(Trích Tham luận đọc tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học lần thứ IV

“Văn học – 30 năm đổi mới, hội nhập và phát triển” 24 – 26/6/2016)

LÊ BÁ THỰ

1. Thành tựu văn học dịch ba mươi năm qua

Trong 30 năm qua, cụ thể là từ năm 1986, văn học dich Việt Nam đã khác xưa rất nhiều. Có thể nói chưa bao giờ thị trường sách văn học dịch lại phong phú, đa dạng và cặp nhật như hiện nay. Ta có thể dễ dàng nhận ra điều này khi đến các quầy sách văn học của các nhà sách tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác, khi ở đó thị phần sách văn học dịch rất cao, khoảng trên 50%, có ý kiến cho rằng còn cao hơn thế, phải tới 70-80%. Đặc biệt các tác phẩm văn học dịch đương đại càng ngày càng được cặp nhật rất nhanh và kịp thời. Nhiều tác phẩm văn học nước ngoài, nhất là những tác phẩm được giải thưởng, kể cả giải Nobel, đã nhanh chóng có mặt qua các bản dịch tiếng Việt ở Việt Nam. Nếu như trước kia người đọc Việt Nam chỉ được đọc những tác phẩm của các nền văn học lớn như Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp, thì trong mấy chục năm qua và hiện nay người đọc có cơ hội được đọc các tác phẩm văn học của rất nhiều nước khác nữa trên thế giới mà lâu nay hầu như chưa được biết đến tại Việt Nam, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, các nước đông Âu vv… Các tác phẩm văn học được dịch sang tiếng Việt cũng ngày càng phong phú về thể loại và đề tài, giúp người đọc Việt Nam tiếp cận toàn diện hơn, sâu sắc hơn với văn học thế giới, đồng thời tạo điều kiện cho văn học Việt Nam hòa nhập với văn học thế giới. Số lượng người đọc Việt Nam mến mộ văn học nước ngoài cũng ngày càng tăng, điều này được thể hiện ở sức mua và việc tái bản các tác phẩm văn học nước ngoài đã được dịch sang tiếng Việt.

Dịch giả Lê Bá Thự tặng bản dịch tiểu thuyết “Xin cạch đàn ông!” cho nữ tác giả Katarzyna Grochola (Ba Lan)

Kể từ khi Việt Nam thực hiện đổi mới và hội nhập với thế giới, các tác phẩm văn học Việt nam được giới thiệu ra nước ngoài ngày càng nhiều hơn và đến được nhiều nước khác nhau trên thế giới. Tuy nhiên đó chủ yếu mới là kết quả của những nỗ lực đơn phương, thậm chí của cá nhân, những nỗ lực không có bài bản và chủ yếu là dịch sang tiếng Anh và tiếng Pháp rồi sau đó tiếp tục dịch sang các ngôn ngữ khác, việc trực dịch còn rất hạn chế. Đã có những tín hiệu đáng mừng sau Đại hội IX Hội Nhà văn Việt Nam. Truyện Kiều song ngữ Việt – Nga  đã được ấn hành năm ngoái và gần đây nhất, ngày 1 tháng 5 năm 2016, tại Berlin, truyện Kiều song ngữ Đức – Việt được tái bản đã ra mắt bạn đọc.  Một số tác phẩm văn xuôi và thơ đã được dịch sang tiếng Nhật, tiếng Hàn Quốc, tiếng Ba Lan và các ngôn ngữ khác là những tín hiệu này. Việc Hội Nhà văn Việt Nam, một số nhà xuất bản đã ký được hợp đồng dịch thuật và xuất bản với một số đối tác nước ngoài cũng là những tín hiệu vui như vậy. Các sự kiện thành lập Trung tâm dịch thuật Hội Nhà văn Việt Nam và ba hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam tổ chức trong những năm gần đây là những nỗ lực to lớn của Hội Nhà văn Việt Nam trong lĩnh vực này. Việc Khoa Văn học và Ngôn ngữ Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa ấn hành cuốn thứ ba Văn học Việt Nam và Nhật bản trong bối cảnh toàn cầu hóa là nỗ lực đáng ghi nhận trong việc phấn đấu mở rộng quan hệ giữa văn học Việt Nam và thế giới, trong trường hợp này là văn học Nhật Bản. Cuốn sách Lục Vân Tiên cổ tích truyện gồm hai tập, bằng ba thứ tiếng Anh, Pháp, Việt, do Nhà xuất bản Văn hóa – Văn nghệ tp. Hồ Chí Minh vừa ấn hành lại là một điểm nhấn cho văn học dịch.

Nhìn chung, trong vài chục năm qua, văn học dịch càng ngày càng phát triển mạnh, luôn luôn cặp nhật, có nhiều đóng góp cho văn học nước nhà trong thời kỳ hội nhập. Các tác phẩm văn học dịch đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của công chúng nước ta, và trên thực tế văn học dịch đã trở thành một phận không thể tách rời của văn học Việt Nam.

2. Sai sót trong dịch văn học

Những năm vừa qua trong văn học địch đã nẩy sinh nhiều sai sót khiến dư luận không yên tâm, thậm chí bức xúc. Có cuốn sách dịch bị người đọc kêu trời: Sách hay nhưng dịch sai kinh hoàng. Người ta bàn nhiều đến chất lượng dịch thuật, trình độ dịch giả, biên tập viên sách dịch và có lúc dư luận đã nói đến “thảm họa dịch thuật”. Một số bản dịch có sai sót đã được dư luận đưa ra mổ xẻ như Mật mã Da Vinci (của Dan Brown – Mỹ) , Lotlita của Vladimir Nabokov (Nga), Xứ Đông Dương (của Paul Doumer) và gần đây nhất cuốn Madam Nhu Lệ Xuân – Quyền lực Bà Rồng(của Monique Brinson Demery – Mỹ) vv… Hàng loạt cuộc hội thảo về văn học dịch và dịch văn học đã được tổ chức nhằm tìm ra nguyên nhân của những sai sót dịch thuật và bàn biện pháp khắc phục. Các cuộc hội thảo và trao đổi về dịch thuật đã góp phần giải tỏa nhiều vấn đề cho người đọc và người dịch. Tinh thần xây dựng trong việc phê phán những sai sót trong dịch thuật ngày càng được đề cao. Nhìn chung người phê phán chân thành, thực bụng, người dịch tiếp thu với tinh thần cầu thị. Thực ra đây là vấn đề không đơn giản, liên quan đến nhiều đối tượng, đối tác, không chỉ người dịch mà còn là các nhà xuất bản, các đơn vị liên kết, những người làm công việc mua bản quyền các tác phẩm văn học của các đối tác nước ngoài.

Không bao biện, nhưng cũng phải nhìn nhận một thực tế là, sai sót trong dịch thuật là điều khó tránh khỏi, kể cả những  “cây đa cây đề” trong làng dịch. Tuy nhiên chúng ta, các dịch giả, các biên tập viên, các nhà xuất bản và những người làm công việc có liên quan đến văn học dịch phải nỗ lực phấn đấu hết mình để có được những cuốn sách dịch, những bản dịch hoàn hảo, đúng và hay, đáp ứng lòng mong mỏi của người đọc. Đồng thời chúng tôi, những người dịch cũng rất mong có được sự cảm thông và chia sẻ của công chúng người đọc đối với công việc nhọc nhằn và không tránh khỏi những sai sót, là dịch văn học.

3. Hướng đi cho văn học dịch và dịch văn học

Như đã nói ở trên, theo thời gian, văn học thế giới vào Việt Nam ngày càng nhiều, thậm chí có lúc ồ ạt, chiếm lĩnh thị trường sách Việt nam. Điều chúng ta cần phải làm hiện nay là nâng cao chất lượng dịch thuật, lành mạnh hóa sách dịch, chọn đúng và chọn trúng sách để dịch. Tuy nhiên, chúng ta đang còn thiếu và còn yếu ở khâu đưa văn học Việt nam ra nước ngoài. Chúng ta đang trăn trở điều này và tìm cách khắc phục.

Công bằng mà nói, cho đến nay sự xuất hiện của văn học Việt Nam trên văn đàn thế giới chưa xứng đáng với tầm cỡ của một đất nước có trên 90 triệu dân. Tại sao lại có hiện trạng này? Theo tôi có mấy nguyên chính sau đây:

–  Chúng ta chưa có một đội ngũ, hay những lực lượng dịch giả đủ về số lượng và tốt về chất lượng để đảm dương công việc dịch thuật này.

–  Dẫu đã có nhiều cố gắng song chúng ta chưa có một chiến lược dài hơi, một kế hoạch thật sự bài bản đủ sức huy động nhân tài vật lực cho việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài.

– Sự liên kết giữa các nhà xuất bản trong nước và nước ngoài trong việc dịch và ấn hành các tác phẩm văn học Việt Nam còn rất thiếu và rất yếu. Chúng ta chưa có những biện pháp hữu hiệu nhằm lôi kéo các nhà xuất  bản nước ngoài vào cuộc, để họ kề vai sát cánh với chúng ta. Ngay cả đối với các nhà xuất bản trong nước chúng ta cũng chưa có những biện pháp khuyến khích, kích cầu.

Tôi đã nhiều lần nhấn mạnh: Có ba lực lượng dịch giả có thể đảm đương nhiệm vụ giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, đó là: Các dịch giả Việt Nam ở trong nước, các dịch giả Việt Nam hiện đang sinh sống ở nước ngoài và các dịch giả là người nước ngoài thông thạo tiếng Việt.

Để đưa các tác phẩm văn học Việt Nam ra nước ngoài chúng ta phải biết tổ chức và sử dụng có hiệu quả ba lực lượng dịch giả nói trên, phải có những biện pháp cụ thể nhằm tăng số lượng và chất lượng của đội ngũ này. Chế độ nhuận bút và các chế độ đãi ngộ khác phải tương xứng với công sức mà họ phải bỏ ra, phải “đáng đồng tiền bát gạo” thì mới khuyến khích họ. Hàng năm nhà nước nên dành một khoản tiền thích hợp cho mục đích giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, như nhiều nước đã và đang làm. Đây là một hình thức đầu tư chiều sâu có hiệu quả thiết thực và mang lại lợi ích lâu dài.

Về lâu dài nhà nước ta cần phải có chiến lược và những chính sách hữu hiệu phục vụ đắc lực cho chiến lược giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài.

Tôi hy vọng sẽ đến ngày văn học Việt Nam ồ ạt ra nước ngoài, như văn học nước ngoài đang ồ ạt vào Việt Nam, đầu vào và đầu ra của văn học nước ta sẽ được cân đối.

4. Tiêu chí dịch văn học

Một số người nói : Dịch thuật là việc chuyển ngữ văn bản hay diễn ngôn từ ngôn ngữ gốc thành văn bản hay diễn ngôn có ý nghĩa tương đương trong ngôn ngữ dịch. Còn tôi  nói : Dịch văn học là tái tạo một cách nhuần nhuyễn nguyên tác bằng ngôn ngữ khác. Để trở thành một dịch giả văn học người dịch phải giỏi ngoại ngữ và giỏi tiếng Việt, có phông văn hóa rộng.

Theo tôi, tiêu chí của dịch văn học là: đúng hay. Đúng với nội dung, đúng với hình thức, đúng với văn phong của bản gốc (hoặc của tác giả). Còn “hay” chính là nói đến bản dịch tiếng Việt phải thuần Việt, phải được Việt hóa nhuần nhuyễn, phải tìm cho được những từ, những câu, những cụm từ, cách hành văn đắc địa nhất, đúng nhất cho bản dịch tiếng Việt, gây cho người đọc cảm giác đây là bản gốc tiếng Việt chứ không phải là bản dịch. Chẳng hạn cụm từ Xin cạch đàn ông ! Từ cạch ở đây là từ thuần Việt, rất đời thường, đúng với văn cảnh, là từ đắc địa và hay. Sáng tạo, sáng suốt của người dịch là ở chỗ này. Đúng và Hay là yêu cầu và cũng là thước đo thành công của một bản dịch. Người ta gọi người dịch hoàn hảo là người dịch “tàng hình” có lẽ là vì như vậy. Tất nhiên, thông qua cách hành văn (giọng điệu), cách dùng từ, người dịch có thể lồng “cái tôi” của mình vào bản dịch. Theo tôi “Việt hóa” hoặc “bản địa hóa” phải trong tinh thần như vậy, nhưng không được đi chệch tiêu chí đúng (với bản gốc). Chúng ta là người dịch, chúng ta không được vượt khỏi cái “khung bản gốc”.

Trong dịch thuật, bao giờ người dịch cũng không thể tránh khỏi những khó khăn, vì ở vị thế thụ động. Tôi vẫn thường nói, “tác giả viết những gì mình biết, còn dịch giả phải dịch tất cả những gì tác giả viết”. Để tìm cho được một từ hoặc một cụm từ tiếng Việt tương đương đắc địa trong khi dịch lắm khi người dịch phải trăn trở, mất ăn mất ngủ. Người ta bảo “nghề dịch  lắm công phu” có lẽ là vì như vậy

Cũng cần phải nhận thức rằng, một dịch giả chuyên nghiệp phải biết cách thích nghi với mọi cách tân, mọi bút pháp mới, mọi thể nghiệm của nhà văn. Cái khổ của người dịch là ở đó, không được yêu cầu, không được đòi hỏi, luôn luôn ở vị thế thụ động, luôn luôn phải thích nghi. Nhưng cái tài của người dịch cũng là ở đó, viết kiểu gì, văn phong gì, bút pháp gì, thể nghiệm gì thì tôi, tức người dịch, cũng dịch đúng và dịch hay. Để làm được vậy, người dịch phải qua nhiều trải nghiệm, phải chịu học, chịu đọc, chịu dấn thân. Ngoài ra, người dịch cũng rất cần người đọc thấu hiểu và thông cảm với công việc nhiều công phu, lắm nhọc nhằn, đó là dịch văn học.

5. Tôn trọng nguyên tác

Theo tôi “tôn trọng nguyên tác” là nguyên tắc bất di bất dịch trong dịch thuật. Như đã nói ở trên, bản dịch không được vượt ra khỏi cái khung bản gốc. Nếu không tôn trọng nguyên tác thì đừng gọi đó là bản dịch hay tác phẩm dịch nữa. Đây là lương tâm và trách nhiệm của người dịch, đây là yêu cầu của mỗi tác giả và đương nhiên đây là đòi hỏi của độc giả. Chẳng có độc giả nào lại thích đọc “bản dịch” không tôn trọng nguyên tác.

Nói chung người dịch phải trung thành với nguyên tác. Tác giả viết như thế nào thì mình dịch đúng như vậy, nhân vật của tác giả “nói hay” thì ta dịch “nói hay”, nhân vật của tác giả “nói dở” thì ta dịch “nói dở”, họ chọc ghẹo thì mình phải dịch chọc ghẹo, họ viết tục thì đúng ra ta phải dịch tục, y như nguyên tác. Chẳng hạn, hai nhân vật đầu trộm đuôi cướp nói chuyện với nhau, nói toàn những từ tục tĩu, bẩn thỉu, tởm lợm, thì đó là chuyện bình thường, vì đó là tính cách, tư chất của lũ người như vậy, chả nhẽ khi dịch ta lại phải sử dụng những ngôn từ dễ nghe hơn, không cẩn thận có khi lại biến bọn họ thành “những nhân vật tốt”. Đúng ra thì ta phải “nhìn thẳng vào sự thật”, nghĩa là dịch đúng. Tuy nhiên, Việt Nam là nước thuộc văn hóa phương Đông, người đọc không ưa dùng những từ quá tục tĩu, quá thô lỗ thậm chí bẩn thỉu trong văn bản, cho nên người dịch cũng phải tính đến yếu tố này khi dịch những từ, những cụm từ mà ta gọi là “rất nhạy cảm”, có nghĩa là trong một số trường hợp ta nên “mềm hóa” khi dịch. Và cũng xin nhớ rằng, tôn trọng nguyên tác không có nghĩa là dịch bám từng chữ một cách máy móc. Cho nên mới có người nói: “Dịch sát từng chữ là cách tốt nhất để dịch sai hoàn toàn”.

6. Sách sạch và tiêu chí chọn sách để dịch

Lâu nay ta vẫn thường được nghe các cụm từ : thực phẩm sạch, rau sạch, cá sạch, thịt sạch, củ quả sạch vv…  Nhưng gần đây xuất hiện cụm từ sách sạch, thoạt nghe có vẻ lạ tai nhưng hoàn toàn có lý khi trên thị trường sách xuất hiện những cuốn sách không lành mạnh, độc hại với người đọc nhất là những người đọc nhỏ tuổi. Đó là những cuốn sách kích động bạo lực, đồi trụy,  không hợp thuần phong mỹ tục của Việt nam, truyện kinh đị, tiểu thuyết võ hiệp, diễm tình, ngôn tình vv…  Đến nỗi ông Chu Văn Hòa, Cục trưởng Cục xuất bản, gần đây đã tuyên bố sẽ ráo riết kiểm duyệt các đầu sách để đảm bảo “sách sạch”, “thực phẩm sạch” về tinh thần cho độc giả Việt nam. Có thể ví dịch giả văn học như người nội trợ đi chợ sách, mua các “món sách” để chuẩn bị bữa “cơm sách” cho người đọc thưởng thức. Bữa “cơm sách” có ngon lành, có béo bổ, có an toàn đối với người đọc hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc dịch giả – người nội trợ, có phải là dịch giả – “người nội trợ thông thái” hay không. Bởi vì, ở cái chợ bạt ngàn sách văn học với đủ các thể loại đề tài, sách có giá trị, sách hay, sách dở, thậm chí sách độc hại đều có, chọn sách nào cho đúng và cho trúng để dịch hoàn toàn phụ thuộc vào cái tâm, cái tầm và cái tài của dịch giả. Tiêu chí chọn tác phẩm văn học để chuyển ngữ của tôi là : tác phẩm hay, tôi thích, và tôi cảm nhận bạn đọc của tôi cũng sẽ thích. Tác phẩm hay là tác phẩm có giá trị nhân văn, giá trị văn học nghệ thuật cao, để lại nhiều ấn tượng và cảm xúc cho người đọc và tất nhiên đó phải là “sách sạch”. Chọn được một cuốn sách ưng ý để dịch là người dịch đã thành công đến một nửa rồi. Tóm lại, mỗi dịch giả văn học phải là một “người nội trợ thông thái” trong dịch thuật và sách dịch của chúng ta phải là “sách sạch”.


Nguồn: báo Văn nghệ số 26-2016

Exit mobile version