Có thể khẳng định luôn rằng: Văn học hiện nay luôn là món ăn tinh thần và luôn hiện hữu trong đời sống của người vùng cao một cách mật thiết.
Nói như vậy không có nghĩa là bỏ quên văn học truyền thống, làm mất đi đời sống xã hội nơi sinh sống đa số của đồng bào dân tộc ít người, như Tây Nguyên gắn với đồng bào Gia rai, với đồng bào Cơ ho… hay Tây Bắc gắn với đồng bào Thái, đồng bào Mường rồi Việt Bắc gắn với đồng bào Mông, Tày, Dao, Nùng…v…v…
Đó là một trong những mấu chốt sáng tác cho đồng bào dân tộc ít người trên dải đất hình chữ S. Nó như một thông điệp không chính thống nhưng lại rất cơ bản để cho mỗi nhà văn, nhà thơ khi cầm bút lên phải dằn vặt, phải suy ngẫm. Một “Vợ chồng A Phủ”, đến “Đất nước đứng lên” hay “Phía sau cổng trời”… Rồi các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ phải thốt lên với “Tình ca Tây Bắc” hay với “Người Mèo ơn Đảng”…
Đó là tất cả những “Thánh ca” để làm lên một bản sắc, một huyền thoại về văn hóa truyền thống nhưng không riêng rẽ, không hòa tan, chỉ hòa nhập trong văn hóa truyền thống từng dân tộc. Nó còn nâng cao nguồn cảm hứng lên thành hiện đại, chỉ ra cái văn hóa tưởng như riêng biệt với dân tộc vùng miền lại được “hòa” , mà không “tan” trong dòng chảy văn học hiện đại. Đã rất nhiều nhà văn, nhà thơ thử sức với tiếng khèn môi, khi “Để trên cây là lá, đưa lên môi thành đàn…” hay “Ánh mắt Biển Hồ, ánh mắt Playcu…” rồi “Trời chỉ có sao sớm sao chiều, núi rừng có hai người, người đi cùng trời, người đi cuối đất…”. Nếu biết đưa văn hóa truyền thống để nâng tầm hiện đại, hay đưa văn học hiện đại để nâng tầm văn hóa truyền thống thì hãy đến với Cồng chiêng Tây Nguyên, hãy đến với Lễ hội kéo vợ người Mông, Lễ hội cúng rừng của Người La Chí, người Hà Nhì…
Có hiện đại, có truyền thống mà cứ gắn quyện vào trong nhau, khi đọc, khi nghe như “hai mà một”rồi như “một mà hai”. “Vẫn còn nơi hò hẹn”, một phiên chợ tình bây giờ đang phong lưu xuống chợ, mỗi năm chỉ có một lần vào 27 tháng ba âm lịch, mà rất cổ xưa. Vậy là trong cái truyền thống cổ xưa ấy, người ta áp vào nó cái hiện đại mà không khiên cưỡng, tạo nên một văn hóa vùng miền, tạo ra cái văn hóa hiện đại của mỗi dân tộc. Để ” Họ hẹn nhau, họ chờ nhau” từ chợ phiên năm trước, hay nhiều năm trước, từ khi tình yêu của họ bắt đầu chớm nở, trong cái ánh mắt đầu tiên “gặp nhau” ở giữa một khuông trời đầy thơ mộng, đầy khát khao của tuổi trẻ. Tình yêu của người vùng cao, trên Cao nguyên đá này. Tình yêu ở nơi đây có lẽ đến sớm hơn mọi vùng khác trên đất Việt, khi họ mới bước vào cái tuổi mười ba, mười bốn, mười lăm. Cái tuổi còn trắng tinh khôi, khi cô gái chưa biết làm duyên, chàng trai chưa kịp cho mình một cái “lễ cấp sắc” mà thành người lớn. Anh ta cũng chưa kịp so cung, cưỡi ngựa, và cũng chưa biết say mèn trong mắt bạn bè…”.
Tầm hiện đại mà truyền thống cứ gắn chặt với đời sống tâm linh nâng tầm ngôn ngữ hiện đại, nhưng không đánh mất đi cái dòng chảy văn hóa dân tộc ít người. Đặc biệt như lễ Cấp sắc của người Mông, hay lễ Lồng Tông của người Tày, lễ Mở cửa rừng cấm của người La chí… Thế thì những người cầm bút phải suy ngẫm, phải đắn đo khi đặt bút viết về họ, tả về họ hay một nét đặc trưng nào đấy trong văn hóa hiện đại hay văn học hiện đại. Không bắt chước đơn thuần như cách nhìn thuần túy, như: “chửi cha không bằng pha tiếng”. Chí ít những nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, tìm hiểu dân gian… hay lý luận phê bình văn học cũng không tự cho mình cái quyền hiện đại hóa văn học để đánh mất đi văn hóa truyền thống. Trước khi đặt bút viết họ cũng đã tìm hiểu thật kỹ càng, đưa vào văn chương vừa có ẩn dụ, vừa có tại tạo mà lại vừa có biện luận hiện đại nhưng rất riêng biệt… Để trong tác phẩm đó luôn luôn dẫn dắt, nhắn nhủ người đọc, người nghe cách bảo tồn văn hóa truyền thống của vùng miền hay từng dân tộc.
Như một bộ phim, một phóng sự, một tác phẩm văn học về Tây Bắc, người đọc, người nghe, người xem luôn thấy phảng phất đâu đấy một tiết tấu âm nhạc của bài “Tình ca Tây Bắc”. Hay cũng một tác phẩm văn học về Tây Nguyên ta luôn đắm chìm trong “Trường ca Đam San” hay tiếng cồng chiêng, tiếng tù và chảy dài theo ánh mặt trời…
Thế thì mỗi tác phẩm văn hóa hay văn học nào đấy cũng cần có tính dân tộc trong ấy, tính văn hóa truyền thống xuyên suốt để làm lên cái hiện đại mà hướng tới tương lai. Câu chuyện văn học truyền thống đan xen với hiện đại còn dài, còn nhiều. Mỗi nhà văn, nhà thơ hay người cầm bút đều muốn chắt lọc cho mình cái tinh túy trong văn hóa truyền thống ấy. Đôi khi chỉ là ghi lại những cảm xúc qua những câu chuyện, những địa danh để cho người đọc người nghe hòa quyện vào tác phẩm mà suy ngẫm.
Bắt đầu bằng cảnh sắc thiên nhiên đơn thuần, mộc mạc nhưng chất chứa cảm xúc của người, của dân tộc gắn với núi rừng bằng cách ví von tưởng như chỉ thẩm thấu qua mái nhà sàn. Bắt đầu từ: “núi chồng, núi vợ đứng sánh đôi”, để rồi phát triển lên thành hiện đại, vượt ra ngoài cái bản năng truyền thống trong một tộc người, một gia đình hay một làng xã.
Cái nôi văn hóa, cái khẩu ngữ văn học không thể nằm ngoài cái truyền thống của mỗi vùng miền, mỗi tộc người. Tố Hữu viết về mẹ để ta nghĩ ngay đến người mẹ nơi Trung du, để cho tiếng gọi vọng về quê hương tha thiết: “Bầm ơi có rét không bầm…”. Đó là huyện Thanh Thủy, Phú Thọ, hay là Hán Đà, Yên Bình, Yên Bái… Nó khẳng định một vùng miền, một vùng đất, nghe nó “quê” mà da diết, mà hiện đại. Rồi Hoàng Trung Thông, ông “vứt đánh uỵch” một cái vào sườn núi, sườn rừng một ước mơ nghe đến mơ màng, tha thiết mà khát vọng: “Xe chạy nghiêng nghiêng trèo dốc núi, lên miền Tây vợi vợi nghìn trùng…”. Để rồi: “Cái tuổi hai mươi khi hướng đời đã thấy, dù xa xôi gấp mấy cũng lên đường…”.
Văn học hiện đại, văn hóa đương thời cứ thế ngấm dần vào trong văn hóa hay văn học truyền thống trên những vùng cao, những dân tộc ít người bằng “cái tuổi hai mươi” đan xen ấy. Không có sự “thuần hóa hay hòa trộn” trong nhau mà nó bổ xung cho nhau để nâng tầm văn hóa truyền thông nên hiện đại. Một tầm cao, một tầm hiểu biết đơn thuần mà sắc sảo, để cho những tác phẩm viết về miền núi có chỗ đứng vững chắc trong lòng từng dân tộc. Tiếng cọi, tiếng iếu, tiếng then… bổ xung cho hát dân ca, hát chèo của người Kinh…
Như vậy, trong thời hiện đại, người ta không thể quên văn hóa truyền thống vùng miền, nhất là đối với người viết. Khi đến với Lào Cai người ta nghĩ ngay đến văn hóa Panxipang, nghĩ ngay đến văn hóa người Mông của một đêm Sa Pa huyền thoại. Rồi nghĩ ngay đến văn hóa người Hà Nhì ở Ý Tý, huyện Bát Sát nằm trên những đỉnh núi mù sương nơi biên giới ở độ cao hơn 2000 mét.
Khi đến với Yên Bái người viết văn học nào chẳng nghĩ đến văn hóa vùng hồ, nghĩ ngay đến một mặt nước mênh mông hơn 23.400 ha và hưn 1300 hòn đảo lớn nhỏ. Với đặc trưng của đồng bào Dao, Tày, Nùng, Cao Lan, Pù Lá… và ông thánh Cao Biền dậy non, đã để lại loạt hang động mang trong lòng trắc ẩn như động Thủy Tiên, động Xuân Long… Nhớ đền Đại Cại, nhắc ta nhớ đến vị tướng đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ hai ở Thu Vật lẫy lừng trong lịch sử nước nhà. Nhớ gạo nếp Tú Lệ, nhớ cánh đồng bậc thang Mù Căng Chải đẹp bậc nhất thế giới, là khu ruộng bậc thang trong ba khu ruộng bậc thang được chấu Á tôn vinh. Nhớ đến chè cổ thụ Suối Giang đã đi vào lịch sử ẩm thực nhân loại hay đá đỏ Lục Yên huyền hoặc…
Rồi đến Tuyên Quang, chẳng ai không nhớ đến thành nhà Mạc, kể cả những người cả đời chưa cầm đến cây bút bao giờ. Trong cái hoang sơ mà hiện đại, đón giọt cà fe giỏ tí tách dưới chân thành cổ. Hay ngồi dưới mái đình Hồng Thái, dưới bóng đa Tân Trào, ngắm cánh ruộng vàng ươm màu hạnh phúc dưới lán Nà Lưa… mà nhớ Bác Hồ, nhớ thời Việt Minh còn sơ khai, trứng nước…
Khi Lên Hà Giang, nơi địa đầu Tổ Quốc cũng không ai quên văn hóa Lô Lô trên đỉnh trời Lũng Cú. Nhà văn Nguyễn Tuân phải vượt qua cả tháng trời, chống gậy tre, leo đá núi, ăn mèn mén, uống nước khe để được khóc trên đỉnh núi Rồng. Nơi mà ông đã cùng nhà thơ Thanh Tịnh gọi là “tột mõm”, cho Thanh Tịnh phải kêu lên: “Mà ngỡ như mình đang cưỡi gió, ngắm trần gian, lộng gió ngàn…” mà “…Chiều nay mây bay dưới chân người…”. Để có nỗi nhớ da diết với chợ cổ Đồng Văn, nhớ “đệ nhất hùng quan” Mã pí lèng, nhớ vòng cung biên cương cứ điệp điệp, trùng trùng Tây Côn Lĩnh…
Thế thì hiện đại và truyền thống cứ chộn rộn trong nhau, tạo nên một sức hút kỳ diệu cho những nhà văn, nhà thơ thả bút, thả hồn. Chúng ta chưa làm được nhiều nhưng đã tự khẳng định mình, định hình những tác phẩm hiện đại đi xuyên suốt trong văn hóa hay văn học truyền thống của dân tộc.Là những người cầm bút trên các tỉnh miền núi phía bắc đất nước, mà các dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Hà Nhì, Lô Lô… sống trên đó là chủ thể. Luôn biết mình phải viết gì, làm gì, để lại cho ai? bằng những tác phẩm hiện đại mà truyền thống, như “Cây Hai Nghìn Lá” của Pờ Sảo Mìn, “Tình Ca Đá Núi” của Mã A Lềnh…
Hiện đại trong văn học truyền thống hay truyền thống trong văn học hiện đại luôn luôn là mối tương quan làm sức sống của văn học hay sức sống của tác phẩm gắn chặt vào văn hóa vùng miền, văn hóa các dân tộc, đồng hành cùng văn hóa truyền thống để trường tồn cùng đất nước.
Theo Nhà văn Nguyễn Quang (Hà Giang)