Nhà văn Khuất Quang Thuỵ là người tham gia chấm nhiều giải thưởng văn chương, trong đó có giải của Quân đội và Hội Nhà văn Việt Nam được đề cập ở bài kỳ trước. Để hiểu thêm về công việc người cầm cân nảy mực, báo điện tử Tổ Quốc có cuộc phỏng vấn nhà văn.
PV: Bàn về vấn đề giải thưởng, khi nhìn lại một số giải thưởng đã qua thì thấy các tác giả miền Bắc và miền Trung luôn chiếm nhiều giải cao hơn so với các tác giả miền Nam. Và miền nào tổ chức thì giải cao thường thuộc về miền đó. Ông có thể bày tỏ suy nghĩ của mình?
Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Mỗi cuộc thi đều có tiêu chí riêng. Ví dụ như các cuộc thi do Công an, Quân đội hoặc các đoàn thể khác tổ chức thì đều có tiêu chí riêng. Cuộc thi văn chương của tạp chí Văn nghệ Quân đội mặc dù là toàn quốc nhưng nó vẫn có màu sắc riêng, vẫn mang tính chất một giải chuyên ngành, dù có thành công thì nó cũng không phải là cuộc thi mang tính toàn quốc vì ngài chuyện văn chương, nó còn phải đáp ứng những đòi hỏi riêng của quân đội.
Việc trong các cuộc thi văn chương số các tác giả miền Bắc, miền Trung thường đoạt giải nhiều hơn cũng không phải là chuyện cục bộ địa phương gì. Có một thực tế là truyền thống của miền Nam rất mạnh về báo chí, còn miền Trung và miền Bắc thì mạnh về văn chương. Vì thế phần lớn các tác giả đoạt giải văn học có tính toàn quốc và tính chuyên sâu cao là ở miền Trung hoặc miền Bắc. Đó cũng là câu chuyện đã qua. Thời gian gần đây lại có nhiều tác giả trẻ Nam bộ xuất hiện và đoạt giả trong các cuộc thi văn chương.
Tôi cho rằng ngay cả các cuộc thi được tổ chức ở miền Nam thì mục tiêu lớn nhất của họ chính là tập hợp các tác giả khu vực ấy. Và chỉ có giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam mới mang tính toàn quốc cao nhất nên trở thành mối quan tâm của bạn đọc và người viết văn của cả nước.
PV: Nghĩa là các cuộc thi của Văn nghệ Quân đội dù có dành cho đối tượng dự thi là toàn quốc nhưng chủ yếu vẫn là cuộc tìm kiếm, tập hợp lực lượng viết ở trong quân đội?
Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Không phải như vậy. Những đòi hỏi mang tính đặc thù của quân đội hay công an thường chỉ thể hiện ở nội dung cuộc thi. Họ thường nêu ra các yêu cầu viết về lực lượng của mình. Riêng Văn nghệ Quân đội, trong nhiều năm gần đây đã mở rộng tiêu chí, đó là viết về người lính và viết cho người lính. Chính vì thế các cuộc thi về sau mang nhiều màu sắc. Nghĩa là viết về tất cả những vấn đề gì mà người lính quan tâm nên đã tập hợp được đông đảo các thành phần tham gia. Các giải thưởng vì thế cũng tiếp cận được với giá trị chung, bởi vì người lính cũng quan tâm đến tất cả các lĩnh vực của đời sống. Đó cũng là lý do tại sao các cuộc thi của Văn nghệ Quân đội khá thành công.
PV: Nhà văn có thể nói thêm để tránh tình trạng hiểu lầm như ông nói ở trên?
Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Bạn đọc có băn khoăn rằng, trong các giải thưởng của Hội Nhà văn những năm gần đây ít có tác giả miền Nam đoạt giải cao. Đó cũng là một thực tế. Nhưng không hề có yếu tố phân biệt vùng miền xen vào. Ngược lại, tôi được biết rằng năm nào Ban sáng tác của Hội cũng rất chú trọng “săn tìm” các tác giả Miền Nam, và cả các tác giả thuộc các dân tộc ít người nữa. Tôi là người làm báo nên cũng rất ưu ái các tác giả Nam bộ, khi thấy tên một tác giả miền Nam là rất trân trọng và thường đọc bản thảo của họ trước. Một tờ báo muốn đạt được tính toàn quốc thì phải có được các tác giả khắp vùng miền. Chứ không hề có tâm thế phân biệt vùng miền.
Ở các giải thưởng khác cũng vậy, ban tổ chức cũng luôn đau đáu, săn tìm các tác giả miền Nam. Các cuộc thi rất cần các tác giả đại diện cho các vùng miền, không phải vì mặt trận đâu mà vì đó là những mảng hiện thực rất lớn phải được phản ánh trên văn đàn. Mà muốn như vậy thì phải có người hiểu biết, gắn bó với miền đất ấy.
Tôi có tham gia xét và chấm một số giải thưởng ở Hội Nhà văn thì thấy dường như các tác giả miền Bắc còn bị xem xét khắt khe hơn so với các tác giả miền Nam.
Ví dụ như trường hợp Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư (tập truyện gồm nhiều truyện ngắn, nhưng có cả những truyện cũ, đã từng công bố – PV). Nếu xét đúng tiêu chí thì tập truyện ấy có yếu tố còn phạm qui. Nhưng trong đó lại có một hòn ngọc văn chương đó là truyện Cánh đồng bất tận. Loại thì đau lắm. Trong phiên họp Ban chung khảo, Chủ tịch Hữu Thỉnh nói là không thể vì một chút phạm qui mà loại cuốn sách đó ra. Nếu sau này có ai thắc mắc thì tôi sẽ chịu trách nhiệm trường hợp này.
Nói thế để thấy rằng, đối với văn chương đích thực, một tác giả có tiếng nói riêng, đại diện cho một vùng đất quan trọng đến thế nào?
PV: Ông có thể nói rõ hơn về sự quan tâm dành cho các tác giả miền Nam?
Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Sự ưu ái và quan tâm không chỉ dành cho các tác giả miền Nam mà còn dành cho các giả miền núi, vùng sâu vùng xa. Nó là thế này: Nếu trước mặt tôi có một chục bản thảo mà tôi thấy có tác giả miền Nam, vùng sâu vùng xa thì tôi đọc họ trước. Vì tôi hy vọng sẽ có được điều gì mới mẻ viết về những vùng đất này. Nhưng sau đó để đăng báo hay xem xét trao giải thì tôi lại phải căn cứ xem mặt bằng chung, căn cứ vào phẩm chất văn chương mà nó đạt được để quyết định. Các cuộc thi văn chương đích thực bao giờ cũng là cuộc tìm kiếm tài năng văn chương nên tính văn chương phải là hàng đầu, sau đó mới tính đến chuyện mừng hay không mừng vì có tác giả mới, tác giả thuộc về những nơi trên bản đồ văn học còn khan hiếm tài năng.
PV: Có ý kiến cho rằng, từ kết quả các cuộc thi phải chăng thẩm mỹ nghệ thuật của các miền ít nhiều khác nhau?
Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Tôi nghĩ không có chuyện đó đâu. Tôi rất thích đọc của Sơn Nam mặc dù có nhiều phương ngữ, nhiều phong tục tập quán vùng đất này tôi chưa hiểu hết. Và tôi cho rằng nhiều người cũng thích đọc của ông. Văn học không giống như ẩm thực. Cái gì hay thì có thể giấu được chứ văn học thì không giấu được. Những cuộc thi văn chương thường có những bất ngờ là vì thế.
PV: Nói về giải thưởng, ngoài tiêu chí hàng đầu là chất lượng tác phẩm còn có một yếu tố “duyên”. Vậy duyên giải thưởng ở đây nên hiểu thế nào thưa ông?
Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Đấy là cái may. Tức là đúng cái thời điểm diễn ra cuộc thi thì nhà văn ấy viết được tác phẩm hay và gửi đi dự thi. Còn có người có tác phẩm hay nhưng lại không có cuộc thi nào, hoặc sang một thời điểm khác muốn tham dự cuộc thi thì lại không có tác phẩm hay. Có những nhà văn mà cả đời không nhận được giải thưởng văn chương nào, nhưng họ vẫn là những nhà văn tài năng. Nói đến cái duyên thì cũng phải nói đến cả cái duyên của nơi tổ chức cuộc thi nữa. Có những cuộc thi rất có duyên với các giả nữ, các tác giả trẻ, hay với các tác giả Nam bộ… Cũng có những cuộc thi rất vô duyên… Vì vào thời điểm đó, chẳng có cây bút mới nào đạt phong độ cao cả. Chỉ có một điều tôi tin là nếu đã có tác phẩm hay xuất hiện thì… cuộc thi nào cũng rất khó bỏ sót.
PV: Nếu làm một phép so sánh, ông có thể đưa ra sự giống và khác nhau giữa nhà văn miền Bắc và miền Nam?
Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Về đặc thù lao động của nhà văn thì không có gì khác nhau cả. Nhưng khác nhau ở chỗ phương pháp làm việc và cảm nhận hiện thực giữa nhà văn các miền là khác nhau do đặc trưng, tư chất con người của vùng miền ấy.
Khi đọc chấm giải người đọc còn cần phải vượt lên hạn chế của chính mình. Bởi chưa chắc bản thân đã hiểu phương ngữ, phong tục tập quán, văn hóa, địa lí, đặc thù địa phương, tính cách nhân vật… nếu áp đặt theo lô gích của nền văn hoá mình hiểu, mình từng trải là sai và sẽ lầm lẫn. Người đọc phải có trình độ, phải hiểu được điều ấy.
PV: Theo ông những nhà văn tham gia chấm giải ở Việt Nam đã đạt được những điều như ông nói chưa?
Nhà văn Khuất Quang Thuỵ: Không phải tất cả người cầm cân nảy mực trong các cuộc thi văn chương đều đáp ứng được các tiêu chí. Nếu người chấm giải không thực sự cầu thị thì có thể có những phán xét chưa thật chuẩn xác, để tác giả thiệt thòi. Điều ấy là có nhưng không phải tất cả. Cấu tạo ban sơ khảo, chung khảo của các cuộc thi lớn nên chọn người không chỉ có kinh nghiệm văn học mà còn phải có kiến văn để hiểu được tác phẩm ở các vùng miền, đây cũng là một đòi hỏi rất cao.
Trong một cuộc thi văn chương không phải bao giờ cũng được người trong cuộc đồng thuận chứ chưa nói đến người ngoài cuộc. Chuyện người này cho rằng tác phẩm này hay hơn tác phẩm kia là bình thường, vì đấy là cách đọc của người ta. Sở dĩ các cuộc thi văn chương kết thúc bao giờ cũng có dư luận vì tính đối thoại của văn chương rất cao, khác với khoa học có thể kiểm nghiệm đúng sai. Nếu ban giám khảo này thì giải thưởng thế này, ban giám khảo khác thì giải thưởng khác là chuyện có thể xảy ra. Tất nhiên sự khác nhau có khi không nhiều nhưng chắc chắn là có yếu tố khác.
* Cảm ơn nhà văn!
Nguồn: Toquoc