Thêm một năm nữa văn học dịch ở Việt Nam lại có những dấu ấn đáng kể lấp dần khoảng trống kinh nghiệm văn chương thế giới. Bởi sẽ phải chờ đợi rất lâu để có một ngày cộng đồng đọc ở Việt Nam trở nên đa ngữ khiến dịch thuật rẽ quành sang ngả khác. Nên ngay lúc này, văn học dịch có vai trò thực sự đáng kể, trong cả việc dịch chuyển văn chương thế giới đến với bạn đọc Việt Nam, và cùng với nó, định hình sự phát triển của văn học Việt Nam thông qua việc chuyển dịch.
Như một xu thế định hình từ đầu thế kỷ này, văn học dịch trước hết gắn với văn học đương đại thế giới. Những tác giả, tác phẩm dán nhãn bestseller, những trào lưu văn học như manga, ngôn tình, đam mỹ tạo được hiệu ứng độc giả ở nước sở tại luôn tìm được những cách thức để du hành tới công chúng Việt Nam. Văn học ngôn tình Trung Quốc, lãng mạn và trinh thám Âu Mỹ vẫn là những bộ phận được chuyển dịch sôi động hơn cả. Song so với năm 2012 chẳng hạn, tỉ lệ các dịch phẩm văn học tinh hoa có phần nhỉnh lên. Có thể do trào lưu ngôn tình đã nguội dần. Hoặc có thể ngẫu nhiên hơn, khả năng tiếp cận đến nguồn văn học tinh hoa của các dịch giả và đơn vị xuất bản bất ngờ trở nên dễ dàng hơn. Vì lẽ sự ước đoán về một sự thay đổi nhu cầu và thị hiếu đọc lúc này là không mấy khả thi, dù cho mong muốn về một tương lai của việc đọc.
Với văn học Âu Mỹ, các giải thưởng uy tín vẫn luôn là thước đo cho các ưu tiên chuyển dịch. Khởi động bằng Man Booker 2012, Nghe mùi kết thúc của Julian Barnes (Nghiêm Quỳnh Trang dịch. Nhã Nam & NXB Văn học) được xuất bản vào giữa năm. Việc chuẩn bị cho Femina 2012 khá lâu, để đến tháng áp chót của năm, Patrick Deville mới được giới thiệu với hai dịch phẩm: Yersin: Dịch hạch và thổ tả (Đặng Thế Linh dịch; Đoàn Cầm Thi, Hồ Thanh Vân hiệu đính. NXB Trẻ), Viễn vọng (Đoàn Cầm Thi dịch. Nhã Nam & NXB Trẻ). Và khép lại một năm dịch thuật các giải thưởng văn học bằng Goncourt 2012 với La Mã sụp đổ của Jérôme Ferrari (Nguyễn Duy Bình dịch. Nhã Nam & NXB Văn học). Các tác giả đương đại danh tiếng khác cũng tiếp tục được giới thiệu. Với tủ sách Cánh cửa mở rộng là Báo ứng của Philip Roth (Hà Nguyễn, Sao Mai dịch. NXB Trẻ) và Khởi sinh của cô độc của Paul Auster (Phương Huyên dịch. NXB Trẻ). Nhã Nam tiếp tục với Một cuộc gặp gỡ của Milan Kundera (Nguyên Ngọc dịch. NXB Văn học), Những màu khác của Orhan Pamuk (Lâm Vũ Thao dịch. NXB Văn học), Nàng phù thủy thành Florence của Salman Rushdie (Nguyễn Thị Hiền Thảo dịch. NXB Hội Nhà văn), Biến của Mạc Ngôn (Trần Đăng Hoàng dịch. NXB Văn học), Dạ khúc – năm câu chuyện về âm nhạc và đêm buông của Kazuo Ishiguro (An Lý dịch. NXB Văn học), Cô dâu mất chồng của Didier van Cauwelaert (Hoàng Nh. dịch. NXB Thời đại), Hannibal của Thomas Harris (Thu Lê dịch. NXB Hội Nhà văn). Phương Nam đóng góp thêm vào danh sách giới thiệu Man Booker bằng giải thưởng năm 1991 của Ben Okri: Con đường đói khổ (Linh Bacardi dịch. NXB Văn học). Ngoài ra, có thể kể đến Phút tráng lệ cuối đời của Michael Kumpfmüller (Lê Quang dịch, Nhã Nam & NXB Văn học), Ông trăm tuổi trèo qua cửa sổ và biến mất của Jonas Jonasson (Phạm Hải Anh dịch. NXB Trẻ), và nhất là Thư chết của Linda Lê (Bùi Thu Thủy dịch. Nhã Nam & NXB Văn học).
Văn học đương đại châu Á tiếp tục hiện diện tác phẩm đến từ các nền văn học Nhật, Hàn, Trung Quốc,… Nhã Nam hoàn tất tác phẩm lớn gần đây nhất của tác giả Nhật Bản quen thuộc Haruki Murakami bằng việc chuyển dịch tập 3 của 1Q84 (Lục Hương dịch. NXB Hội Nhà văn). Với văn học Hàn Quốc, là Cô gà mái xổng chuồng (Câu chuyện về một cô gà mái công nghiệp dám đi tìm tự do) của Hwang Sun-mi (Nguyễn Thị Thu Vân dịch. Nhã Nam & NXB Hội Nhà văn), Tôi có quyền hủy hoại bản thân của Kim Young-ha (Võ Thị Lan Khanh dịch. Nhã Nam & NXB Lao động), Thành phố đồ chơi của Le Dong-ha (Đỗ Thị Khánh Vân dịch. NXB Trẻ), Em đã sống vì ai của Kim Kwang-kyu (Lê Đăng Hoan dịch. NXB Hội Nhà văn) làm thành một năm ấn tượng của văn học xứ kim chi tại Việt Nam. Giống như việc chuyển dịch văn học Indonesia vào năm trước, năm nay góp mặt tác phẩm của nhà văn Thái Lan Praphatsorn Seiwikun: Chai thời gian (May, Hoàng Quyên dịch. Nhã Nam & NXB Thời đại), gắn kết hơn sự giao lưu văn hóa nội vùng Đông Nam Á vốn nhiều thưa vắng.
Tuy nhiên, không gian văn học dịch năm 2013 thực sự ưu thắng cho những giá trị (văn chương) kinh điển. Phải nhắc đến đầu tiên là series tác phẩm trong tủ sách Alpha & Omega của Alphabooks: Cộng hòa của Plato (Đỗ Khánh Hoan dịch. NXB Thế giới), Iliad và Odyssêy của Homer (Đỗ Khánh Hoan dịch. NXB Thế giới), Chính trị luận của Aristotle (Nông Duy Trường dịch. NXB Thế giới), Khế ước xã hội của Jean-Jacques Rousseau (Dương Văn Hóa dịch. NXB Thế giới). Tủ sách Tinh hoa văn học của Phương Nam: Một mùa thơ dại của Higuchi Ichiyo (An Nhiên dịch. NXB Hội Nhà văn), Thư gửi bố của Franz Kafka (Đinh Bá Anh dịch. NXB Hội Nhà văn), Nắng tháng Tám của William Faulkner (Quế Sơn dịch. NXB Hội Nhà văn). Tủ sách Cánh cửa mở rộng: Xác thịt về đâu của Samuel Butler (Thái Hòa dịch. NXB Trẻ), Núi thần, tập 1, của Thomas Mann (Nguyễn Hồng Vân dịch. NXB Trẻ). Một số cuốn lẻ khác, có thể kể đến: Văn học và Cái ác của Georges Bataille (Ngân Xuyên dịch. Sao Bắc & NXB Thế giới), Kafka – Vì một nền văn học thiểu số của Gilles Deleuze và Félix Guattari (Nguyễn Thị Từ Huy dịch; Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. NXB Tri thức), Nhạn của Mori Ogai (Hoàng Long dịch. Đông Tây & NXB Văn học),… Và cả một chiến lược được duy trì một cách bền bỉ của Nhã Nam, với: Anne tóc đỏ dưới mái nhà Bạch Dương của Lucy Maud Montgomery (Hồ Thanh Ái & Huyền Vũ dịch. NXB Hội Nhà văn) tiếp vào các tác phẩm đã xuất bản các năm trước của loạt truyện này, Chuyện ở nông trại của George Orwell (An Lý dịch. NXB Hội Nhà văn; sau đó hội ứng với Catalonia tình yêu của tôi (Phạm Nguyên Trường dịch. Alphabooks & NXB Thế giới), làm nên một hiện tượng dịch thuật của năm), Chúa tể những chiếc nhẫn của J.R.R. Tolkien, với hai tập đầu: 1- Đoàn hộ nhẫn (Nguyễn Thị Thu Yến, Đặng Trần Việt dịch; An Lý dịch thơ. NXB Văn học), 2- Hai tòa tháp (Đặng Trần Việt dịch; An Lý dịch thơ. NXB Văn học), Tên của đóa hồng của Umberto Eco (Lê Chu Cầu dịch. NXB Văn học), Ngọc Phương Nam của Jules Verne (Bảo Chân dịch. NXB Hội Nhà văn), Chuyện rừng xanh, quyển 1 & 2, của Rudyard Kipling (Phạm Văn dịch. NXB Hội Nhà văn), Sói thảo nguyên của Hermann Hesse (Lê Chu Cầu dịch. NXB Văn học), Bên phía nhà Swann, tập đầu của bộ kỳ thư Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust (Đặng Thị Hạnh, Lê Hồng Sâm, Dương Tường, Đặng Anh Đào dịch. NXB Văn học), Bài ca mừng Giáng sinh của Charles Dickens (Takya Đỗ dịch. NXB Hồng Đức), Thánh đường của Raymond Caver (Phạm Minh Điệp dịch. NXB Văn học).
Bên cạnh đó, là sự tiếp tục và sự trở lại của các quan tâm tới dịch thuật văn học thiếu nhi. Đây là mảng sách được chú ý từ vài năm trước, và năm nào cũng tạo được dấu ấn về dịch thuật. Năm 2013, bên cạnh việc dịch mới, việc tái bản nhiều bộ sách cũ cũng đem lại sinh khí đáng kể cho bạn đọc nhỏ tuổi. Có thể kể đến việc nhà xuất bản Kim Đồng tổ chức dịch mới trọn bộ 9 tập Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên của Laura Ingalls Wilder (Hoàng Chính, Lưu Diệu Vân dịch. NXB Kim Đồng). Nhã Nam tổ chức dịch mới và tái bản các sáng tác của Antoine de Saint-Exupéry: Hoàng tử bé (Trác Phong dịch. NXB Hội Nhà văn), Những cuộc phiêu lưu mới của Hoàng tử bé: Giải cứu Hành tinh Thời gian (Giang Thanh dịch. NXB Hội Nhà văn), Bay đêm (Châu Diên dịch. NXB Hội Nhà văn), Xứ con người (Nguyễn Thành Long dịch. NXB Hội Nhà văn), tái bản Phù thủy xứ Oz của Frank Baum (Khải Minh dịch. NXB Văn học), Ông già Khottabych của Lazar Laghin (Minh Đăng Khánh dịch. NXB Văn học), các dịch phẩm của Lucy Maud Montgomery, Rudyard Kipling, Hwang Sun-mi, Salman Rushdie, cũng đều là tác phẩm văn học thiếu nhi. Nhà xuất bản Trẻ tái bản hàng loạt sách thiếu nhi của các tác giả Liên Xô cũ, như Alexander Romanovich Belyaev với Người bay Ariel, Người cá, Bột mì vĩnh cửu, Đầu giáo sư Dowel, Vladimir Levshin với Người mặt nạ đen ở nước An Giép, Ba ngày ở nước tí hon, Thuyền trưởng đơn vị,… Tất cả làm nên một năm sôi động và đa dạng của dịch thuật văn học thiếu nhi.
Điểm cuối cùng có thể nhắc đến khi hình dung về đời sống dịch thuật năm 2013, là sự ngẫu nhiên của việc dịch thuật các công trình nghiên cứu, phê bình, nghị luận văn học. Georges Bataille nhìn văn học từ mỹ học, Gilles Deleuze và Félix Guattari nhìn văn học từ triết học, Milan Kundera tiếp tục các lập thuyết văn học, trong khi Orhan Pamuk lại xác định bản thân trong tư cách người đọc. Sự đa dạng của các dịch phẩm này hô ứng với nhau đan dệt nên tấm thảm các diễn giải, cho thấy khả năng và vị thế của nghiên cứu văn học trong những tác động thường xuyên tới hoạt động sáng tạo và tiếp nhận văn học. Hoặc ở một một ngẫu nhiên dịch và đọc khác, việc chuyển ngữ Thư gửi bố của Franz Kafka bổ trợ thêm vào khối lượng tác phẩm của Kafka bằng Việt ngữ, có thể được đọc một cách tương thích với những diễn giải của Gilles Deleuze và Félix Guattari cùng với những hư cấu của Michael Kumpfmüller. Những ngẫu nhiên thế này, theo đó, sẽ bổ ích như chính cách mà các dịch giả và đơn vị xuất bản thực hiện những kế hoạch dài hơi, như việc Nhã Nam hướng tới chuyển dịch đầy đủ bộ Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust với nhóm Dương Tường hay bộ Chúa tể của những chiếc nhẫn của J.R.R. Tolkien với nhóm Đặng Trần Việt.
Nếu như dịch thuật văn học phổ thông từ những năm đầu thế kỷ này đã tiếp sức cho sự phát triển của loại hình văn học phổ thông, khiến nó trở thành một bộ phận đáng kể của đời sống văn học dân tộc, góp vào việc dân chủ hóa đời sống văn hóa, thì việc thúc đẩy dịch thuật văn học tinh hoa ít nhiều cũng mở ra cơ hội tiếp cận với kinh nghiệm thẩm mỹ của văn chương thế giới, làm sâu sắc thêm đời sống tinh thần nhà văn và bạn đọc, chuẩn bị cho những nỗ lực vươn xa rộng của văn học Việt Nam. Những chiến lược giới thiệu tinh hoa văn học, những bồi tụ thẩm mỹ cho bạn đọc nhỏ tuổi, cùng những bổ trợ về diễn giải văn học từ các nền văn học khác nhau trên thế giới đem đến đầu tiên là món quà tinh thần trước mắt cho những mong muốn khám phá thế giới, và về sau này là bề dày kinh nghiệm cho những tham vọng khám phá nghệ thuật. Dẫu rằng con đường còn xa ngái ở phía trước.
Nguồn: Văn nghệ Trẻ