đông đảo, tác phẩm văn học mạng có thể tồn tại độc lập không cần đến bản in với một chu trình hoàn toàn trên mạng. Cuộc “cách mạng về tác giả” và sự hiện diện của tác giả văn học mạng Trung Quốc cũng rõ ràng và mạnh mẽ hơn. Ở nhiều nước trên thế giới, hoạt động của các tạp chí điện tử và trang mạng xã hội của giới văn chương đang có xu hướng lan rộng, đặc biệt là việc thể nghiệm tự sự đa phương tiện ở các nước phương Tây cũng tạo ra những khả năng mới cho văn học.
Văn học mạng Việt Nam trải qua nhiều bước thăng trầm trong hơn 15 năm qua: In-tơ-nét xuất hiện từ năm 1997, nhưng phải đến đầu những năm 2000 mới phổ cập rộng rãi, và từ năm 2000-2009 là giai đoạn phát triển bùng nổ của văn học mạng Việt Nam; từ năm 2010 đến nay là giai đoạn trầm lắng, như quãng nghỉ của văn học mạng. Ngay từ đầu những năm 2000 đã xuất hiện những trang web chuyên đăng truyện kiếm hiệp dịch của Trung Quốc, sau đó, truyện ngôn tình mạng cũng được dịch và xuất bản rầm rộ. Trong khoảng những năm 2000 – 2009, một số diễn đàn trực tuyến thu hút hàng triệu lượt người theo dõi và có số lượng thành viên đông đảo; các tác phẩm đề cập nhiều chủ đề phong phú như tình yêu, cuộc sống của giới trẻ, và thậm chí các mảng truyện kiếm hiệp, kỳ ảo, lịch sử cũng khá sôi động. Chính từ đây văn học mạng Việt Nam bắt đầu xuất hiện những cái tên như Hà Kin, Trần Thu Trang, Nguyễn Thế Hoàng Linh… Từ sau năm 2010 đến nay, cùng những biến động trong đời sống xã hội, một số đại diện của văn học mạng không tiếp tục tồn tại (các diễn đàn thưa vắng, vài trang web đóng cửa); mặt khác, văn học mạng tiếp tục tìm ra những khoảng trống mới để lấp đầy, chẳng hạn sự trở lại của lối viết trữ tình trong các tản văn và thơ của Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Nguyễn Phong Việt, Anh Khang… Văn học mạng, đúng như ý nghĩa bản thể của nó, là sự phá vỡ những ranh giới không gian, thời gian và giải phóng văn chương khỏi quyền lực của thời đại in ấn. Đó là lý do vì sao có thể thấy ở đó tồn tại dòng tác phẩm giàu triết lý về tình yêu và cuộc sống, đậm chất trữ tình sâu lắng và lãng mạn, cả lối viết khẩu ngữ đời thường và không loại trừ các yếu tố sốc, sến… Tuy nhiên, sự quay lại với hình thức xuất bản truyền thống cũng khiến văn học mạng Việt Nam mất đi tính “đột phá” của nó và phát triển một cách nửa vời.
Vẫn tiếp tục hành trình
Có thể nói văn học mạng Việt Nam vẫn trong giai đoạn hình thành và phát triển, bởi đằng sau sự trầm lắng hiện nay là hành trình tìm lối đi. Những xu hướng khá phổ biến đã đạt được thành công (như tự thuật dưới dạng tản văn, tùy bút, nhật ký trên blog, facebook hay truyện ngôn tình) vẫn sẽ có sức hút mạnh mẽ, nhưng cũng là những thách thức đối với các tác giả. Bên cạnh đó, sự phát triển của thơ đương đại cũng không thể không nhắc đến bộ phận thơ mạng đang ngày càng lan rộng và chiếm lĩnh người đọc bằng tốc độ lan truyền và tính thời sự. Với ý nghĩa như là sự trở lại của hình thức văn học dân gian thời đương đại, tính trào lộng của văn chương mạng thể hiện trong ngôn ngữ đời thường, giọng điệu tiếu lâm, hài hước, thậm chí đả kích sẽ xuất hiện nhiều hơn trong văn học mạng. Và đặc biệt, xu hướng tự sự đa phương tiện tạo nên những siêu văn bản có khả năng tích hợp cả ngôn từ, hình ảnh, âm thanh; phim cũng là một trong những cách thức để văn học mạng phát triển trong tương lai.
Mặc dù chưa có câu trả lời cuối cùng và thực tế văn học mạng còn nhiều tác phẩm có xu hướng chiều theo thị hiếu, chưa vượt qua được thử thách của thời gian, nhưng chặng đường khởi đầu đã qua cho thấy sự xuất hiện của văn học mạng với khả năng kết nối và tương tác sâu rộng; là một trong những điều kiện thúc đẩy sự phát triển văn học nước nhà.
Bài và ảnh: TS ĐỖ HẢI NINH