Trương Hoài Cựu, sinh năm 1976, năm 31 tuổi làm bùng nổ văn đàn Trung Quốc với truyện ngắn Cô giáo bán dâm, với lý luận: “Một lần bán dâm là giúp được một học sinh nghèo đến trường, một lần làm gái bao là xây được một ngôi trường tiểu học vùng sâu”.
1. Ðại Mộng Quyền – một phái võ thất truyền của Trung Quốc – đang cần phục hồi để thi thố, phục hận với thế giới. Một tổ chức được gọi là Ủy ban Tổng động viên nhân dân toàn quốc (với tên gọi ban đầu là Ủy ban Tổ chức giải thi đấu tự do Trung Quốc mở rộng) có nhiệm vụ tìm ra truyền nhân của môn phái này đã được thành lập.
Ðường Nguyên Báo – một gã béo đạp xích lô ở ga Bắc Kinh – tự dưng được người của Ủy ban Tổng động viên nhân dân toàn quốc điểm chỉ là truyền nhân số một của Ðại Mộng Quyền. Chẳng có một cơ sở nào cả, nhưng có lẽ trong “cơn khát Ðại Mộng Quyền” khiến các vị trong ủy ban nhìn đâu cũng thấy truyền nhân. Thế là gã xích lô Ðường Nguyên Báo được tóm đưa về rèn luyện.
Võ nghệ lợi hại không thôi chưa đủ mà còn phải chứng tỏ đẳng cấp văn hóa, thế là gã xích lô Ðường Nguyên Báo phải trải qua những khóa “bồi dưỡng tâm hồn” rất đặc biệt. Cuối cùng thì ngày diễn ra giải thi đấu mở rộng cũng gần kề. Nhưng éo le thay, giải thi đấu lần này chỉ dành cho nữ chứ không có nam. Phải làm sao?
Phải biến Ðường Nguyên Báo thành phụ nữ. Ðó là quyết định cuối cùng. Và, cuối cùng, vì Ðại Mộng Quyền, vì quốc gia, Ðường Nguyên Báo tự nguyện cắt đi “của quý” của mình…
2. Ðó là tóm tắt nội dung tiểu thuyết Chớ gọi tôi là người (Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn, 2010) của nhà văn Vương Sóc, người từng được tạp chí Time trao danh hiệu Anh hùng châu Á năm 2004: “Người tiên phong trong văn học quậy phá”. Trước Chớ gọi tôi là người, các tác phẩm Vương Sóc từng được giới thiệu ở VN là Người đẹp tặng ta thuốc bùa mê, Trông lên rất đẹp cũng với phong cách viết giễu nhại, “quậy phá” rất đặc thù.
Vương Sóc sinh năm 1958 tại Bắc Kinh, từng trải qua cuộc sống quân đội, kinh doanh, rồi viết văn. Cái cách “quậy phá” của Vương Sóc là xây dựng các nhân vật lưu manh (lưu manh hóa các nhân vật) để qua đó lột trần thực trạng xã hội. Ðiều này cũng không phải là mới mẻ (văn học VN từng có những nhân vật “lưu manh hóa” đặc sắc như Xuân tóc đỏ (trong Số đỏ của Vũ Trọng Phụng), hay Chí Phèo (trong Chí Phèo của Nam Cao), nhưng với Vương Sóc thì mức độ lưu manh hóa nhân vật cao hơn, bạo liệt hơn, hầu như không kiêng dè bất kỳ ai.
3. Nếu như Vương Sóc lưu manh hóa các nhân vật thì Hàn Hàn lưu manh xã hội trẻ và lý tưởng sống. Nhiều nhà văn Trung Quốc hiện đại như Tô Ðồng còn bị chỉ trích là “lưu manh với cả lịch sử” trong tác phẩm Thê thiếp từng đàn (nguyên tác của phim Ðèn lồng đỏ treo cao).
Cũng có nhà văn tự biến mình thành… kẻ lưu manh như Trương Hoài Cựu với những câu chuyện dơ bẩn bôi bác con người. Thế nhưng khi được hỏi “anh nghĩ sao về hành vi gây tác hại xã hội?” thì nhà văn này trả lời rằng: “Cái xã hội này vốn nó đã chẳng có công bằng”…
Bức bối vì sự bất công trong xã hội, kinh tởm những trò giả dối, nhiều người trong số họ muốn làm những “thằng phải gió” trong văn học, muốn đặt ra những giá trị mới, đặc biệt là không kiêng dè với những đề tài nhạy cảm. Hiện dòng văn học này rất được giới trẻ Trung Quốc tán thưởng, các tác giả thì đứng đầu trong bảng thu nhập hằng năm của văn đàn Trung Quốc.
Hàn Hàn, ngôi sao trong làng văn trẻ Trung Quốc, được các nhà phê bình văn học Trung Quốc mệnh danh là “thằng lưu manh thế hệ mới” của văn đàn, sau Vương Sóc.
Theo một cuộc khảo sát do trang sina.com kết hợp với Nhà xuất bản Bertelsmann tổ chức (năm 2007) thì nhà văn 8X Hàn Hàn còn được nằm trong top 10 tác giả được bạn đọc Trung Quốc yêu thích nhất (cùng với Lỗ Tấn, Tào Tuyết Cần, Ba Kim, Kim Dung, Lý Bạch, Tam Mao, Khổng Tử, Băng Tâm, Dư Thu Vũ).
Ở VN, tác phẩm của các nhà văn như Vương Sóc, Hàn Hàn cũng được giới thiệu một cách “thăm dò”. Nhưng được biết sắp tới đây các tác phẩm thuộc dòng văn học này sẽ được ấn hành nhiều hơn.
Ðọc cái gọi là “văn học lưu manh” Trung Quốc có thể không gặt hái được nhiều về mặt văn chương, nhưng để thấy để hiểu được nhiều hơn những gì mà những nhà văn đương đại Trung Quốc đang nếm trải, để chỉ bước vào thế giới của “văn học lưu manh”.
Trần Nhã Thuỵ
Lưu manh trong các giá trị Văn đàn Trung Quốc đã tranh cãi về khái niệm “văn học lưu manh” suốt gần hai thập kỷ qua. Có người cho rằng đó là tác phẩm của những kẻ lưu manh khoác áo nhà văn. Người khác cho rằng đó là lối thoát của những cơn trầm uất của xã hội, khi văn học, lý tưởng, đạo đức xã hội, giá trị nhân văn phải đối diện với hiện thực trần trụi, mất đi lớp vỏ mỹ miều của những khái niệm cao quý ấy. Lưu manh ngày xưa là những kẻ khố rách áo ôm, tính cách đê tiện, ăn mặc rách nát chửi bới tục tĩu trên phố, không đếm xỉa liêm sỉ. Lưu manh ngày nay lại là những kẻ quần chùng áo dài, đeo cà vạt, mang mác trí thức, gặp nhau bắt tay chào cười lịch thiệp và tự tin, thốt ra toàn lời hoa mỹ. Như thế, khái niệm lưu manh từ chỗ tụt quần áo trần truồng và xả ra ngôn từ rác rưởi, dễ bị nhận diện, đã trở thành lưu manh trong lý tưởng, lối sống, và kinh khủng hơn là lưu manh trong các giá trị, ví dụ như: thưởng thức nghệ thuật xong sẽ đưa ra các lời bình luận thấp kém, phản bác, công kích nghệ sĩ; ngắm tượng Vệ Nữ xong chỉ phát hiện nàng này không mặc quần lót; gặp một cô giáo quên mình cứu học sinh thì chỉ nghĩ giá như cô giáo này làm điếm sẽ kiếm được nhiều tiền hơn; nhìn xã hội phong kiến chỉ thấy niềm vui sướng được ngủ với hàng đàn mỹ nữ mà không bị pháp luật sờ gáy; sống ích kỷ với thú vui bản thân bất chấp đạo đức xã hội lại được coi như đi tìm kiếm cái tôi đích thực, cái tôi cô đơn, khác biệt… Từ điển văn học online của Trung Quốc đưa ra một định nghĩa, theo đó, văn học lưu manh gần như buộc phải có hai thành tố cốt lõi là sex và báng bổ. Văn học lưu manh được đông đảo độc giả và nhà phê bình quan tâm, là bởi mỗi tác phẩm đều kéo theo sau nó rất nhiều lời phê phán lẫn tung hô của nhiều hạng người khác nhau trong xã hội. Trang Hạ |
Nguồn: tuoitre.vn.