Văn học dịch ở Việt Nam luôn đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa. Tuy nhiên chưa bao giờ văn học dịch trở nên đa dạng như hiện nay khi mà bên cạnh những tác phẩm đến từ các quốc gia quen thuộc trước kia như Nga, Pháp, Trung Quốc… thì nay bạn đọc có thể tiếp xúc với nhiều nền văn học vốn khá xa lạ như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ấn Độ… Thế nhưng, cùng với sự đa dạng về nội dung thì văn học dịch cũng đang gặp những khó khăn mang tính hệ thống về chất lượng dịch thuật cũng như giá trị của các tác phẩm
Chuyện sai đã thành chuyện thường
Trong buổi ra mắt bộ sách về ông Lý Quang Diệu do NXB Trẻ tổ chức vừa qua, khi nhắc đến vấn đề dịch thuật, TS Nguyễn Minh Hòa, hiện là Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TPHCM có góp ý rằng một đoạn trong bản dịch không phản ánh đúng lịch sử chia cắt giữa Singapore và Malaysia. Đại diện phía dịch thuật cho biết, để dịch đoạn văn bản đó, họ không chỉ bám sát nguyên văn tác phẩm mà còn tham khảo cả bài phát biểu gốc của ông Lý Quang Diệu nhằm chuyển tải chính xác nội dung. Tuy nhiên như thừa nhận của nhóm dịch rằng do chưa nắm rõ hết những yếu tố lịch sử trong giai đoạn đó nên việc chuyển ngữ đã không phản ánh đúng hoàn toàn ý nghĩa lịch sử văn bản gốc và nhóm dịch dự kiến sẽ chỉnh sửa trong lần tái bản sau.
Bạn đọc chọn mua sách dịch ở một điểm bán sách tại TPHCM
Tuy nhiên, vấn đề của bản dịch tác phẩm trên không hẳn được xem là sai sót, bởi trên thực tế, văn học dịch Việt Nam đã phải đón nhận những sai sót nghiêm trọng hơn rất nhiều, những sai sót mà các dịch giả vì nhiều lý do đã làm cho những bản dịch của mình khiến bạn đọc không thể chấp nhận được. Thậm chí rất nhiều sai sót dịch thuật không còn giới hạn trong tác phẩm hay với bạn đọc nữa mà đã ảnh hưởng đến cả xã hội như các cuộc tranh cãi quanh bản dịch tác phẩm Lolita, Bản đồ và vùng đất, Những thứ họ mang… Không chỉ văn học mới có sai sót dịch thuật, mà ngay các lĩnh vực nghiên cứu đòi hỏi sự chuẩn xác như lịch sử, lỗi dịch thuật cũng không thiếu. Điển hình gần đây nhất là sai sót trong các tác phẩm Xứ Đông Dương hay Madam Nhu – Quyền lực bà Rồng. Những tác phẩm sai sót đã được thu hồi, chỉnh sửa, nhưng ảnh hưởng tiêu cực của chúng đối với bạn đọc thì vẫn còn được nhắc đến.
Một điều đáng nói nữa là sai sót không phải chỉ có ở những tác phẩm dịch ít được đầu tư, người dịch vô danh mà xảy ra ở cả những dịch giả nổi tiếng. Có trường hợp dịch giả đoạt giải thưởng của hội nhà văn địa phương, Hội Nhà văn Việt Nam nhưng sau đó lại có những sai sót dịch thuật nặng nề. Có dịch giả hôm trước vừa đăng đàn phê phán đồng nghiệp thiếu nghiêm túc trong dịch thuật thì hôm sau lại phải cay đắng xin lỗi bạn đọc do “thiếu cẩn thận trong việc dịch tác phẩm”. Thậm chí, đã có lần dịch thuật, một công việc bị coi là âm thầm, ít nổi bật lại trở thành hiện tượng xã hội, nhận cả giải thưởng Trái cóc xanh vốn trước giờ chỉ toàn trao cho các hiện tượng phản cảm trong giới biểu diễn. Thậm chí tại một hội thảo về văn học dịch do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, có dịch giả đã cay đắng thốt lên rằng văn học dịch của chúng ta hiện nay rất nổi tiếng nhưng không phải vì có tác phẩm dịch xuất sắc mà vì có những sai sót quá kinh khủng.
Đi tìm tác phẩm dịch hay
Một trong những tác phẩm dịch hay được đánh giá là vào hàng kinh điển ở Việt Nam là tác phẩm Quẳng gánh lo đi và vui sống, nguyên tác của Dale Carnegie, do dịch giả – nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê dịch. Bản dịch hay nói đúng hơn là bản dịch tên sách này xuất sắc đến nỗi sau gần nửa thế kỷ, sách được tái bản với bản dịch mới thì người ta vẫn phải tìm cách mua lại cái tên sách của cụ Nguyễn Hiến Lê năm ấy. Bạn đọc Việt Nam cũng không thể quên rất nhiều bản dịch xuất sắc khác đã lưu dấu ấn với nhiều thế hệ như Bố già, Cuốn theo chiều gió, Chuông nguyện hồn ai… Dấu ấn sâu đậm đến nỗi với các bản dịch sau này chỉ cần có sự thay đổi cũng đủ gây tranh cãi, thậm chí là tẩy chay như trường hợp bản dịch mới của Cuốn theo chiều gió đổi tên thành Theo gió cuốn đi.
Theo dịch giả Lê Bá Thự trình bày tại Hội nghị Lý luận phê bình văn học được tổ chức vừa qua thì dịch thuật là một công việc phức tạp. Nó vừa đòi hỏi tính chính xác, ví dụ nhân vật “nói hay” thì dịch giả cũng phải chuyển tải “nói hay”, “nói dở” thì phải chuyển đúng là “nói dở”. Thế nhưng không phải lúc nào cái “nói hay” của nguyên tác cũng bê nguyên qua tiếng Việt để bạn đọc cũng có thể hiểu là “nói hay” mà đòi hỏi phải có sự chuyển đổi sao cho phù hợp với văn hóa của bạn đọc. Điển hình nhất của việc này là câu chuyện xung quanh sáng tạo của dịch giả Lý Lan với bản dịch Harry Potter. Trong tác phẩm gốc xuất hiện từ Horcrux để chỉ những món đồ chứa đựng linh hồn con người nhằm mục đích bất tử. Trong tiếng Việt không có từ liên quan và dịch giả đã sáng tạo ra cụm từ Trường sinh linh giá (giá là vật chứa, linh là linh hồn). Đây được xem là một sáng tạo cực kỳ độc đáo bởi trước đó, các bản dịch khác hầu như không biết phải chuyển ngữ thế nào với từ Horcrux. Hay như gần đây nhất, dịch giả Lê Bá Thự đã dịch một tác phẩm của nhà văn nữ gốc Ba Lan Katarzyna Grochola thành Xin cạch đàn ông. Từ “cạch” ở đây là từ thuần Việt, rất đời thường, đúng với văn cảnh và đồng thời phản ánh chính xác nhất ẩn ý của tác giả khi vừa chối bỏ nhưng lại có chút dỗi hờn.
Điểm chung của những dịch giả thành công như ở trên không đơn thuần là trình độ ngoại ngữ, mà còn ở sự am hiểu của họ đối với tiếng Việt, văn hóa Việt. Rất nhiều bản dịch bị xem là thảm họa có nguyên nhân bắt nguồn từ việc xem nhẹ yếu tố văn hóa Việt Nam, chỉ tập trung vào trình độ ngoại ngữ nên thậm chí nhiều trường hợp để giảm chi phí, người làm sách đã thuê sinh viên trường ngoại ngữ dịch tác phẩm và sai sót đã không thể tránh khỏi như trường hợp Mật mã Davinci, sự kiện được đánh giá là “thảm họa dịch thuật” đầu tiên của thời mở cửa.
Xây dựng một nền dịch thuật phát triển
Khi tác phẩm Những thứ họ mang của nhà văn Mỹ Tim O’Brien ra mắt bạn đọc Việt Nam, bên cạnh các sai sót về kiến thức thì tác phẩm này cũng gây ra một cuộc tranh cãi quan trọng về dịch thuật mà đến nay vẫn chưa thể giải quyết được. Đó là việc tôn trọng nguyên tác như thế nào trong bản dịch. Nhân vật trong tác phẩm là những người lính Mỹ sống trong môi trường khốc liệt, mất niềm tin, hỗn loạn… và họ thể hiện điều đó bằng những ngôn từ tục tĩu, những ngôn từ đó cũng góp phần không nhỏ khắc họa lên những tư tưởng mà tác giả muốn chuyển tải. Với văn hóa Việt Nam, việc in nguyên văn những câu chửi tục đó rất khó được chấp nhận, nhưng nếu dịch khác đi lại không thể chuyển tải được ý của tác giả. Biện pháp tạm thời lọc bỏ những tác phẩm có chi tiết “rất nhạy cảm” như trên không phải là giải pháp căn cơ bởi nó sẽ đánh mất tính đa dạng của văn hóa đọc.
Câu chuyện trên được nhắc đến vì nó phản ánh việc nền dịch thuật của chúng ta vẫn còn thiếu tính chuyên nghiệp. Dịch thuật, một công việc được xem là phức tạp, vất vả trong khi chế độ đãi ngộ chưa thật sự phù hợp. Đã thế, họ còn phải đứng mũi chịu sào khi xảy ra các sự cố về nội dung dù dịch thuật tuy là phần quan trọng nhưng không phải là toàn bộ công đoạn trong việc xuất bản một tác phẩm dịch. Dịch giả còn thiếu đi những tổ chức chuyên môn để cùng trao đổi, hỗ trợ nhau về nghiệp vụ. Tuy hội nhà văn nào cũng có ban dịch thuật nhưng hoạt động chẳng bao nhiêu, hoạt động giao lưu chuyên môn hoàn toàn trông chờ vào các tọa đàm, hội thảo chung về văn học để có dịp gặp gỡ, thảo luận… Rất nhiều vấn đề dịch thuật vì thế cứ để treo, không có hướng giải quyết cụ thể như việc dịch các ngôn từ nhạy cảm kể trên.
Với số lượng tác phẩm dịch ngày càng lớn, ước tính có thể lên đến 70% – 80% số sách xuất bản, dịch thuật đang dần trở nên được quan tâm, chú ý hơn và nhu cầu xây dựng một nền dịch thuật chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của bạn đọc cũng đang trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
TƯỜNG VY
Nguồn SGGP