Như tin đã đưa, trong khuôn khổ trại  sáng tác văn học đề tài thiếu nhi đang diễn ra tại TP. Vũng Tàu, tọa đàm Văn học thiếu nhi – Tìm hiểu và tự giới thiệu sẽ được tổ chức vào sáng 14/11/2012 ( NXB Kim Đồng tài trợ). VanVN.Net xin giới thiệu một tham luận của nhà văn trại viên  Bùi Thanh Minh, đến từ Ban sáng tác, Hội Nhà văn Việt Nam.

Văn học viết về đề tài thiếu nhi, hay viết cho thiếu nhi đọc là một mảng đề tài cực kỳ quan trọng. Từ xưa các nhà văn đã hết sức chú ý đề tài này và nó được đánh giá là một mảng đề tài hết sức hấp dẫn và đồng thời cũng rất khó khăn.

Nhìn chung, đội ngũ sáng tác văn học thiếu nhi từ đầu thời kì Đổi mới đã phát triển hùng hậu. Nó chứng tỏ tính chuyên nghiệp của bộ phận sáng tác cho các em. Và cũng vì vậy mà chưa bao giờ, văn học thiếu nhi Việt Nam lại phát triển phong phú như ở thời kì này. Sáng tác cho các em ngày càng có sự mở rộng đề tài cũng như hướng tiếp cận đời sống, tiếp cận trẻ em và khả năng khám phá con người.

Bên cạnh việc kế thừa và phát huy những thành tựu cũ, còn có sự nhìn nhận và khai thác vấn đề ở chiều sâu mới, thực hơn, toàn diện hơn.

Khi chiến tranh đã đi qua, ý thức về “cái tôi” thức dậy, con người ta có cảm hứng đi tìm lại mình. Từ chỗ lấy điểm nhìn xã hội làm hệ quy chiếu, văn học chuyển sang cái nhìn đời tư – thế sự, lấy số phận con người để đánh giá hiện thực và nhìn nhận lại quá khứ. Trên cơ sở đó, những trang viết về kí ức tuổi thơ đã nở rộ như một sự tất yếu, với các tác phẩm tiêu biểu: Tuổi thơ im lặng (Duy Khán), Dòng sông thơ ấu (Nguyễn Quang Sáng), Tuổi thơ dữ dội (Phùng Quán), Tuổi thơ khát vọng (Vũ Đức Nguyên), Đường về với mẹ chữ (Vi Hồng), Bà và cháu (Đặng Thị Hạnh), Miền xanh thẳm (Trần Hoài Dương), Tiếng vọng tuổi thơ (Vũ Bão)…

Tiếp cận trẻ em trong đời sống hiện đại, mối quan tâm lớn nhất của các tác giả là trẻ em trong quan hệ gia đình. Đây là vấn đề nhạy cảm và tinh tế, được đề cập trong nhiều tác phẩm như Út Quyên và tôi, Em gái (Nguyễn Nhật Ánh), Năm đêm với bé Su (Nguyễn Thị Minh Ngọc), Kẻ thù (Quế Hương), Chị (Cao Xuân Sơn)… Sự đổ vỡ của mô hình truyền thống – gia đình ba thế hệ sống vui vầy đầm ấm – cùng sự khắc nghiệt của nền kinh tế thị trường ảnh hưởng không ít tới cuộc sống của mỗi cá nhân, đặc biệt là đời sống trẻ em, đã được Bỏ trốn của Phan Thị Thanh Nhàn, Mảnh vỡ của Lê Cảnh Nhạc,Ngày xưa của Trần Thiên Hương; Nhà không có bố của Nguyễn Thị Mai… phản ánh.

Cuộc sống của trẻ em thành phố được các nhà văn quan tâm ở hai mảng hiện thực: cuộc sống của trẻ em các gia đình khá giả và cuộc sống của những trẻ nhà nghèo, vừa học vừa phải lo toan kiếm sống, thậm chí “đi bụi”. Các tác phẩm tiêu biểu ở đề tài này là Kính vạn hoa (Nguyễn Nhật Ánh), Hoa trên đường phố (Thu Trân), Kiềng ba chân (Đoàn Lư),Ngày khai trường trong mơ (Kim Hài), Tiếp đạm (Nguyễn Thị Ấm). So với các tác phẩm viết về sinh hoạt của trẻ em thành phố, các tác phẩm viết về cuộc sống của trẻ em ở nông thôn ít hơn. Ở mảng hiện thực này, những tác phẩm thơ thường thể hiện niềm vui trong sáng, giản dị của trẻ em thôn quê như Quả thị đi chơi (Nguyễn Hoàng Sơn), Bờ ve ran (Mai Văn Hai), Làng em có điện (Lê Bính), Làng em buổi sáng (Nguyễn Đức Hậu), Ao làng (Nguyễn Thị Thanh), Con trâu (Thanh Thản), Nhà bác trống tía (Nguyễn Ngọc Hưng)… trong khi các tác phẩm văn xuôi lại đề cập tới những số phận, những cảnh đời cụ thể, đượm buồn của con người sống ở nông thôn, như Nước mắt ngày tựu trườngThành hoàng quê ngoại của Đào Hữu Phương…
Đề tài miền núi ngày càng phát triển và ghi nhiều thành tựu với các tác phẩm tiêu biểu: Y Leng (Đào Vũ), Kỉ vật cuối cùng (Hà Lâm Kỳ), Một lớp trưởng khác thường (Lương Tố Nga), Chân trời mở rộng (Đoàn Lư), Đường về với mẹ chữ (Vi Hồng), Truyền thuyết trong mây (Đào Hữu Phương), Chú bé thổi khèn (Quách Liêu), Đồi sói hú (Nguyễn Quỳnh)…

Mảng đề tài viết cho lứa tuổi hoa học trò cũng được khởỉ sắc. Thế giới nội tâm sâu kín cùng những rung động đầu đời, được các tác giả quan tâm khai thác. Có thể kể đến các tác phẩm như Bây giờ bạn ở đâu và Cỏ may ngày xưa của Trần Thiên Hương, Hương sữa đầu mùa của Lê Cảnh Nhạc, Có gì không mà tặng bông hồng của Hồ Việt Khuê, và hàng loạt truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh như Còn chút gì để nhớ, Cô gái đến từ hôm qua, Thằng quỷ nhỏ, Phòng trọ ba người, Nữ sinh

Không chỉ đa dạng về đề tài và thể loại, văn học thiếu nhi sau năm 1975 còn đa dạng về giọng điệu. Có thể khái quát một điều, văn học thiếu nhi giai đoạn trước 1975 khá nhất quán về giọng điệu theo xu hướng ngợi ca hướng về hiện thực cách mạng và đại chúng nhân dân. Đến thời kỳ đổi mới đất nước, đổi mới văn học, việc đề cao ý thức cá nhân đã tác động mạnh mẽ tới văn học thiếu nhi. Các nhà văn viết cho các em đã cố gắng tìm tòi để tạo nên một cách nói riêng, gương mặt riêng, giọng điệu riêng, không nhoè lẫn. Mặt khác, do cách tiếp cận đời sống đa dạng, không bị khuôn vào một hướng duy nhất, văn học đòi hỏi cũng phải đa dạng về giọng điệu mới có thể thể hiện được hiện thực của cuộc sống. Cũng không phải mỗi nhà văn, mỗi tác phẩm chỉ có một giọng điệu mà đôi khi còn có sự phối hợp, đan xen, tạo nên sự đa dạng ngay trong một tác giả. Sự đa dạng của giọng điệu đã chứng tỏ tính cập nhật của văn học thiếu nhi hiện nay, vừa không xa rời lạc lõng với đời sống văn học nói chung vừa tỏ rõ sức mạnh của một bộ phận văn học riêng – văn học dành cho trẻ em.

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách nghiêm túc, từ đầu thời kì Đổi mới đến nay, chúng ta vẫn chưa có nhiều tác phẩm thực sự đặc sắc, đặc biệt là những tác phẩm đỉnh cao mang tầm thời đại có thể coi là đại diện cho văn học thiếu nhi Việt Nam đối với thế giới. Đây là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, của tất cả mọi người chứ không chỉ riêng đội ngũ nhà văn.

“Chơi” được với thiếu nhi thực không dễ, nhất là khi muốn giáo dục đạo đức, nâng cao nhận thức, thẩm mỹ các em qua văn học. Ngoài các chuyện vĩ mô về chính sách, đội ngũ, các chương trình hoạt động thì kỹ năng giúp trẻ tiếp cận với sách đang thiếu hụt.

Văn học cho thiếu nhi, về thiếu nhi đang đặt ra nhiều đòi hỏi mà mỗi thành phần liên quan: Tác giả, gia đình, nhà trường, các tổ chức văn học, xã hội đều phải có câu trả lời của riêng mình cũng như câu trả lời chung đối với những lớp măng non đang lớn lên giữa đủ các vấn đề nóng hổi của đô thị, nông thôn, đạo đức, lối sống, trong đó có nhiều vấn nạn liên quan đến thanh thiếu nhi diễn ra ở mức báo động. Giờ các em trưởng thành hơn chúng ta nghĩ. Chúng ta phải xoay lại, phải thực lòng với các em. Thực lòng sẽ hiệu quả hơn điều mà chúng ta muốn gửi gắm hay ép buộc.

Nguồn: Vanvn.net

Exit mobile version