Trong những năm gần đây, việc giới thiệu văn học Hàn Quốc cho độc giả ở nước ngoài rất được quan tâm. Văn học thế giới dường như cũng đã tiếp nhận. Quá trình này bị chi phối bởi những nguyên tắc hoàn toàn khác biệt so với các nguyên tắc về giá cả, chất lượng, thời trang, những thứ quyết định đối với hàng hóa của người tiêu dùng. Toàn cầu hóa và giới thiệu văn học Hàn Quốc ở nước ngoài đã tạo nên những đụng độ khá nhạy cảm. Những va chạm về văn hóa khác biệt, và cả những cuộc gặp gỡ hài hòa với độc giả cũng như nền văn học nước ngoài. Thành công hay thất bạo của văn học Hàn Quốc trên văn đàn quốc tế phụ thuộc vào các tác phẩm văn chương và chủ đề sáng tạo. Và, khía cạnh quan trọng nhất của quá trình này, là khả năng thực sự của văn học khi vươn tới những cảm xúc mang tính phổ quát.
Giới thiệu văn học Hàn Quốc ở nước ngoài
Việc giới thiệu văn học Hàn Quốc cho độc giả ở nước ngoài đã được bắt đầu như là một phần chiến dịch của chính phủ Hàn Quốc, nhằm giới thiệu văn hóa Hàn ra thế giới. Tổ chức Văn hóa và Nghệ thuật Hàn Quốc (The Korean Culture and Arts Foundation – KCAF) đã được thành lập vào năm 1973, để nhận sự hỗ trự từ nhà nước. KCAF đã thực hiện một dự án dịch và phân phối các tác phẩm Hàn Quốc ra nước ngoài. Tuy nhiên, họ đã phát hiện, có rất ít sự quan tâm của quốc tế đối với tác phẩm văn học Hàn Quốc. Trong những năm cuối 1970 đầu 1980, công việc này đã bị nhiễm độc bởi những xung đột chính trị trong nước. Nó trở thành một chương trình được xem như một phần nỗ lực tuyên truyền của chính phủ. Thật trớ trêu. Thế giới để tâm đến những số liệu văn học Hàn Quốc hoạt động chống chính phủ và phong trào ủng hộ dân chủ hơn là các nhà văn sáng tạo ra nó.
Tuy nhiên, đến giữa những năm 1980, chương trình của KCAF đã bắt đầu cất cánh. Các công trình dịch đã được tăng cường về cả số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, KCAF cũng nhấn mạnh rằng, họ đảm bảo các tác phẩm dịch sẽ được xuất bản bởi các nhà xuất bản nước ngoài. Điều này đảm bảo cho việc phân phối được tiến hành tốt hơn.
Những tác phẩm của Hwang Sun-won, Kim Tong-ni và O Chong-hui đã được dịch ra tiếng Anh. Cuốn tiểu thuyết của Hwang Cây trên vách đá (Trees on the Cliff, 1980), đã được dịch bởi Giáo sư Chang Wang-rok. Một bộ sưu tập những câu chuyện ngắn khác của Hwang, Ngôi sao và những câu chuyện ngắn khác của Hàn Quốc (The Stars and Other Korean Short Stories, 1980), được dịch bởi Edward Poitras. Nó trở thành bước đệm cho sự tiếp bước của Lâu đài dịch chuyển (The Moving Castle, 1985), được dịch bởi Bruce và Ju-Chan Fulton. 2 bộ sưu tập truyện ngắn khác, Những mặt nạ của một cuốn sách (The Book of Masks, 1984), và Âm thanh của bóng tối (Shadows of Sound, 1990), đều đã được dịch bởi Martin Holman và một số dịch giả khác.
Tiểu thuyết và truyện ngắn của Kim Tong-ni, bao gồm: Chân dung của một pháp sư (Portrait of a Shaman), Đá (The Rock), Thung lũng đất vàng (Loess Valley),… đã được chuyển sang tiếng Anh bởi một số dịch giả. Hầu hết các tác phẩm nổi tiếng của O Chong-hui như: Tấm gương đồng (The Bronze Mirror), Lời giã biệt (Words of Farewell), Trò chơi buổi tối (Evening Game),… đều được dịch bởi nhóm Bruce và Ju-Chan Fulton.
Những bài thơ chọn lọc của Han Yong-un, Chong Chi-yong, So Chong-ju, Ku Sang, Kim Nam-jo, Hwang Tong-gyu, Kim Kwang-gyu và các nhà thơ hiện đại khác cũng góp mặt và tạo nên các tuyển tập đáng kể, cung cấp một cái nhìn rộng rãi đối với thơ ca Hàn Quốc hiện đại.
Dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc bằng tiếng Pháp cũng đã được mở rộng và có tiến bộ đáng kể trong những năm gần đây. Các tác phẩm của Yi Mun-yol và Yi Ch’ong-jun đã đi đầu trong lĩnh vực này. Một số tiểu thuyết của Yi Mun-yol, bao gồm Quái vật biển (The Kracken), Mùa đông năm ấy (Winter That Year),… đã được xuất bản. Cùng với nó là Nhà tiên tri (The Prophet) và Thiên đường của bạn (This Paradise of Yours) của Yi Ch’ong-jun. Bên cạnh đó là Quả bóng tí hon của chú Sao lùn (A Tiny Ball Launched by a Dwarf) của Cho Se-hui, Đêm xanh sâu (Deep Blue Night) của Ch’oe In-ho, Ngôi mộ của mẹ (Mother’s Grave Marker) của Park Wan-suh,… Và, tuyển tập thơ của Ku Sang, do Giáo sư Min Hui-shik biên tập, cũng đã được xuất bản.
Hầu hết các tác phẩm văn học Hàn dịch ra tiếng Đức đều được giáo sư Ku Ki-song biên tập và chỉnh sửa. Còn Maurizio Riouo phụ trách dịch sang tiếng ý cho Anh hùng lắt léo của chúng tôi (Our Twisted Hero ) của Yi Mun-yol, và một số công trình khác.
Văn học Hàn Quốc cũng được dịch sang các ngôn ngôn Châu á khác. Bộ sưu tập thơ của Chi-ha đã được dịch sang tiếng Nhật, cùng với bộ sưu tập tiểu luận phê bình của Giáo sư Paik Nak-chung. Ngoài ra, còn có tiểu thuyết của Cho Chong-nae Dãy núi T’aebaek (The T’aebaek Mountains).
Số lượng các tác phẩm văn học Hàn Quốc được dịch và xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau đang phát triển và thu hút được sự chú ý của độc giả nước ngoài. Tuy nhiên, hầu hết đều được xuất bản nhờ sự hỗ trợ từ trong nước, và không hề có bất kỳ sự tái bản nào. Số lượng in còn hạn chế, và ít sự giúp đỡ từ bên ngoài. Bởi thế, vẫn rất khó để có thể tìm thấy các tác phẩm của Hàn Quốc ở Châu Âu hay Hoa Kỳ, ngay cả trong những trường đại học lớn. Sinh viên nước ngoài ít quan tâm đến văn học Hàn. Các trường đại học cũng ít đề cập các khóa học về văn học Hàn Quốc. Và độc giả quan tâm đặc biệt đến văn học xứ Kim chi cũng có thể thấy rằng, vẫn còn nhiều bản dịch không đạt tiểu chuẩn.
Dịch và xuất bản
Vấn đề cấp bách nhất đối với văn học Hàn Quốc ở nước ngoài bây giờ là thúc đẩy chất lượng dịch. Trong quá khứ, người Hàn, đặc biệt là các chuyên gia văn học nước ngoài, đã làm hầu hết các bản dịch. Nhưng, đây không hẳn là một phương pháp lý tưởng. Một người Hàn Quốc ở nước ngoài rất khó để đạt được trực giác và sự thành thạo đối với ngôn ngữ bản xứ.
Người của Trung tâm dịch văn học Hàn Quốc nên là người bản ngữ. Người dịch cũng phải là một nhà văn. Chỉ thông thạo tiếng Hàn không có nghĩa là một dịch giả tốt nhất. Nếu không có sự quan tâm và hiểu biết về văn học, việc dịch không thể hiệu quả được. Lý tưởng nhất là một dịch giả nước ngoài và một chuyên viên ngôn ngữ Hàn hợp tác làm việc trên một bản dịch.
Việc lựa chọn các tác phẩm để dịch cũng là một vấn đề quan trọng. Nó góp phần quyết định sự thành công hay thất bại của tác phẩm dịch. Hiếm khi một dịch giả có quyền tự do lựa chọn tác phẩm mà mình dịch. Trong hầu hết các trường hợp, đều phải thông qua các cơ sở giáo dục hoặc tổ chức tài trợ cho dự án được chỉ định. Sở thích của dịch giả hay lợi ích cá nhân không có mặt trong những dự án này.
Văn học Hàn Quốc không thể bộc lộ hết bản thân khi người dịch phải tiếp cận nó một cách thụ động. Nên để cho người dịch được quyền lựa chọn tác phẩm mà họ muốn dịch. Để họ tự xem xét nhân vật, giá trị của công việc và dự đoán những người sẽ đọc tác phẩm. Nói một cách khác, người dịch sẽ phải chủ động xem xét công việc và nhắm mục tiêu của mình vào số đông quần chúng hay sinh viên đại học hoặc các học giả.
Sự thành công hay thất bại của văn học dịch còn phụ thuộc vào nhà xuất bản. Các bản dịch được xuất bản ở Hàn Quốc và phân phối ra nước ngoài đang chưa thành công. Việc tuyển chọn các nhà xuất bản nước ngoài đang là một vấn đề cấp thiết.
Sự thành công gần đây của Lời giã biệt, một tuyển tập các câu chuyện về người phụ nữ Hàn được dịch bởi nhóm Bruce và Ju-Chan Fulton, và Đất đai của người tha hương (Land of Exile), bộ sưu tập truyện ngắn được dịch và chỉnh sửa bởi Fultons và Marshall Pihl, đang chiếu sáng những vấn đề phát sinh trong việc dịch thuật và xuất bản văn học Hàn Quốc ở nước ngoài.
Thông cáo báo chí đóng một vai trò tích cực cho việc lập kế hoạch ra mắt của Lời giã biệt và Đất đai của người tha hương. Đáng kể nhất là sự hợp tác hoàn hảo, hiệu quả giữa các nhóm dịch. Bên cạnh đó là những nỗ lực hoạt động tiếp thị công khai của các nhà xuất bản, cũng như nội dung thu hút của tác phẩm. Chính phủ Hàn Quốc đã chỉ định, năm 1996 là năm Văn học, nhưng việc toàn cầu hóa văn học Hàn Quốc là một quá trình được phát triển trong thế kỷ sau. Theo tôi, để tạo nên một nền tảng vững chắc, cần phải:
Thứ nhất, hỗ trợ cho việc mở rộng giáo dục ngôn ngữ Hàn ở nước ngoài. Thông qua những hiểu biết trực tiếp về ngôn ngữ, sự hiểu biết về văn hóa Hàn cũng theo đó mà phát triển. Tự nó sẽ dẫn đến sự mở rộng mối quan tâm đối với văn học Hàn Quốc. Đây là vấn đề mà chính phủ nên quan tâm và tỏ ra hào phóng.
Thứ hai, việc dịch thuật và xuất bản phải được thực hiện có phương pháp, có hệ thống. Sự thành công của nỗ lực xuất bản phụ thuộc và chất lượng và khả năng tiếp cận với một đối tượng rộng lớn của ấn phẩm. Không nên chạy theo những nhu cầu ngắn hạn mà phải nhắm vào việc theo đuổi lâu dài.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ dịch thuật và nghiên cứu cũng cần được mở rộng. Sự lan truyền của văn học Hàn Quốc và việc cải thiện nghiên cứu trong lĩnh vực dịch thuật phụ thuộc các học giả nước ngoài. Cần phải có các hình thức tài trợ nghiên cứu đối với các học giả và học bổng cho sinh viên chuyên ngành văn học Hàn Quốc.
Tuy văn học Hàn Quốc chưa thu hút được nhiều sự chú ý ở nước ngoài, nhưng, những hoạt động phong phú đang diễn ra sẽ là một tác động tích cực. Những chương trình tiếng Hàn đang được mở rộng trên thế giới, đặc biệt là trong các trường đại học và cao đẳng. Nó làm tăng thêm đội ngũ chuyên ngành văn học Hàn Quốc, là triển vọng cho việc toàn cầu hóa. Nếu chất lượng dịch được cải thiện, sẽ không mất nhiều thời gian để các độc giả tìm đến những tác phẩm thơ ca cũng như tiểu thuyết Hàn Quốc trong các cửa hàng sách trên toàn thế giới.
Vũ Thị Huế
Lược dịch theo http://koreana.kf.or.kr
(Nguồn: Văn nghệ Số 8/2013)